Albert Einstein
Thế giới như tôi thấy
Đinh Bá Anh dịch
Einstein viết tiểu luận này tại Berlin năm 1930 khi ông 51 tuổi. Năm 1931, bài viết được dịch ra tiếng Anh và in trong tập thứ 13 của bộ sách "Living Philosophies", Nhà xuất bản New York, Mỹ.
Tình cảnh của những đứa con trái đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng ta đến đây vì người khác - trước hết vì những người mà hạnh phúc riêng của ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông. Mỗi ngày tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm của tôi là dựa trên lao động của những người hiện tại và cả những người đã chết, rằng tôi phải nỗ lực để trao lại tương xứng với những gì tôi đã nhận được và còn nhận được. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và thường thấy dằn vặt về việc mình đòi hỏi nhiều hơn mức cần thiết từ lao động của đồng loại. Tôi thấy sự khác biệt về giai cấp xã hội là không thể biện minh được và rốt cuộc là do dựa trên bạo lực. Tôi cũng tin rằng, một đời sống bên ngoài giản dị và không cầu kỳ là tốt cho mọi người, tốt cho cả thể xác lẫn tâm hồn.
Tôi tuyệt không tin vào tự do của con người theo nghĩa triết học. Mỗi người không chỉ hành động vì sự thúc ép ngoại cảnh mà còn theo đòi hỏi nội tâm. Câu nói của Schopenhauer: "Con người tuy có thể làm những gì mình muốn nhưng không thể cứ muốn chạy theo những gì mình muốn." đã hằng sống theo tôi từ thời trẻ và luôn là nguồn an ủi với tôi trong những lúc phải đối mặt và chịu đựng sự khắc nghiệt của cuộc đời và là nguồn suối vô tận của lòng khoan dung. Cảm nhận đó đã làm vơi đi biết bao gánh nặng trách nhiệm vốn dễ khiến ta suy sụp; nó giúp ta không quá khắt khe với chính mình và người khác; nó dẫn đến một cách nhìn cuộc sống mà ở đó, nhất là sự hài hước cũng có chỗ đứng của nó.
Từ góc nhìn khách quan, câu hỏi về ý nghĩa hoặc mục đích tồn tại của bản thân mình cũng như của các sinh thể nói chung luôn có vẻ vô nghĩa đối với tôi. Nhưng mặt khác, mỗi người đều có những lý tưởng nhất định làm kim chỉ nam cho sự vươn tới và sự phán xét của mình. Theo nghĩa này, sự thỏa mãn và yên ấm chưa bao giờ là mục đích tự thân của tôi (tôi gọi nền tảng luân lý này là lý tưởng của bầy lợn). Lý tưởng của tôi, lý tưởng soi đường và luôn làm dâng đầy trong tôi niềm cảm khái yêu đời, là Thiện, Mỹ và Chân. Không có cảm nhận về sự đồng điệu với những người cùng chí hướng, không có sự đau đáu với cái khách quan, với cái mãi mãi không vươn tới được trong lĩnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, thì cuộc sống với tôi thật trống rỗng. Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh. Ý thức nhiệt thành của tôi về công bằng xã hội và trách nhiệm xã hội luôn đối nghịch một cách cố hữu với việc tôi không có nhu cầu trực tiếp gắn kết với những cá nhân và tập thể. Tôi đích thực là một kẻ sống thu mình, kẻ chưa bao giờ hoàn toàn thuộc về nhà nước, quê hương, bạn bè, vâng, ngay cả gia đình thân thiết của mình cũng vậy; đối với tất cả những mối quan hệ ấy, tôi luôn có cảm giác xa lạ khôn dứt và nhu cầu được cô đơn; cảm giác đó càng tăng theo tuổi tác. Người ta cảm nhận được, một cách rõ nét nhưng không ân hận, về ranh giới của sự đồng cảm và hòa hợp với người khác. Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên và vô tư, nhưng bù vào đó, anh ta lại luôn độc lập trước những quan điểm, thói quen và sự phán xét của người khác, và không để mình dễ bị chao đảo trên cái nền tảng không lấy gì làm vững chắc đó.
Lý tưởng chính trị của tôi là lý tưởng dân chủ. Mỗi người cần được tôn trọng như một nhân cách và không ai được thần thánh hóa. Thật trớ trêu cho số phận, chính tôi lại nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và trọng thị từ người khác - mà tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm gì nên tội. Điều này có lẽ có nguyên cớ từ mong muốn không được thỏa mãn của nhiều người trong việc muốn hiểu vài ba ý tưởng của tôi, những ý tưởng mà tôi đã tìm được bằng chút sức lực yếu ớt trong cuộc vật lộn không ngừng nghỉ. Thực ra tôi cũng biết rằng, để đạt được một mục đích tập thể, nhất thiết phải có ai đó đứng ra nghĩ, sắp xếp và chịu trách nhiệm chung. Nhưng không được ép buộc những người đi theo, mà phải để họ có quyền chọn cho mình người cầm lái. Một hệ thống độc đoán dựa trên sự cưỡng bức sẽ sớm bị thoái hóa trong một thời gian ngắn, tôi tin chắc như vậy. Bởi bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp kém về đạo đức, và tôi tin rằng đã thành quy luật: nối nghiệp những tên bạo chúa thiên tài luôn là những tên khốn kiếp. Vì lý do đó, tôi luôn là người quyết liệt chống lại những hệ thống như vậy, những hệ thống mà chúng ta đang thấy ở Ý và Nga hiện nay. Cái làm cho nền dân chủ ở châu Âu hôm nay rơi vào bê bối không phải là bản thân lý tưởng dân chủ, mà là sự thiếu ổn định của một bộ phận lãnh đạo các chính phủ và tính phi nhân cách của thể thức bầu cử. [1] Về mặt này, tôi cho rằng nước Mỹ đã có lựa chọn đúng: họ có một tổng thống có trách nhiệm, được bầu cho một thời gian đủ dài và có đủ quyền lực để thực sự đảm nhận được trọng trách. Mặt khác, tôi lại đánh giá cao hoạt động nhà nước của chúng ta về mặt phúc lợi rộng rãi cho cá nhân trong trường hợp đau ốm hay khó khăn. Cái mà tôi cho là có giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: Chỉ cá nhân mới có thể tạo ra những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi vẫn là trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.
Nhân đây tôi muốn đề cập đến cái quái thai kinh tởm nhất của bản tính bầy đàn: hệ thống quân đội mà tôi căm ghét. Chỉ cần kẻ nào cảm thấy thích thú khi đứng vào đoàn duyệt binh trong tiếng quân nhạc, tôi đã coi thường rồi; anh ta được trời phú nhầm cho bộ não lớn, bởi với anh ta, chỉ cần cột xương sống thôi là đã quá đủ. Vết nhục này của nền văn minh cần bị loại trừ càng sớm càng tốt. Chủ nghĩa anh hùng phục tùng mệnh lệnh, bạo lực mù quáng, trò hề ái quốc tởm lợm, tôi căm ghét chúng làm sao. Với tôi, chiến tranh thật đê tiện và đáng khinh làm sao. Tôi thà bị băm vằm làm muôn mảnh còn hơn là dự phần vào cái trò khốn nạn đó! Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ tốt về nhân loại, và tôi tin rằng, lẽ ra bóng ma này đã có thể biến đi từ lâu nếu lý trí lành mạnh của dân chúng không bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường học và báo chí, làm cho bại hoại. Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình. Trải nghiệm cái bí ẩn - dù có pha trộn cảm giác sợ hãi - cũng chính là trải nghiệm mà tôn giáo đã tạo ra. Hiểu biết về sự hiện hữu của cái mà ta không thể nhìn thấu, của những biểu hiện của lý trí sâu thẳm nhất và cái đẹp rực rỡ nhất, tức về những cái chỉ có thể đến với trí não của ta trong những hình thức sơ khai nhất; chính cái biết và cái cảm này làm nên tính tín ngưỡng đích thực; theo nghĩa đó và chỉ theo nghĩa đó, tôi thuộc về những người có tín ngưỡng sâu xa. Còn một thượng đế theo nghĩa là kẻ ban phát phần thưởng và trừng phạt những tạo vật do chính mình tạo ra, kẻ gần như có một ý chí như người trần thế chúng ta, thì tôi không thể nào hình dung ra được. Tôi không muốn và cũng không thể tưởng tượng ra những cá nhân sống lâu hơn cái chết thể xác; mặc cho những tâm hồn yếu đuối, vì sợ hãi hay ích kỷ đáng cười, tìm đến những suy nghĩ như vậy. Với tôi, sự huyền nhiệm về tính vĩnh cửu của sự sống cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là quá đủ.
[1]... dem unpersönlichen Charakter des Wahlmodus: tính phi nhân cách của thể thức bầu cử. Khi nói đến tính "phi nhân cách" của thể thức bầu cử ở các nước châu Âu, theo chúng tôi, Einstein muốn phê phán thể thức bầu cử mà ở đó, các đảng phái chính trị có vai trò chính yếu và phần nào che lấp cá nhân người ra ứng cử. (Khác với thể thức bầu cử tổng thống trực tiếp kiểu Mỹ: ứng cử viên tổng thống cần chứng minh được nhân cách và bản lĩnh cá nhân của mình trước cử tri nhiều hơn.) - ND.
Nguồn: Trích từ Thế giới như tôi thấy, Nxb. Tri thức 12. 2005, tr. 15-21. Bản đăng trên talawas có sự đồng ý của dịch giả và có vài sửa đổi nhỏ so với bản in. Dịch từ nguyên bản tiếng Đức: Mein Weltbild, 30. Auflage, Carl Seelig 2005, Germany 2005, tr. 9-12
trang ca nhan cua TRAN HO DUNG . De luu lai nhung bai viet hay .
Sunday, October 25, 2009
Cao Việt Dũng : Hobbes và Locke
Cao Việt Dũng
Hobbes và Locke
Nhìn từ khi mới ra đời, học thuyết về chính quyền của John Locke giống như một đối cực đi ngược hẳn lại học thuyết của Thomas Hobbes. Nhưng nhìn từ ngày nay, với toàn bộ quãng thời gian giãn cách, hai học thuyết đó lại bổ sung cho nhau. Không có cái này nếu không có cái kia, và cái kia giải thích cho cái này; chúng hoàn chỉnh nhau trong thế đối lập căn bản đó. Xuất phát điểm của Locke rất có thể là ý muốn làm khác hẳn Hobbes. Dĩ nhiên mọi chuyện không đơn giản như thế, nhưng điều đáng nói ở đây là hai triết gia tiền Khai sáng người Anh này, một người ủng hộ một ông vua còn một người tham gia âm mưu ám sát một ông vua khác, đã lật vấn đề nguồn gốc, bản chất và cách vận hành của chính quyền hai lần, hai lần đó đụng độ ghê gớm với nhau, nhưng gộp cả hai thì sẽ có một cái nhìn toàn thể về một trường tư tưởng có vị trí không nhỏ trong lịch sử. Đó là trường hợp của Leviathan của Hobbes và Khảo luận thứ hai về chính quyền. Chính quyền dân sự của Locke
Bản dịch cuốn sách của Locke [1] là một khởi đầu đầy hứa hẹn cho những bản dịch tốt các học thuyết chính quyền cổ điển. Sau triết học và lịch sử, cuối cùng cũng đã xuất hiện ở Việt Nam những bản dịch tốt về chính trị học. Điều duy nhất đáng tiếc của “Lời giới thiệu” dài hơn mười trang của bản dịch đó là không có chữ nào dành cho Thomas Hobbes. Sự thiếu vắng này gây ngạc nhiên cho những người có biết một chút về các lý thuyết về chính quyền của dòng tư tưởng Anh tiền Khai sáng này.
Điều tôi vừa viết ở trên dường như có thể dễ dàng phản bác. Thực tế văn bản cho thấy Locke không nhắc đến Hobbes (chỉ có những ám chỉ, khá rõ ràng với người đương thời, nhưng với chúng ta thì không dễ để tìm ra). Nhưng điều này, đến lượt nó, cũng lại bị phản bác. Một văn bản ra đời cách đây vài trăm năm, ngoài văn bản thực tế, còn có dung lượng lịch sử và dung lượng quan hệ của nó, trong một hệ thống liên văn bản rộng lớn và một hệ thống tư duy – dòng chảy tư duy trên thực tế không bao giờ đứt đoạn. Số phận của một lý thuyết sẽ ra sao nếu không có tính lịch sử và tính kết nối của nó với các lý thuyết khác? Thậm chí bất kỳ lý thuyết nào cũng sẽ là phi lý nếu chỉ được nhìn riêng lẻ, không quan hệ, không ký ức, và không triển hạn. Khi đó những tiếp nối của nó sẽ không hiển lộ, và một lý thuyết sẽ hiện lên như một đoạn tuyệt tuyệt đối bất bình thường, thậm chí lố bịch.
Không thể hiểu thấu đáo Locke nếu không đặt ông vào quan hệ với những Filmer, Hooker, Barclay, Fortescue (mà trong sách có nêu tên), và trong quan hệ với những nhân vật vắng mặt khác có tác phẩm gây hiệu lực lớn vào thời đó, đặc biệt là Hobbes. Điều này cũng giống như không thể hiểu được Thomas More nếu không đặt ông trong quan hệ với Erasmus. Giới thiệu bản gốc Utopia không thể bỏ qua việc nó được đề tặng cho Erasmus, và ngược lại, Thomas More cũng là người được Erasmus đề tặng Tụng ca sự điên. Sự tồn tại của hai tác phẩm đó có xuất phát điểm ở trong nhau, và một sự giới thiệu chu đáo không thể bỏ qua những điểm không những quan trọng mà còn cốt tử đó. Rất có thể tất cả những cái không thể không đó là một phiền toái tri thức cần thiết cho chúng ta ngày nay, những người đi sau, nếu muốn hướng đến mục đích chu đáo với lịch sử. Hơn thế nữa, những điều không thể không ấy không thể nói là không lý thú.
Thomas Hobbes (1588-1679) sống ở giai đoạn trước John Locke (1632-1704). Cả hai đều có ảnh hưởng đặc biệt lớn với các nhà khai sáng sau này, nhất là các nhà khai sáng Pháp (chúng ta nhớ ngay đến Voltaire!). Cả đời ông gắn chặt với gia đình quý tộc Cavendish; ông làm gia sư cho gia đình này (thời đó là bá tước, sau là công tước Devonshire). Trong đời có vẻ như Hobbes từng gặp Francis Bacon (là một trong hai nhân vật được đặt cùng bình diện với Locke trong “Lời nói đầu” của Lê Tuấn Huy, người còn lại là René Descartes: “Cùng với Francis Bacon [...] và René Descartes [...] Locke được xem là một trong những cội nguồn tri thức của phong trào Khai sáng với vai trò của người chủ xướng nhận thức luận Duy nghiệm” – tr.9). Chắc chắn ông đã gặp Galileo ở Ý, và, ở Pháp, nhiều nhà bác học lớn thời đó. Ngay từ đầu Hobbes đã đứng về phía vương quyền. Cuốn Leviathan viết ở Pháp, sau khi Hobbes phải chạy khỏi Anh vào năm 1640, nghĩa là từ khi mới bắt đầu bùng nổ sự đối đầu giữa Charles I và những người theo thuyết nghị viện với kết quả là cái đầu bị chặt của vua Charles I (vào năm 1649); cuốn sách quan trọng khác được viết ở nơi lưu đày là De Cive (thuộc bộ Elementa Philosophica, là tập ba sau hai cuốn khác, De Corpore và De Homine). Mười một năm lưu đày ở Pháp, Hobbes thường xuyên gặp gỡ nhóm các nhà bác học tập hợp quanh Marin Mersenne, thân nhất với Gassendi, và giao du nhiều với những người Anh chạy trốn khác, những người từ 1646 tập hợp xung quanh hoàng thân xứ Wales, con trai của Charles I.
Tuy có quan hệ tốt với Charles II, cuốn sách Leviathan của Hobbes vẫn bị “kiểm duyệt” vì các lý do tôn giáo. Có vẻ như là nhà vua sau đó không cho Hobbes xuất bản gì về các chủ đề có khả năng gây hấn nữa. Cuối đời, Hobbes, nhà tư tưởng có bộ óc hết sức phi chính thống, nếu không nói là chứa đầy những ý tưởng kỳ quặc, sống trong vinh quang và yên bình, thường xuyên nhận được từ những người Pháp hâm mộ những bức thư nồng nàn nhiệt tình. Lý thuyết về chính quyền của ông (như sẽ phân tích ở dưới, trong tương quan với lý thuyết của Locke), có cái gì đó “lệch đường ray” khỏi tư tưởng phổ biến thời đó. Ngay cả lý thuyết về con người của Hobbes (duy vật chủ nghĩa) cũng không hề thuộc về dòng chủ lưu tư tưởng của thế kỷ XVII. Ông hoàn toàn lạc điệu khi sử dụng những từ như automate, dây thần kinh, gân, lò xo... để mô tả con người khi đó đã bắt đầu mang tầm vóc mà chủ nghĩa nhân văn gán cho. Nhìn chung, Hobbes tự đặt mình ra ngoài truyền thống và bối cảnh lịch sử của mình (ông phản đối Aristote, không chịu coi con người là một loài động vật chính trị, vì nhiều lý do, chẳng hạn như ở con người không có chuyện lợi ích chung và lợi ích riêng là một như ở các loài vật khác). Trong khoa học cũng vậy, những gì Hobbes làm đều khiến người ta kinh ngạc. Đến tận năm bốn mươi tuổi ông mới phát hiện ra môn hình học, và bị các nhà toán học thời đó coi là đầu óc có vấn đề vì khăng khăng hình tròn là vuông.
Vấn đề quan trọng trước khi so sánh hai nhà tư tưởng là tên cuốn sách của Hobbes. Leviathan xuất hiện trong Cựu ước (“Isaiah”, và nhất là “Sách của Job”) và cả Talmud. Con quái vật biển to lớn và kỳ quặc này gây sợ hãi, nhưng là tạo vật của Chúa. Saint Augustin cho Leviathan là con quỷ của ham muốn. Trong truyền thống Thiên chúa giáo, nhiều khi nó được đồng hoá với quỷ Satan. Những tính chất đối nghịch phức tạp của nó tạo cảm hứng lớn cho sáng tác nghệ thuật sau này, cùng với Behemoth, một quái vật khác (có nơi nói đây là một cặp, Behemoth là con đực và Leviathan là con cái). Con mèo quái đản trong Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov tên là Behemoth và có ít nhất hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng tên là Leviathan: tiểu thuyết của Julien Green (bằng tiếng Pháp: Léviathan) xuất bản năm 1927 và gần đây là tiểu thuyết của một nhà văn (hậu) hiện đại, Paul Auster. Moby Dick của Herman Melville cũng sử dụng lại hình ảnh này theo một cách ẩn dụ khác. Nhìn chung, Leviathan là một quái vật biển, to lớn, đáng sợ, nhưng quyến rũ. Cuốn Leviathan [2] của Hobbes bàn về con người, sự hình thành xã hội và nhà nước lý tưởng – Commonwealth.
Các nhà tư tưởng lớn không phải bao giờ cũng là những người độc đáo. Cả Locke và Hobbes đều xuất phát hoàn toàn giống nhau: giải thích tại sao con người không chấp nhận luôn trạng thái tự nhiên như nó vốn có và bao hàm sự tự do, sự độc lập của mỗi cá nhân, không chịu kiềm toả và áp lực nào từ trên xuống thông qua các thể chế, mà lại bước chân vào đời sống xã hội với đủ thứ luật lệ đi kèm, kể cả nguy cơ của chế độ chuyên chế. Nhưng Locke cho rằng trạng thái tự nhiên đó là tốt đẹp, người ta muốn bảo vệ nó nên chấp nhận một quyền lực mạnh hơn (“Khi người ta sống với nhau theo lý trí, không có một phẩm vị thế tục cao hơn nào trong cộng đồng, với thẩm quyền để phán xử giữa những con người đó, thì đây đích thị là trạng thái tự nhiên.” – Khảo luận..., tr.52), còn Hobbes thì cho rằng trạng thái tự nhiên đó là xấu xa, trạng thái tự nhiên chính là trạng thái chiến tranh, nên cần áp đặt quyền lực nhà nước vào để chấm dứt cái tình trạng mọi người là kẻ thù của mọi người đó (“Cái nguyên do cuối cùng, mục đích, ý đồ, mà con người theo đuổi, họ, những người về bản chất yêu tự do và thích được thống trị người khác, khi tự ấn định cho mình những hạn chế để rồi sống trong đó ở các nền Cộng hoà, là nhằm được tự phòng vệ và sống hạnh phúc hơn bằng cách đó: nói cách khác là thoát được ra khỏi cái tình trạng chiến tranh khốn khổ đó, cái tính trạng mà tôi đã chỉ ra là hậu quả tất yếu của những dục vọng bản chất của con người, khi không có quyền lực hiện hữu nào giữ yên chúng, trói chúng lại, thông qua nỗi sợ bị trừng phạt” – Leviathan, tr.173. Nguyên do là vì các luật tự nhiên trái ngược hẳn với các dục vọng tự nhiên của chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng có thiên hướng “thiên vị, kiêu ngạo, thích trả thù, và nhiều đức tính tương tự khác” – ibid.) Trong trạng thái ấy (khi mỗi người tự mình thực thi công lý, chẳng hạn giết kẻ trộm, không có can thiệp từ bên ngoài), hoà bình là điều tất yếu, với Locke. Nhưng Hobbes lại không chấp nhận trạng thái đó, vì nếu không có xã hội và những điều đi kèm, thì con người chỉ có thể sống trong đau khổ, chém giết, và nghèo khổ. Với Locke, hoà bình là và phải là tiêu chuẩn, còn với Hobbes, lúc nào cũng có chiến tranh, hoà bình chỉ là một dạng khác của chiến tranh (gần với tư tưởng của Hitler? bởi khi Hitler tuyên chiến với Mỹ thì lời tuyên bố đó chỉ thuần tuý mang tính biểu tượng, vì tình trạng chiến tranh đã trở thành thường trực và bình thường vào thời của các chế độ phatxit trước và trong Thế chiến II). Từ đó mà cách giải quyết và giải thích khế ước xã hội của hai người hoàn toàn khác nhau: Locke coi xã hội (dân sự) là điều tốt vì tính mạng, sự an toàn, và sở hữu của các cá nhân trong đó được một quyền lực cao hơn đảm bảo; Hobbes lại nghĩ xã hội giống như một thứ quyết định luận, người ta phải chấp nhận nó nếu không muốn bị giết.
Về phần mình, Hobbes cho rằng nếu không có một quyền lực đứng trên, con người sẽ triền miên ở trạng thái chiến tranh, khi tất cả chống lại tất cả. Ngay cả khi người ta tập hợp lại thành một cộng đồng, một xã hội, thì số lượng của cái tổ chức đó cũng phải dựa trên số lượng tương ứng của kẻ thù, phải đủ để chống cự lại. Ông cũng ủng hộ quyền lực nhà nước rất mạnh, được phép can thiệp, đè nén, áp bức những gì chống lại nó, chẳng hạn như các hội nhóm, phường hội, tranh luận chính trị... Trong trạng thái tự nhiên, không có chính quyền, chiến tranh sẽ liên tục nổ ra, triền miên, như một điều kiện sống, vì người ta phải tranh giành nhau những nguồn lực hạn chế, vì nỗi sợ người khác, và ham muốn vinh quang. Cuộc sống sẽ cô độc, nghèo khổ, “nasty, brutish, and short” (xấu xa, tàn bạo, và ngắn ngủi). Bất tuân chính quyền là tự sát, vì sẽ đưa chúng ta trở lại trạng thái đó, mất an ninh, vô chính phủ. Do đó, bất tuân là sai trái. Hobbes cho là chỉ một người, một ông vua, mới có quyền cai quản dân chúng. Một ông vua ra quyết định, viết luật, và thống trị những người còn lại. Ngược hẳn lại, theo cách nào đó, với Locke, dân chúng điều khiển chính quyền.
Đặt vấn đề về hình thành chính quyền một cách “thiện tâm” như đã trình bày ở trên, Locke chỉ còn lại một việc là đưa ra các lập luận nhằm bảo vệ xã hội dân sự tốt đẹp đó. Ông viết: “Xã hội dân sự là một trạng thái hoà bình giữa những người sống trong đó, loại trừ được khỏi trạng thái chiến tranh nhờ vai trò của người phân xử.” (Khảo luận..., tr.276). Người phân xử (thiết chế chính quyền) không loại trừ tự do của cá nhân, mà bảo vệ anh ta. Đối nghịch với đó là nền quân chủ chuyên chế: “nền quân chủ chuyên chế [...] thật sự mâu thuẫn với xã hội dân sự, và vì thế không hề là hình thức của chính quyền dân sự. Vì mục đích của xã hội dân sự là để tránh những phiền phức của trạng thái tự nhiên, và nó cũng chính là phương cách giải quyết cho những phiền phức tất yếu theo cùng với trạng thái này, ở việc mỗi người đều là quan toà cho trường hợp của riêng mình, bằng cách thiết lập một thẩm quyền được nhận biết mà mỗi người của xã hội dân sự đều có thể cáo kiện đến do có bất kỳ tranh cãi có thể nảy sinh, và đó là thẩm quyền mà mọi người trong xã hội phải tuân thủ. Nơi đâu mà những con người bất kỳ không có một nơi có thẩm quyền như vậy để cáo kiện đến hầu có được quyết định cho sự khác biệt bất kỳ nào đó giữa họ, nơi đó người ta vẫn sống trong trạng thái tự nhiên, và vì thế mỗi người họ là một quân vương chuyên chế đối với những người sống dưới quyền thế của họ.” (tr.128-129). Tuy sử dụng ngôn ngữ của Kinh thánh (“nơi mà không có bộ máy tư pháp thế tục để quyết định những tranh cãi giữa mọi người, thì Thượng đế nơi trời cao sẽ là người phán xử đó.” – tr.312), nhưng người dân đã được Locke trao cho một vị thế rất lớn: “Nếu tranh cãi nảy sinh giữa quân vương với một số người dân, ở một vấn đề mà luật pháp lặng im hay không rõ rệt, và sự việc có một hệ quả lớn, tôi thiển nghĩa người trọng tài thích hợp, trong trường hợp này, phải là cơ quan quyền lực của nhân dân.” – ibid.
Nhưng Hobbes thì khác hẳn. Chính quyền (hay Cộng hoà, hay Leviathan) đơn giản là một điều tất yếu, không thể xoá bỏ: “Những người là thần dân của một vị quân vương không thể, nếu ông ta không muốn vậy, vứt bỏ chế độ quân vương và quay về với tình trạng hỗn loạn của một đám đông không thống nhất” (Leviathan, tr.180). Cộng hoà theo nghĩa mà Hobbes định nghĩa có thời gian tồn tại ngang bằng với thời gian tồn tại của loài người. Do đó nếu Cộng hoà sụp đổ, thì “trách nhiệm thuộc về con người không phải với tư cách họ là vật chất của Cộng hoà, mà với tư cách là những kẻ tạo ra và cho phép thành lập nó.” (tr.342) Nguyên nhân hàng đầu của sự sụp đổ một nền Cộng hoà là khi thành lập nó, người ta tạo ra quyền lực không đủ lớn để đủ sức cai trị (tr.343).
Ảnh hưởng của Hobbes chủ yếu là vào thời đó: ông là người phản đối Nghị viện Anh, phản đối hệ thống giáo hoàng của Pháp, và sự phản đối đó lôi kéo được nhiều người đi theo. Locke thì đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà cách mạng Mỹ (tuyên ngôn độc lập, các điều luật liên bang, hiến pháp...) Điều này cũng dễ hiểu, vì những gì Locke phát biểu trong tác phẩm của mình chính là nền tảng của chủ nghĩa tự do cổ điển. Chẳng hạn như: “Con người sinh ra [...] với một địa vị tự do hoàn hảo và sự thụ hưởng không bị kiểm soát đối với tất cả các quyền và những ân huệ của luật tự nhiên, một cách bình đẳng như bất kỳ ai khác hay như với tất cả lượng người có trên thế giới này.” (Khảo luận..., tr.124-125), và nữa: “Salus populi suprema lex [Hạnh phúc của nhân dân là luật tối cao], đó dứt khoát là một quy tắc chính đáng và căn bản” (tr.213).
Có điều gì đó, trong quan hệ giữa lý thuyết của Hobbes và Locke, giống như quan hệ giữa Mạnh Tử và Tuân Tử ở “nhân chi sơ tính bản thiện” và “nhân chi sơ tính bản ác”. Không thể kết luận ai đúng hơn ai, nhưng có vẻ như phải có cả hai nền tảng đó thì con người mới có khả năng được nhìn nhận toàn diện. Chính quyền (hay thiết chế nhà nước) cũng chỉ có thể được xem xét ở bình diện rộng khi được đẩy về các cực lý thuyết khác nhau, được xem xét từ những con người có cách tư duy không hề giống nhau.
Cả hai lý thuyết, của Hobbes, và của Locke, đều bắt đầu và kết thúc ở Kinh thánh, khi đó không đơn giản là một cuốn sách, và cũng không giống bây giờ, một tác phẩm văn chương, mà bao trùm như một ý thức hệ, thậm chí, một hệ hình tư tưởng chi phối toàn bộ hoạt động tinh thần và trí tuệ của con người. Không thể có chuyện một nhà tư tưởng thời đó không suy nghĩ về và dựa trên cuốn sách đó, cũng như không thể có chuyện con người thời nay không check mail hàng ngày.
Số phận của hai học thuyết này rất khác nhau. Kịp hoà nhịp với chủ nghĩa nhân văn và rất thuận tiện để các nhà Khai sáng lấy làm tiền đề, Locke trở thành nhân vật bậc thầy của lý luận nhà nước và chính quyền của thời hiện đại. Con quái vật Leviathan của Hobbes thì chìm sâu xuống biển. Con quái vật rất nghịch mắt và đáng sợ đó cũng chỉ xuất hiện rất ít lần trong kinh điển Thiên chúa giáo. Nhưng không thể từ chối là nó đẹp một vẻ quyến rũ phi chính thống, và sự biến mất không đồng nghĩa với không có khả năng xuất hiện trở lại, đột ngột và bất ngờ.
Tuy rất rõ ràng rằng Hobbes bảo vệ quyền lực quân vương, Locke bảo vệ quyền lực nhân dân (điều này thì cũng không hẳn: Locke dự phần âm mưu ám sát James II, nhưng sau đó lại từ nơi lưu đày về Anh trên thuyền của công nương Mary), nhưng phụ tá một Thượng đế tốt bụng và phò trợ một Thượng đế xấu tính, có lẽ điểm khác nhau duy nhất giữa Hobbes là Locke là ở chỗ đó. Về đấng chí tôn đó, hai người có những diễn giải hoàn toàn khác nhau: Locke cho rằng “tất cả đều là đầy tớ của một chủ nhân tối thượng, được sai phái vào thế giới này do lệnh của ngài và cho công việc của ngài.” (Khảo luận..., tr.36), và nữa: “Thượng đế, khi tạo nên con người như một sinh vật như thế, theo xét đoán của riêng ngài, sẽ là không tốt nếu cho họ trơ trọi chỉ có vậy, nên đã đặt họ dưới những nghĩa vụ mạnh mẽ [...] đưa họ vào đời sống xã hội, cũng như khiến họ thích hợp với hiểu biết và ngôn ngữ để duy trì và thụ hưởng xã hội đó.” (tr.117) Còn Hobbes thì chọn sản phẩm xấu xa và đáng sợ nhất mà Chúa tạo ra làm tên cho tác phẩm của mình, và, với ông, người được tất cả nhất trí chọn làm người duy nhất cai quản là một “vị chúa phàm trần” (Leviathan, tr.178)
[1]Khảo luận thứ hai về chính quyền. Chính quyền dân sự, Nhà xuất bản Tri Thức, 2007; người dịch: Lê Tuấn Huy.
[2]Tôi sử dụng bản tiếng Pháp: Thomas Hobbes, Léviathan, traité de la matière, de la forme et du pouvoir de la république ecclésiastique et civile, Éditions Sirey, 1983; người dịch: François Tricaud. Các phần trích dịch tiếng Việt: Cao Việt Dũng.
Nguồn: Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng số 10 (20/5/2007), đăng lại trên talawas với một số chỉnh sửa.
Hobbes và Locke
Nhìn từ khi mới ra đời, học thuyết về chính quyền của John Locke giống như một đối cực đi ngược hẳn lại học thuyết của Thomas Hobbes. Nhưng nhìn từ ngày nay, với toàn bộ quãng thời gian giãn cách, hai học thuyết đó lại bổ sung cho nhau. Không có cái này nếu không có cái kia, và cái kia giải thích cho cái này; chúng hoàn chỉnh nhau trong thế đối lập căn bản đó. Xuất phát điểm của Locke rất có thể là ý muốn làm khác hẳn Hobbes. Dĩ nhiên mọi chuyện không đơn giản như thế, nhưng điều đáng nói ở đây là hai triết gia tiền Khai sáng người Anh này, một người ủng hộ một ông vua còn một người tham gia âm mưu ám sát một ông vua khác, đã lật vấn đề nguồn gốc, bản chất và cách vận hành của chính quyền hai lần, hai lần đó đụng độ ghê gớm với nhau, nhưng gộp cả hai thì sẽ có một cái nhìn toàn thể về một trường tư tưởng có vị trí không nhỏ trong lịch sử. Đó là trường hợp của Leviathan của Hobbes và Khảo luận thứ hai về chính quyền. Chính quyền dân sự của Locke
Bản dịch cuốn sách của Locke [1] là một khởi đầu đầy hứa hẹn cho những bản dịch tốt các học thuyết chính quyền cổ điển. Sau triết học và lịch sử, cuối cùng cũng đã xuất hiện ở Việt Nam những bản dịch tốt về chính trị học. Điều duy nhất đáng tiếc của “Lời giới thiệu” dài hơn mười trang của bản dịch đó là không có chữ nào dành cho Thomas Hobbes. Sự thiếu vắng này gây ngạc nhiên cho những người có biết một chút về các lý thuyết về chính quyền của dòng tư tưởng Anh tiền Khai sáng này.
Điều tôi vừa viết ở trên dường như có thể dễ dàng phản bác. Thực tế văn bản cho thấy Locke không nhắc đến Hobbes (chỉ có những ám chỉ, khá rõ ràng với người đương thời, nhưng với chúng ta thì không dễ để tìm ra). Nhưng điều này, đến lượt nó, cũng lại bị phản bác. Một văn bản ra đời cách đây vài trăm năm, ngoài văn bản thực tế, còn có dung lượng lịch sử và dung lượng quan hệ của nó, trong một hệ thống liên văn bản rộng lớn và một hệ thống tư duy – dòng chảy tư duy trên thực tế không bao giờ đứt đoạn. Số phận của một lý thuyết sẽ ra sao nếu không có tính lịch sử và tính kết nối của nó với các lý thuyết khác? Thậm chí bất kỳ lý thuyết nào cũng sẽ là phi lý nếu chỉ được nhìn riêng lẻ, không quan hệ, không ký ức, và không triển hạn. Khi đó những tiếp nối của nó sẽ không hiển lộ, và một lý thuyết sẽ hiện lên như một đoạn tuyệt tuyệt đối bất bình thường, thậm chí lố bịch.
Không thể hiểu thấu đáo Locke nếu không đặt ông vào quan hệ với những Filmer, Hooker, Barclay, Fortescue (mà trong sách có nêu tên), và trong quan hệ với những nhân vật vắng mặt khác có tác phẩm gây hiệu lực lớn vào thời đó, đặc biệt là Hobbes. Điều này cũng giống như không thể hiểu được Thomas More nếu không đặt ông trong quan hệ với Erasmus. Giới thiệu bản gốc Utopia không thể bỏ qua việc nó được đề tặng cho Erasmus, và ngược lại, Thomas More cũng là người được Erasmus đề tặng Tụng ca sự điên. Sự tồn tại của hai tác phẩm đó có xuất phát điểm ở trong nhau, và một sự giới thiệu chu đáo không thể bỏ qua những điểm không những quan trọng mà còn cốt tử đó. Rất có thể tất cả những cái không thể không đó là một phiền toái tri thức cần thiết cho chúng ta ngày nay, những người đi sau, nếu muốn hướng đến mục đích chu đáo với lịch sử. Hơn thế nữa, những điều không thể không ấy không thể nói là không lý thú.
Thomas Hobbes (1588-1679) sống ở giai đoạn trước John Locke (1632-1704). Cả hai đều có ảnh hưởng đặc biệt lớn với các nhà khai sáng sau này, nhất là các nhà khai sáng Pháp (chúng ta nhớ ngay đến Voltaire!). Cả đời ông gắn chặt với gia đình quý tộc Cavendish; ông làm gia sư cho gia đình này (thời đó là bá tước, sau là công tước Devonshire). Trong đời có vẻ như Hobbes từng gặp Francis Bacon (là một trong hai nhân vật được đặt cùng bình diện với Locke trong “Lời nói đầu” của Lê Tuấn Huy, người còn lại là René Descartes: “Cùng với Francis Bacon [...] và René Descartes [...] Locke được xem là một trong những cội nguồn tri thức của phong trào Khai sáng với vai trò của người chủ xướng nhận thức luận Duy nghiệm” – tr.9). Chắc chắn ông đã gặp Galileo ở Ý, và, ở Pháp, nhiều nhà bác học lớn thời đó. Ngay từ đầu Hobbes đã đứng về phía vương quyền. Cuốn Leviathan viết ở Pháp, sau khi Hobbes phải chạy khỏi Anh vào năm 1640, nghĩa là từ khi mới bắt đầu bùng nổ sự đối đầu giữa Charles I và những người theo thuyết nghị viện với kết quả là cái đầu bị chặt của vua Charles I (vào năm 1649); cuốn sách quan trọng khác được viết ở nơi lưu đày là De Cive (thuộc bộ Elementa Philosophica, là tập ba sau hai cuốn khác, De Corpore và De Homine). Mười một năm lưu đày ở Pháp, Hobbes thường xuyên gặp gỡ nhóm các nhà bác học tập hợp quanh Marin Mersenne, thân nhất với Gassendi, và giao du nhiều với những người Anh chạy trốn khác, những người từ 1646 tập hợp xung quanh hoàng thân xứ Wales, con trai của Charles I.
Tuy có quan hệ tốt với Charles II, cuốn sách Leviathan của Hobbes vẫn bị “kiểm duyệt” vì các lý do tôn giáo. Có vẻ như là nhà vua sau đó không cho Hobbes xuất bản gì về các chủ đề có khả năng gây hấn nữa. Cuối đời, Hobbes, nhà tư tưởng có bộ óc hết sức phi chính thống, nếu không nói là chứa đầy những ý tưởng kỳ quặc, sống trong vinh quang và yên bình, thường xuyên nhận được từ những người Pháp hâm mộ những bức thư nồng nàn nhiệt tình. Lý thuyết về chính quyền của ông (như sẽ phân tích ở dưới, trong tương quan với lý thuyết của Locke), có cái gì đó “lệch đường ray” khỏi tư tưởng phổ biến thời đó. Ngay cả lý thuyết về con người của Hobbes (duy vật chủ nghĩa) cũng không hề thuộc về dòng chủ lưu tư tưởng của thế kỷ XVII. Ông hoàn toàn lạc điệu khi sử dụng những từ như automate, dây thần kinh, gân, lò xo... để mô tả con người khi đó đã bắt đầu mang tầm vóc mà chủ nghĩa nhân văn gán cho. Nhìn chung, Hobbes tự đặt mình ra ngoài truyền thống và bối cảnh lịch sử của mình (ông phản đối Aristote, không chịu coi con người là một loài động vật chính trị, vì nhiều lý do, chẳng hạn như ở con người không có chuyện lợi ích chung và lợi ích riêng là một như ở các loài vật khác). Trong khoa học cũng vậy, những gì Hobbes làm đều khiến người ta kinh ngạc. Đến tận năm bốn mươi tuổi ông mới phát hiện ra môn hình học, và bị các nhà toán học thời đó coi là đầu óc có vấn đề vì khăng khăng hình tròn là vuông.
Vấn đề quan trọng trước khi so sánh hai nhà tư tưởng là tên cuốn sách của Hobbes. Leviathan xuất hiện trong Cựu ước (“Isaiah”, và nhất là “Sách của Job”) và cả Talmud. Con quái vật biển to lớn và kỳ quặc này gây sợ hãi, nhưng là tạo vật của Chúa. Saint Augustin cho Leviathan là con quỷ của ham muốn. Trong truyền thống Thiên chúa giáo, nhiều khi nó được đồng hoá với quỷ Satan. Những tính chất đối nghịch phức tạp của nó tạo cảm hứng lớn cho sáng tác nghệ thuật sau này, cùng với Behemoth, một quái vật khác (có nơi nói đây là một cặp, Behemoth là con đực và Leviathan là con cái). Con mèo quái đản trong Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov tên là Behemoth và có ít nhất hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng tên là Leviathan: tiểu thuyết của Julien Green (bằng tiếng Pháp: Léviathan) xuất bản năm 1927 và gần đây là tiểu thuyết của một nhà văn (hậu) hiện đại, Paul Auster. Moby Dick của Herman Melville cũng sử dụng lại hình ảnh này theo một cách ẩn dụ khác. Nhìn chung, Leviathan là một quái vật biển, to lớn, đáng sợ, nhưng quyến rũ. Cuốn Leviathan [2] của Hobbes bàn về con người, sự hình thành xã hội và nhà nước lý tưởng – Commonwealth.
Các nhà tư tưởng lớn không phải bao giờ cũng là những người độc đáo. Cả Locke và Hobbes đều xuất phát hoàn toàn giống nhau: giải thích tại sao con người không chấp nhận luôn trạng thái tự nhiên như nó vốn có và bao hàm sự tự do, sự độc lập của mỗi cá nhân, không chịu kiềm toả và áp lực nào từ trên xuống thông qua các thể chế, mà lại bước chân vào đời sống xã hội với đủ thứ luật lệ đi kèm, kể cả nguy cơ của chế độ chuyên chế. Nhưng Locke cho rằng trạng thái tự nhiên đó là tốt đẹp, người ta muốn bảo vệ nó nên chấp nhận một quyền lực mạnh hơn (“Khi người ta sống với nhau theo lý trí, không có một phẩm vị thế tục cao hơn nào trong cộng đồng, với thẩm quyền để phán xử giữa những con người đó, thì đây đích thị là trạng thái tự nhiên.” – Khảo luận..., tr.52), còn Hobbes thì cho rằng trạng thái tự nhiên đó là xấu xa, trạng thái tự nhiên chính là trạng thái chiến tranh, nên cần áp đặt quyền lực nhà nước vào để chấm dứt cái tình trạng mọi người là kẻ thù của mọi người đó (“Cái nguyên do cuối cùng, mục đích, ý đồ, mà con người theo đuổi, họ, những người về bản chất yêu tự do và thích được thống trị người khác, khi tự ấn định cho mình những hạn chế để rồi sống trong đó ở các nền Cộng hoà, là nhằm được tự phòng vệ và sống hạnh phúc hơn bằng cách đó: nói cách khác là thoát được ra khỏi cái tình trạng chiến tranh khốn khổ đó, cái tính trạng mà tôi đã chỉ ra là hậu quả tất yếu của những dục vọng bản chất của con người, khi không có quyền lực hiện hữu nào giữ yên chúng, trói chúng lại, thông qua nỗi sợ bị trừng phạt” – Leviathan, tr.173. Nguyên do là vì các luật tự nhiên trái ngược hẳn với các dục vọng tự nhiên của chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng có thiên hướng “thiên vị, kiêu ngạo, thích trả thù, và nhiều đức tính tương tự khác” – ibid.) Trong trạng thái ấy (khi mỗi người tự mình thực thi công lý, chẳng hạn giết kẻ trộm, không có can thiệp từ bên ngoài), hoà bình là điều tất yếu, với Locke. Nhưng Hobbes lại không chấp nhận trạng thái đó, vì nếu không có xã hội và những điều đi kèm, thì con người chỉ có thể sống trong đau khổ, chém giết, và nghèo khổ. Với Locke, hoà bình là và phải là tiêu chuẩn, còn với Hobbes, lúc nào cũng có chiến tranh, hoà bình chỉ là một dạng khác của chiến tranh (gần với tư tưởng của Hitler? bởi khi Hitler tuyên chiến với Mỹ thì lời tuyên bố đó chỉ thuần tuý mang tính biểu tượng, vì tình trạng chiến tranh đã trở thành thường trực và bình thường vào thời của các chế độ phatxit trước và trong Thế chiến II). Từ đó mà cách giải quyết và giải thích khế ước xã hội của hai người hoàn toàn khác nhau: Locke coi xã hội (dân sự) là điều tốt vì tính mạng, sự an toàn, và sở hữu của các cá nhân trong đó được một quyền lực cao hơn đảm bảo; Hobbes lại nghĩ xã hội giống như một thứ quyết định luận, người ta phải chấp nhận nó nếu không muốn bị giết.
Về phần mình, Hobbes cho rằng nếu không có một quyền lực đứng trên, con người sẽ triền miên ở trạng thái chiến tranh, khi tất cả chống lại tất cả. Ngay cả khi người ta tập hợp lại thành một cộng đồng, một xã hội, thì số lượng của cái tổ chức đó cũng phải dựa trên số lượng tương ứng của kẻ thù, phải đủ để chống cự lại. Ông cũng ủng hộ quyền lực nhà nước rất mạnh, được phép can thiệp, đè nén, áp bức những gì chống lại nó, chẳng hạn như các hội nhóm, phường hội, tranh luận chính trị... Trong trạng thái tự nhiên, không có chính quyền, chiến tranh sẽ liên tục nổ ra, triền miên, như một điều kiện sống, vì người ta phải tranh giành nhau những nguồn lực hạn chế, vì nỗi sợ người khác, và ham muốn vinh quang. Cuộc sống sẽ cô độc, nghèo khổ, “nasty, brutish, and short” (xấu xa, tàn bạo, và ngắn ngủi). Bất tuân chính quyền là tự sát, vì sẽ đưa chúng ta trở lại trạng thái đó, mất an ninh, vô chính phủ. Do đó, bất tuân là sai trái. Hobbes cho là chỉ một người, một ông vua, mới có quyền cai quản dân chúng. Một ông vua ra quyết định, viết luật, và thống trị những người còn lại. Ngược hẳn lại, theo cách nào đó, với Locke, dân chúng điều khiển chính quyền.
Đặt vấn đề về hình thành chính quyền một cách “thiện tâm” như đã trình bày ở trên, Locke chỉ còn lại một việc là đưa ra các lập luận nhằm bảo vệ xã hội dân sự tốt đẹp đó. Ông viết: “Xã hội dân sự là một trạng thái hoà bình giữa những người sống trong đó, loại trừ được khỏi trạng thái chiến tranh nhờ vai trò của người phân xử.” (Khảo luận..., tr.276). Người phân xử (thiết chế chính quyền) không loại trừ tự do của cá nhân, mà bảo vệ anh ta. Đối nghịch với đó là nền quân chủ chuyên chế: “nền quân chủ chuyên chế [...] thật sự mâu thuẫn với xã hội dân sự, và vì thế không hề là hình thức của chính quyền dân sự. Vì mục đích của xã hội dân sự là để tránh những phiền phức của trạng thái tự nhiên, và nó cũng chính là phương cách giải quyết cho những phiền phức tất yếu theo cùng với trạng thái này, ở việc mỗi người đều là quan toà cho trường hợp của riêng mình, bằng cách thiết lập một thẩm quyền được nhận biết mà mỗi người của xã hội dân sự đều có thể cáo kiện đến do có bất kỳ tranh cãi có thể nảy sinh, và đó là thẩm quyền mà mọi người trong xã hội phải tuân thủ. Nơi đâu mà những con người bất kỳ không có một nơi có thẩm quyền như vậy để cáo kiện đến hầu có được quyết định cho sự khác biệt bất kỳ nào đó giữa họ, nơi đó người ta vẫn sống trong trạng thái tự nhiên, và vì thế mỗi người họ là một quân vương chuyên chế đối với những người sống dưới quyền thế của họ.” (tr.128-129). Tuy sử dụng ngôn ngữ của Kinh thánh (“nơi mà không có bộ máy tư pháp thế tục để quyết định những tranh cãi giữa mọi người, thì Thượng đế nơi trời cao sẽ là người phán xử đó.” – tr.312), nhưng người dân đã được Locke trao cho một vị thế rất lớn: “Nếu tranh cãi nảy sinh giữa quân vương với một số người dân, ở một vấn đề mà luật pháp lặng im hay không rõ rệt, và sự việc có một hệ quả lớn, tôi thiển nghĩa người trọng tài thích hợp, trong trường hợp này, phải là cơ quan quyền lực của nhân dân.” – ibid.
Nhưng Hobbes thì khác hẳn. Chính quyền (hay Cộng hoà, hay Leviathan) đơn giản là một điều tất yếu, không thể xoá bỏ: “Những người là thần dân của một vị quân vương không thể, nếu ông ta không muốn vậy, vứt bỏ chế độ quân vương và quay về với tình trạng hỗn loạn của một đám đông không thống nhất” (Leviathan, tr.180). Cộng hoà theo nghĩa mà Hobbes định nghĩa có thời gian tồn tại ngang bằng với thời gian tồn tại của loài người. Do đó nếu Cộng hoà sụp đổ, thì “trách nhiệm thuộc về con người không phải với tư cách họ là vật chất của Cộng hoà, mà với tư cách là những kẻ tạo ra và cho phép thành lập nó.” (tr.342) Nguyên nhân hàng đầu của sự sụp đổ một nền Cộng hoà là khi thành lập nó, người ta tạo ra quyền lực không đủ lớn để đủ sức cai trị (tr.343).
Ảnh hưởng của Hobbes chủ yếu là vào thời đó: ông là người phản đối Nghị viện Anh, phản đối hệ thống giáo hoàng của Pháp, và sự phản đối đó lôi kéo được nhiều người đi theo. Locke thì đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà cách mạng Mỹ (tuyên ngôn độc lập, các điều luật liên bang, hiến pháp...) Điều này cũng dễ hiểu, vì những gì Locke phát biểu trong tác phẩm của mình chính là nền tảng của chủ nghĩa tự do cổ điển. Chẳng hạn như: “Con người sinh ra [...] với một địa vị tự do hoàn hảo và sự thụ hưởng không bị kiểm soát đối với tất cả các quyền và những ân huệ của luật tự nhiên, một cách bình đẳng như bất kỳ ai khác hay như với tất cả lượng người có trên thế giới này.” (Khảo luận..., tr.124-125), và nữa: “Salus populi suprema lex [Hạnh phúc của nhân dân là luật tối cao], đó dứt khoát là một quy tắc chính đáng và căn bản” (tr.213).
Có điều gì đó, trong quan hệ giữa lý thuyết của Hobbes và Locke, giống như quan hệ giữa Mạnh Tử và Tuân Tử ở “nhân chi sơ tính bản thiện” và “nhân chi sơ tính bản ác”. Không thể kết luận ai đúng hơn ai, nhưng có vẻ như phải có cả hai nền tảng đó thì con người mới có khả năng được nhìn nhận toàn diện. Chính quyền (hay thiết chế nhà nước) cũng chỉ có thể được xem xét ở bình diện rộng khi được đẩy về các cực lý thuyết khác nhau, được xem xét từ những con người có cách tư duy không hề giống nhau.
Cả hai lý thuyết, của Hobbes, và của Locke, đều bắt đầu và kết thúc ở Kinh thánh, khi đó không đơn giản là một cuốn sách, và cũng không giống bây giờ, một tác phẩm văn chương, mà bao trùm như một ý thức hệ, thậm chí, một hệ hình tư tưởng chi phối toàn bộ hoạt động tinh thần và trí tuệ của con người. Không thể có chuyện một nhà tư tưởng thời đó không suy nghĩ về và dựa trên cuốn sách đó, cũng như không thể có chuyện con người thời nay không check mail hàng ngày.
Số phận của hai học thuyết này rất khác nhau. Kịp hoà nhịp với chủ nghĩa nhân văn và rất thuận tiện để các nhà Khai sáng lấy làm tiền đề, Locke trở thành nhân vật bậc thầy của lý luận nhà nước và chính quyền của thời hiện đại. Con quái vật Leviathan của Hobbes thì chìm sâu xuống biển. Con quái vật rất nghịch mắt và đáng sợ đó cũng chỉ xuất hiện rất ít lần trong kinh điển Thiên chúa giáo. Nhưng không thể từ chối là nó đẹp một vẻ quyến rũ phi chính thống, và sự biến mất không đồng nghĩa với không có khả năng xuất hiện trở lại, đột ngột và bất ngờ.
Tuy rất rõ ràng rằng Hobbes bảo vệ quyền lực quân vương, Locke bảo vệ quyền lực nhân dân (điều này thì cũng không hẳn: Locke dự phần âm mưu ám sát James II, nhưng sau đó lại từ nơi lưu đày về Anh trên thuyền của công nương Mary), nhưng phụ tá một Thượng đế tốt bụng và phò trợ một Thượng đế xấu tính, có lẽ điểm khác nhau duy nhất giữa Hobbes là Locke là ở chỗ đó. Về đấng chí tôn đó, hai người có những diễn giải hoàn toàn khác nhau: Locke cho rằng “tất cả đều là đầy tớ của một chủ nhân tối thượng, được sai phái vào thế giới này do lệnh của ngài và cho công việc của ngài.” (Khảo luận..., tr.36), và nữa: “Thượng đế, khi tạo nên con người như một sinh vật như thế, theo xét đoán của riêng ngài, sẽ là không tốt nếu cho họ trơ trọi chỉ có vậy, nên đã đặt họ dưới những nghĩa vụ mạnh mẽ [...] đưa họ vào đời sống xã hội, cũng như khiến họ thích hợp với hiểu biết và ngôn ngữ để duy trì và thụ hưởng xã hội đó.” (tr.117) Còn Hobbes thì chọn sản phẩm xấu xa và đáng sợ nhất mà Chúa tạo ra làm tên cho tác phẩm của mình, và, với ông, người được tất cả nhất trí chọn làm người duy nhất cai quản là một “vị chúa phàm trần” (Leviathan, tr.178)
[1]Khảo luận thứ hai về chính quyền. Chính quyền dân sự, Nhà xuất bản Tri Thức, 2007; người dịch: Lê Tuấn Huy.
[2]Tôi sử dụng bản tiếng Pháp: Thomas Hobbes, Léviathan, traité de la matière, de la forme et du pouvoir de la république ecclésiastique et civile, Éditions Sirey, 1983; người dịch: François Tricaud. Các phần trích dịch tiếng Việt: Cao Việt Dũng.
Nguồn: Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng số 10 (20/5/2007), đăng lại trên talawas với một số chỉnh sửa.
Tocqueville : Nền dân trị Mỹ
Tocqueville Alexis de
Nền dân trị Mỹ (trích)
Phạm Toàn dịch
Chương V: Về cách thức người Mỹ sử dụng hình thức hiệp hội - đoàn thể trong đời sống dân sự
Tôi không muốn nói đến những đoàn thể chính trị được con người đem dùng vào việc tự vệ chống lại hành động chuyên chế của một phe đa số hoặc chống lại những lấn lướt bởi quyền lực của một ông vua. Những điều đó đã được tôi xem xét ở chương khác. Rõ ràng là, nếu như mỗi công dân, khi mà trong tư cách cá nhân họ càng lúc càng trở nên yếu thế đi, và do đó khi tách riêng ra họ càng không có khả năng duy trì quyền tự do của mình, nếu họ không học lấy cách thức đoàn kết với những ai có hoàn cảnh như mình để cùng tự vệ, tất yếu khi đó bạo quyền sẽ nảy nở và lớn mạnh cùng với bình quyền. Vì thế ở chương này tôi chỉ bàn đến những hiệp hội–đoàn thể được hình thành trong đời sống dân sự và chúng chẳng hề có tính chất chính trị.
Các đoàn thể chính trị tồn tại ở Hoa Kỳ chỉ là một chi tiết giữa bối cảnh mênh mông của các hiệp hội đoàn thể ở xứ sở này.
Người Mỹ ở mọi lứa tuổi, mọi điều kiện và hoàn cảnh, mọi trình độ tinh thần trí tuệ, đều luôn luôn kết hội lại với nhau. Không những họ có những hiệp hội thương mại và công nghiệp mà ai ai cũng có chân trong đó, họ còn có cả ngàn kiểu hiệp hội các loại khác nữa: hội về tôn giáo và hội về đạo đức, hội nghiêm túc và hội tào lao, hội khá chung và hội rất riêng, hội vô cùng lớn và hội vô cùng bé. Người Mỹ lập hội để tổ chức lễ tết, lập hội để mở trường học theo lối tự học (séminaire – ND), lập hội để xây dựng các quán nhậu, để dựng nhà thờ, để quảng bá sách, để cử các nhà truyền giáo đi tới những vùng xa xôi tận đẩu tận đâu. Cũng theo cách lập hội đó mà người Mỹ xây bệnh viện, mở nhà tù, dựng trường học. Kể cả khi có nội dung là nghiên cứu làm sáng tỏ một sự thật nào đó hoặc để triển khai một tình cảm dựa trên một tấm gương lớn, khi đó họ cũng lập hội để hoạt động. Khắp nơi nơi khi có công trình mới mẻ nào, mà ở Pháp bạn sẽ thấy đứng đầu là một người của chính quyền và ở Anh là một người của Hoàng gia, thì bạn hãy tin rằng ở Hoa Kỳ đứng đầu công trình mới đó là một hiệp hội.
Tôi từng bắt gặp ở nước Mỹ những kiểu hiệp hội mà phải thú nhận là chẳng hiểu họ lập ra để làm gì, và tôi lắm khi chiêm ngưỡng cái tài năng vô tận những con người ở nước Mỹ đem ra thi thố để xác định một mục tiêu chung cho những nỗ lực của số rất đông con người và rồi còn làm cho những con người ấy vẫn bước đi một cách tự do bên trong các tổ chức ấy.
Tôi lùng đọc những tài liệu từ xưa của nước Anh, những tài liệu từ đó có được người Mỹ nhặt ra một số luật lệ và vô số cách dùng, và thấy được rằng người Mỹ đã đi khá xa và thấy họ dùng khái niệm hiệp hội một cách khá bền bỉ và khéo léo đến thế.
Thường có chuyện là người Anh thực hiện riêng rẽ được những công cuộc rất to tát, trong khi đó, ta chẳng thấy một công trình thật nhỏ bé nào mà người Mỹ lại không kết hội lại để cùng nhau làm. Hiển nhiên là người Anh coi hiệp hội như một phương tiện hành động đầy sức mạnh; nhưng hình như người Mỹ lại coi phương tiện hiệp hội là công cụ hành động duy nhất.
Vậy là cái xứ sở dân chủ nhất của trái đất này cũng là xứ sở ở đó con người đã có được cái kỹ năng hoàn thiện nhất thời nay cùng đeo đuổi mục tiêu của những ước vọng chung và đem áp dụng cái khoa học mới mẻ này vào được cho vô vàn đối tượng. Đó chỉ là chuyện tình cờ, hay là giữa các hiệp hội – đoàn thể và quyền bình đẳng phải có một mối liên quan tất yếu nào chứ?
Các xã hội quý tộc trị luôn luôn chứa đựng trong lòng nó một nhóm nhỏ công dân rất thế lực và rất giàu nằm giữa vô thiên lủng những cá nhân không đủ sức tự mình làm bất cứ điều gì. Mỗi con người giàu có và thế lực này có khả năng tự mình làm nên những công trình lớn.
Trong các xã hội quý tộc trị, con người không có nhu cầu kết hội lại để hành động, bởi vì họ đã được duy trì cố kết với nhau rất chắc rồi.
Trong các xã hội quý tộc trị đó, mỗi công dân giàu có và thế lực như thế đứng đầu một “hiệp hội” tồn tại thường xuyên và bắt buộc, gồm tất cả những ai lệ thuộc trong tay công dân giàu mạnh kia và bị khiến cho phải cùng thực hiện các ý đồ của anh ta.
Trong các quốc gia dân trị thì ngược lại, mọi công dân đều độc lập và không có thế lực gì hết. Hầu như họ không thể tự mình làm nên một điều gì, và mỗi công dân đó lại chẳng thể nào bắt buộc được các công dân khác giúp rập vào cho mình. Thế là tất cả đều rơi vào sự bất lực nếu họ không biết cách tự do giúp đỡ lẫn nhau.
Nếu con người sống trong các quốc gia dân trị lại không có quyền và chẳng có thích thú kết hội lại vì những mục tiêu chính trị, thì sự độc lập của họ hẳn là rất bấp bênh, song họ vẫn có khả năng giữ gìn dài lâu các tài sản và trí tuệ của mình. Thế nhưng nếu như họ không sử dụng được quyền lập hội ngay trong đời sống bình thường, thì bản thân nền văn minh sẽ gặp nguy cơ bị hủy diệt. Một quốc gia mà ở đó những con người riêng rẽ không còn nữa cái quyền tiến hành riêng rẽ những công trình to tát song lại không có được cái khả năng chung sức với nhau tiến hành các công trình ấy, quốc gia đó rồi sẽ sớm quay trở lại cuộc sống mông muội.
Khốn thay, cũng trạng thái xã hội đã khiến các hiệp hội trở nên thiết yếu cho các quốc gia dân trị, thì cũng chính nó lại khiến các hiệp hội đó gặp khó khăn hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Khi có nhiều thành viên của đẳng cấp quý tộc muốn lập hội với nhau, họ làm công việc đó thật dễ. Do chỗ mỗi người trong bọn họ mang theo mình một thế lực lớn của xã hội nên số hội viên có thể rất ít, và khi số lượng hội viên ít thì họ rất dễ quen biết hết nhau, hiểu nhau và xác lập nên những quy tắc cố định.
Không sao có thể bắt gặp một sự dễ dàng như vậy tại các nước dân chủ, ở đó người ta đòi hỏi phải có thật nhiều hội viên thì hội mới được thừa nhận.
Tôi biết là chuyện này không làm những người cùng thời với tôi xúc động. Họ cho rằng, chừng nào các công dân càng yếu thế hơn và bất lực hơn, thì cần phải làm cách gì cho chính quyền khôn khéo hơn và chủ động hơn, như thế xã hội có thể thực hiện được những gì các cá nhân không đủ sức làm. Họ ngỡ là cứ như vậy là đáp ứng tất thảy. Song tôi tin là các vị đó đã nhầm.
Một chính quyền có thể thay thế cho một vài trong số những hiệp hội lớn nhất của Mỹ, và bên trong Liên bang Hoa Kỳ đã có rất nhiều bang thử làm điều đó. Nhưng liệu có chính quyền nào đủ sức thỏa mãn số lượng nhiều đến vô tận những doanh nghiệp nhỏ mà người Mỹ điều hành hoạt động hàng ngày nhờ hiệp hội?
Ta dễ dàng dự đoán là đang tiến dần tới thời kỳ mà con người sẽ ngày càng bớt lao động một thân một mình để sản xuất ra các đồ vật phổ thông và cần thiết nhất cho cuộc sống. Nhiệm vụ của quyền lực xã hội sẽ gia tăng không ngừng, và chính những nỗ lực của nó khiến cho quyền lực đó càng ngày càng rộng lớn. Chính quyền càng làm thay các hiệp hội thì những con người cá thể do đã mất đi cái ý tưởng kết hội sẽ càng đòi hỏi chính quyền tới hỗ trợ: đó là những nguyên nhân và hệ quả không ngừng tự sinh ra nhau. Cuối cùng liệu chính quyền công cộng có điều hành nổi toàn bộ nền sản xuất mà một công dân riêng lẻ không sao làm nổi? Và nếu như vào lúc nào đó, do hệ quả của sự chia triệt để đất đai, chia nhỏ đến kiệt cùng, đến độ là đất đai chỉ có thể canh tác nhờ những hiệp hội nông dân, liệu khi đó người đứng đầu chính quyền có rời bỏ vị trí người thuyền trưởng con tàu Nhà nước để đi cầm cày?
Khi chính quyền của một quốc gia dân trị chiếm chỗ hoàn toàn của các hiệp hội, thì đạo đức và trí tuệ của quốc gia ấy cũng không gặp hiểm nguy nho nhỏ nào ngoại trừ việc giao thương và việc sản xuất của nó.
Tình cảm và tư tưởng chỉ có thể đổi mới, trái tim chỉ có thể rộng lớn thêm và trí tuệ con người chỉ có thể phát triển mãi nhờ hành động tương hỗ giữa con người với con người.
Tôi đã chỉ ra rằng cái hành động như thế hầu như bằng không trong các nước dân chủ. Vậy là phải tạo ra chúng một cách nhân tạo. Và đó chính là chỗ chỉ có các hiệp hội mới đủ sức tiến hành.
Khi các thành viên của đẳng cấp quý tộc chọn nhận một ý tưởng mới hoặc khi có một tình cảm mới, họ đem đặt những cái mới đó như thể ở bên cạnh họ bên trên cái sân khấu nơi chính họ đang diễn, và bằng cách trưng ra như vậy trước con mắt đông đảo quần chúng, họ làm cho các ý tưởng và tình cảm mới đó dễ dàng đi vào bên trong tinh thần và trái tim mọi người sống quanh họ.
Trong các nước dân chủ, chỉ có quyền lực xã hội là luôn luôn ở trạng thái hành động như thế một cách tự nhiên, nhưng ta cũng dễ dàng thấy là hành động ấy của nó bao giờ cũng không đủ thỏa mãn và lắm khi còn nguy hiểm nữa.
Riêng một mình cái chính quyền chỉ biết điều hành những công trình sản xuất trong một quốc gia to lớn sẽ không thể nào thỏa mãn được việc cải đổi và chu chuyển các tình cảm và tư tưởng mới mẻ trong quốc gia đó. Ngay khi chính quyền đó thử tìm cách thoát ra khỏi lĩnh vực chính trị để lao vào con đường mới đó, nó vô tình tạo ngay ra một bạo quyền không thể chấp nhận được. Một chính quyền mà chỉ biết ban phát những quy tắc chính xác, thì chính quyền đó cũng áp đặt những tình cảm và tư tưởng được nó ưu ái, và thật là khó chịu khi phải phân biệt đâu là lời khuyên và đâu là mệnh lệnh của chính quyền đó.
Sẽ càng tồi tệ hơn nữa nếu chính quyền đó cứ ngỡ là mình thực sự quan tâm sao cho mọi thứ đều ‘‘ổn định’’. Khi đó nó sẽ không làm gì nữa và rơi vào trạng thái đần độn trì trệ nhờ một giấc ngủ tự nguyện.
Vậy là cần thiết sao cho chính quyền đó không hành động một mình.
Chính là các hiệp hội tại các quốc gia dân trị phải giữ vai trò của những “cá nhân” đầy thế lực đó, những thứ đã bị sự bình quyền của hoàn cảnh và điều kiện làm cho biến mất đi.
Liền ngay khi những cư dân Hoa Kỳ có một tình cảm hoặc một ý tưởng nào họ định phổ biến rộng ra ngoài, họ tìm đến với nhau, và khi đã bắt gặp nhau, thì họ kết hội lại với nhau. Kể từ đó thì họ không còn là những cá nhân đơn lẻ sống tách rời nhau nữa, mà đã thành một thế lực có thể nhận dạng từ xa và hành động của họ được làm tấm gương, họ lên tiếng, và người ta phải lắng nghe.
Lần đầu tiên tôi nghe nói là ở Hoa Kỳ có một trăm nghìn người tham gia công khai vào việc không dùng rượu mạnh nữa, chuyện ấy khi đó với tôi có vẻ vui vui hơn là nghiêm túc, và ngay khi ấy tôi đã không hiểu nổi vì sao những công dân rất ôn hòa đó lại không bằng lòng với việc uống nước trắng kín đáo trong nội bộ gia đình họ.
Cuối cùng rồi tôi cũng hiểu được là một trăm nghìn người Mỹ ấy, lo sợ trước nạn nghiện rượu đang tiến triển mạnh xung quanh mình, đã tìm cách đứng ra bảo trợ việc không uống rượu nữa. Họ đã hành động như một đại vương gia từng hành động trước đây, ăn mặc hết sức bình dân để tạo ấn tượng cho những công dân bình thường rằng họ khinh thường sự xa hoa. Ta có thể tin được là nếu như một trăm nghìn người ấy mà sống ở Pháp, thì họ sẽ từng người một đến cầu cạnh chính phủ để cầu xin nhà nước kiểm soát các quán nhậu trên toàn cõi vương quốc này.
Theo ý tôi, chẳng có gì đáng để hấp dẫn con mắt quan sát của chúng ta hơn là những hiệp hội trí tuệ và đạo đức của nước Mỹ. Những hiệp hội chính trị và công nghiệp của người Mỹ gần gũi với cách hiểu của chúng ta. Nhưng các loại hiệp hội khác thì vượt khỏi sự hiểu biết của chúng ta. Và một khi khám phá được loại hiệp hội này thì chúng ta vẫn không hiểu được chúng, vì chúng ta chưa từng thấy những gì tương tự như thế. Dẫu sao thì cũng phải thừa nhận rằng các hiệp hội thuộc loại thứ hai đó cũng cần thiết đối với người dân nước Mỹ như các hiệp hội thứ nhất – chính trị và công nghiệp (ND) – thậm chí còn cần thiết hơn nữa.
Tại các nước dân chủ, khoa học về sự kết hội và lập hội là khoa học mẹ; sự tiến bộ của các khoa học khác tùy thuộc vào những tiến bộ của “bà mẹ” này.
Trong số những quy luật chi phối các xã hội con người, có một cái hình như chính xác hơn và tường minh hơn mọi quy luật khác. Muốn cho con người mãi mãi tồn tại văn minh hoặc trở thành những kẻ văn minh, cần thiết là phải phát triển được trong bọn họ nghệ thuật kết hội lại với nhau, và nghệ thuật ấy phải được hoàn thiện tương tự như sự gia tăng của quyền bình đẳng các điều kiện.
Chương VI
Về mối quan hệ giữa các hiệp hội với báo chí
Khi con người không còn gắn bó với nhau một cách vững chắc và lâu bền, thì khó có thể làm cho đa số họ cùng hành động chung, song ít ra cũng phải thuyết phục từng người mà sự tham gia của người đó là cần thiết, rằng lợi ích riêng của anh ta bắt buộc anh tự nguyện góp các nỗ lực của anh vào với nỗ lực của mọi người.
Điều đó chỉ có thể tiến hành một cách bình thường và thuận lợi nhờ một tờ báo. Chỉ có một tờ báo là có khả năng trong cùng một lần đem cùng một ý tưởng đặt vào trong cả ngàn cái đầu.
Một tờ báo là một ông cố vấn không cần phải đi tìm ở đâu xa, mà tự ông dẫn xác đến và lại nói với ta mỗi ngày, và nói vắn tắt về mọi công việc chung, và chẳng làm rầy rà chút nào đến công việc riêng của ta.
Như vậy là báo chí càng trở thành cần thiết hơn chừng nào con người càng bình đẳng bình quyền với nhau hơn và chủ nghĩa cá nhân cũng càng đáng sợ hơn. Coi báo chí chỉ là công cụ bảo đảm tự do là làm giảm tầm quan trọng của chúng đi; báo chí duy trì được cho nền văn minh.
Tôi không phủ nhận là trong các nước dân chủ báo chí lắm khi xúi các công dân cùng tiến hành những công cuộc khá là khinh suất. Thế nhưng, không có báo chí thì cũng chẳng có được hành động chung. Mặt xấu của báo chí như vậy là nhỏ hơn rất nhiều so với cái xấu được chúng chạy chữa.
Một tờ báo không chỉ có tác động gợi ra cùng một ý đồ cho số đông con người; nó còn cung cấp cho họ những phương tiện để cùng thực thi những ý đồ mà họ đã cùng hình thành với nhau.
Những công dân quan trọng sinh sống ở một xứ sở quý tộc trị nhìn thấy nhau từ khoảng cách thật xa; và nếu họ muốn kết hội sức mạnh lại, thì họ đi đến với nhau để gặp gỡ nhau, và lôi cuốn cả vô vàn người khác cùng đi theo.
Song lắm khi ở những quốc gia dân trị lại có vô số người có ước vọng hoặc có nhu cầu kết hội với nhau, nhưng lại không có khả năng thực hiện việc đó, bởi tất cả bọn họ vốn đều bé nhỏ và mất hút trong đám đông nên họ chẳng nhìn thấy nhau và cũng chẳng biết cách tìm thấy nhau ở chỗ nào. Thế rồi có một tờ báo trương lên trước mắt con người cái tình cảm hoặc cái ý tưởng được trình bày ra tức thì, nhưng lại trình bày riêng rẽ cho từng người trong bọn họ. Tất cả liền hướng về cái luồng sáng ấy, và thế là những linh hồn lang thang đó, chúng vẫn tìm nhau bao lâu rồi trong bóng tối, cuối cùng chúng bắt gặp nhau và kết hội lại với nhau.
Tờ báo làm cho họ xích lại với nhau, và tờ báo vẫn tiếp tục cần thiết cho họ để duy trì sự kết hội cùng nhau.
Để cho một hiệp hội có được một sức mạnh nào đó trong một quốc gia dân trị, tổ chức đó phải đông thành viên. Như vậy là những con người tạo thành hiệp hội đó được phân tán trên một không gian rộng lớn, và mỗi con người của hiệp hội ấy bị giữ chặt lại ở nơi anh ta sinh sống, cái sản nghiệp loàng xoàng không cho phép anh ta đi xa và cũng còn vô vàn điều nhỏ nhặt thuộc về sản nghiệp níu kéo anh ta nữa. Thế là anh ta cần phải có một phương tiện để nói với nhau hàng ngày mà không cần gặp mặt, và cùng thống nhất nhịp bước mà chẳng cần họp mặt. Vậy nên sẽ chẳng thể có hiệp hội dân chủ nào mà lại chẳng cần đến một tờ báo cả.
Vậy là có tồn tại một mối quan hệ tất yếu giữa những hiệp hội và báo chí: báo chí làm nên hiệp hội và hiệp hội làm nên báo chí. Và một mặt, nếu đúng là một khi các điều kiện càng được cào bằng với nhau thì ngày càng phải có thêm nhiều hiệp hội, thì mặt khác, cũng không kém phần đúng một khi số lượng các hiệp hội được gia tăng thì số lượng báo chí cũng phải gia tăng.
Vì vậy mà nước Mỹ là xứ sở trên thế giới nơi đó ta vừa bắt gặp số lượng hiệp hội nhiều nhất và cũng bắt gặp số lượng báo chí nhiều nhất.
Cái mối tương quan giữa số lượng báo chí và số lượng hiệp hội đó dẫn chúng ta đến chỗ khám phá được một mối tương quan nữa giữa tình trạng báo chí ra định kỳ và hình thức cai trị đất nước, nó cho chúng ta biết rằng, tại một quốc gia dân trị, số lượng báo chí phải giảm đi hoặc phải gia tăng tỷ lệ thuận với trình độ tập trung hóa nền hành chính cao hay thấp. Bởi vì, ở các quốc gia dân trị, người ta không thể khoán trắng công việc thực thi quyền lực vào tay một số công dân như ở các chế độ quý tộc trị. Cần phải xóa sổ các hình thức quyền lực đó hoặc là phải trao nó vào tay số đông. Những con người này tạo thành một hiệp hội đích thực được luật pháp xác lập thường xuyên để cai quản một bộ phận lãnh thổ, và họ cần đến một tờ báo hàng ngày để giữa muôn vàn công việc linh tinh họ vẫn được tờ báo cho biết tình trạng chung của công vụ. Quyền lực địa phương càng nhiều, thì số người được luật pháp định ra để thực thi công việc càng nhiều, và khi cái nhu cầu đó bộc lộ ra thường xuyên, thì báo chí cứ gọi là nhan nhản.
Nguyên nhân của việc gia tăng khá đặc biệt số lượng báo chí ở nước Mỹ là sự phân chia nhỏ rất đặc biệt của quyền hành chính, cộng với sự tự do vô cùng về chính trị và sự độc lập tuyệt đối về ngôn luận. Nếu như tất cả các cư dân của Hoa Kỳ đều là cử tri, dưới cái chế độ chỉ hạn chế họ trong việc bầu ra những nhà lập pháp của bang, thì hẳn là họ sẽ chỉ cần một lượng nhỏ báo chí thôi, bởi vì họ chỉ có một vài cơ hội quan trọng, nhưng rất hiếm hoi, để hành động chung. Thế nhưng, bên trong cái cuộc đại hiệp hội toàn quốc, luật pháp còn định ra cho từng tỉnh, cho từng thành phố, thậm chí cho từng xã, những tiểu hiệp hội mà mục tiêu là công cuộc hành chính địa phương. Bằng cách này, nhà lập pháp đã buộc mỗi người dân nước Mỹ phải hàng ngày cùng với một số đồng bào tham gia vào một công việc chung, và mỗi một con người như thế cần đến một tờ báo để cập nhật được tình hình, để biết được những người khác đang làm và đã làm những gì.
Tôi cho rằng một quốc gia dân trị [1] song lại không có chế độ đại diện ở cấp quốc gia, mà chỉ có vô số tổ chức quyền lực nhỏ ở địa phương, cuối cùng sẽ có nhiều tờ báo so với một quốc gia khác ở đó có một nền hành chính tập trung hóa tồn tại bên cạnh một nền lập pháp dân cử. Điều làm cho tôi hiểu kỹ hơn cả sự phát triển thần kỳ của hệ thống báo chí ra hàng ngày của nước Mỹ, ấy là vì tôi thấy được ở người Mỹ có sự kết hợp chặt chẽ giữa quyền tự do to lớn trên phạm vi toàn quốc với những quyền tự do các loại trên phạm vi địa phương.
Ở Pháp và ở Anh nói chung người ta thường nghĩ rằng, chỉ cần xóa bỏ thuế đánh vào báo chí là đủ để gia tăng số lượng báo chí đến vô cùng. Hiểu như vậy là quá thổi phồng những tác động của cuộc cải cách như thế ấy. Báo chí không phát triển chỉ vì được bán rẻ, mà báo chí phát triển vì nhu cầu ít nhiều lặp lại nhau của số lớn những con người cần đến báo chí để thông tin cho nhau và hành động chung với nhau.
Tôi những muốn tìm nguyên nhân cái thế lực ngày càng gia tăng của báo chí trong những lý do tổng quát hơn nữa chứ không chỉ ở những lý do người ta vẫn dùng để giải thích hiện tượng đó.
Một tờ báo chỉ có thể tồn tại được với điều kiện là nó phải bày tỏ một học thuyết hoặc một tình cảm chung của số lượng lớn con người. Vậy là bao giờ một tờ báo cũng đại diện cho một hiệp hội có các độc giả thường xuyên là thành viên của hiệp hội đó.
Cái hiệp hội đó có thể có tôn chỉ ít nhiều rõ rệt, rộng hẹp to nhỏ không như nhau, hội viên có thể đông đúc hoặc vắng vẻ, nhưng ít ra thì hiệp hội đó cũng phải tồn tại như một cái mầm sống trong đầu óc mọi người, và đó là lý do duy nhất để một tờ báo không bị chết.
Điều này dẫn chúng ta đến một suy nghĩ cuối cùng để kết thúc chương sách này lại.
Các điều kiện càng được cào bằng, thì con người cá nhân càng ít sức mạnh, và nó càng dễ dàng để cho mình bị đám đông quần chúng cuốn đi, và cá nhân đó càng khó duy trì một ý kiến quan điểm đã bị đám đông quần chúng kia vứt bỏ.
Một tờ báo đại diện cho một hiệp hội. Ta có thể nói là tờ báo nhân danh toàn bộ những con người khác mà lên tiếng nói với từng độc giả, và khi những độc giả đó càng là những cá thể yếu đuối thì tờ báo càng lôi kéo họ dễ dàng hơn.
Vậy là quyền lực của báo chí phải gia tăng cùng với trình độ con người được bình đẳng bình quyền.
Chương VII
Quan hệ giữa hiệp hội dân sự với hiệp hội chính trị
Trên trái đất này chỉ có một dân tộc ngày nào cũng được sử dụng quyền tự do vô hạn độ trong việc kết hội với nhau trên cơ sở quan điểm chính trị. Đó cũng là dân tộc duy nhất trên thế giới này, công dân của họ đã hình dung ra việc sử dụng thường xuyên quyền lập hội trong đời sống dân sự, và bằng cách đó, họ đã đạt tới chỗ tự cung cấp mọi điều tốt đẹp mà nền văn minh có khả năng đem lại.
Tại tất cả các quốc gia mà quyền lập hội chính trị bị cấm đoán, thì cũng hiếm có những hiệp hội dân sự.
Không hẳn đây là kết quả của ngẫu nhiên; nhưng có lẽ từ đó ta nên kết luận rằng, có một mối quan hệ tự nhiên và có thể là tất yếu giữa hai kiểu hiệp hội này.
Có những con người tình cờ có những lợi ích chung trong một công chuyện nào đó. Có thể đó là chuyện điều hành một cơ sở thương mại, là chuyện ký kết một hoạt động sản xuất công nghiệp; thế là họ gặp gỡ nhau và kết hội cùng nhau; theo cách đó họ dần dần quen với tổ chức hiệp hội.
Số lượng những công chuyện chung nho nhỏ này càng tăng, thì con người càng có được khả năng cùng đeo đuổi với nhau những công chuyện lớn lao, có khi điều đó xảy ra ngoài ý định của họ.
Vậy là, những hiệp hội dân sự tạo điều kiện dễ dàng cho những hiệp hội chính trị; nhưng một mặt khác, hiệp hội chính trị lại đặc biệt giúp cho việc phát triển và hoàn thiện hiệp hội dân sự.
Trong đời sống dân sự, nói cho cùng thì mỗi con người đều cảm thấy mình ở vào trạng thái tự thỏa mãn được mọi điều. Về chính trị, con người khó có thể hình dung mình như vậy. Khi một quốc gia có một cuộc sống công cộng, thì ý tưởng kết hội và sự khát khao lập hội hiện ra từng ngày trong tâm trí mỗi công dân: cho dù một cách tự nhiên con người không thích thú hành động chung, song họ vẫn sẽ sẵn sàng làm như vậy vì lợi ích của một phe đảng.
Vậy là, chính trị khiến cho sự thích thú và thói quen kết hội trở thành điều phổ biến; chính trị khiến cho con người có ước vọng kết hội và dạy cách thức lập hội cho đám đông con người vốn bao giờ cũng chỉ sống riêng rẽ.
Chính trị không chỉ làm đẻ ra nhiều hiệp hội, chính trị còn tạo ra những hiệp hội rất lớn.
Trong đời sống dân sự, hiếm khi có một lợi ích nào lại lôi cuốn được một cách tự nhiên một số lượng lớn con người vào hành động chung. Phải rất khéo léo thì con người mới lập ra được cái hiệp hội tầm cỡ đó.
Trong đời sống chính trị, cơ hội lập hội luôn luôn và bất kỳ lúc nào cũng tự nó xuất hiện. Thế mà, chỉ trong những hiệp hội lớn thì giá trị tổng quát của hiệp hội mới lộ diện được ra. Những công dân tách riêng ra thì yếu kém, ngay từ đầu đã không có ý tưởng rõ ràng về sức mạnh mà họ có thể có một khi kết hội lại với nhau; phải chỉ ra cho họ thấy điều đó thì họ mới hiểu. Từ đó mà lắm khi việc kết hội vì một mục đích chung dễ lôi cuốn được vô số con người song lại khó lôi kéo được vài ba con người. Một nghìn công dân chẳng nhìn thấy đâu là lợi ích để họ kết hội với nhau; mười nghìn công dân thì lại nhìn thấy được điều ấy. Trong chính trị, con người kết hội với nhau vì những công cuộc lớn lao, và cái lập trường chung họ có từ hiệp hội để đưa vào những công chuyện quan trọng lại dạy họ trong thực hành về cái lợi ích họ phải cùng chung tay thực hiện trong những công chuyện nhỏ bé hơn.
Một hiệp hội chính trị chỉ trong một lần là lôi được vô số cá nhân ra khỏi bản thân họ; bất kể họ xa cách nhau ra sao về tuổi tác, về tinh thần và tư tưởng, về gia sản, hiệp hội vẫn làm cho họ xích lại với nhau và tiếp xúc với nhau. Họ gặp gỡ nhau một lần và học được cách gặp gỡ nhau mãi mãi.
Con người chỉ có thể tham gia vào phần lớn các hiệp hội dân sự bằng cách phô bày ra một phần di sản của mình; đó là đối với tất cả các hiệp hội sản xuất công nghiệp và thương mại. Khi con người còn ít hiểu biết về nghệ thuật kết hội và họ cũng chưa biết tới những quy tắc chính của việc kết hội, thì khi lần đầu kết hội với nhau theo cách đó, họ lo sợ phải trả giá đắt cho sự thiếu trải nghiệm của mình. Với họ, thà là thiếu đi một công cụ đầy sức mạnh dẫn đến thành công, còn hơn là có thể gặp những nguy cơ kéo theo việc nhập hội. Nhưng khi gia nhập hiệp hội chính trị thì họ ít do dự hơn vì các hiệp hội này không tỏ ra có nguy cơ gì, vì họ không sợ bị mất tiền của vào những hiệp hội chính trị này. Song, họ không thể ở lâu trong các hiệp hội ấy mà không phát hiện thấy cách thức người ta duy trì trật tự đối với số đông con người, và người ta dùng cách thức nào để những con người ấy cùng tiến đến một mục tiêu chung mà lại đều bước như nhau và đúng cung cách như nhau. Trong các hiệp hội đó, con người học được cách đem ý chí cá nhân phục tùng ý chí những kẻ khác và đem các nỗ lực cá nhân phụ thuộc vào hành động chung, toàn bộ những điều này đều học được ở cả những hiệp hội dân sự cũng như trong hiệp hội chính trị.
Vậy là có thể coi các hiệp hội chính trị như những trường học lớn miễn phí nơi tất cả các công dân đều tới để học lấy cái lý thuyết tổng quát về hiệp hội.
Vậy cho nên, ngay cả khi hiệp hội chính trị không trực tiếp phục vụ cho sự tiến bộ của hiệp hội dân sự, thì nếu như có xóa bỏ hiệp hội chính trị đi thì vẫn làm hại cho hiệp hội dân sự.
Khi các công dân chỉ có thể được kết hội trong một số trường hợp, họ sẽ nhìn hiệp hội như một vật hiếm và đặc biệt, và họ không buồn nghĩ đến những thứ hội hè ấy nữa.
Khi ta để cho công dân được kết hội tự do thành đủ mọi thứ hội, họ sẽ nhìn thấy trong hiệp hội cái phương tiện phổ biến, có thể nói là phương tiện duy nhất, con người có thể đem dùng để đạt tới những mục tiêu khác nhau do họ định ra. Mỗi nhu cầu mới lại đánh thức một tư tưởng. Nghệ thuật kết hội khi đó trở thành cái khoa học mẹ, như tôi đã nói ở bên trên kia; mọi người đều nghiên cứu và áp dụng nó.
Khi có sự phân biệt, hiệp hội này thì bị cấm đoán và hiệp hội kia thì được phép, thì thật khó mà biết đâu là cái được phép và đâu là cái bị cấm. Khi người ta đang hồ nghi, người ta chẳng làm bất cứ thứ gì nữa, và sẽ hình thành một quan niệm chung coi một hiệp hội nào đó như là một công cuộc liều lĩnh và hầu như bất chính [2] .
Thật hão huyền khi coi tinh thần kết hội được nén lại ở một điểm sẽ không phát triển được trên mọi điểm khác với cùng một khí thế, và chỉ cần cho con người cái quyền cùng thực hiện những công trình chung nào đó thì họ sẽ vội vàng làm liền. Khi các công dân có được khả năng và thói quen kết hội để làm mọi điều, họ sẽ tự nguyện kết hội cả vì việc lớn cũng như vì việc nhỏ. Thế nhưng, nếu như họ không có quyền kết hội chỉ vì những việc nhỏ, họ sẽ không còn cả thèm muốn lẫn khả năng kết hội nói chung. Rồi sau đó nếu có cho họ hoàn toàn tự do cùng chăm lo việc thương thuyết (lập hội) thì cũng vô ích thôi: họ sẽ chỉ sử dụng một cách uể oải những quyền được trao; và sau khi các bạn đã kiệt sức ngăn họ tham gia vào các hiệp hội bị cấm đoán, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chẳng thể nào xui được họ đứng ra lập những hội được phép lập nữa.
Tôi không hề nói rằng ta không thể nào có được những hiệp hội dân sự trong một xứ sở ở đó quyền lập hiệp hội chính trị bị cấm đoán; vì con người không thể nào sống trong xã hội mà lại không tham gia vào một công cuộc chung nào. Nhưng tôi chủ trì ý kiến là, trong một đất nước có lối cấm đoán đó, các hiệp hội dân sự bao giờ cũng có số lượng rất ít, ra đời một cách yếu kém, điều hành một cách vụng về, và chúng không bao giờ có được những ý đồ to tát, hoặc nếu có thì cũng thất bại nếu có ý muốn thực thi.
Điều này tự nhiên khiến tôi nghĩ là, quyền tự do lập hội về chính trị chẳng hề nguy hại đến sự thanh bình công cộng như người ta vẫn tưởng, và có thể có lúc nào đó chúng làm cho Nhà nước lung lay đôi chút, sau rồi nó lại củng cố vững chắc cho Nhà nước ấy.
Trong các nước dân chủ, có thể nói các hiệp hội chính trị là những “cá thể” duy nhất mạnh có khát vọng điều hành công việc Nhà nước. Vì thế mà các chính quyền thời nay cũng nhìn các kiểu hiệp hội đó bằng con mắt giống như của các nhà vua thời Trung cổ, nhìn các quần thần của ngai vàng: họ cảm thấy một thứ ghê tởm từ trong máu thịt với các hiệp hội đó, và họ chống lại chúng vào bất kể cơ hội nào.
Thế nhưng các chính quyền đó lại tốt bụng tự nhiên đối với các hiệp hội dân sự, bởi vì họ dễ dàng nhận thấy là các hiệp hội này, thay vì hướng tinh thần và tư tưởng công dân vào những công việc chung, thì lại làm cho đầu óc nhân dân ngãng ra khỏi các công việc đó và càng ngày càng lôi cuốn quần chúng vào những dự án không thể thực hiện được nếu không có hòa bình chung, những hiệp hội ấy làm cho quần chúng quay lưng khỏi các cuộc cách mạng. Nhưng các chính quyền đó cũng chẳng quan tâm đề phòng sự gia tăng các hiệp hội chính trị và tạo thuận lợi vô cùng cho các hiệp hội dân sự, và khi tránh né được một điều tồi tệ nguy hiểm thì họ lại làm mất đi một phương thuốc hữu hiệu. Khi các bạn được chứng kiến người Mỹ hàng ngày được lập hội một cách tự do nhằm gây thanh thế cho một quan điểm chính trị, hoặc để đưa một chính khách vào chính quyền, hoặc để tước bỏ quyền hành của một chính khách khác, bạn thật khó mà hiểu nổi vì sao những con người vốn dĩ độc lập đến thế lại dễ bị lôi cuốn đến như vậy.
Mặt khác, nếu bạn xem xét số lượng vô tận những công trình sản xuất công nghiệp được tiến hành chung ở Hoa Kỳ, và khi bạn nhận thấy ở khắp nơi người Mỹ lao động không ngừng nghỉ để thực hiện một ý đồ quan trọng và khó khăn nào đó, mà chỉ một sự “cách mạng” cỏn con cũng có thể làm đảo lộn cản trở họ, bạn sẽ dễ dàng hiểu tại sao những con người bận rộn đến thế hoàn toàn chẳng có mảy may ý định làm náo loạn Nhà nước và cũng chẳng phá hoại sự nghỉ ngơi yên lành của mọi người là cái có lợi cho (không khí lao động của) họ.
Nhìn nhận sự vật riêng rẽ như vậy đã đủ chưa, nên chăng tìm cái mối liên kết chúng vẫn còn đang ẩn giấu ở đâu đó? Chính là trong lòng các hiệp hội chính trị ấy mà người Mỹ ở khắp các bang, đủ mọi trình độ tinh thần và tư tưởng, đủ các lứa tuổi, ngày lại ngày có được cái thích thú đối với việc kết hội và làm quen dần với cách sử dụng hiệp hội. Trong các hiệp hội đó, con người thấy mình thành số đông, họ nói với nhau, họ lắng nghe nhau và họ cùng nhau náo nhiệt lên trước đủ thứ công trình chung. Sau đó, họ đem vào đời những điều đã học được theo cách đó và đem dùng trong cả ngàn trường hợp khác.
Vì thế, chính là trong khi hưởng thụ một nền tự do nguy hiểm mà người Mỹ học được cái nghệ thuật làm cho các nguy cơ của tự do bớt to lớn đi.
Nếu chọn lấy một thời điểm nào đó trong cuộc tồn tại của một dân tộc, ta dễ dàng chứng minh được rằng các hiệp hội chính trị làm náo loạn nhà nước và làm tê liệt nền sản xuất; nhưng ta hãy xem xét toàn cục đời sống của một quốc gia, và có thể ta sẽ chứng minh được dễ dàng rằng quyền tự do lập hội về chính trị có lợi cho hạnh phúc và cho cả sự an lành của công dân.
Trong phần đầu của công trình này tôi có viết: “Nhưng không thể hoàn toàn lẫn lộn một thứ tự do vô giới hạn trong việc lập đoàn thể chính trị với sự tự do viết lách. Cái tự do lập hội vô giới hạn ít cần thiết và kém nguy hiểm hơn quyền tự do viết lách kia. Một quốc gia có thể đặt những cột mốc định giới hạn ở đó mà vẫn không ngừng tự làm chủ được mình. Đôi khi quốc gia đó phải làm như vậy để tiếp tục được là một quốc gia”. Xuống một đoạn bên dưới, tôi còn nói thêm: “Ta không thể che giấu được điều này, ấy là trong tất cả các quyền tự do, xét về mặt chính trị, thì quyền tự do vô hạn đối với việc lập đoàn thể là quyền tự do cuối cùng một dân tộc có thể chịu đựng nổi. Nếu quyền tự do đó không làm cho quốc gia kia rơi vào hỗn loạn vô chính phủ, thì có thể nói là nó luôn luôn làm cho lúc nào cũng gần như đi tới hỗn loạn”.
Vậy là, tôi không hề tin rằng một dân tộc lúc nào cũng cứ phải chủ động trong việc trao cho công dân cái quyền tuyệt đối được lập hội về chính trị, và tôi cũng hồ nghi rằng, ở bất kỳ xứ sở nào và ở bất kỳ thời đại nào, hễ khôn ngoan thì không khi nào đặt mốc giới hạn cho quyền tự do lập hội.
Sẽ có người nói rằng, một quốc gia mà không biết trói gọn quyền lập hội trong những giới hạn eo hẹp hẳn là trong nước thì không thể có hòa bình, luật pháp thì không thể được tôn trọng, chính quyền lập ra cũng chẳng thể nào bền vững. Những của báu vừa kể ra quả là quý báu đấy, và tôi cho rằng để có được và giữ gìn được những tài sản quý báu đó, một dân tộc có thể bằng lòng nhất thời tự áp đặt những điều vô cùng khó chịu; miễn sao dân tộc ấy biết rằng họ phải trả giá bao nhiêu cho những tài sản quý báu kia.
Cứ cho rằng để cứu mạng một người, ta phải cắt của anh ta một cánh tay, tôi thấy có thể hiểu được; nhưng tôi chẳng muốn thiên hạ bảo đảm với tôi rằng anh ta vẫn khéo léo như lúc chưa bị cụt tay.
[1]Tôi nói một quốc gia dân trị. Nền hành chính có thể rất phi tập trung hóa ngay ở một quốc gia quý tộc trị, song vẫn không làm cho mọi người ở đây cảm thấy là họ phải cần đến báo chí, bởi vì khi đó các tổ chức quyền lực địa phương được nằm trong tay một số rất ít người, họ hoạt động riêng rẽ hoặc họ đều biết nhau cả, và họ có thể dễ dàng gặp nhau và thống nhất mọi việc với nhau.
[2]Điều này càng đúng khi ngành hành pháp đứng ra cho phép hoặc cấm đoán tùy thích. Khi luật pháp chỉ ngăn cấm một số hiệp hội nào đó và để cho tòa án quyền trừng phạt những kẻ bất tuân lệnh, thì tình hình sẽ bớt tồi tệ đi: vì mỗi công dân hầu như được biết trước mình có thể trông cậy vào đâu; người ta tự xét xử trước khi để quan tòa xét xử mình, và người ta sẽ không dính đến những hiệp hội bị cấm để tham gia vào các hiệp hội được phép. Chính vì thế mà các quốc gia tự do bao giờ cũng hiểu rằng người ta có thể hạn chế quyền kết hội. Thế nhưng, nếu nhà lập pháp một là trao quyền cho một ai đó phân biệt rõ ngay từ đầu, đâu là những hiệp hội nguy hiểm và đâu là những hiệp hội có ích, và hai là cho ông ta cái quyền tiêu diệt các hiệp hội ngay từ trong mầm mống hoặc là cho phép chúng ra đời, thì chẳng còn ai có thể thấy trước khi nào thì mình có thể nhập hội và khi nào thì mình nên tránh đi, khi đó tinh thần kết hội sẽ hoàn toàn bị rơi vào trì trệ. Loại luật thứ nhất trong hai kiểu vừa nói chỉ đánh vào một số hiệp hội nhất định; loại luật thứ hai nhắm vào toàn bộ xã hội và làm cho xã hội bị thương tổn. Tôi cho rằng một chính quyền tử tế có thể ra loại luật thứ nhất, nhưng tôi không thừa nhận bất kỳ chính quyền nào lại được có cái quyền ra loại luật thứ hai.
Nguồn: Alexis de Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, tập II, Phạm Toàn dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri thức 2007. Bản trích đăng trên talawas được nhà xuất bản và dịch giả vui lòng cho phép. Xem thêm Lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn: "Alexis de Tocqueville và sự trầm tư về nền dân trị"
Nền dân trị Mỹ (trích)
Phạm Toàn dịch
Chương V: Về cách thức người Mỹ sử dụng hình thức hiệp hội - đoàn thể trong đời sống dân sự
Tôi không muốn nói đến những đoàn thể chính trị được con người đem dùng vào việc tự vệ chống lại hành động chuyên chế của một phe đa số hoặc chống lại những lấn lướt bởi quyền lực của một ông vua. Những điều đó đã được tôi xem xét ở chương khác. Rõ ràng là, nếu như mỗi công dân, khi mà trong tư cách cá nhân họ càng lúc càng trở nên yếu thế đi, và do đó khi tách riêng ra họ càng không có khả năng duy trì quyền tự do của mình, nếu họ không học lấy cách thức đoàn kết với những ai có hoàn cảnh như mình để cùng tự vệ, tất yếu khi đó bạo quyền sẽ nảy nở và lớn mạnh cùng với bình quyền. Vì thế ở chương này tôi chỉ bàn đến những hiệp hội–đoàn thể được hình thành trong đời sống dân sự và chúng chẳng hề có tính chất chính trị.
Các đoàn thể chính trị tồn tại ở Hoa Kỳ chỉ là một chi tiết giữa bối cảnh mênh mông của các hiệp hội đoàn thể ở xứ sở này.
Người Mỹ ở mọi lứa tuổi, mọi điều kiện và hoàn cảnh, mọi trình độ tinh thần trí tuệ, đều luôn luôn kết hội lại với nhau. Không những họ có những hiệp hội thương mại và công nghiệp mà ai ai cũng có chân trong đó, họ còn có cả ngàn kiểu hiệp hội các loại khác nữa: hội về tôn giáo và hội về đạo đức, hội nghiêm túc và hội tào lao, hội khá chung và hội rất riêng, hội vô cùng lớn và hội vô cùng bé. Người Mỹ lập hội để tổ chức lễ tết, lập hội để mở trường học theo lối tự học (séminaire – ND), lập hội để xây dựng các quán nhậu, để dựng nhà thờ, để quảng bá sách, để cử các nhà truyền giáo đi tới những vùng xa xôi tận đẩu tận đâu. Cũng theo cách lập hội đó mà người Mỹ xây bệnh viện, mở nhà tù, dựng trường học. Kể cả khi có nội dung là nghiên cứu làm sáng tỏ một sự thật nào đó hoặc để triển khai một tình cảm dựa trên một tấm gương lớn, khi đó họ cũng lập hội để hoạt động. Khắp nơi nơi khi có công trình mới mẻ nào, mà ở Pháp bạn sẽ thấy đứng đầu là một người của chính quyền và ở Anh là một người của Hoàng gia, thì bạn hãy tin rằng ở Hoa Kỳ đứng đầu công trình mới đó là một hiệp hội.
Tôi từng bắt gặp ở nước Mỹ những kiểu hiệp hội mà phải thú nhận là chẳng hiểu họ lập ra để làm gì, và tôi lắm khi chiêm ngưỡng cái tài năng vô tận những con người ở nước Mỹ đem ra thi thố để xác định một mục tiêu chung cho những nỗ lực của số rất đông con người và rồi còn làm cho những con người ấy vẫn bước đi một cách tự do bên trong các tổ chức ấy.
Tôi lùng đọc những tài liệu từ xưa của nước Anh, những tài liệu từ đó có được người Mỹ nhặt ra một số luật lệ và vô số cách dùng, và thấy được rằng người Mỹ đã đi khá xa và thấy họ dùng khái niệm hiệp hội một cách khá bền bỉ và khéo léo đến thế.
Thường có chuyện là người Anh thực hiện riêng rẽ được những công cuộc rất to tát, trong khi đó, ta chẳng thấy một công trình thật nhỏ bé nào mà người Mỹ lại không kết hội lại để cùng nhau làm. Hiển nhiên là người Anh coi hiệp hội như một phương tiện hành động đầy sức mạnh; nhưng hình như người Mỹ lại coi phương tiện hiệp hội là công cụ hành động duy nhất.
Vậy là cái xứ sở dân chủ nhất của trái đất này cũng là xứ sở ở đó con người đã có được cái kỹ năng hoàn thiện nhất thời nay cùng đeo đuổi mục tiêu của những ước vọng chung và đem áp dụng cái khoa học mới mẻ này vào được cho vô vàn đối tượng. Đó chỉ là chuyện tình cờ, hay là giữa các hiệp hội – đoàn thể và quyền bình đẳng phải có một mối liên quan tất yếu nào chứ?
Các xã hội quý tộc trị luôn luôn chứa đựng trong lòng nó một nhóm nhỏ công dân rất thế lực và rất giàu nằm giữa vô thiên lủng những cá nhân không đủ sức tự mình làm bất cứ điều gì. Mỗi con người giàu có và thế lực này có khả năng tự mình làm nên những công trình lớn.
Trong các xã hội quý tộc trị, con người không có nhu cầu kết hội lại để hành động, bởi vì họ đã được duy trì cố kết với nhau rất chắc rồi.
Trong các xã hội quý tộc trị đó, mỗi công dân giàu có và thế lực như thế đứng đầu một “hiệp hội” tồn tại thường xuyên và bắt buộc, gồm tất cả những ai lệ thuộc trong tay công dân giàu mạnh kia và bị khiến cho phải cùng thực hiện các ý đồ của anh ta.
Trong các quốc gia dân trị thì ngược lại, mọi công dân đều độc lập và không có thế lực gì hết. Hầu như họ không thể tự mình làm nên một điều gì, và mỗi công dân đó lại chẳng thể nào bắt buộc được các công dân khác giúp rập vào cho mình. Thế là tất cả đều rơi vào sự bất lực nếu họ không biết cách tự do giúp đỡ lẫn nhau.
Nếu con người sống trong các quốc gia dân trị lại không có quyền và chẳng có thích thú kết hội lại vì những mục tiêu chính trị, thì sự độc lập của họ hẳn là rất bấp bênh, song họ vẫn có khả năng giữ gìn dài lâu các tài sản và trí tuệ của mình. Thế nhưng nếu như họ không sử dụng được quyền lập hội ngay trong đời sống bình thường, thì bản thân nền văn minh sẽ gặp nguy cơ bị hủy diệt. Một quốc gia mà ở đó những con người riêng rẽ không còn nữa cái quyền tiến hành riêng rẽ những công trình to tát song lại không có được cái khả năng chung sức với nhau tiến hành các công trình ấy, quốc gia đó rồi sẽ sớm quay trở lại cuộc sống mông muội.
Khốn thay, cũng trạng thái xã hội đã khiến các hiệp hội trở nên thiết yếu cho các quốc gia dân trị, thì cũng chính nó lại khiến các hiệp hội đó gặp khó khăn hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Khi có nhiều thành viên của đẳng cấp quý tộc muốn lập hội với nhau, họ làm công việc đó thật dễ. Do chỗ mỗi người trong bọn họ mang theo mình một thế lực lớn của xã hội nên số hội viên có thể rất ít, và khi số lượng hội viên ít thì họ rất dễ quen biết hết nhau, hiểu nhau và xác lập nên những quy tắc cố định.
Không sao có thể bắt gặp một sự dễ dàng như vậy tại các nước dân chủ, ở đó người ta đòi hỏi phải có thật nhiều hội viên thì hội mới được thừa nhận.
Tôi biết là chuyện này không làm những người cùng thời với tôi xúc động. Họ cho rằng, chừng nào các công dân càng yếu thế hơn và bất lực hơn, thì cần phải làm cách gì cho chính quyền khôn khéo hơn và chủ động hơn, như thế xã hội có thể thực hiện được những gì các cá nhân không đủ sức làm. Họ ngỡ là cứ như vậy là đáp ứng tất thảy. Song tôi tin là các vị đó đã nhầm.
Một chính quyền có thể thay thế cho một vài trong số những hiệp hội lớn nhất của Mỹ, và bên trong Liên bang Hoa Kỳ đã có rất nhiều bang thử làm điều đó. Nhưng liệu có chính quyền nào đủ sức thỏa mãn số lượng nhiều đến vô tận những doanh nghiệp nhỏ mà người Mỹ điều hành hoạt động hàng ngày nhờ hiệp hội?
Ta dễ dàng dự đoán là đang tiến dần tới thời kỳ mà con người sẽ ngày càng bớt lao động một thân một mình để sản xuất ra các đồ vật phổ thông và cần thiết nhất cho cuộc sống. Nhiệm vụ của quyền lực xã hội sẽ gia tăng không ngừng, và chính những nỗ lực của nó khiến cho quyền lực đó càng ngày càng rộng lớn. Chính quyền càng làm thay các hiệp hội thì những con người cá thể do đã mất đi cái ý tưởng kết hội sẽ càng đòi hỏi chính quyền tới hỗ trợ: đó là những nguyên nhân và hệ quả không ngừng tự sinh ra nhau. Cuối cùng liệu chính quyền công cộng có điều hành nổi toàn bộ nền sản xuất mà một công dân riêng lẻ không sao làm nổi? Và nếu như vào lúc nào đó, do hệ quả của sự chia triệt để đất đai, chia nhỏ đến kiệt cùng, đến độ là đất đai chỉ có thể canh tác nhờ những hiệp hội nông dân, liệu khi đó người đứng đầu chính quyền có rời bỏ vị trí người thuyền trưởng con tàu Nhà nước để đi cầm cày?
Khi chính quyền của một quốc gia dân trị chiếm chỗ hoàn toàn của các hiệp hội, thì đạo đức và trí tuệ của quốc gia ấy cũng không gặp hiểm nguy nho nhỏ nào ngoại trừ việc giao thương và việc sản xuất của nó.
Tình cảm và tư tưởng chỉ có thể đổi mới, trái tim chỉ có thể rộng lớn thêm và trí tuệ con người chỉ có thể phát triển mãi nhờ hành động tương hỗ giữa con người với con người.
Tôi đã chỉ ra rằng cái hành động như thế hầu như bằng không trong các nước dân chủ. Vậy là phải tạo ra chúng một cách nhân tạo. Và đó chính là chỗ chỉ có các hiệp hội mới đủ sức tiến hành.
Khi các thành viên của đẳng cấp quý tộc chọn nhận một ý tưởng mới hoặc khi có một tình cảm mới, họ đem đặt những cái mới đó như thể ở bên cạnh họ bên trên cái sân khấu nơi chính họ đang diễn, và bằng cách trưng ra như vậy trước con mắt đông đảo quần chúng, họ làm cho các ý tưởng và tình cảm mới đó dễ dàng đi vào bên trong tinh thần và trái tim mọi người sống quanh họ.
Trong các nước dân chủ, chỉ có quyền lực xã hội là luôn luôn ở trạng thái hành động như thế một cách tự nhiên, nhưng ta cũng dễ dàng thấy là hành động ấy của nó bao giờ cũng không đủ thỏa mãn và lắm khi còn nguy hiểm nữa.
Riêng một mình cái chính quyền chỉ biết điều hành những công trình sản xuất trong một quốc gia to lớn sẽ không thể nào thỏa mãn được việc cải đổi và chu chuyển các tình cảm và tư tưởng mới mẻ trong quốc gia đó. Ngay khi chính quyền đó thử tìm cách thoát ra khỏi lĩnh vực chính trị để lao vào con đường mới đó, nó vô tình tạo ngay ra một bạo quyền không thể chấp nhận được. Một chính quyền mà chỉ biết ban phát những quy tắc chính xác, thì chính quyền đó cũng áp đặt những tình cảm và tư tưởng được nó ưu ái, và thật là khó chịu khi phải phân biệt đâu là lời khuyên và đâu là mệnh lệnh của chính quyền đó.
Sẽ càng tồi tệ hơn nữa nếu chính quyền đó cứ ngỡ là mình thực sự quan tâm sao cho mọi thứ đều ‘‘ổn định’’. Khi đó nó sẽ không làm gì nữa và rơi vào trạng thái đần độn trì trệ nhờ một giấc ngủ tự nguyện.
Vậy là cần thiết sao cho chính quyền đó không hành động một mình.
Chính là các hiệp hội tại các quốc gia dân trị phải giữ vai trò của những “cá nhân” đầy thế lực đó, những thứ đã bị sự bình quyền của hoàn cảnh và điều kiện làm cho biến mất đi.
Liền ngay khi những cư dân Hoa Kỳ có một tình cảm hoặc một ý tưởng nào họ định phổ biến rộng ra ngoài, họ tìm đến với nhau, và khi đã bắt gặp nhau, thì họ kết hội lại với nhau. Kể từ đó thì họ không còn là những cá nhân đơn lẻ sống tách rời nhau nữa, mà đã thành một thế lực có thể nhận dạng từ xa và hành động của họ được làm tấm gương, họ lên tiếng, và người ta phải lắng nghe.
Lần đầu tiên tôi nghe nói là ở Hoa Kỳ có một trăm nghìn người tham gia công khai vào việc không dùng rượu mạnh nữa, chuyện ấy khi đó với tôi có vẻ vui vui hơn là nghiêm túc, và ngay khi ấy tôi đã không hiểu nổi vì sao những công dân rất ôn hòa đó lại không bằng lòng với việc uống nước trắng kín đáo trong nội bộ gia đình họ.
Cuối cùng rồi tôi cũng hiểu được là một trăm nghìn người Mỹ ấy, lo sợ trước nạn nghiện rượu đang tiến triển mạnh xung quanh mình, đã tìm cách đứng ra bảo trợ việc không uống rượu nữa. Họ đã hành động như một đại vương gia từng hành động trước đây, ăn mặc hết sức bình dân để tạo ấn tượng cho những công dân bình thường rằng họ khinh thường sự xa hoa. Ta có thể tin được là nếu như một trăm nghìn người ấy mà sống ở Pháp, thì họ sẽ từng người một đến cầu cạnh chính phủ để cầu xin nhà nước kiểm soát các quán nhậu trên toàn cõi vương quốc này.
Theo ý tôi, chẳng có gì đáng để hấp dẫn con mắt quan sát của chúng ta hơn là những hiệp hội trí tuệ và đạo đức của nước Mỹ. Những hiệp hội chính trị và công nghiệp của người Mỹ gần gũi với cách hiểu của chúng ta. Nhưng các loại hiệp hội khác thì vượt khỏi sự hiểu biết của chúng ta. Và một khi khám phá được loại hiệp hội này thì chúng ta vẫn không hiểu được chúng, vì chúng ta chưa từng thấy những gì tương tự như thế. Dẫu sao thì cũng phải thừa nhận rằng các hiệp hội thuộc loại thứ hai đó cũng cần thiết đối với người dân nước Mỹ như các hiệp hội thứ nhất – chính trị và công nghiệp (ND) – thậm chí còn cần thiết hơn nữa.
Tại các nước dân chủ, khoa học về sự kết hội và lập hội là khoa học mẹ; sự tiến bộ của các khoa học khác tùy thuộc vào những tiến bộ của “bà mẹ” này.
Trong số những quy luật chi phối các xã hội con người, có một cái hình như chính xác hơn và tường minh hơn mọi quy luật khác. Muốn cho con người mãi mãi tồn tại văn minh hoặc trở thành những kẻ văn minh, cần thiết là phải phát triển được trong bọn họ nghệ thuật kết hội lại với nhau, và nghệ thuật ấy phải được hoàn thiện tương tự như sự gia tăng của quyền bình đẳng các điều kiện.
Chương VI
Về mối quan hệ giữa các hiệp hội với báo chí
Khi con người không còn gắn bó với nhau một cách vững chắc và lâu bền, thì khó có thể làm cho đa số họ cùng hành động chung, song ít ra cũng phải thuyết phục từng người mà sự tham gia của người đó là cần thiết, rằng lợi ích riêng của anh ta bắt buộc anh tự nguyện góp các nỗ lực của anh vào với nỗ lực của mọi người.
Điều đó chỉ có thể tiến hành một cách bình thường và thuận lợi nhờ một tờ báo. Chỉ có một tờ báo là có khả năng trong cùng một lần đem cùng một ý tưởng đặt vào trong cả ngàn cái đầu.
Một tờ báo là một ông cố vấn không cần phải đi tìm ở đâu xa, mà tự ông dẫn xác đến và lại nói với ta mỗi ngày, và nói vắn tắt về mọi công việc chung, và chẳng làm rầy rà chút nào đến công việc riêng của ta.
Như vậy là báo chí càng trở thành cần thiết hơn chừng nào con người càng bình đẳng bình quyền với nhau hơn và chủ nghĩa cá nhân cũng càng đáng sợ hơn. Coi báo chí chỉ là công cụ bảo đảm tự do là làm giảm tầm quan trọng của chúng đi; báo chí duy trì được cho nền văn minh.
Tôi không phủ nhận là trong các nước dân chủ báo chí lắm khi xúi các công dân cùng tiến hành những công cuộc khá là khinh suất. Thế nhưng, không có báo chí thì cũng chẳng có được hành động chung. Mặt xấu của báo chí như vậy là nhỏ hơn rất nhiều so với cái xấu được chúng chạy chữa.
Một tờ báo không chỉ có tác động gợi ra cùng một ý đồ cho số đông con người; nó còn cung cấp cho họ những phương tiện để cùng thực thi những ý đồ mà họ đã cùng hình thành với nhau.
Những công dân quan trọng sinh sống ở một xứ sở quý tộc trị nhìn thấy nhau từ khoảng cách thật xa; và nếu họ muốn kết hội sức mạnh lại, thì họ đi đến với nhau để gặp gỡ nhau, và lôi cuốn cả vô vàn người khác cùng đi theo.
Song lắm khi ở những quốc gia dân trị lại có vô số người có ước vọng hoặc có nhu cầu kết hội với nhau, nhưng lại không có khả năng thực hiện việc đó, bởi tất cả bọn họ vốn đều bé nhỏ và mất hút trong đám đông nên họ chẳng nhìn thấy nhau và cũng chẳng biết cách tìm thấy nhau ở chỗ nào. Thế rồi có một tờ báo trương lên trước mắt con người cái tình cảm hoặc cái ý tưởng được trình bày ra tức thì, nhưng lại trình bày riêng rẽ cho từng người trong bọn họ. Tất cả liền hướng về cái luồng sáng ấy, và thế là những linh hồn lang thang đó, chúng vẫn tìm nhau bao lâu rồi trong bóng tối, cuối cùng chúng bắt gặp nhau và kết hội lại với nhau.
Tờ báo làm cho họ xích lại với nhau, và tờ báo vẫn tiếp tục cần thiết cho họ để duy trì sự kết hội cùng nhau.
Để cho một hiệp hội có được một sức mạnh nào đó trong một quốc gia dân trị, tổ chức đó phải đông thành viên. Như vậy là những con người tạo thành hiệp hội đó được phân tán trên một không gian rộng lớn, và mỗi con người của hiệp hội ấy bị giữ chặt lại ở nơi anh ta sinh sống, cái sản nghiệp loàng xoàng không cho phép anh ta đi xa và cũng còn vô vàn điều nhỏ nhặt thuộc về sản nghiệp níu kéo anh ta nữa. Thế là anh ta cần phải có một phương tiện để nói với nhau hàng ngày mà không cần gặp mặt, và cùng thống nhất nhịp bước mà chẳng cần họp mặt. Vậy nên sẽ chẳng thể có hiệp hội dân chủ nào mà lại chẳng cần đến một tờ báo cả.
Vậy là có tồn tại một mối quan hệ tất yếu giữa những hiệp hội và báo chí: báo chí làm nên hiệp hội và hiệp hội làm nên báo chí. Và một mặt, nếu đúng là một khi các điều kiện càng được cào bằng với nhau thì ngày càng phải có thêm nhiều hiệp hội, thì mặt khác, cũng không kém phần đúng một khi số lượng các hiệp hội được gia tăng thì số lượng báo chí cũng phải gia tăng.
Vì vậy mà nước Mỹ là xứ sở trên thế giới nơi đó ta vừa bắt gặp số lượng hiệp hội nhiều nhất và cũng bắt gặp số lượng báo chí nhiều nhất.
Cái mối tương quan giữa số lượng báo chí và số lượng hiệp hội đó dẫn chúng ta đến chỗ khám phá được một mối tương quan nữa giữa tình trạng báo chí ra định kỳ và hình thức cai trị đất nước, nó cho chúng ta biết rằng, tại một quốc gia dân trị, số lượng báo chí phải giảm đi hoặc phải gia tăng tỷ lệ thuận với trình độ tập trung hóa nền hành chính cao hay thấp. Bởi vì, ở các quốc gia dân trị, người ta không thể khoán trắng công việc thực thi quyền lực vào tay một số công dân như ở các chế độ quý tộc trị. Cần phải xóa sổ các hình thức quyền lực đó hoặc là phải trao nó vào tay số đông. Những con người này tạo thành một hiệp hội đích thực được luật pháp xác lập thường xuyên để cai quản một bộ phận lãnh thổ, và họ cần đến một tờ báo hàng ngày để giữa muôn vàn công việc linh tinh họ vẫn được tờ báo cho biết tình trạng chung của công vụ. Quyền lực địa phương càng nhiều, thì số người được luật pháp định ra để thực thi công việc càng nhiều, và khi cái nhu cầu đó bộc lộ ra thường xuyên, thì báo chí cứ gọi là nhan nhản.
Nguyên nhân của việc gia tăng khá đặc biệt số lượng báo chí ở nước Mỹ là sự phân chia nhỏ rất đặc biệt của quyền hành chính, cộng với sự tự do vô cùng về chính trị và sự độc lập tuyệt đối về ngôn luận. Nếu như tất cả các cư dân của Hoa Kỳ đều là cử tri, dưới cái chế độ chỉ hạn chế họ trong việc bầu ra những nhà lập pháp của bang, thì hẳn là họ sẽ chỉ cần một lượng nhỏ báo chí thôi, bởi vì họ chỉ có một vài cơ hội quan trọng, nhưng rất hiếm hoi, để hành động chung. Thế nhưng, bên trong cái cuộc đại hiệp hội toàn quốc, luật pháp còn định ra cho từng tỉnh, cho từng thành phố, thậm chí cho từng xã, những tiểu hiệp hội mà mục tiêu là công cuộc hành chính địa phương. Bằng cách này, nhà lập pháp đã buộc mỗi người dân nước Mỹ phải hàng ngày cùng với một số đồng bào tham gia vào một công việc chung, và mỗi một con người như thế cần đến một tờ báo để cập nhật được tình hình, để biết được những người khác đang làm và đã làm những gì.
Tôi cho rằng một quốc gia dân trị [1] song lại không có chế độ đại diện ở cấp quốc gia, mà chỉ có vô số tổ chức quyền lực nhỏ ở địa phương, cuối cùng sẽ có nhiều tờ báo so với một quốc gia khác ở đó có một nền hành chính tập trung hóa tồn tại bên cạnh một nền lập pháp dân cử. Điều làm cho tôi hiểu kỹ hơn cả sự phát triển thần kỳ của hệ thống báo chí ra hàng ngày của nước Mỹ, ấy là vì tôi thấy được ở người Mỹ có sự kết hợp chặt chẽ giữa quyền tự do to lớn trên phạm vi toàn quốc với những quyền tự do các loại trên phạm vi địa phương.
Ở Pháp và ở Anh nói chung người ta thường nghĩ rằng, chỉ cần xóa bỏ thuế đánh vào báo chí là đủ để gia tăng số lượng báo chí đến vô cùng. Hiểu như vậy là quá thổi phồng những tác động của cuộc cải cách như thế ấy. Báo chí không phát triển chỉ vì được bán rẻ, mà báo chí phát triển vì nhu cầu ít nhiều lặp lại nhau của số lớn những con người cần đến báo chí để thông tin cho nhau và hành động chung với nhau.
Tôi những muốn tìm nguyên nhân cái thế lực ngày càng gia tăng của báo chí trong những lý do tổng quát hơn nữa chứ không chỉ ở những lý do người ta vẫn dùng để giải thích hiện tượng đó.
Một tờ báo chỉ có thể tồn tại được với điều kiện là nó phải bày tỏ một học thuyết hoặc một tình cảm chung của số lượng lớn con người. Vậy là bao giờ một tờ báo cũng đại diện cho một hiệp hội có các độc giả thường xuyên là thành viên của hiệp hội đó.
Cái hiệp hội đó có thể có tôn chỉ ít nhiều rõ rệt, rộng hẹp to nhỏ không như nhau, hội viên có thể đông đúc hoặc vắng vẻ, nhưng ít ra thì hiệp hội đó cũng phải tồn tại như một cái mầm sống trong đầu óc mọi người, và đó là lý do duy nhất để một tờ báo không bị chết.
Điều này dẫn chúng ta đến một suy nghĩ cuối cùng để kết thúc chương sách này lại.
Các điều kiện càng được cào bằng, thì con người cá nhân càng ít sức mạnh, và nó càng dễ dàng để cho mình bị đám đông quần chúng cuốn đi, và cá nhân đó càng khó duy trì một ý kiến quan điểm đã bị đám đông quần chúng kia vứt bỏ.
Một tờ báo đại diện cho một hiệp hội. Ta có thể nói là tờ báo nhân danh toàn bộ những con người khác mà lên tiếng nói với từng độc giả, và khi những độc giả đó càng là những cá thể yếu đuối thì tờ báo càng lôi kéo họ dễ dàng hơn.
Vậy là quyền lực của báo chí phải gia tăng cùng với trình độ con người được bình đẳng bình quyền.
Chương VII
Quan hệ giữa hiệp hội dân sự với hiệp hội chính trị
Trên trái đất này chỉ có một dân tộc ngày nào cũng được sử dụng quyền tự do vô hạn độ trong việc kết hội với nhau trên cơ sở quan điểm chính trị. Đó cũng là dân tộc duy nhất trên thế giới này, công dân của họ đã hình dung ra việc sử dụng thường xuyên quyền lập hội trong đời sống dân sự, và bằng cách đó, họ đã đạt tới chỗ tự cung cấp mọi điều tốt đẹp mà nền văn minh có khả năng đem lại.
Tại tất cả các quốc gia mà quyền lập hội chính trị bị cấm đoán, thì cũng hiếm có những hiệp hội dân sự.
Không hẳn đây là kết quả của ngẫu nhiên; nhưng có lẽ từ đó ta nên kết luận rằng, có một mối quan hệ tự nhiên và có thể là tất yếu giữa hai kiểu hiệp hội này.
Có những con người tình cờ có những lợi ích chung trong một công chuyện nào đó. Có thể đó là chuyện điều hành một cơ sở thương mại, là chuyện ký kết một hoạt động sản xuất công nghiệp; thế là họ gặp gỡ nhau và kết hội cùng nhau; theo cách đó họ dần dần quen với tổ chức hiệp hội.
Số lượng những công chuyện chung nho nhỏ này càng tăng, thì con người càng có được khả năng cùng đeo đuổi với nhau những công chuyện lớn lao, có khi điều đó xảy ra ngoài ý định của họ.
Vậy là, những hiệp hội dân sự tạo điều kiện dễ dàng cho những hiệp hội chính trị; nhưng một mặt khác, hiệp hội chính trị lại đặc biệt giúp cho việc phát triển và hoàn thiện hiệp hội dân sự.
Trong đời sống dân sự, nói cho cùng thì mỗi con người đều cảm thấy mình ở vào trạng thái tự thỏa mãn được mọi điều. Về chính trị, con người khó có thể hình dung mình như vậy. Khi một quốc gia có một cuộc sống công cộng, thì ý tưởng kết hội và sự khát khao lập hội hiện ra từng ngày trong tâm trí mỗi công dân: cho dù một cách tự nhiên con người không thích thú hành động chung, song họ vẫn sẽ sẵn sàng làm như vậy vì lợi ích của một phe đảng.
Vậy là, chính trị khiến cho sự thích thú và thói quen kết hội trở thành điều phổ biến; chính trị khiến cho con người có ước vọng kết hội và dạy cách thức lập hội cho đám đông con người vốn bao giờ cũng chỉ sống riêng rẽ.
Chính trị không chỉ làm đẻ ra nhiều hiệp hội, chính trị còn tạo ra những hiệp hội rất lớn.
Trong đời sống dân sự, hiếm khi có một lợi ích nào lại lôi cuốn được một cách tự nhiên một số lượng lớn con người vào hành động chung. Phải rất khéo léo thì con người mới lập ra được cái hiệp hội tầm cỡ đó.
Trong đời sống chính trị, cơ hội lập hội luôn luôn và bất kỳ lúc nào cũng tự nó xuất hiện. Thế mà, chỉ trong những hiệp hội lớn thì giá trị tổng quát của hiệp hội mới lộ diện được ra. Những công dân tách riêng ra thì yếu kém, ngay từ đầu đã không có ý tưởng rõ ràng về sức mạnh mà họ có thể có một khi kết hội lại với nhau; phải chỉ ra cho họ thấy điều đó thì họ mới hiểu. Từ đó mà lắm khi việc kết hội vì một mục đích chung dễ lôi cuốn được vô số con người song lại khó lôi kéo được vài ba con người. Một nghìn công dân chẳng nhìn thấy đâu là lợi ích để họ kết hội với nhau; mười nghìn công dân thì lại nhìn thấy được điều ấy. Trong chính trị, con người kết hội với nhau vì những công cuộc lớn lao, và cái lập trường chung họ có từ hiệp hội để đưa vào những công chuyện quan trọng lại dạy họ trong thực hành về cái lợi ích họ phải cùng chung tay thực hiện trong những công chuyện nhỏ bé hơn.
Một hiệp hội chính trị chỉ trong một lần là lôi được vô số cá nhân ra khỏi bản thân họ; bất kể họ xa cách nhau ra sao về tuổi tác, về tinh thần và tư tưởng, về gia sản, hiệp hội vẫn làm cho họ xích lại với nhau và tiếp xúc với nhau. Họ gặp gỡ nhau một lần và học được cách gặp gỡ nhau mãi mãi.
Con người chỉ có thể tham gia vào phần lớn các hiệp hội dân sự bằng cách phô bày ra một phần di sản của mình; đó là đối với tất cả các hiệp hội sản xuất công nghiệp và thương mại. Khi con người còn ít hiểu biết về nghệ thuật kết hội và họ cũng chưa biết tới những quy tắc chính của việc kết hội, thì khi lần đầu kết hội với nhau theo cách đó, họ lo sợ phải trả giá đắt cho sự thiếu trải nghiệm của mình. Với họ, thà là thiếu đi một công cụ đầy sức mạnh dẫn đến thành công, còn hơn là có thể gặp những nguy cơ kéo theo việc nhập hội. Nhưng khi gia nhập hiệp hội chính trị thì họ ít do dự hơn vì các hiệp hội này không tỏ ra có nguy cơ gì, vì họ không sợ bị mất tiền của vào những hiệp hội chính trị này. Song, họ không thể ở lâu trong các hiệp hội ấy mà không phát hiện thấy cách thức người ta duy trì trật tự đối với số đông con người, và người ta dùng cách thức nào để những con người ấy cùng tiến đến một mục tiêu chung mà lại đều bước như nhau và đúng cung cách như nhau. Trong các hiệp hội đó, con người học được cách đem ý chí cá nhân phục tùng ý chí những kẻ khác và đem các nỗ lực cá nhân phụ thuộc vào hành động chung, toàn bộ những điều này đều học được ở cả những hiệp hội dân sự cũng như trong hiệp hội chính trị.
Vậy là có thể coi các hiệp hội chính trị như những trường học lớn miễn phí nơi tất cả các công dân đều tới để học lấy cái lý thuyết tổng quát về hiệp hội.
Vậy cho nên, ngay cả khi hiệp hội chính trị không trực tiếp phục vụ cho sự tiến bộ của hiệp hội dân sự, thì nếu như có xóa bỏ hiệp hội chính trị đi thì vẫn làm hại cho hiệp hội dân sự.
Khi các công dân chỉ có thể được kết hội trong một số trường hợp, họ sẽ nhìn hiệp hội như một vật hiếm và đặc biệt, và họ không buồn nghĩ đến những thứ hội hè ấy nữa.
Khi ta để cho công dân được kết hội tự do thành đủ mọi thứ hội, họ sẽ nhìn thấy trong hiệp hội cái phương tiện phổ biến, có thể nói là phương tiện duy nhất, con người có thể đem dùng để đạt tới những mục tiêu khác nhau do họ định ra. Mỗi nhu cầu mới lại đánh thức một tư tưởng. Nghệ thuật kết hội khi đó trở thành cái khoa học mẹ, như tôi đã nói ở bên trên kia; mọi người đều nghiên cứu và áp dụng nó.
Khi có sự phân biệt, hiệp hội này thì bị cấm đoán và hiệp hội kia thì được phép, thì thật khó mà biết đâu là cái được phép và đâu là cái bị cấm. Khi người ta đang hồ nghi, người ta chẳng làm bất cứ thứ gì nữa, và sẽ hình thành một quan niệm chung coi một hiệp hội nào đó như là một công cuộc liều lĩnh và hầu như bất chính [2] .
Thật hão huyền khi coi tinh thần kết hội được nén lại ở một điểm sẽ không phát triển được trên mọi điểm khác với cùng một khí thế, và chỉ cần cho con người cái quyền cùng thực hiện những công trình chung nào đó thì họ sẽ vội vàng làm liền. Khi các công dân có được khả năng và thói quen kết hội để làm mọi điều, họ sẽ tự nguyện kết hội cả vì việc lớn cũng như vì việc nhỏ. Thế nhưng, nếu như họ không có quyền kết hội chỉ vì những việc nhỏ, họ sẽ không còn cả thèm muốn lẫn khả năng kết hội nói chung. Rồi sau đó nếu có cho họ hoàn toàn tự do cùng chăm lo việc thương thuyết (lập hội) thì cũng vô ích thôi: họ sẽ chỉ sử dụng một cách uể oải những quyền được trao; và sau khi các bạn đã kiệt sức ngăn họ tham gia vào các hiệp hội bị cấm đoán, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chẳng thể nào xui được họ đứng ra lập những hội được phép lập nữa.
Tôi không hề nói rằng ta không thể nào có được những hiệp hội dân sự trong một xứ sở ở đó quyền lập hiệp hội chính trị bị cấm đoán; vì con người không thể nào sống trong xã hội mà lại không tham gia vào một công cuộc chung nào. Nhưng tôi chủ trì ý kiến là, trong một đất nước có lối cấm đoán đó, các hiệp hội dân sự bao giờ cũng có số lượng rất ít, ra đời một cách yếu kém, điều hành một cách vụng về, và chúng không bao giờ có được những ý đồ to tát, hoặc nếu có thì cũng thất bại nếu có ý muốn thực thi.
Điều này tự nhiên khiến tôi nghĩ là, quyền tự do lập hội về chính trị chẳng hề nguy hại đến sự thanh bình công cộng như người ta vẫn tưởng, và có thể có lúc nào đó chúng làm cho Nhà nước lung lay đôi chút, sau rồi nó lại củng cố vững chắc cho Nhà nước ấy.
Trong các nước dân chủ, có thể nói các hiệp hội chính trị là những “cá thể” duy nhất mạnh có khát vọng điều hành công việc Nhà nước. Vì thế mà các chính quyền thời nay cũng nhìn các kiểu hiệp hội đó bằng con mắt giống như của các nhà vua thời Trung cổ, nhìn các quần thần của ngai vàng: họ cảm thấy một thứ ghê tởm từ trong máu thịt với các hiệp hội đó, và họ chống lại chúng vào bất kể cơ hội nào.
Thế nhưng các chính quyền đó lại tốt bụng tự nhiên đối với các hiệp hội dân sự, bởi vì họ dễ dàng nhận thấy là các hiệp hội này, thay vì hướng tinh thần và tư tưởng công dân vào những công việc chung, thì lại làm cho đầu óc nhân dân ngãng ra khỏi các công việc đó và càng ngày càng lôi cuốn quần chúng vào những dự án không thể thực hiện được nếu không có hòa bình chung, những hiệp hội ấy làm cho quần chúng quay lưng khỏi các cuộc cách mạng. Nhưng các chính quyền đó cũng chẳng quan tâm đề phòng sự gia tăng các hiệp hội chính trị và tạo thuận lợi vô cùng cho các hiệp hội dân sự, và khi tránh né được một điều tồi tệ nguy hiểm thì họ lại làm mất đi một phương thuốc hữu hiệu. Khi các bạn được chứng kiến người Mỹ hàng ngày được lập hội một cách tự do nhằm gây thanh thế cho một quan điểm chính trị, hoặc để đưa một chính khách vào chính quyền, hoặc để tước bỏ quyền hành của một chính khách khác, bạn thật khó mà hiểu nổi vì sao những con người vốn dĩ độc lập đến thế lại dễ bị lôi cuốn đến như vậy.
Mặt khác, nếu bạn xem xét số lượng vô tận những công trình sản xuất công nghiệp được tiến hành chung ở Hoa Kỳ, và khi bạn nhận thấy ở khắp nơi người Mỹ lao động không ngừng nghỉ để thực hiện một ý đồ quan trọng và khó khăn nào đó, mà chỉ một sự “cách mạng” cỏn con cũng có thể làm đảo lộn cản trở họ, bạn sẽ dễ dàng hiểu tại sao những con người bận rộn đến thế hoàn toàn chẳng có mảy may ý định làm náo loạn Nhà nước và cũng chẳng phá hoại sự nghỉ ngơi yên lành của mọi người là cái có lợi cho (không khí lao động của) họ.
Nhìn nhận sự vật riêng rẽ như vậy đã đủ chưa, nên chăng tìm cái mối liên kết chúng vẫn còn đang ẩn giấu ở đâu đó? Chính là trong lòng các hiệp hội chính trị ấy mà người Mỹ ở khắp các bang, đủ mọi trình độ tinh thần và tư tưởng, đủ các lứa tuổi, ngày lại ngày có được cái thích thú đối với việc kết hội và làm quen dần với cách sử dụng hiệp hội. Trong các hiệp hội đó, con người thấy mình thành số đông, họ nói với nhau, họ lắng nghe nhau và họ cùng nhau náo nhiệt lên trước đủ thứ công trình chung. Sau đó, họ đem vào đời những điều đã học được theo cách đó và đem dùng trong cả ngàn trường hợp khác.
Vì thế, chính là trong khi hưởng thụ một nền tự do nguy hiểm mà người Mỹ học được cái nghệ thuật làm cho các nguy cơ của tự do bớt to lớn đi.
Nếu chọn lấy một thời điểm nào đó trong cuộc tồn tại của một dân tộc, ta dễ dàng chứng minh được rằng các hiệp hội chính trị làm náo loạn nhà nước và làm tê liệt nền sản xuất; nhưng ta hãy xem xét toàn cục đời sống của một quốc gia, và có thể ta sẽ chứng minh được dễ dàng rằng quyền tự do lập hội về chính trị có lợi cho hạnh phúc và cho cả sự an lành của công dân.
Trong phần đầu của công trình này tôi có viết: “Nhưng không thể hoàn toàn lẫn lộn một thứ tự do vô giới hạn trong việc lập đoàn thể chính trị với sự tự do viết lách. Cái tự do lập hội vô giới hạn ít cần thiết và kém nguy hiểm hơn quyền tự do viết lách kia. Một quốc gia có thể đặt những cột mốc định giới hạn ở đó mà vẫn không ngừng tự làm chủ được mình. Đôi khi quốc gia đó phải làm như vậy để tiếp tục được là một quốc gia”. Xuống một đoạn bên dưới, tôi còn nói thêm: “Ta không thể che giấu được điều này, ấy là trong tất cả các quyền tự do, xét về mặt chính trị, thì quyền tự do vô hạn đối với việc lập đoàn thể là quyền tự do cuối cùng một dân tộc có thể chịu đựng nổi. Nếu quyền tự do đó không làm cho quốc gia kia rơi vào hỗn loạn vô chính phủ, thì có thể nói là nó luôn luôn làm cho lúc nào cũng gần như đi tới hỗn loạn”.
Vậy là, tôi không hề tin rằng một dân tộc lúc nào cũng cứ phải chủ động trong việc trao cho công dân cái quyền tuyệt đối được lập hội về chính trị, và tôi cũng hồ nghi rằng, ở bất kỳ xứ sở nào và ở bất kỳ thời đại nào, hễ khôn ngoan thì không khi nào đặt mốc giới hạn cho quyền tự do lập hội.
Sẽ có người nói rằng, một quốc gia mà không biết trói gọn quyền lập hội trong những giới hạn eo hẹp hẳn là trong nước thì không thể có hòa bình, luật pháp thì không thể được tôn trọng, chính quyền lập ra cũng chẳng thể nào bền vững. Những của báu vừa kể ra quả là quý báu đấy, và tôi cho rằng để có được và giữ gìn được những tài sản quý báu đó, một dân tộc có thể bằng lòng nhất thời tự áp đặt những điều vô cùng khó chịu; miễn sao dân tộc ấy biết rằng họ phải trả giá bao nhiêu cho những tài sản quý báu kia.
Cứ cho rằng để cứu mạng một người, ta phải cắt của anh ta một cánh tay, tôi thấy có thể hiểu được; nhưng tôi chẳng muốn thiên hạ bảo đảm với tôi rằng anh ta vẫn khéo léo như lúc chưa bị cụt tay.
[1]Tôi nói một quốc gia dân trị. Nền hành chính có thể rất phi tập trung hóa ngay ở một quốc gia quý tộc trị, song vẫn không làm cho mọi người ở đây cảm thấy là họ phải cần đến báo chí, bởi vì khi đó các tổ chức quyền lực địa phương được nằm trong tay một số rất ít người, họ hoạt động riêng rẽ hoặc họ đều biết nhau cả, và họ có thể dễ dàng gặp nhau và thống nhất mọi việc với nhau.
[2]Điều này càng đúng khi ngành hành pháp đứng ra cho phép hoặc cấm đoán tùy thích. Khi luật pháp chỉ ngăn cấm một số hiệp hội nào đó và để cho tòa án quyền trừng phạt những kẻ bất tuân lệnh, thì tình hình sẽ bớt tồi tệ đi: vì mỗi công dân hầu như được biết trước mình có thể trông cậy vào đâu; người ta tự xét xử trước khi để quan tòa xét xử mình, và người ta sẽ không dính đến những hiệp hội bị cấm để tham gia vào các hiệp hội được phép. Chính vì thế mà các quốc gia tự do bao giờ cũng hiểu rằng người ta có thể hạn chế quyền kết hội. Thế nhưng, nếu nhà lập pháp một là trao quyền cho một ai đó phân biệt rõ ngay từ đầu, đâu là những hiệp hội nguy hiểm và đâu là những hiệp hội có ích, và hai là cho ông ta cái quyền tiêu diệt các hiệp hội ngay từ trong mầm mống hoặc là cho phép chúng ra đời, thì chẳng còn ai có thể thấy trước khi nào thì mình có thể nhập hội và khi nào thì mình nên tránh đi, khi đó tinh thần kết hội sẽ hoàn toàn bị rơi vào trì trệ. Loại luật thứ nhất trong hai kiểu vừa nói chỉ đánh vào một số hiệp hội nhất định; loại luật thứ hai nhắm vào toàn bộ xã hội và làm cho xã hội bị thương tổn. Tôi cho rằng một chính quyền tử tế có thể ra loại luật thứ nhất, nhưng tôi không thừa nhận bất kỳ chính quyền nào lại được có cái quyền ra loại luật thứ hai.
Nguồn: Alexis de Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, tập II, Phạm Toàn dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri thức 2007. Bản trích đăng trên talawas được nhà xuất bản và dịch giả vui lòng cho phép. Xem thêm Lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn: "Alexis de Tocqueville và sự trầm tư về nền dân trị"
Saturday, October 03, 2009
THƠ : TÌM NHAU
TÌM NHAU
Trần Hồ Dũng
Tìm nhau tự cõi ngàn xưa
Thấy nhau trong ngọn gió đùa ngàn sau
Tìm trong giây phút linh cầu
Thấy con chim hát trên đầu ngọn cây
Tìm nhau trong chiếc lá bay
Thấy nhau trong khói hương lay đá vàng
Tìm nhau trong giấc mộng tàn
Thấy nhau trong chốn thiên đàng bỏ quên
tranhodung .SG 20/5/2009
Trần Hồ Dũng
Tìm nhau tự cõi ngàn xưa
Thấy nhau trong ngọn gió đùa ngàn sau
Tìm trong giây phút linh cầu
Thấy con chim hát trên đầu ngọn cây
Tìm nhau trong chiếc lá bay
Thấy nhau trong khói hương lay đá vàng
Tìm nhau trong giấc mộng tàn
Thấy nhau trong chốn thiên đàng bỏ quên
tranhodung .SG 20/5/2009
THƠ DU TỬ LÊ : Khúc Thụy Du
:::Du Tử Lê :::
Khúc Thụy Du
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vũng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được!
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gậm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt dài nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng khôn khép
bàn tay nàng khôn thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống?
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
3.
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết!
tình yêu như dao nhọn
an đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi
không còn ý nghĩa gì
ngoài tình em tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển.
(3-68.)
Khúc Thụy Du
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vũng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được!
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gậm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt dài nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng khôn khép
bàn tay nàng khôn thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống?
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
3.
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết!
tình yêu như dao nhọn
an đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi
không còn ý nghĩa gì
ngoài tình em tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển.
(3-68.)
Tình Sầu Du Tử Lê
Tình Sầu Du Tử Lê
ta như sương mà người như hoa
dối gian nhàu nát nụ hôn đầu
tình đi từng bước trên lưng gió
gieo xuống đời nhau hạt thương đau
người một phương ta cũng một phương
phố cao ngày thấp nắng mưa trùng
mắt sâu ẩn nhốt trời giông tố
ta một hồn câm giông gió lên
người ở đây ta cũng ở đây
lòng không như mặt, lòng lệ đầy
chân đi gió tạt sầu ba hướng
tay vói một trời, trời mưa bay
người đã vì ta tan ước mơ
phấn son chưa ngát thịt da ngà
môi non đã lỡ tình đau đớn
mộng vữa theo trời hoa phượng xưa
người chôn đời mà ta đắng cay
cây im lá ngọn, khói sương bày
chim treo mỏ cóng trơ xương mục
sông đã chẳng cùng chết sao hay
người ở đâu, ôi người ở đâu ?
cỏ xanh còn áp má đêm buồn
dế giun còn tiếc mùa ân ái
từng phiến trời mang bao vết thương
* Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa đề “Tình Sầu” hay “Tình Sầu Du Tử Lê”
ta như sương mà người như hoa
dối gian nhàu nát nụ hôn đầu
tình đi từng bước trên lưng gió
gieo xuống đời nhau hạt thương đau
người một phương ta cũng một phương
phố cao ngày thấp nắng mưa trùng
mắt sâu ẩn nhốt trời giông tố
ta một hồn câm giông gió lên
người ở đây ta cũng ở đây
lòng không như mặt, lòng lệ đầy
chân đi gió tạt sầu ba hướng
tay vói một trời, trời mưa bay
người đã vì ta tan ước mơ
phấn son chưa ngát thịt da ngà
môi non đã lỡ tình đau đớn
mộng vữa theo trời hoa phượng xưa
người chôn đời mà ta đắng cay
cây im lá ngọn, khói sương bày
chim treo mỏ cóng trơ xương mục
sông đã chẳng cùng chết sao hay
người ở đâu, ôi người ở đâu ?
cỏ xanh còn áp má đêm buồn
dế giun còn tiếc mùa ân ái
từng phiến trời mang bao vết thương
* Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa đề “Tình Sầu” hay “Tình Sầu Du Tử Lê”
THƠ : CON MẮT
CON MẮT
Trần Hồ Dũng
Một con mắt ngó thăm người
một con mắt nọ khóc cười với ai
một con mắt chợt tàn phai
nhớ ai ánh mắt chia hai nỗi niềm
một con mắt chợt im lìm
nhắm thêm con mắt , tôi tìm thấy tôi
tranhodung saigon .18072009.
Trần Hồ Dũng
Một con mắt ngó thăm người
một con mắt nọ khóc cười với ai
một con mắt chợt tàn phai
nhớ ai ánh mắt chia hai nỗi niềm
một con mắt chợt im lìm
nhắm thêm con mắt , tôi tìm thấy tôi
tranhodung saigon .18072009.
THƠ TRẦN HỒ DŨNG : một bàn chân bước
một bàn chân bước
tranhodung
một bàn chân bước lên đàng
một bàn chân bước khẻ khàng phía sau
một bàn chân vội bước mau
một bàn chân bước theo sau nỗi buồn
một bàn chân bỗng vọng cuồng
muốn băng ghềnh thác tìm nguồn đục trong
một bàn chân chợt thong dong
bước theo chân bước ,nghe lòng hồ như !
THD. SAIGON 18.07.2009
tranhodung
một bàn chân bước lên đàng
một bàn chân bước khẻ khàng phía sau
một bàn chân vội bước mau
một bàn chân bước theo sau nỗi buồn
một bàn chân bỗng vọng cuồng
muốn băng ghềnh thác tìm nguồn đục trong
một bàn chân chợt thong dong
bước theo chân bước ,nghe lòng hồ như !
THD. SAIGON 18.07.2009
THƠ - TRẦN HỒ DŨNG : LỆ HOA
LỆ HOA
Trần Hồ Dũng
Em buồn , rơi nước mắt
Lệ hóa thành nụ hoa
Bàn tay ta bối rối
Chạm phải một đóa sầu
Em buồn , dâng tiếng hát
Lời vút cao thành chim
Linh hồn ta váng vất
Hóa thân áng mây trời
Chim buồn , bay về núi
Mây muôn đời lang thang
Tìm nơi dòng sông chảy
Bóng chim nào vụt qua
“ Chim chẳng mong lưu dấu
Nước nào giữ bóng đâu” (*)
Mây buồn, rơi nước mắt
Hóa thành hạt mưa sầu
Đọng trên cành lá nọ
Giọt nước mắt hoàng hoa
tranhodung . saigon 30.4.2009
-------------------------
GHI CHÚ : (*)
NHẠN ẢNH
Nhạn quá trường không
ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
( Thiền sư Hương Hải – Thế kỷ XIII )
Bản dịch của Trần Hồ Dũng :
Ý :
Chim vút qua trời
Bóng chìm sông lạnh
Chim chẳng mong lưu dấu
Nước chẳng muốn giữ bóng
DỊCH THƠ :
BÓNG CHIM
Cánh chim mỏng vút qua trời sương khói
Để bóng mình chìm đáy nước chơ vơ
Chim nào mong lưu dấu trên sông lạnh
Nước chẳng buồn giữ lấy bóng mà chi
tranhodung . SG-1995 .
Trần Hồ Dũng
Em buồn , rơi nước mắt
Lệ hóa thành nụ hoa
Bàn tay ta bối rối
Chạm phải một đóa sầu
Em buồn , dâng tiếng hát
Lời vút cao thành chim
Linh hồn ta váng vất
Hóa thân áng mây trời
Chim buồn , bay về núi
Mây muôn đời lang thang
Tìm nơi dòng sông chảy
Bóng chim nào vụt qua
“ Chim chẳng mong lưu dấu
Nước nào giữ bóng đâu” (*)
Mây buồn, rơi nước mắt
Hóa thành hạt mưa sầu
Đọng trên cành lá nọ
Giọt nước mắt hoàng hoa
tranhodung . saigon 30.4.2009
-------------------------
GHI CHÚ : (*)
NHẠN ẢNH
Nhạn quá trường không
ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
( Thiền sư Hương Hải – Thế kỷ XIII )
Bản dịch của Trần Hồ Dũng :
Ý :
Chim vút qua trời
Bóng chìm sông lạnh
Chim chẳng mong lưu dấu
Nước chẳng muốn giữ bóng
DỊCH THƠ :
BÓNG CHIM
Cánh chim mỏng vút qua trời sương khói
Để bóng mình chìm đáy nước chơ vơ
Chim nào mong lưu dấu trên sông lạnh
Nước chẳng buồn giữ lấy bóng mà chi
tranhodung . SG-1995 .
THƠ Trần Hồ Dũng : HÓA THÂN
HÓA THÂN
Trần Hồ Dũng
Tưởng nhớ nhà thơ A. Khuê
( thi phẩm :" Lùa Bò Trong Sương" )
Tiễn ai trời đất hóa vàng
Trầm hương nát khói , lạnh tràn cõi sau
Nằm nghe vọng tiếng nhiệm mầu
Kinh trầm nhịp mõ trước đầu áo quan
“Kiếp người cát bụi hợp - tan
Có - Không , một giấc mộng vàng phai phôi”
Gió tung ngựa hí lên rồi
Thôi người ở lại luân hồi ta đi
Còn em về níu xuân thì
Nhớ nhau xin gửi đóa Quỳ dưới trăng
tranhodung. Saigon 14.8.2009
Trần Hồ Dũng
Tưởng nhớ nhà thơ A. Khuê
( thi phẩm :" Lùa Bò Trong Sương" )
Tiễn ai trời đất hóa vàng
Trầm hương nát khói , lạnh tràn cõi sau
Nằm nghe vọng tiếng nhiệm mầu
Kinh trầm nhịp mõ trước đầu áo quan
“Kiếp người cát bụi hợp - tan
Có - Không , một giấc mộng vàng phai phôi”
Gió tung ngựa hí lên rồi
Thôi người ở lại luân hồi ta đi
Còn em về níu xuân thì
Nhớ nhau xin gửi đóa Quỳ dưới trăng
tranhodung. Saigon 14.8.2009
THƠ LÊ SƠN THẠCH : Tài Hoa rồi cũng ra đi
Tài Hoa rồi cũng ra đi !
" Thương tặng hương hồn A-Khuê "
Lê Sơn Thạch
Ðàn bò đã khuất trong sương
Người chăn bò cũng lên đường viễn du.
Ung dung về cõi Thiên Thu
Ðồi hoang cỏ biếc mịt mù dấu xưa !
Cách biệt nhau đã bao mùa
Sương pha mái tóc đời chưa tương phùng.
Ðắng cay từ độ nghìn trùng...
Biết đâu Hợp Phố mà mong Châu về.
Nhạc Thơ còn vọng trời quê
Tài hoa một kiếp ÐI, VỀ tay không !!
LST
" Thương tặng hương hồn A-Khuê "
Lê Sơn Thạch
Ðàn bò đã khuất trong sương
Người chăn bò cũng lên đường viễn du.
Ung dung về cõi Thiên Thu
Ðồi hoang cỏ biếc mịt mù dấu xưa !
Cách biệt nhau đã bao mùa
Sương pha mái tóc đời chưa tương phùng.
Ðắng cay từ độ nghìn trùng...
Biết đâu Hợp Phố mà mong Châu về.
Nhạc Thơ còn vọng trời quê
Tài hoa một kiếp ÐI, VỀ tay không !!
LST
thơ Du Tử Lê : Cõi Tôi
Du Tử Lê
Cõi Tôi
cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua
cõi vui thân thể cỗi già
cõi lang thang mượn mái nhà hư không
cõi xanh, cõi lạnh, cõi cùng
cõi con muốn bỏ, cõi chồng vợ, xa
cõi em muốn dạt chân về
cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên
cõi nào, cõi thật ? Tôi riêng?
cõi đêm máu chảy, cõi thương nhớ trùng
cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ lâu
cõi đời đó, có chi đâu!
Cõi Tôi
cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua
cõi vui thân thể cỗi già
cõi lang thang mượn mái nhà hư không
cõi xanh, cõi lạnh, cõi cùng
cõi con muốn bỏ, cõi chồng vợ, xa
cõi em muốn dạt chân về
cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên
cõi nào, cõi thật ? Tôi riêng?
cõi đêm máu chảy, cõi thương nhớ trùng
cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ lâu
cõi đời đó, có chi đâu!
Mai Thảo - Nghe Đất
Mai Thảo
Nghe Đất
Nằm đây dưới bóng cây xanh
Nhìn qua lá biếc lại xanh sắc trời
Mát thơm đất trải bên người
Nghe trong ẩm lạnh da người cũng thơm
Đất lên hương, thấm qua hồn
Nghe Vui thoáng đến với Buồn thoáng đi
Giữa giờ trưa nắng uy nghi
Bóng vây vây nhẹ hàng mi cúi đầu
Người nằm nghe đất bao lâu
Tai nương ngợ tiếng đời sau thở dài
Lung linh sóng nắng đan cài
Cõi Trong điệp điệp Cõi Ngoài mang mang
Chợt đâu rụng tiếng phai tàn
Rơi ngưng nửa dáng nắng vàng trôi qua
Linh hồn thiếp giữa triều hoa
Bóng hình thôi đã nhạt nhoà quanh thân
Nghe Đất
Nằm đây dưới bóng cây xanh
Nhìn qua lá biếc lại xanh sắc trời
Mát thơm đất trải bên người
Nghe trong ẩm lạnh da người cũng thơm
Đất lên hương, thấm qua hồn
Nghe Vui thoáng đến với Buồn thoáng đi
Giữa giờ trưa nắng uy nghi
Bóng vây vây nhẹ hàng mi cúi đầu
Người nằm nghe đất bao lâu
Tai nương ngợ tiếng đời sau thở dài
Lung linh sóng nắng đan cài
Cõi Trong điệp điệp Cõi Ngoài mang mang
Chợt đâu rụng tiếng phai tàn
Rơi ngưng nửa dáng nắng vàng trôi qua
Linh hồn thiếp giữa triều hoa
Bóng hình thôi đã nhạt nhoà quanh thân
Mai Thảo : Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại
Mai Thảo
Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại
Con đường thẳng tắp con đường cụt
Đã vậy từ xưa cái nghĩa đường
Phải triệu khúc quanh nghìn ngả rẽ
Mới là tâm cảnh đến mười phương
Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta
Chế lấy mây và gây lấy nắng
Chế lấy, đừng vay mượn đất trời
Để khi nhật nguyệt đều xa vắng
Đầu thềm vẫn có ánh trăng rơi
Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Đôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi
Đừng khóc dẫu mưa là nước mắt
Đừng đau dẫu đá cũng đau buồn
Tâm em là Bụt tâm anh Phật
Trên mỗi tâm ngời nhánh hương
Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại
Con đường thẳng tắp con đường cụt
Đã vậy từ xưa cái nghĩa đường
Phải triệu khúc quanh nghìn ngả rẽ
Mới là tâm cảnh đến mười phương
Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta
Chế lấy mây và gây lấy nắng
Chế lấy, đừng vay mượn đất trời
Để khi nhật nguyệt đều xa vắng
Đầu thềm vẫn có ánh trăng rơi
Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Đôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi
Đừng khóc dẫu mưa là nước mắt
Đừng đau dẫu đá cũng đau buồn
Tâm em là Bụt tâm anh Phật
Trên mỗi tâm ngời nhánh hương
Tô Thùy Yên : Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ
:::Tô Thùy Yên:::
Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không, bên kia sông
Trống trãi hồn ta cơn gió rã
Tiếng tàn tàn rụng suốt mênh mông
Hừng đông hùng vĩ và thanh thản
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây rách đỏ vết thương dài
Ta ngồi trước gõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh
Ta ngồi cho đến khi trời nắng
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi
Ở đây ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
Ở đây ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây ...
Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm ...
Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ
Mùa hạ tàn trôi trôi đóm lửa
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ
Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang, thế sự nhòa
Trận lốc cười tròn trên quá vãng
Ta làm lại cả tâm hồn ta
Buổi trưa như buổi trưa nào đó
Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi
Điệu hát ầu ơ hoa cỏ lịm
Nước mây buồn bã chợt quên trôi
Ta thiếp trong vòm xanh đại thọ
Đời đời giương rộng lượng bao dung
Ví dầu ta ngủ không còn dậy
Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng
Chuyện trần thế bấy lâu thanh thỏa
Sống một ngày, ta rõ một ngày
Thôi vướng mắc dài duyên với nợ
Ân oán đời, phong kiếm rửa tay
Còn lại chăng cây đàn lở tróc
Gảy mình nghe đôi điệu xưa xưa
Còn lại chăng chút u hoài mốc
Pha cùng rượu uống đến say thua
Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn cọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân
Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không ?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm ...
Gặp buổi trời trong dàn bát ngát
Ngọn cây ô ! đã giát hoàng hôn
Cơn gió mơn man bờ bụi rậm
Kể dạo quanh vườn chuyện trống không
Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ
Gốc cây to đến mấy người ôm
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường
Nên ta phó mặc cho trời đất
Trời đất vô ngôn lại bất nhân
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian
Đêm tối êm ru lời thủ thỉ
Bên hè có tiếng dế ca ran
Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu
Mọc lại cho ta thuở xế tàn
Hình như mọi sự đều như thế
Kể cả lòng ta cũng thế thôi
Các việc vô công làm miết miết
Quên tiệt đời ta như nấm mai
Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
Ta thức đêm nay chơi với trăng
Nghĩ tội thương sau này mãi mãi
Trên mồ ta, trăng phải lang thang
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa
Trên dốc thời gian, hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô
Xa nghe đợt gió lên cơn bão
Nhân loại quay cuồng biến đổi sâu
Bầy chó năm châu cắn sủa rộ
Quỉ ma cười khóc rợn đêm thâu
Cuộc đời kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân, trừ tính được thua
Hỡi ai tráng sĩ mài dao nhọn
Xin nhớ đời không mỗi sắc vua
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta.
Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không, bên kia sông
Trống trãi hồn ta cơn gió rã
Tiếng tàn tàn rụng suốt mênh mông
Hừng đông hùng vĩ và thanh thản
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây rách đỏ vết thương dài
Ta ngồi trước gõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh
Ta ngồi cho đến khi trời nắng
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi
Ở đây ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
Ở đây ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây ...
Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm ...
Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ
Mùa hạ tàn trôi trôi đóm lửa
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ
Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang, thế sự nhòa
Trận lốc cười tròn trên quá vãng
Ta làm lại cả tâm hồn ta
Buổi trưa như buổi trưa nào đó
Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi
Điệu hát ầu ơ hoa cỏ lịm
Nước mây buồn bã chợt quên trôi
Ta thiếp trong vòm xanh đại thọ
Đời đời giương rộng lượng bao dung
Ví dầu ta ngủ không còn dậy
Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng
Chuyện trần thế bấy lâu thanh thỏa
Sống một ngày, ta rõ một ngày
Thôi vướng mắc dài duyên với nợ
Ân oán đời, phong kiếm rửa tay
Còn lại chăng cây đàn lở tróc
Gảy mình nghe đôi điệu xưa xưa
Còn lại chăng chút u hoài mốc
Pha cùng rượu uống đến say thua
Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn cọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân
Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không ?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm ...
Gặp buổi trời trong dàn bát ngát
Ngọn cây ô ! đã giát hoàng hôn
Cơn gió mơn man bờ bụi rậm
Kể dạo quanh vườn chuyện trống không
Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ
Gốc cây to đến mấy người ôm
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường
Nên ta phó mặc cho trời đất
Trời đất vô ngôn lại bất nhân
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian
Đêm tối êm ru lời thủ thỉ
Bên hè có tiếng dế ca ran
Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu
Mọc lại cho ta thuở xế tàn
Hình như mọi sự đều như thế
Kể cả lòng ta cũng thế thôi
Các việc vô công làm miết miết
Quên tiệt đời ta như nấm mai
Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
Ta thức đêm nay chơi với trăng
Nghĩ tội thương sau này mãi mãi
Trên mồ ta, trăng phải lang thang
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa
Trên dốc thời gian, hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô
Xa nghe đợt gió lên cơn bão
Nhân loại quay cuồng biến đổi sâu
Bầy chó năm châu cắn sủa rộ
Quỉ ma cười khóc rợn đêm thâu
Cuộc đời kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân, trừ tính được thua
Hỡi ai tráng sĩ mài dao nhọn
Xin nhớ đời không mỗi sắc vua
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta.
THƠ TÔ THÙY YÊN : Ta Về
:::Tô Thùy Yên:::
Ta Về
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu
Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ
Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi
Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi
Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời
Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa
Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi
Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?
Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên
Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm
Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa
Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi
Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen
Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa
Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao
Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh
Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
Ta Về
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu
Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ
Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi
Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi
Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời
Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa
Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi
Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?
Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên
Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm
Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa
Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi
Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen
Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa
Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao
Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh
Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
Nhớ Lại, Đừng Quên - Đoàn Vị Thượng
Nhớ Lại, Đừng Quên - Đoàn Vị Thượng
Bỗng nhớ lại con đường ta đã dạo
Cây co ro treo lá rét mùa đông
Tay em ấm cớ chi tôi dại dột
Lỡ buông ra,sơ ý, lá rơi thầm
Bỗng nhớ lại những ngày xuân êm ả
Mới quen nhau tôi chẳng dám thăm nhà
Cứ quanh quẩn bên đường như mất trộm
Trái tim mình, ai lấy kiếm chưa ra?
Bỗng nhớ lại cơn mưa chiều tháng bảy
Ta chia tay không rõ lý do gì
Chưa thấm thía những dòng mưa khi ấy
Là những dòng mùa hạ sắp chia ly
Bỗng nhớ lại nói điều sao giản dị
Tôi như em ngây dại đến vô cùng
Chỉ cần một trong hai người biết nghĩ
Lúc bấy giờ ta dễ mất nhau không?
Bỗng nhớ lại con đường ta đã dạo
Cây co ro treo lá rét mùa đông
Tay em ấm cớ chi tôi dại dột
Lỡ buông ra,sơ ý, lá rơi thầm
Bỗng nhớ lại những ngày xuân êm ả
Mới quen nhau tôi chẳng dám thăm nhà
Cứ quanh quẩn bên đường như mất trộm
Trái tim mình, ai lấy kiếm chưa ra?
Bỗng nhớ lại cơn mưa chiều tháng bảy
Ta chia tay không rõ lý do gì
Chưa thấm thía những dòng mưa khi ấy
Là những dòng mùa hạ sắp chia ly
Bỗng nhớ lại nói điều sao giản dị
Tôi như em ngây dại đến vô cùng
Chỉ cần một trong hai người biết nghĩ
Lúc bấy giờ ta dễ mất nhau không?
THƠ Nguyễn Đình Toàn : KHÚC CA PHẠM THÁI
KHÚC CA PHẠM THÁI
Ta tráng sĩ hề , lòng không mềm bằng kiếm,
Ta anh hùng hề , sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như .
Chí nhỏ lòng Kiêu, đổ thưà vận rủi,
Tài sơ sức mỏi , trách với thời cơ .
Lòng chua cay uống mãi rượu giang hồ,
Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng.
Hồn đau thương những đêm trường bốc cháy,
Ngựa ngông cuồng khua gót nhớ quan san.
Trời mưa buồn hay nhỏ lệ nhân gian,
Men ứa lạnh trên đầu tay gía buốt.
Chợp năm canh gà chừ tóc hồ điểm bạc,
Thù nhà chưa trả chừ nợ nước vai mang.
Thẹn mặt làm ngơ chừ tuỉ thân hồ hải,
Gục đầu lên gươm chừ , máu đổ chứa chan.
Ta là sao tinh đẩu ,
Cao vút trời cô ñơn.
Sáng không đủ soi đường cho người chừ , đêm chưa đành tắt.
Một mình ta với lòng ta chừ , bão táp khôn nguôị
Biển động bốn phương chừ , sóng đau gào thét,
Giấc mơ thù hận chừ , máu đỏ tay ngườị .
Cơn say dở khóc dở cười ,
Thành nghiêng núi lở , đất trời là đâu .
Chuông rung đã lọt tiếng cầu,
Em ơi tỉnh dậy nghe sầu vào thơ .
Ta yêu nàng ư ?
Ta giết nàng ư ?
Ta thương nàng ư ?
Ta khóc rồi ư ?
Môi nàng thơm chừ hồn ta ngây ngất ,
Mắt nàng là đèn hoa soi đêm tối hồn ta .
Gót hương trầm dáng kiều thơm dịu ngọt ,
Xiêm y nồng nàn ngón nhỏ búp tiên nga .
Nàng là thơ ta là ruợu mê hoa ,
Trời nâng giấc ban ơn đầy xuân mớị .
Ta nhớ nàng điên cuồng lên tiếng gọi,
Quỳnh Như ơi , ai đội mộ nàng lên .
Thơ nàng buồn thành những chiếc gai êm ,
Mọc lên giữa linh hồn ta sầu tủi .
Mây ngũ sắc kết lên lầu ngóng đợi,
Sao Ngân Hà mở hội đón em đi,
Thuyền trăng đây ta xin chở em về ,
Trong lưng chén long lanh chừ , đau lạnh môi tê ...
Ta ôm nàng trong đôi tay sưng húp,
Ta cắn xiêm y nàng, cho vỡ nát chén si mê .
Quỳnh Như ơí
Hồn ta đây mời em về ngự trị
Rồi thơ thần , ta giáng bút cho nhau
Rồi trải thơ làm gấm nệm muôn màu,
Ta sẽ cưới nhau dưới muôn ngàn tinh tú..
Xin đừng bạn bè ,
Xin đừng chí cả.....
Ta sắp gặp nàng,
Ta sắp gặp nàng dâỵ
Gió đã mách, nàng đang về trên đài kiêu khai nụ ,
Ta nghe bước chân nàng vừa thoắt nở thành hoa .
Rượu còn đầy vò , trăng còn sáng trên thơ ,
Xin ñừng để ngai hồn ta trống vắng .
Này Tiêu Sơn chuông chùa nào nín lặng ,
Hãy chiêu hồn cho đội mộ nàng lên.
Nàng chết rồi ư ?
Ta khóc rồi ư ?
Em ơi tám hướng sông hồ,
Mười năm ngang dọc , bây giờ là đây ..
Sự đời chừ đã trắng tay ,
Ngủ vùi một giấc , cho đầy gối tham .
Ta say hay ta tỉnh ,?
Nàng buồn hay nàng vui ?
Ngọc châu pha vỡ tiếng cười ,
Lược gương xin chải ngậm ngùi cho nhau .
Môi nàng là mật đắng ,
Tóc nàng là bão đau .
Mắt nàng thành mộ tối ,
Hồn ta là đêm thâu .
Áo bào hiên ngang hề bụi đường mốc thếch ,
Chuông kinh cầu nguyện hề , lời đầy tên nàng .
Trời rộng thênh thang hề chim thiêng rã cánh ,
Canh khuya mòn mỏi hề đôi bóng sầu tương.
Tinh đẩu lu mờ hề thơ run hồn thép ,
Ngựa ghê đá sắc hề xa lắc biên cương
Rát mặt anh hùng hề nàng là gió mát,
Xin tạ tình nàng hề lệ đau một hàng ..
Heo may đã nổi lá vàng ,
Buồn xưa chừng cũng động ngàn bay xa .
Mộ nàng bao cỏ úa ,
Lòng ta bấy xót xa .
Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự ,
Ta thương nàng hay ta thương ta ???
Nguyễn Đình Toàn
Ta tráng sĩ hề , lòng không mềm bằng kiếm,
Ta anh hùng hề , sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như .
Chí nhỏ lòng Kiêu, đổ thưà vận rủi,
Tài sơ sức mỏi , trách với thời cơ .
Lòng chua cay uống mãi rượu giang hồ,
Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng.
Hồn đau thương những đêm trường bốc cháy,
Ngựa ngông cuồng khua gót nhớ quan san.
Trời mưa buồn hay nhỏ lệ nhân gian,
Men ứa lạnh trên đầu tay gía buốt.
Chợp năm canh gà chừ tóc hồ điểm bạc,
Thù nhà chưa trả chừ nợ nước vai mang.
Thẹn mặt làm ngơ chừ tuỉ thân hồ hải,
Gục đầu lên gươm chừ , máu đổ chứa chan.
Ta là sao tinh đẩu ,
Cao vút trời cô ñơn.
Sáng không đủ soi đường cho người chừ , đêm chưa đành tắt.
Một mình ta với lòng ta chừ , bão táp khôn nguôị
Biển động bốn phương chừ , sóng đau gào thét,
Giấc mơ thù hận chừ , máu đỏ tay ngườị .
Cơn say dở khóc dở cười ,
Thành nghiêng núi lở , đất trời là đâu .
Chuông rung đã lọt tiếng cầu,
Em ơi tỉnh dậy nghe sầu vào thơ .
Ta yêu nàng ư ?
Ta giết nàng ư ?
Ta thương nàng ư ?
Ta khóc rồi ư ?
Môi nàng thơm chừ hồn ta ngây ngất ,
Mắt nàng là đèn hoa soi đêm tối hồn ta .
Gót hương trầm dáng kiều thơm dịu ngọt ,
Xiêm y nồng nàn ngón nhỏ búp tiên nga .
Nàng là thơ ta là ruợu mê hoa ,
Trời nâng giấc ban ơn đầy xuân mớị .
Ta nhớ nàng điên cuồng lên tiếng gọi,
Quỳnh Như ơi , ai đội mộ nàng lên .
Thơ nàng buồn thành những chiếc gai êm ,
Mọc lên giữa linh hồn ta sầu tủi .
Mây ngũ sắc kết lên lầu ngóng đợi,
Sao Ngân Hà mở hội đón em đi,
Thuyền trăng đây ta xin chở em về ,
Trong lưng chén long lanh chừ , đau lạnh môi tê ...
Ta ôm nàng trong đôi tay sưng húp,
Ta cắn xiêm y nàng, cho vỡ nát chén si mê .
Quỳnh Như ơí
Hồn ta đây mời em về ngự trị
Rồi thơ thần , ta giáng bút cho nhau
Rồi trải thơ làm gấm nệm muôn màu,
Ta sẽ cưới nhau dưới muôn ngàn tinh tú..
Xin đừng bạn bè ,
Xin đừng chí cả.....
Ta sắp gặp nàng,
Ta sắp gặp nàng dâỵ
Gió đã mách, nàng đang về trên đài kiêu khai nụ ,
Ta nghe bước chân nàng vừa thoắt nở thành hoa .
Rượu còn đầy vò , trăng còn sáng trên thơ ,
Xin ñừng để ngai hồn ta trống vắng .
Này Tiêu Sơn chuông chùa nào nín lặng ,
Hãy chiêu hồn cho đội mộ nàng lên.
Nàng chết rồi ư ?
Ta khóc rồi ư ?
Em ơi tám hướng sông hồ,
Mười năm ngang dọc , bây giờ là đây ..
Sự đời chừ đã trắng tay ,
Ngủ vùi một giấc , cho đầy gối tham .
Ta say hay ta tỉnh ,?
Nàng buồn hay nàng vui ?
Ngọc châu pha vỡ tiếng cười ,
Lược gương xin chải ngậm ngùi cho nhau .
Môi nàng là mật đắng ,
Tóc nàng là bão đau .
Mắt nàng thành mộ tối ,
Hồn ta là đêm thâu .
Áo bào hiên ngang hề bụi đường mốc thếch ,
Chuông kinh cầu nguyện hề , lời đầy tên nàng .
Trời rộng thênh thang hề chim thiêng rã cánh ,
Canh khuya mòn mỏi hề đôi bóng sầu tương.
Tinh đẩu lu mờ hề thơ run hồn thép ,
Ngựa ghê đá sắc hề xa lắc biên cương
Rát mặt anh hùng hề nàng là gió mát,
Xin tạ tình nàng hề lệ đau một hàng ..
Heo may đã nổi lá vàng ,
Buồn xưa chừng cũng động ngàn bay xa .
Mộ nàng bao cỏ úa ,
Lòng ta bấy xót xa .
Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự ,
Ta thương nàng hay ta thương ta ???
Nguyễn Đình Toàn
Thursday, October 01, 2009
THƠ - TRẦN HỒ DŨNG
CHÙM THƠ LỤC BÁT
Trần Hồ Dũng
1.
TÌM NHAU
Tìm nhau từ cõi ngàn xưa
Tìm nhau trong ngọn gió đùa nghìn sau
Chợt trong giây phút nhiệm mầu
Thấy nhau nơi giọt sương đầu nụ hoa
2.
ĐI TÌM
Tôi về tìm lại tôi xưa
Tìm tôi nơi chốn em vửa bỏ quên
Nghe trong chiều rất êm đềm
chút hương ngày cũ rơi mềm tóc sương
3.
VÔ ĐỀ
Đất trời vô thủy vô chung
Suối sông vô lượng , phù dung vô tình
Đằng sau ánh mắt em nhìn
Xin cho hỏi nhỏ , có hình bóng tôi ?
Trần Hồ Dũng
1.
TÌM NHAU
Tìm nhau từ cõi ngàn xưa
Tìm nhau trong ngọn gió đùa nghìn sau
Chợt trong giây phút nhiệm mầu
Thấy nhau nơi giọt sương đầu nụ hoa
2.
ĐI TÌM
Tôi về tìm lại tôi xưa
Tìm tôi nơi chốn em vửa bỏ quên
Nghe trong chiều rất êm đềm
chút hương ngày cũ rơi mềm tóc sương
3.
VÔ ĐỀ
Đất trời vô thủy vô chung
Suối sông vô lượng , phù dung vô tình
Đằng sau ánh mắt em nhìn
Xin cho hỏi nhỏ , có hình bóng tôi ?
Subscribe to:
Posts (Atom)