Tuesday, June 16, 2009

Krishnamurti: Chân lý là đất không lối mòn

Krishnamurti: Chân lý là đất không lối mòn
31/05/2009 | 7:15 sáng |
Nguyễn Ước dịch

Lời người dịch

Jiddu Krishnamurti (thường được gọi tắt là K) chào đời tại miền nam Ấn Ðộ năm 1895 trong một gia đình nghèo, thuộc đẳng cấp Bà la môn. Thân phụ của K là nhân viên ban Bí truyền của Hội Thông thiên học (Theosophy Society), một hội được thành lập chủ yếu bởi nữ nhà văn Nga Helena Petrovna Blavatsky (1831-1891), tác giả đại tác phẩm The Secret Doctrine, the Synthesis of Science, Religion and Philosophy (1888, Mật thuyết, một tổng hợp khoa học, tôn giáo và triết học) và cựu đại tá Anh Henry S. Olcott (1832-1907), người trình bày Phật giáo theo lối hiện đại cho phương Tây và vẽ nên lá cờ ngũ sắc của Phật giáo.
Hội TTH là một tổ chức có tính cách tôn giáo và thần bí, mưu tìm sự tổng hợp của Ðông và Tây cho một tình huynh đệ đại đồng và chuẩn bị thế giới cho biến cố được Hội gọi là sự ra đời lần thứ ba của Ðấng Cứu thế, tức Bồ tát Di lặc hoá thân làm Ðạo sư Thế giới (Teacher of the World). Hai lần hoá thân trước, theo Hội, là tại Ấn trong thần Krishna và tại Do Thái trong Ðức Giêsu Kitô. Hội có cơ sở tại hơn 40 quốc gia, đa số hội viên thuộc giới trí thức hoặc quí tộc hay doanh gia thành đạt. Trụ sở quốc tế của Hội đặt tại Madras, nam Ấn. Tại Sài Gòn trước tháng 5.1975, Hội có trụ sở ở Phú Nhuận, với nhiều hội viên khá nổi tiếng trong chính giới và thương giới, sinh hoạt đều đặn và xuất bản một số kinh điển của TTH.
Năm 1909, K 14 tuổi, được Hội TTH “khám phá sẽ là hoá thân của Ðức Di lặc”. Ông được đem sang Luân Ðôn, Anh, để chuẩn bị vào đại học. Nhưng sau đó, K không đủ điểm tuyển sinh, và suốt đời không tiếp nhận một nền giáo dục chính qui nào, cũng như theo K, ông không bao giờ đọc một cuốn sách nào về triết học và tôn giáo.
Song hành với việc giáo dưỡng K, Hội TTH còn chuẩn bị cho vai trò Ðấng Cứu thế của ông bằng cách lập Dòng tu Ngôi sao (Order of the Star) năm 1911 mà có lúc lên tới 40.000 thành viên, với ngân khoản lớn lao và nhiều bất động sản do các hội viên hiến tặng tại châu Âu, châu Úc, Ấn - và đặt K làm Thủ lãnh. Năm 1923, Hội xác nhận sự thành tựu “chuyển biến tâm linh” của K và chuẩn bị thời điểm đăng vị hoá thân của ông.
Thế nhưng đến ngày 2 tháng 8 năm 1929, trước 3.000 thành viên trong một cuộc trại hằng năm tại Ommen, Hà Lan, K tuyên bố giải tán Dòng tu Ngôi sao, có nghĩa từ khước ngôi vị “Giáo chủ”, đồng thời tuyên bố rằng chân lý là “đất không lối mòn, không thể đến với chân lý qua bất cứ thẩm quyền, hệ thống, tổ chức tôn giáo, xã hội, chính trị nào”. Mỗi người phải đích thân khám phá chân lý qua sự tự biết mình, quan sát và lắng nghe cái đang là (what is), với sự chú ý bằng toàn bộ con người mình. Ngay tự thân hành động ấy ẩn chứa sự biến đổi tận gốc bản thân mỗi người, cái làm một với thế giới. Như thế, bước đầu tiên cũng là bước cuối cùng, và cá nhân mỗi người phải là ánh sáng cho chính mình.
Kể từ đó, K đoạn tuyệt với Hội TTH, quyết định cư trú chính thức tại Hoa Kỳ và chia đều thời gian để đi rao giảng khắp thế giới, tại châu Âu, Nam Phi, Ấn Ðộ và Hoa Kỳ, Nam Mỹ, v.v. Tuy không phủ nhận vai trò Ðạo sư Thế giới, nhưng K đến với cử tọa như một người bạn đời đầy minh triết và “cầm tay nhau” cùng khám phá chân lý. Suốt hơn 60 năm, trong hàng chục ngàn cuộc diễn thuyết, thảo luận nhóm, gặp gỡ những cá nhân muốn tâm sự riêng tư, K mời gọi cử tọa cùng với ông, như những người bạn, thăm dò các chủ đề muôn thuở như tư tưởng, đau khổ, cái chết, thời gian, không gian, sự tĩnh lặng, tính thiêng liêng…
Cũng theo K, con người có thể chấm dứt đau khổ ngay lập tức để có tình yêu, lòng từ bi, trí tuệ và đạt tới cái bên kia tư duy, cái được con người gọi là chân lý, Thượng đế, bản ngã tối cao, nguyên lý tối thượng, cái thiêng liêng nhất, cái hằng cửu… Và nhiệm vụ của tôn giáo là đồng hành với con người trong cuộc hành trình khám phá thực tại đó, chứ không phải là thực hiện những cái vô nghĩa như phẩm trật, nghi lễ, mê tín…
Ðược xem là nhà thuyết giảng tôn giáo tuy đứng riêng và hoàn toàn thù nghịch với các tôn giáo có tổ chức, Krishnamurti cung ứng cho tôn giáo một ngôn ngữ thích hợp với thời đại, một lối nói chuyển tải được những sắc thái và những cái nhìn thấu suốt mà lối nói “thần bí, thẩm quyền” thuở trước ngày nay lắm khi không còn thích đáng với các vấn đề và những thao thức của con người thời hiện đại.
Lời giảng, sự từ bỏ thế tục và lòng từ bi của K tác động lên vô số người trên khắp thế giới, thuộc nhiều trình độ và lãnh vực khác nhau, trong đó có những người quen biết ông, thân tình hoặc chỉ mới đọc ông, nghe ông diễn thuyết, như Pablo Casal, Aldous Huxley, Joseph Campbell, Henry Miller, Van Morrison, Lý Tiểu Long…, đặc biệt các trào lưu tư tưởng, nghệ thuật và các phong trào thanh niên.
Sau lần đầu gặp K. tại Ấn năm 1956, Ðức Ðạt lai Lạt ma (1937- ) đã cảm giác ông là “Một Long Thọ,” gọi ông là “Một tâm hồn vĩ đại, một kinh nghiệm vĩ đại”. Gần 40 năm sau, 1995, ngài tuyên bố tại Madras rằng, “Krishnamurti là một trong những triết gia vĩ đại nhất của thời đại”. David Bohm (1917-1992), triết gia và nhà vật lý cơ học lượng tử hàng đầu đã nói, “Tác phẩm của Krishnamurti thẩm thấu cái cốt tủy của lối tiếp cận khoa học trong hình thức cao nhất và thuần khiết nhất”. Sau khi nghe K diễn thuyết, nhà văn Aldous Huxley (1894-1963) dõng dạc tuyên bố, “Như thể nghe huấn từ của Ðức Phật. Quyền năng như thế, thẩm quyền nội tại như thế”.
Radha Rajagopal, nhà văn Mỹ, người từ lúc chào đời sống chung một mái nhà với K cho tới khi tốt nghiệp đại học, trong một cuốn sách đặt nhiều vấn đề gây tranh cãi về cuộc đời của K, cũng phải thừa nhận: “Với Krinsh [tên thân mật bà thường dùng để gọi K], tôi cảm thấy biết ơn vì nhiều việc. Từ những ngày thơ ấu của tôi, ông đã dạy tôi giải thoát khỏi cuộc tìm kiếm và truy lùng vô vọng sự vị vọng và sự an toàn, các đại sư, tôn sư, các ý thức hệ. Từ ông, tôi học được rằng những so sánh và những nhãn hiệu đưa đến thành kiến và bất hạnh, rằng sự qui thuận đưa đến sự bắt chước tầm thường và rằng không thể có tự do khi còn phạm tội và sợ hãi. Ông khiến tôi tự do thoát khỏi ông và dạy tôi chớ sợ khi đi trên vùng đất không có lối mòn nào”. Lives in the Shadow with Krishnamurti (Những cuộc đời trong bóng tối với Krishnamurti), Nxb Bloomsbury Publishing Ltd., London, 1991, t.323.
Thuyết giảng từ thời hoang mang sau Ðệ nhất Thế chiến tới thời cao kỹ và bùng nổ thông tin, phong cách của K gợi cho ta nhớ tới Trang Tử trong Nam hoa kinh và bước nhảy giải thoát của K làm ta nghĩ tới diễn biến đốn ngộ của Phật giáo. Một sự liên tưởng như thế có thể giúp cho người á đông dễ tiếp cận K hơn nhưng không khỏi gượng ép và chắc chắn bị K phản đối quyết liệt.
Krishnamurti qua đời tại Ojai, California, Hoa Kỳ, năm 1986, hưởng thọ 91 tuổi; tro cốt hoả táng được đem rải tại Ấn, Anh và Mỹ. Ông để lại cho đời các Sáng hội Krishnamurti và các trung tâm sinh hoạt, các trường học mang tên Krishnamurti tại Ấn, Anh và Mỹ, cùng một số lượng khổng lồ lời giảng trong hàng chục ngàn cuốn băng ghi âm, ghi hình, cả chục ngàn trang sách, bản viết tay và thư từ. Lời giảng của K được nghiên cứu trong hơn 200 trường đại học và cao đẳng. Sách ghi lại tư tưởng của K hoặc viết về ông lúc nào cũng thuộc danh sách các sách bán chạy nhất, và thường được dành riêng một khoảng trên kệ sách của các nhà sách lớn.
Tại Nam Việt, từ giữa thập niên 1960, có tới cả chục cuốn sách giới thiệu và dịch tác phẩm của Krishnamurti; tư tưởng của ông rất được các sinh viên, trí thức và giới tu học đón nhận rộng rãi, háo hức tìm đọc. Kể từ tháng 5.1975, Hội TTH Việt Nam bị giải tán, toàn bộ sách Krishnamurti bị tịch thu, tiêu hủy, cấm tàng trử và lưu hành, trong lúc tuổi trẻ ở thế giới bên ngoài ngày càng quan tâm đến ông, đặc biệt trong học giới, tôn giáo, nghệ thuật, các phong trào môi sinh và nhân quyền…. Mãi tới hơn 20 năm sau (2000), sách Krishnamurti mới được phép xuất bản trở lại.
Dưới đây là toàn văn bài ứng khẩu Truth is a Pathless Land (Chân lý là đất không lối mòn) của Krishnamurti khi ông tuyên bố giải tán Dòng tu Ngôi sao, lấy từ cuốn Krishnamurti: Total Freedom, The Essential Krishnamurti, (Krishnamurti: Tự do hoàn toàn, Krishnamurti tinh yếu), Nxb The Krishnamurti Foundation of America, 1966, tt. 14-18. Bạn đọc có thể tìm thấy bản tiếng Anh ở www.tphta.ws/TPH_TIPL.HTM
Trước khi đi vào phần chính văn, chúng tôi xin được nhắc lại lời K thường nói, “Hãy cùng nhau thăm dò như những người bạn. Hãy quên vị đạo sư và hãy chỉ để ý tới lời giảng, dùng nó như chiếc gương, soi mình trong đó và đích thân khám phá.” Và trả lời cho một người đặt câu hỏi về ông, K nói rằng “K là ai, không quan trọng, điều quan trọng là bạn nên thắc mắc mình là ai?”
_______________
Chân lý là đất không lối mòn
Krishnamurti
Sáng nay, chúng ta sẽ thảo luận việc giải tán Dòng tu Ngôi Sao. Nhiều người sẽ hài lòng và nhiều người khác sẽ cảm thấy buồn bã. Việc này không mang tính cách hân hoan hoặc buồn bã vì đó là việc không thể tránh, như tôi sắp sửa giải thích.
Có thể các bạn còn nhớ câu chuyện con quỉ và một người bạn của nó cùng đi xuống phố. Cả hai thấy đằng trước họ một người cúi xuống đất, lượm cái gì đó, nhìn cái đó rồi đút nó vào túi mình. Người bạn nói với con quỉ, “Người kia lượm cái gì vậy?” “Anh ta lượm một mảnh của Chân lý”, con quỉ nói. “Thế thì đó là việc rất tệ hại cho ngươi”, người bạn nói. “Ô, không, chẳng tệ hại chút nào”, con quỉ trả lời, “Tôi sắp sửa để cho anh ta tổ chức cái mảnh đó”.
Tôi xác nhận rằng Chân lý là miền đất không có lối mòn, và các bạn không thể tiếp cận nó bằng bất cứ con đường có sẵn nào, bất cứ tôn giáo nào, bất cứ tông phái nào. Ðó là quan điểm của tôi và tôi trung thành với quan điểm đó một cách tuyệt đối và vô điều kiện.
Vốn không giới hạn, không điều kiện, không thể tiếp cận bằng bất cứ lối đi có sẵn nào, Chân lý không thể bị tổ chức, cũng không nên thành lập bất cứ tổ chức nào để dẫn đạo hoặc để thúc ép người ta đi theo bất cứ con đường cá biệt nào. Nếu trước tiên các bạn hiểu điều đó, thì kế tiếp các bạn sẽ thấy việc tổ chức một tín ngưỡng là bất khả thi biết bao. Lòng tin thì thuần khiết và là một việc cá nhân, và các bạn không thể và không được tổ chức nó. Nếu các bạn làm như thế, nó trở nên chết cứng, cô kết; nó trở thành một tín điều, một tông phái, một tôn giáo, áp đặt lên người khác. Ðó là việc mà mọi người trên khắp thế giới này đang ra sức hoàn thành. Chân lý [vì thế] bị thu hẹp và làm đồ chơi cho những kẻ yếu đuối, cho những kẻ chỉ bất mãn thoáng qua. Chân lý không thể bị hạ xuống mà đúng ra, cá nhân phải nỗ lực tiến lên nó.
Các bạn không thể đem đỉnh núi xuống thung lũng. Nếu muốn lên tới đỉnh núi, các bạn phải vượt qua thung lũng, trèo dốc, không sợ hãi các vách dựng đứng nguy hiểm. Các bạn phải leo tới Chân lý, Chân lý không thể “bước xuống” hoặc tổ chức hóa cho các bạn. Phúc lợi bằng ý tưởng được lưu giữ chủ yếu nhờ các tổ chức, thế nhưng các tổ chức lại chỉ nhận thấy phúc lợi từ bên ngoài. Một phúc lợi không phát sinh từ tình yêu Chân lý vì Chân lý mà phát sinh từ một tổ chức thì phúc lợi ấy chẳng có chút giá trị nào. Tổ chức trở thành một bộ khung và các thành viên của nó có thể tùy nghi thích ứng mình vào đó. Không còn phấn đấu đi theo Chân lý hoặc leo lên đỉnh núi, họ chỉ khoét lấy cho mình một lỗ hốc để chính tay mình hoặc phó cho tổ chức đặt mình vào lỗ đó và họ cho rằng qua đó, tổ chức sẽ dẫn dắt họ tới Chân lý.
Vậy đó là lý do đầu tiên, theo quan điểm của tôi, tại sao nên giải tán Dòng tu Ngôi sao. Bất chấp việc này, có lẽ các bạn sẽ thành lập các Dòng tu khác, các bạn sẽ tiếp tục thuộc về các tổ chức khác đang tìm kiếm Chân lý. Tôi không muốn thuộc về bất cứ tổ chức thuộc loại tinh thần nào, xin các bạn hiểu cho điều này. Hẳn tôi sẽ phải dùng đến một tổ chức mang tôi về Luân Ðôn, thí dụ như vậy; nhưng đó là một loại tổ chức hoàn toàn khác, hoàn toàn có tính cách máy móc như nhà bưu tín hoặc bưu điện. Tôi sẽ dùng xe cộ hoặc tàu bè để đi đó đi đây; những cái đó là máy móc vật chất, hoàn toàn không dính dáng tới trạng thái tâm linh. Thêm lần nữa, tôi xác nhận rằng không một tổ chức nào có thể dẫn đường con người tới trạng thái tâm linh.
Nếu một tổ chức được lập ra vì mục đích ấy, nó trở thành một cái nạng, một yếu kém, một câu thúc, và chắc chắn làm cho cá nhân què quặt, ngăn cản khiến cá nhân không trưởng thành, không xây dựng được tính độc đáo của mình, cái vốn nằm sẵn ở đó để bản thân y tự khám phá Chân lý tuyệt đối và vô điều kiện. Như thế, đó là một lý do nữa tại sao tôi, kẻ ngẫu nhiên làm Thủ lãnh của Dòng tu, quyết định giải tán nó. Ðối với quyết định này, không một người nào thuyết phục tôi cả.
Ðây không là một hành động cao cả, [chẳng qua là] vì tôi không muốn có đệ tử, và tôi có ý như thế. Hễ khoảnh khắc nào các bạn đi theo ai thì khoảnh khắc ấy các bạn ngưng đi theo Chân lý. Tôi không quan tâm việc các bạn có chú ý tới điều tôi nói hay không. Tôi muốn làm một điều nhất định trên thế giới này và tôi sắp sửa làm điều đó với sự tập trung kiên định. Bản thân tôi chỉ đang quan tâm tới việc cốt tủy độc nhất đó: là sao cho con người tự do. Tôi khao khát giải phóng con người khỏi mọi chiếc lồng, khỏi mọi sợ hãi và không mưu tìm một tôn giáo, một tông phái mới, cũng không kiến lập các học thuyết mới, các triết thuyết mới.
Thế thì tất nhiên các bạn sẽ hỏi tôi tại sao tôi lại đi khắp thế giới và liên tục phát biểu. Tôi sẽ nói cho các bạn biết lý do nào khiến tôi làm như thế: không phải vì tôi thèm muốn có sự đi theo mình, không phải vì tôi thèm muốn có một nhóm đặc biệt gồm các môn đệ đặc biệt. (Người ta thích biết mấy được khác biệt với đồng môn, tuy sự phân biệt đó của họ có thể là khôi hài, phi lí và tầm thường! Tôi không muốn khích lệ sự phi lí ấy). Tôi không có môn đệ, không có tông đồ, cả ở chốn trần tục lẫn ở cảnh giới tâm linh.
Sức quyến rũ của tiền tài cũng như sự thèm muốn sống đời tiện nghi không thu hút tôi. Nếu muốn theo đuổi cuộc sống tiện nghi tôi đã không đến dự Trại này hoặc sống ở xứ sở ẩm ướt này! Tôi nói một cách thẳng thắn vì tôi muốn việc này được giải quyết dứt khoát một lần rồi thôi. Tôi không muốn những cuộc thảo luận ấu trỉ này kéo dài hết năm này qua năm nọ.
Một phóng viên báo chí phỏng vấn tôi, anh ta đánh giá lớn lao hành động giải tán một tổ chức có hàng ngàn và hàng ngàn thành viên. Ðối với anh ta thì đó là một việc làm cao cả vì anh ta nói:
“Sau đó ông sẽ làm gì, ông sẽ sống như thế nào? Ông sẽ không có ai theo, người ta không còn lắng nghe ông nữa” Nếu chỉ có năm người sẽ lắng nghe, sẽ sống, hướng mặt tới vĩnh cửu, thế là đủ. Lợi ích gì khi có hàng ngàn người không am hiểu, những kẻ hoàn toàn ghi sâu, một cách trang trọng, trong lòng họ các thành kiến, những kẻ không muốn cái mới, nhưng đúng hơn, chỉ muốn thông giải cái mới ấy sao cho phù hợp với cái tôi cằn cỗi, mụ mẩm của họ? Nếu tôi có phát biểu một cách mạnh mẽ thì xin đừng hiểu lầm tôi; tôi làm như thế không phải là thiếu lòng từ bi. Nếu bạn đến với một bác sĩ để được giải phẩu, và trong khi tiến hành mỗ xẻ, vị bác sĩ ấy làm bạn đau đớn thì có phải ông ta không tử tế với bạn? Vậy, bằng cách giống như thế, nếu tôi có nói một cách thẳng thắn thì đó không phải là thiếu lòng thương cảm chân chính, mà ngược lại.
Như đã nói, tôi chỉ có một mục đích: làm cho con người tự do, thúc giục con người hướng tới giải thoát và giúp cho con người phá vỡ hết thảy các giới hạn, vì chỉ riêng hành động đó cũng sẽ cho con người hạnh phúc vĩnh cửu, sẽ cho nó một sự nhận biết không bị điều kiện hóa cái bản ngã của mình.
Vì tôi tự do, không bị điều kiện hóa, toàn bộ - không phải một phần, không phải tương đối, nhưng toàn bộ Chân lý là vĩnh cửu - nên tôi khao khát những ai tìm cách am hiểu tôi đều được tự do, không đi theo tôi, không từ tôi làm ra chiếc lồng, cái sẽ trở thành tôn giáo, tông phái. Mà là họ được giải phóng khỏi mọi sợ hãi - khỏi sự sợ hãi tôn giáo, khỏi sự sợ hãi của tình trạng nô lệ, khỏi sự sợ hãi của trạng thái tinh thần, khỏi sự sợ hãi của tình yêu, khỏi sự sợ hãi của cái chết, khỏi sự sợ hãi của chính cái sống. Như một nghệ sĩ vẽ bức tranh vì người ấy tìm thấy niềm thích thú trong bức tranh, vì nó là sự tự thể hiện mình, là vinh quang của mình và hạnh phúc của mình, thì tôi làm việc này cũng như thế, tôi không muốn bất cứ điều gì từ bất cứ ai.
Các bạn quen với tình trạng có thẩm quyền hoặc với bầu khí thẩm quyền mà các bạn nghĩ rằng nó sẽ dẫn dắt mình tới trạng thái tâm linh. Các bạn nghĩ và hy vọng rằng một người khác có thể, bằng những quyền năng khác thường - bằng phép lạ - mang các bạn tới cảnh giới giải thoát vĩnh cửu, cái là Hạnh phúc. Toàn bộ cách nhìn của các bạn về cuộc đời bị đặt trên tính chất thẩm quyền ấy.
Các bạn đã lắng nghe tôi suốt ba năm nay, bền lòng chẳng chút đổi thay trừ một ít người. Giờ đây các bạn hãy phân tích những gì tôi phát biểu, hãy phê bình, để có thể hiểu trọn vẹn, hiểu tận nền tảng. Khi tìm kiếm một thẩm quyền để dẫn dắt mình tới trạng thái tâm linh, các bạn buộc lòng phải tự động dựng lên một tổ chức chung quanh kẻ thẩm quyền đó. Bằng chính việc tạo ra một tổ chức mà các bạn cho rằng nó sẽ giúp cho kẻ thẩm quyền hướng dẫn các bạn tới trạng thái tâm linh, các bạn lại khiến cho mình bị nhốt vào một chiếc lồng.
Nếu tôi phát biểu một cách thẳng thắn thì xin nhớ cho rằng tôi làm như thế không phải phát xuất từ sự khắc nghiệt, không phải phát xuất từ sự thô bạo, không phải phát xuất từ lòng sôi nổi với cứu cánh của mình, mà chỉ vì tôi muốn các bạn hiểu rõ điều tôi có ý nói. Ðó là lý do tại sao các bạn có mặt nơi đây, và hẳn sẽ mất thì giờ nếu tôi không giải thích quan điểm của mình một cách rõ ràng và dứt khoát.
Mười tám năm nay các bạn đã chuẩn bị cho biến cố này, cho sự Giáng lâm của Ðạo sư Thế giới. Trong suốt 18 năm, các bạn tổ chức, các bạn tìm kiếm ai đó ban cho tâm hồn và tâm trí của các bạn niềm thú vị mới, ai đó làm biến đổi toàn bộ cuộc đời của các bạn, ai đó cho các bạn sự am hiểu mới, ai đó nâng các bạn lên và đưa các bạn vào một tầm mức phát triển mới cho cuộc sống, ai đó cho các bạn sự khích lệ mới, ai đó làm cho các bạn được giải thoát - và giờ đây các bạn hãy nhìn những gì đang xảy ra!
Các bạn hãy cân nhắc, hãy lý luận bằng chính bản thân mình và hãy khám phá bằng cách nào niềm tin làm cho mình khác biệt - không phải là sự khác biệt bề mặt của việc đeo phù hiệu, [vì] cái đó vốn tầm thường và phi lý. Bằng cách nào mà niềm tin quét sạch tất cả những gì không cốt tủy của cuộc sống? Chỉ có một cách thẩm xét thôi: bằng cách nào các bạn tự do hơn, lớn lao hơn, nguy hiểm hơn cho mọi Hiệp hội đang đặt nền tảng trên sự giả trá và trên những gì không cốt tủy? Bằng cách nào mà thành viên của tổ chức Ngôi sao này trở nên khác biệt?
Như tôi đã nói, suốt 18 năm nay các bạn đã chuẩn bị cho tôi. Tôi không màng tới việc các bạn có tin tôi là Ðạo sư Thế giới hay không. Ðiều ấy chỉ quan trọng chút ít thôi. Vì thuộc về tổ chức của Dòng tu Ngôi sao nên các bạn cống hiến thiện cảm của các bạn, năng lực của các bạn, trong việc thừa nhận Krishnamurti là Ðạo sư Thế giới - một cách cục bộ hay toàn bộ: toàn bộ đối với những ai đang thật sự tìm kiếm, cục bộ đối với những ai đang mãn nguyện với một nửa mảnh chân lý của mình.
Các bạn đã và đang chuẩn bị suốt 18 năm nay và hãy nhìn bao nhiêu nỗi khó khăn đang ở trên con đường am hiểu của các bạn, bao nhiêu sự phức tạp, bao nhiêu cái tầm thường. Thành kiến của các bạn, sợ hãi của các bạn, các kẻ thẩm quyền của các bạn, các giáo hội tân và cựu của các bạn - hết thảy những cái đó, tôi quả quyết rằng, đều là hàng rào ngăn cản sự am hiểu. Ðiều này tôi không thể tự mình làm cho rõ ràng hơn. Tôi không muốn các bạn đồng ý với tôi. Tôi không muốn các bạn đi theo tôi. Tôi chỉ muốn các bạn am hiểu điều tôi đang phát biểu.
Sự am hiểu này là thiết yếu vì niềm tin của các bạn chẳng những đã không tạo được sự khác biệt cho các bạn mà chỉ khiến cho các bạn rối rắm, và cũng vì các bạn không có ý muốn đối mặt với mọi sự đúng như chúng đang là. Các bạn muốn có những thần linh của chính mình - những thần linh mới thay thế cho những thần linh cũ, những tôn giáo mới thay thế cho những tôn giáo cũ, những hình thức mới thay thế cho những hình thức cũ - tất cả những cái đó đều vô giá trị như nhau, đều hoàn toàn là những rào cản, những giới hạn và là những chiếc nạng.
Thay thế vào những phân biệt tinh thần cũ, thay thế vào những thờ phượng cũ, các bạn có những thờ phượng mới. Các bạn hoàn toàn để tinh thần của mình lệ thuộc vào người nào khác, để hạnh phúc của mình lệ thuộc vào người nào khác, để sự giác ngộ của mình lệ thuộc vào người nào khác; và mặc dù các bạn đã và đang chuẩn bị cho tôi suốt 18 năm nay nhưng khi tôi nói rằng hết thảy những việc đó không cần thiết, khi tôi nói rằng các bạn phải bỏ hẳn chúng mà nhìn vào nội tâm mình, để giác ngộ, để cho sự vinh quang, sự thuần khiết và sự bất hoại của bản ngã, thì không một người trong các bạn đang có ý muốn làm điều đó. Có thể có một ít, nhưng rất ít, rất ít.
Thế thì tại sao có tổ chức?
Tại sao có người giả dối, giả nhân giả nghĩa đi theo tôi, xem tôi là biểu hiện của Chân lý? Xin các bạn nhớ cho rằng tôi không có ý nói tới điều gì khắc nghiệt hoặc không tử tế nhưng chúng ta đang với tới một tình trạng ở đó có những vấn đề các bạn phải đối mặt. Năm ngoái tôi đã nói rằng tôi sẽ không thỏa hiệp. Lúc ấy chỉ rất ít người lắng nghe tôi. Năm nay tôi nói rõ ra điều ấy, minh bạch một cách tuyệt đối. Tôi không hiểu tại làm sao hàng ngàn người trên khắp thế giới - thành viên của Dòng tu - đã và đang chuẩn bị cho tôi suốt 18 năm qua, nay lại không có ý muốn nghe, một cách vô điều kiện và toàn bộ, những gì tôi nói.
Thế thì tại sao có tổ chức?
Như tôi đã nói trước đây, mục đích của tôi là làm cho con người giải thoát vô điều kiện, vì tôi xác nhận rằng chỉ có tâm linh là trạng thái bất hoại của bản ngã, là vĩnh cửu, là sự hoà hợp giữa lý trí và tình yêu. Ðó là Chân lý tuyệt đối, vô điều kiện, và là chính Sự sống. Bởi thế tôi muốn sao cho con người tự do, hân hoan như chim giữa bầu trời trong trẻo, không nặng gánh, độc lập và ngây ngất trong tự do đó. Và vì các bạn, những người đã chuẩn bị 18 năm nay, lúc này tôi nói rằng các bạn phải được giải thoát khỏi toàn bộ những điều ấy, giải thoát khỏi những rối rắm của mình. Vì sự giải thoát ấy nên các bạn không cần có một tổ chức đặt căn bản trên niềm tin tinh thần. Tại sao có một tổ chức cho năm hoặc mười người trong một thế giới mà họ am hiểu, họ phấn đấu, họ đặt sang một bên tất cả những cái lặt vặt không đáng kể? Còn đối với những kẻ nhu nhược thì không tổ chức nào có thể giúp cho họ nhận ra Chân lý, vì Chân lý ở trong mỗi người; nó không ở xa, nó không ở gần; nó vĩnh viễn ở ngay đó.
Các tổ chức không thể làm cho các bạn tự do. Không ai bên ngoài có thể làm cho các bạn giải thoát: không sự thờ phượng có tổ chức và không sự hãm mình vì một nguyên cớ có thể khiến cho các bạn được giải thoát, không việc lao bản thân mình vào công tác có thể khiến cho các bạn được giải thoát. Các bạn dùng máy đánh chữ để viết thư nhưng các bạn không đặt nó lên bàn thờ mà thờ phượng nó. Thế nhưng đó là điều các bạn hẳn sẽ làm khi các tổ chức trở thành mối quan tâm chính của các bạn.
“Có bao nhiêu trại sinh ở đây nằm trong tổ chức?” Ðó là câu đầu tiên các phóng viên báo chí hỏi tôi.
“Ông có bao nhiêu người theo ông? Bằng vào số lượng người đi theo ấy chúng tôi sẽ phán xét điều ông phát biểu đúng hay sai.” Tôi không biết có bao nhiêu người đang ở đây. Tôi không quan tâm tới điều đó. Như tôi đã nói, thậm chí nếu chỉ có một người muốn sao cho giải thoát thì đối với tôi như thế là đủ.
Thêm nữa, các bạn có ý tưởng rằng nhất định phải có người đang giữ chìa khóa của Vương quốc Hạnh phúc. Không ai giữ chìa khóa ấy. Không ai có quyền giữ nó cả. Chìa khóa ấy chính là bản ngã của bạn, và Vương quốc Vĩnh cửu ấy hiện hữu trong sự triển khai, trong sự thuần khiết và trong sự bất hoại của tự thân bản ngã mà thôi.
Như thế các bạn thấy phi lý biết bao toàn bộ cấu trúc được các bạn dựng lên trong khi các bạn tìm kiếm sự phù trợ vĩnh cửu, trong khi lệ thuộc vào người khác để có ủi an, để có hạnh phúc, để có sức mạnh của mình. Các bạn chỉ có thể tìm kiếm những cái ấy trong chính bản thân mình, trong chính các bạn.
Thế thì tại sao có tổ chức?
Các bạn có thói quen để cho ai đó nói cho biết rằng các bạn đã tiến bộ ngang đâu, trạng thái tâm linh của các bạn tới lúc này ra sao? Thật ấu trỉ! Nếu nội tâm các bạn đẹp đẽ hoặc xấu xa thì ngoài các bạn ra còn ai có thể nói cho các bạn biết? Nếu các bạn bất hoại thì ngoài các bạn ra còn ai có thể nói cho các bạn biết? Trong các việc này, các bạn chẳng nghiêm chỉnh chút nào!
Thế thì tại sao có tổ chức?
Nhưng chính những người thật sự khao khát thông hiểu, những người đang trông mong sẽ tìm thấy cái là vĩnh cửu, không bắt đầu, không kết thúc và cùng nhau bước đi với sự tập trung sâu xa các nỗ lực của mình, họ sẽ là mối nguy cho tất cả những gì không cốt tủy, cho những gì không hiện thực, cho các bóng tối. Và những người ấy sẽ tập họp, họ sẽ trở thành ngọn lửa, vì họ am hiểu. Chúng ta phải tạo ra bộ phận như thế và đó là mục đích của tôi. Do bởi sự am hiểu chân chính mà sẽ có tình bằng hữu chân chính. Do bởi tình bằng hữu chân chính - cái hình như các bạn không biết - sẽ có sự hợp tác thật sự trong phần của mỗi người. Và điều đó không do bởi thẩm quyền, không do bởi sự cứu độ, không do bởi sự hi sinh cho một nguyên cớ, nhưng do bởi các bạn thật sự am hiểu, và từ chỗ đó có các bạn có khả năng sống trong vĩnh cửu. Ðây là cái lớn lao hơn mọi khoái cảm và mọi hy sinh.
Như thế, đó là một số lý do tại sao, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng suốt hai năm qua, tôi lập quyết định này. Nó không xuất phát từ sự bốc đồng trong khoảnh khắc. Tôi không bị bất cứ ai thuyết phục về quyết định này - tôi không để cho mình bị thuyết phục trong những sự việc như thế này. Trong hai năm qua, tôi đã suy nghĩ về vấn đề này, một cách chậm rãi, thận trọng, nhẫn nại, và giờ đây tôi quyết định giải tán Dòng tu như tôi đã ngẫu nhiên là Thủ lãnh của nó. Các bạn có thể hình thành các tổ chức khác và kỳ vọng vào người nào đó khác. Tôi không quan tâm tới việc đó, cũng như tới việc làm ra các chiếc lồng mới cùng những trang trí mới cho chiếc lồng ấy. Quan tâm độc nhất của tôi là sao cho con người tự do một cách tuyệt đối, vô điều kiện.
© 2009 Nguyễn Ước

© 2009 talawas blog

THƠ : PHÚT LINH CẦU

PHÚT LINH CẦU


Trần Hồ Dũng


Tìm nhau tự cõi ngàn xưa

Tìm nhau qua ngọn gió đùa nghìn sau

Tìm nhau trong phút linh cầu

Thấy nhau cuối giọt sương đầu nụ hoa


THD. Sài Gòn , 19.5.2009

THƠ : ĐI TÌM - Trần Hồ Dũng

ĐI TÌM


Trần Hồ Dũng


Tôi về tìm lại tôi xưa

Tìm tôi trong chốn em vừa bỏ quên

Nghe trong chiều rất êm đềm

Chút hương ngày cũ rơi mềm tóc sương


tranhodung. saigon 30.05.2009

THƠ : TÌM NHAU - Trần Hồ Dũng

TÌM NHAU

Trần Hồ Dũng


Tìm nhau tự cõi ngàn xưa

Thấy nhau trong ngọn gió đùa nghìn sau

Tìm nhau trong phút linh cầu

Thấy con chim hót trên đầu ngọn cây

Tìm nhau trong chiếc lá bay

Thấy nhau trong khói hương lay đá vàng

Tìm nhau trong giấc mộng tàn

Thấy nhau trong cõi thiên đàng bỏ quên


THD .SG 20/5/2009

THƠ : HÓA THÂN

HÓA THÂN

Trần Hồ Dũng


Tiễn ai trời đất hóa vàng

Trầm hương nát khói , lạnh tràn cõi sau

Nằm nghe vọng tiếng nhiệm mầu

Kinh trầm nhịp mõ trước đầu áo quan

“Kiếp người cát bụi hợp - tan

Có - Không , một giấc mộng vàng phai phôi”

Gió tung ngựa hí lên rồi

Thôi người ở lại luân hồi ta đi

Còn em về níu xuân thì

Nhớ nhau xin gửi đóa Quỳ dưới trăng


tranhodung.saigon .02.05.2009

Khalil Gibran - Ðịnh mệnh của thi sĩ

Khalil Gibran - Ðịnh mệnh của thi sĩ
14/06/2009 | 1:39 sáng |
Nguyễn Ước dịch
Tiếng nói của một thi sĩ
1.
Trong lòng tôi gieo rất sâu sức mạnh của hạt giống từ tâm; tôi gặt lúa, gom thành từng bó và đem cho người đang đói.
Linh hồn tôi cung cấp sự sống cho cành nho, tôi ép các chùm quả lấy nước cho người đang khát.
Ngọn đèn của tôi trời châm đầy dầu, tôi đặt nó nơi cửa sổ nhà mình để người lạ biết hướng đi qua bóng tối.
Hết thảy những điều đó tôi làm vì tôi sống trong chúng; nếu định mệnh trói đôi tay tôi, ngăn không để tôi làm như thế, lúc ấy nỗi khao khát độc nhất của tôi là cái chết. Vì tôi là thi sĩ, nếu chẳng thể cho đi, tôi sẽ không chịu nhận vào.
Loài người nổ bùng cơn thịnh nộ như bão tố, còn tôi, tôi im lặng thở dài vì tôi biết giông bão sẽ qua đi còn tiếng thở dài thấu tới Thượng đế.
Bản tính loài người là bám víu những điều tục lụy, còn tôi, tôi mải miết ôm ấp ngọn đuốc tình yêu để lửa của nó thanh tẩy tôi và để đốt sạch khỏi lòng tôi tính bất nhân.
Những điều thực tiễn trong cuộc đời làm con người lìm lịm chết không chút khổ sở, nhưng tình yêu đánh thức y trỗi dậy bằng những đau đớn bồi hồi.
Loài người phân chia thành dòng giống và bộ tộc, thành xứ sở và thị trấn, còn tôi, tôi thấy mình là người lạ đối với mọi cộng đoàn và tôi không thuộc về một chốn cư ngụ nào.
Vũ trụ là xứ sở tôi và gia đình loài người là bộ tộc tôi.
Loài người yếu ớt, và buồn biết mấy khi ngay giữa họ có phân rẽ. Thế giới này hẹp, và chẳng khôn chút nào khi chia cắt thành các vương quốc, đế quốc và nước này tỉnh nọ.
Bản tính loài người khiến họ tự hiệp nhất là chỉ để phá hủy các đền đài của linh hồn, và để nối tay nhau xây nên dinh thự cho các cơ quan trần thế. Còn tôi, tôi đứng cô đơn lắng nghe từ trong sâu thẳm lòng mình vọng lên tiếng nói: “Khi tình yêu bằng những đớn đau làm sống động trái tim nhân thế thì vô minh dạy cho con người sự am hiểu”. Ðớn đau và vô minh dẫn tới hoan lạc cao thượng và hiểu biết sâu xa, vì Ðấng tối cao chẳng tạo ra điều gì vô ích dưới ánh mặt trời.

2.
Lòng tôi ao ước nhiều điều cho xứ sở xinh đẹp của mình và hồn tôi yêu thương người dân quê hương vì những khốn cùng của họ. Nhưng nếu dân tôi vùng lên do lòng cướp bóc khích động và do cái gọi là “tinh thần yêu nước” thúc bách, để giết người và để xâm lăng xứ sở láng giềng, lúc ấy, vì tội ác độc dữ đối với con người đó, tôi sẽ căm ghét dân tôi cùng xứ sở tôi.
Tôi ca vang lời tán tụng nơi mình cư ngụ và khát khao thấy lại nơi mình chào đời; nhưng nếu hai nơi ấy không chịu làm chỗ trú ẩn và từ khước cung cấp lương thực cho người lữ thứ, tôi sẽ bằng tiếng nói trong lòng mình biến lời tán tụng ấy thành cơn căm giận và nỗi khát khao ấy thành niềm quên lãng. Tiếng lòng tôi sẽ vang lên: “Vì ngôi nhà này không làm mãn nguyện người đang cần tới, nên nó đáng bị hủy diệt”.
Tôi yêu làng quê trong tình tôi yêu đất nước, tôi yêu đất nước trong tình tôi yêu quả đất và mọi miền quả đất đều là xứ sở của tôi. Tôi yêu quả đất bằng những gì tôi có vì đó là nơi nương náu của loài người, tinh thần biểu thị của Thượng đế.
Loài người là tinh thần của Ðấng Tối cao nơi trần thế và loài người đang đứng giữa những điêu tàn không thể thấy, đang che giấu mọi trần truồng của nó đằng sau các miếng giẻ tả tơi, đang tuôn dòng nước mắt trên đôi má hóp, đang kêu gọi con cái bằng tiếng nói xót thương. Nhưng con cái của nó đang bận rộn hát quốc ca, đang bận rộn mài sắc lưỡi kiếm và chẳng thể nào nghe ra tiếng gào la của mẹ mình.
Loài người khẩn thiết van xin con dân của nó nhưng chúng chẳng lắng nghe. Nếu kẻ này nghe ra, ủi an và lau nước mắt cho mẹ mình, kẻ kia sẽ nói “Lòng nó yếu mềm bị tình cảm tác động”.
Loài người là tinh thần của Ðấng Tối ca nơi trần thế, và Ðấng Tối cao giảng dạy tình yêu cùng thiện chí. Nhưng dân chúng chế giễu lời rao giảng ấy. Giêsu Người Nadarét đã lắng nghe, và cuộc đóng đinh là phần số của ngài; Socrates đã lắng nghe và rồi cũng chịu thua hết thảy. Môn đệ của Người Nadarét và Socrates đều là những kẻ đi theo của Thượng đế, và vì dân chúng sẽ không giết họ, chỉ nhạo báng họ, nên có lời nói rằng: “Nhạo báng thì đắng cay hơn giết chết”.
Giêrusalem không giết nổi Người Nazareth, Athens cũng chẳng giết nổi Socrates: cả hai đang sống và sẽ sống mãi. Nhạo báng không thể chiến thắng những người đi theo Thượng đế vì họ vẫn sống và gia tăng lên mãi.

3.
Bạn là người anh em của tôi vì tôi thương yêu bạn; cả hai chúng ta đều là con của một Tinh thần độc nhất; chúng ta chẳng ai hơn ai và được làm thành bởi cùng một thứ đất.
Bạn ở đây làm người cùng tôi chung bước trên lối đi cuộc đời và bạn là kẻ giúp cho tôi am hiểu ý nghĩa của Chân lý ẩn mật. Bạn là con người, với tôi thực tế ấy là đủ, và tôi thương yêu bạn như người anh em của tôi. Bạn có thể nói về tôi bằng những lời do bạn chọn vì Ngày mai sẽ đem bạn đi mãi mãi và sẽ dùng lời luận bàn của bạn làm bằng chứng xét xử, và lúc đó bạn tiếp nhận công lý.
Bạn có thể lấy đi mọi thứ tôi sở hữu vì những của cải tích lũy ấy do bởi lòng tham xúi giục tôi, và bạn có quyền có tất cả những cái ấy của tôi nếu chúng sẽ làm mãn nguyện bạn.
Bạn có thể đối xử với tôi bằng mọi cách bạn muốn nhưng bạn chẳng thể nào chạm tới Chân lý của tôi.
Bạn có thể làm đổ máu tôi và thiêu rụi thể xác tôi nhưng bạn chẳng thể nào tiêu diệt hay làm tổn thương tinh thần tôi.
Bạn có thể xiềng tay tôi, cùm chân tôi và tống tôi vào nhà ngục tối tăm, nhưng bạn chẳng thể nào biến tư duy của tôi thành nô lệ vì nó tự do, tựa làn gió mát giữa trời cao rộng.
Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn. Tôi thương yêu bạn khi bạn dâng lễ trong nhà thờ, khi bạn bái lạy trong đền chùa, khi bạn nguyện cầu trong thánh đường Hồi giáo. Bạn và tôi đều là con cái của một tín ngưỡng vì mọi lối đi muôn hình muôn vẻ của tôn giáo chỉ là các ngón của bàn tay thương yêu Ðấng Tối cao xòe ra cho hết thảy sinh linh, cống hiến một tổng thể tinh thần cho hết thảy và khắc khoải nhận vào hết thảy.
Tôi thương yêu bạn vì Chân lý của bạn bắt nguồn từ am hiểu của bạn và vì sự ngu dốt của mình nên tôi không thể thấy Chân lý đó. Nhưng tôi tôn kính nó như một điều thiêng liêng do bởi nó là một hành động của tinh thần. Chân lý của bạn sẽ gặp Chân lý của tôi trong thế giới đang đến, rồi cùng nhau hòa lẫn như hương thơm của các đóa hoa, và trở thành Chân lý toàn bộ và miên viễn, thẩm thấu và sống động trong vĩnh cửu của Tình yêu và Cái đẹp.
Tôi thương yêu bạn vì bạn yếu đuối trước kẻ áp bức mạnh bạo, và bạn nghèo khó trước kẻ giàu có tham lam. Các nguyên cớ ấy làm tôi ứa nước mắt vỗ về bạn; và từ đằng sau những giọt lệ, tôi thấy cánh tay Công lý ôm ấp bạn và bạn đang nở nụ cười tha thứ kẻ áp bức mình. Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn.

4.
Bạn là người anh em của tôi nhưng cớ sao bạn tranh chấp với tôi, cớ sao bạn xâm lăng đất nước tôi và cớ sao bạn ra sức khuất phục tôi để làm vừa lòng kẻ đang tìm kiếm vinh quang và quyền lực?
Cớ sao bạn để lại vợ con mình, đi theo Thần chết tới vùng đất xa xăm vì kẻ mua vinh quang bằng máu của bạn và danh dự bằng nước mắt của mẹ bạn?
Có phải đối với con người, danh dự là giết chết người anh em của mình? Nếu cho rằng đó là danh dự, bạn hãy xem nó như một hành động lễ bái, và hãy dựng lên một đền thờ cho Cain, kẻ cuồng sát Abel em mình.
Có phải sự tự bảo tồn là định luật thứ nhất của thiên nhiên? Vậy cớ sao tham lam xúi giục bạn hiến thân chỉ để thành tựu mục đích của nó trong hành động làm thương tổn anh em mình? Người anh em của tôi ơi, hãy đề phòng kẻ lãnh đạo nào nói: “Tình yêu cuộc sinh tồn buộc chúng ta phải tước bỏ quyền của dân chúng!” Tôi chỉ nói với bạn rằng: bảo vệ quyền của người khác là hành động nhân tính cao nhã nhất và đẹp đẽ nhất; nếu cuộc sinh tồn đòi hỏi tôi phải giết kẻ khác, thế thì cái chết là vinh dự hơn cho tôi, và nếu tôi không tìm được ai đó giết tôi để tôi bảo vệ danh dự cho mình, lúc đó tôi sẽ không ngại ngần, bằng chính bàn tay tôi, lấy đi sự sống của mình vì Vĩnh cửu trước khi Vĩnh cửu đến.
Hỡi người anh em của tôi, tính ích kỷ là nguyên cớ của lòng tự tôn mù lòa, và lòng tự tôn tạo ra tinh thần phe đảng và tinh thần phe đảng tạo ra thẩm quyền, cái dẫn tới bất hòa và tranh giành quyền kiểm soát.
Linh hồn tin rằng quyền năng của am hiểu và công lý thì ở bên trên ngu dốt tối tăm; nó không chấp nhận thứ thẩm quyền cung cấp gươm đao để phòng ngự, để củng cố vô minh và áp bức - thứ thẩm quyền đã hủy diệt Babylon, lung lay nền móng Jerusalem và để cho La Mã điêu tàn. Chính thứ thẩm quyền đó khiến dân chúng gọi các tên tội phạm là vĩ nhân, khiến các nhà văn tôn trọng danh tính của chúng và khiến các sử gia kể lại các câu chuyện bất nhân của chúng bằng bút pháp tán tụng.
Thẩm quyền duy nhất tôi vâng phục chính là sự am hiểu, canh giữ và chấp nhận Ðịnh luật Tự nhiên của Công lý.
Thẩm quyền cho thấy công lý nào khi nó giết chết kẻ giết người? Khi nó bỏ tù kẻ cướp bóc? Khi nó tấn công đất nước láng giềng và giết người dân xứ ấy? Thẩm quyền nghĩ tới công lý nào khi kẻ sát nhân trừng phạt kẻ giết người và kẻ cắp kết án kẻ trộm?
Bạn là người anh em của tôi và tôi thương yêu bạn; và Tình yêu là công lý với đầy đủ cường độ và trọn vẹn phẩm cách của nó. Nếu công lý ấy chẳng tiếp tay cho tình tôi thương yêu bạn bất chấp bộ tộc và cộng đoàn của bạn, thì tôi chỉ là gã lừa đảo đang che giấu lòng xấu xa ích kỷ đằng sau lớp giả trang tình yêu thuần khiết bên ngoài.

Khúc kết
Linh hồn tôi là bạn của tôi, ủi an tôi trong cơn khốn khổ và ưu phiền của cuộc đời. Người không đối xử với linh hồn mình như bè bạn, sẽ là kẻ thù của loài người, và người không tìm kiếm sự hướng dẫn nhân tính từ nội tâm mình, sẽ bạt mạng tiêu vong. Sự sống xuất hiện từ chính bên trong và bạn ơi, đừng rút tỉa nó từ những chốn loanh quanh bên ngoài.
Tôi đến để nói một lời, và lúc này tôi sẽ nói. Nhưng nếu cái chết ngăn không cho tôi nói, lời ấy sẽ được nói Ngày mai vì Ngày mai không để lại bí mật nào trong cuốn sách Vĩnh cửu.
Tôi đến để sống trong vinh quang của Tình yêu và ánh sáng của Cái đẹp, là những phản ánh của Thượng đế. Tôi đang sống ở đây và người ta chẳng thể nào lưu đày tôi khỏi lãnh địa cuộc đời bởi họ biết rằng tôi sẽ sống trong cái chết. Nếu họ khoét đi mắt tôi, tôi sẽ lắng đôi tai nghe tiếng thầm thì của Tình yêu và những khúc ca của Cái đẹp.
Nếu người ta bịt kín tai tôi, tôi sẽ vui hưởng hơi gió đang chạm nhẹ thịt da mình mang theo mùi hương hòa quyện của Tình yêu và Cái đẹp.
Nếu người ta đặt tôi trong chân không, tôi sẽ sống chung với linh hồn tôi, đứa con của Tình yêu và Cái đẹp.
Tôi đến đây cho hết thảy và với hết thảy; và điều hôm nay tôi làm trong cô đơn Ngày mai sẽ vọng tới dân chúng.
Ðiều tôi nói hôm nay bằng con tim mình sẽ được nói ngày mai bằng nhiều con tim.

Thi sĩ
Y là mối liên kết giữa thế giới này và thế giới đang tới. Y là
Con suối tinh khiết mọi linh hồn đang khát có thể uống.

Y là cây tưới bằng nước của Dòng sông Cái đẹp, và
Sinh quả khiến tâm hồn đang đói thèm thuồng.
Y là chim họa mi vỗ về những tinh thần
Chán nản bằng giai điệu tuyệt vời
Y là mây trắng xuất hiện đằng chân trời,
Ðang bay lên giăng kín bầu trời và tỏa xuống
Xâm nhập các đóa hoa trên Cánh đồng Sự sống
Và khai mở cánh hoa để tiếp nhận ánh sáng.

Y là thiên thần do thần nữ sai đi
Rao giảng tin lành của Thượng đế;
Y là cây đèn chói lọi, bóng tối không thể khuất lấp
Và gió không thể thổi tắt. Y được châm đầy dầu
Bởi thần nữ tình yêu Ishtar và chiếu sáng bởi thần nam âm nhạc Apollon.

Y là nhân vật cô độc, khoác chiếc áo đơn sơ và
Tử tế; Y ngồi trên lòng của Thiên nhiên để lấy
Niềm cảm hứng, và trong im lặng trời đêm,
Y sẵn sàng chờ đợi sự giáng lâm của tinh thần.

Y là người đi gieo hạt giống con tim mình trên
Các cánh đồng yêu thương, và tới mùa
Loài người gặt về làm dưỡng chất.

Ðây là thi sĩ - kẻ bị dân chúng ngó lơ trong cuộc đời này,
Kẻ chỉ được thừa nhận sau khi đã nói lời vĩnh biệt
Thế gian và trở về chốn im mát trên trời.
Ðây là thi sĩ - kẻ đòi hỏi loài người
Chỉ một nụ cười.

Ðây là thi sĩ - kẻ tinh thần hướng lên cao và làm
Chan chứa bầu trời bằng những lời đẹp đẽ;
Cho dẫu dân chúng phủ định hào quang của y.
Cho tới khi dân chúng vẫn còn say ngủ?
Cho tới khi họ tiếp tục vinh danh
Các kẻ được tiếng vĩ nhân nhờ những khoảnh khắc lợi thế?
Còn bao lâu nữa họ ngó lơ những người làm cho họ
Có khả năng nhận thấy vẻ đẹp của tinh thần họ,
Biểu tượng của bình an và tình yêu?
Cho tới khi loài người vẫn vinh danh kẻ chết
Và lãng quên người sống đang trang trải
Cuộc đời khốn khổ bủa vây và tự hút cạn mình
Như những ngọn đèn đang cháy để soi lối
Cho những kẻ vô minh, dẫn họ vào con đường sự sáng?

Này thi sĩ, bạn là sự sống của cuộc đời, và bạn đang
Chiến thắng mọi thời đại bất chấp chúng khốc liệt.

Này thi sĩ, sẽ có ngày bạn cai trị các linh hồn và
Do đó vương quốc của bạn vô cùng tận.

Này thi sĩ, hãy xem thật kỹ mũ miện bằng gai ấy và bạn
Sẽ thấy ẩn giấu trong đó một vòng nguyệt quế đang ra hoa.

Thi sĩ cô đơn
Tôi người lạ trên thế giới, trong cuộc lưu đày này tôi hiu quạnh đớn đau và cô đơn trĩu nặng. Tôi một mình, trong đơn độc tôi trầm tưởng một xứ sở không tên có nhiều thú vị, và chiêm ngắm ấy làm đầy ắp các giấc mơ tôi với những bóng hình của một miền đất xa xôi diệu kỳ mắt tôi chưa từng trông thấy.
Tôi người lạ giữa dân tộc mình và chẳng có ai bầu bạn. Khi gặp một người, tôi thì thầm với tôi: “Kẻ này là ai và bằng cách nào tôi biết tới y, tại sao y lại ở đây và tôi cùng y qua lại với nhau theo phép tắc nào?”
Tôi người lạ với chính tôi. Khi nghe lưỡi tôi nói, đôi tai tôi kinh ngạc về tiếng nói của tôi; tôi thấy cái tôi bên trong tôi đang mỉm cười, đang la hét, đang can đảm và đang sợ hãi; cuộc sinh tồn của tôi kinh ngạc về thể chất tôi trong khi linh hồn tôi cật vấn tâm hồn tôi, nhưng tôi vẫn vô danh và chung quanh tôi vây phủ cơn im lặng dị kỳ.
Ý nghĩ tôi là người lạ với xác thân tôi, và khi đứng soi mình trước gương, tôi thấy trên khuôn mặt một nét vẻ mà linh hồn tôi không nhận biết, và tìm thấy trong đôi mắt một hình ảnh mà bên trong tôi không chứa đựng.
Khi tôi bước lơ đãng trên đường phố rộn rịp, trẻ con chạy theo và la lớn: “Này, người mù đây! Chúng ta hãy cho y chiếc gậy dò đường để y cảm nhận lối đi”.
Khi chạy trốn bọn trẻ, tôi gặp một đàn trinh nữ, họ níu ve áo tôi và nói: “Này, y điếc đặc như đá; chúng ta hãy rót đầy đôi tai y bằng âm nhạc của tình yêu”.
Khi tuông mình trốn khỏi các nàng, tôi tới gần những người trung niên nơi chợ búa, họ tập trung quanh tôi và thét lên: “Này, y câm như nấm mộ với chiếc lưỡi đang líu; chúng ta hãy kéo duỗi nó ra”.
Khi tôi chay thoát bọn họ, một đám đông người cao niên chỉ vào tôi bằng những ngón tay lẩy bẩy và nói: “Này, y là kẻ rồ dại, lạc mất tâm trí trong thế giới quỉ thần và ma cà rồng”.
Tôi người lạ trên thế giới này; tôi lang thang khắp vũ trụ, từ đầu này tới hết đầu kia nhưng không tìm được chỗ gối đầu; tôi chẳng biết người nào mình chạm trán, cũng chẳng biết cá nhân nào lắng nghe tâm trí của tôi.
Lúc rạng sáng, tôi mở đôi mắt không ngủ và thấy mình bị giam hãm trong hang động âm u, trên trần đeo lơ lửng lũ côn trùng và dưới sàn bò lúc nhúc bầy rắn độc.
Khi tôi bước ra ngoài để gặp ánh sáng, chiếc bóng thể xác tôi đi theo tôi còn chiếc bóng tinh thần tôi đi trước tôi, dẫn tới một nơi không thể biết trong cuộc tìm kiếm những điều vượt quá am hiểu của tôi và nắm bắt những đối tượng vô nghĩa đối với tôi.
Tới chiều hôm, tôi quay về chiếc giường của mình, làm bằng lông vũ mềm mại và lót bằng gai nhọn. Tôi nằm chiêm nghiệm, cảm giác những nỗi khát khao ray rứt và hạnh phúc cùng những niềm hi vọng đau thương và hoan hỉ.
Vào nửa đêm, bóng ma các thời đại quá khứ cùng thần linh của nền văn minh bị lãng quên lẻn qua kẻ nứt vách đá tới viếng thăm tôi… Tôi đăm đăm nhìn chúng và chúng chằm chặp ngó tôi; tôi nói với chúng và chúng cười trả lời tôi. Và tôi ra sức túm chặt chúng nhưng chúng lọt qua các ngón tay rồi tan biến như sương mù trên mặt hồ.
Tôi người lạ trên thế giới, chẳng một ai trong vũ trụ này hiểu ngôn ngữ của tôi. Trong tâm trí tôi bất chợt hình thành các kiểu mẫu của hồi ức kỳ quặc, và trong đôi mắt tôi phát sinh những hình ảnh dị thường và những bóng ma ảm đạm. Tôi đi trong cánh đồng bỏ hoang, ngó theo những con suối nhỏ chảy mau, và hướng mắt từ lũng sâu cao dần lên đỉnh núi. Tôi nhìn thật gần mấy hàng cây trần trụi nẩy lộc sinh quả và rụng lá trong cùng một khoảnh khắc, và thấy các cành rơi xuống biến thành bầy rắn lốm đốm. Và tôi thấy lũ chim bay lượn bên trên, hót líu lo và than khóc, rồi ngừng lại mở ra đôi cánh và biến thành đàn trinh nữ tóc dài không khoác áo choàng, nhìn tôi từ đằng sau đôi mắt sẫm màu mê đắm, mỉm cười với tôi bằng đôi môi đầy đặn đẫm mật và dang đôi tay ngan ngát hương ra mời mọc. Rồi đàn trinh nữ đi lên và biến khỏi tầm mắt tôi như những bóng ma, để lại bầu trời vang vọng lời các nàng chế nhạo cùng tiếng cười mai mỉa.
Tôi người lạ trên thế giới… tôi là thi sĩ gom thành thơ những gì cuộc đời viết ra văn xuôi và là kẻ viết ra văn xuôi những gì cuộc đời gom thành thơ.
Và vì thế tôi người lạ, và tôi vẫn là người lạ cho tới khi đôi cánh trắng muốt và thân thiện của Thần chết mang tôi trở về xứ sở tuyệt đẹp của tôi. Ở đó, nơi ánh sáng, bình an và am hiểu cùng cư ngụ, tôi sẽ sẵn sàng trông đợi những người lạ khác, những kẻ sẽ được giải cứu khỏi thế giới chật hẹp tối tăm này bằng chiếc bẫy thân thiện của thời gian.

Cái chết là sự sống của thi sĩ
Ðêm soãi những chiếc cánh tối tăm ôm ghì thành phố trên đó Thiên nhiên đã trải y trang tuyết trắng thuần khiết; và loài người rời mọi con đường, quay về nhà mình tìm hơi ấm, trong khi gió phương bắc trầm lặng thăm dò các công viên đang nằm hoang vắng. Nơi ngoại ô đứng một túp lều rất cũ trĩu nặng tuyết và đang bên bờ sụp đổ. Cuối căn nhà nhỏ âm u ấy, trên chiếc giường nghèo khó đang nằm hấp hối một thanh niên, đăm đăm nhìn ánh đèn leo lét, chập chờn mờ tỏ theo hơi gió lọt vào. Hắn, kẻ giữa mùa xuân sự sống, hoàn toàn biết trước đang nhanh chóng đến gần giờ phút bình yên giải thoát mình ra khỏi cuộc đời. Với lòng biết ơn, hắn sẵn sàng chờ đợi cuộc viếng thăm của Thần chết; trên bộ mặt xanh xao ấy rạng một bình minh hy vọng, trên đôi môi ấy nở nụ cười buồn bã, và trong đôi mắt ấy ánh lên sự bao dung.
Hắn là một thi sĩ đang lụi tàn vì đói trong một thành phố sống giàu có. Hắn được đặt vào đời để làm sôi nổi tâm hồn con người bằng những lời sâu sắc đẹp đẽ. Hắn là một linh hồn cao nhã, được Nữ thần Am hiểu sai đi, để vỗ về và làm tinh thần con người lắng dịu. Nhưng hỡi ơi! Hắn đang hân hoan nói lời vĩnh biệt trần gian lạnh lẽo mà không nhận được một nụ cười từ những cư dân xa lạ của nó.
Hắn đang thở hơi cuối cùng, và không ai ở bên giường để cứu lấy kẻ đồng hành duy nhất của hắn là ngọn đèn dầu kia và những trang bằng giấy bằng da hắn đã ghi khắc cảm xúc của trái tim mình. Vận dụng hết hơi sức cạn kiệt còn lại, hắn đưa hai tay lên trời và động đậy đôi mắt một cách vô vọng, như thể muốn nhìn thật sâu trần nhà để thấy các ngôi sao đang ẩn mình đằng sau tấm mạng mây trời mượt mà.
Và hắn nói, “Hãy đến, hỡi Thần chết xinh đẹp, linh hồn ta đang khát khao ngươi. Hãy đến kề bên ta, hãy tháo gỡ xiềng xích cuộc đời vì ta kéo lê chúng nay đã mệt. Hãy đến, hỡi Thần chết ngọt ngào, hãy giải thoát ta khỏi người bên cạnh, những kẻ ngó ta như thể một người lạ vì ta thông dịch cho họ ngôn ngữ của thiên thần. Nhanh lên, hỡi Thần chết bình an, hãy mang ta ra khỏi các đám đông này, những kẻ để ta trong góc âm u lãng quên vì ta không cướp bóc người yếu ớt như họ vẫn làm. Hãy đến, hỡi Thần chết dịu dàng, hãy ghì chặt ta dưới đôi cánh trắng của ngươi vì đồng bào ta chẳng cần tới ta. Hãy ôm ấp ta, hỡi Thần chết chan hòa tình yêu và thương xót, hãy để môi ngươi chạm vào đôi môi không bao giờ còn nếm trải chiếc hôn của người mẹ, không còn chạm vào đôi má của người chị và cũng chẳng còn mơn trớn các đầu ngón tay của người tình. Hãy đến và mang ta đi, hỡi thần chết yêu dấu của ta”.
Lúc ấy, bên chiếc giường của thi sĩ hấp hối hiện ra một nữ thiên thần với sắc đẹp siêu nhiên và thiêng liêng, cầm trên tay vòng hoa huệ trắng. Nàng ôm ấp hắn và khép đôi mắt hắn để hắn chỉ còn nhìn thấy với con mắt tinh thần. Nàng in dấu một chiếc hôn rất sâu và thật dài, rồi dịu dàng rời môi mình để lại trên đôi môi hắn một nụ cười toàn mãn vĩnh cửu. Kế đó, túp lều nhỏ biến thành chốn vắng, chẳng còn ai cóp nhặt các trang bằng giấy bằng da bị thi sĩ xem là đồ vô dụng và cay đắng rải chung quanh mình.
Hàng trăm năm sau, khi người dân thành phố trỗi dậy, ra khỏi cơn say ngủ vô minh bệnh hoạn và bắt gặp bình minh của am hiểu, họ dựng lên một đài tưởng niệm trong khu vườn đẹp nhất của mình, và cử hành lễ hội hằng năm để vinh danh thi sĩ ấy, người viết lên các tác phẩm giải phóng họ. Ôi, sự vô minh của con người tàn bạo biết mấy!
Nguồn: A Treasury of Khalil Gibran (Một kho tàng của Khalil Gibran), Anthony Rizcallah Ferrris dịch từ tiếng Arập, Martin L. Wolf biên tập, Nxb Citadel Press, New York, HK, 1951. Các bài: “A Poet’s Voice, tt. 3-8″; “The Poet”, tt. 253-54; “The Lonely Poet”, tt. 279-81; “A Poet’s Death Is His Life” tt. 354-55.


Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog