Thursday, July 29, 2010

Trần Phong Giao và những người viết trẻ

Trần Phong Giao và những người viết trẻ

Trần Hoài Thư

Trần Phong Giao và những người viết trẻ (1)


1. Thời ấy, thời những năm 60, nói đến văn học miền Nam là nói đến nhóm, là phải nhắc đến Sáng Tạo, Hiện đại, Thế Kỷ 20 v.v… Những đề tài thì quanh quẩn những hiện sinh, nôn mửa, làm mới văn học, hay viết về những kinh nghiệm bản thân về một chủ nghĩa là Cộng Sản mà họ đã trải qua… Họ sống ở thủ đô, ít hiểu, ít chất liệu để nói về con quái vật chiến tranh và những hệ lụy của nó. Và nếu có viết thì chỉ đứng ở ngoài nhìn vào, chứ không phải đứng trong lòng cuộc chiến như những kẻ trực tiếp ở trong lòng hoả ngục mà tổng thống thứ 31 của Mỹ là Hoover đã từng nói “tuyên chiến thì dành cho những ông già còn phần đánh và chết thì dành cho đám trẻ“. (Herbert Hoover: The old men declare war. But it is the youth who must fight and die).

Riêng, những người trẻ viết văn thì không những lãnh phần đánh giặc, chết thế mà còn tự nguyện lãnh thêm những sấp giấy nhét trong ba lô hay túi áo trận có khi dính đầy máu. Và khác với những quan chức văn nghệ phòng trà, mang bộ đồng phục mà viết về ca sĩ, vũ nữ v.v… thì các người viết trẻ phải viết trong điều kiện:

“Viết thư thăm ông sau cuộc hành quân biên phòng, kéo dài suốt 20 ngày trong rừng đầy muỗi, lạnh và vắt rừng.
Ở đây thiếu thốn về nhiều phương diện. Ngay như báo chí. Đôi khi tờ báo hàng ngày xuất bản ngày 10 thì đến 20 chúng tôi mới được đọc. Còn nói gì đến những tập san văn học nghệ thuật? “

(t.l, thư từ Dakto ngày 12-12-1970, Vấn đề số 45 tháng 4- 71)

2. May mắn trong thế giới ấy chúng ta có một Trần Phong Giao của Văn.

Có thể nói, trong thời chiến, không một người viết trẻ nào lại không nhớ đến cái công tìm tòi, khai phá những tài năng mới của tạp chí Văn, mà thơ ký tòa soạn Trần Phong Giao(TPG) là người đầu tàu.

3. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một đức tính quí hiếm mà chúng tôi đã tìm thấy ở ông, dù ít khi chúng tôi có dịp gần gũi với ông.

Nhớ lại trong vài lần từ vùng hai về phép, ghé ngang tòa soạn Văn, thăm ông, thấy ông với gương mặt lạnh lùng, họa hoằn lắm mới thốt vài câu thăm hỏi, sau đó lại tiếp tục cúi xuống bàn máy đánh chữ, thì thấy lòng hơi bất mãn.

Vậy mà trên tạp chí Văn, ở mục trang Sinh Họat Văn học Nghệ thuật, dưới bút hiệu Thư Trung, ông luôn luôn viết về chúng tôi, đề cập đến chúng tôi, và cất lời thống thiết vì chúng tôi. Thật khó tìm một tạp chí có người thơ ký tòa soạn lại chú tâm về cuộc hành trình của những người mang màu áo đồng phục như chúng tôi như thế. Nhờ Văn mà chúng tôi tìm đến nhau, và biết tin nhau dù chúng tôi luân lạc tứ phương, ví dụ qua bản tin trên Văn số 121 năm 1968:





Hay trên tạp chí Văn số 103 Tháng 4 năm 1968, ông đã viết về lần chúng tôi (THT) bị thương trong trận Mậu Thân:





Ông gọi, kêu, khan cổ. Cái máy chữ Olympic phương tiện mà ông xữ dụng từ việc liên lạc, đến việc trị sự, tòa soạn, đã bao lần thấy được nỗi lòng của ông, vì bạn văn, vì những người đồng chung một mái nhà văn chương. Như lần ông kêu cứu nhà văn Duy Lam giúp đở nhà thơ Đỗ Tấn sau khi nhà thơ này gặp nạn vào Tết Mậu Thân:



*

Sau 1975, Trần Phong Giao sống lặng lẽ, ít giao tiếp với ai, nhất là giới văn nghệ sĩ ở hải ngoại.

Ông chết vào ngày 12-4-2005 tại Saigon thọ 70 tuổi vì bịnh ung thư đại tràng.

Lòng bùi ngùi nhớ lại người đã gây dựng tạp chí Văn, đưa tạp chí này lên một vị thế lớn trong bầu trời văn chương miền Nam, thêm vào cõi lòng từ tâm hiếm có, không biết gì hơn là xin được đăng bài thơ của ông sau 1975 mà ông cảm tác khi vào tuổi 60 do một người bạn văn thương mến gởi tặng tòa soạn TQBT để chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời của ông sau 1975:

Khai bút đầu xuân gõ máy chơi
Tưởng mình “cả tiếng lại dài hơi” (1)
Nào ngờ mắt kém, tay run rẩy
Đã lão, tuy vừa chớm sáu mươi!


Tuổi “tri thiên mệnh” tưởng được nghỉ
Nào ngờ vợ ốm thêm vận bỉ
Lại thức thâu đêm mài chữ bán
Bảy hào một từ, sung sướng nhỉ?


“Chữ nghĩa tây tầu chót dở dang
Nôm na phá nghiệp kiếm ăn soàng” (2)
Mười ba năm đã quên cầm bút
Nghĩ đến Kiều thêm nỗi bẽ bàng!


Xin hiểu lòng tôi, hỡi nguyệt vàng:
Mưu sinh hệ lụy của trần gian
Tôi còn sống nhé, tôi chưa chết,
Chỉ có tên xưa: cát bụi tan!…


Trà, rượu, xuân tình vẫn cứ chơi
“Cơm toàn rau muống, chẳng chiên ngồi” (3)
Đã lỡ phong lưu nên phải gượng
Sàng đầu kim tận cũng đành vui…


Tưởng lúc về già được con nuôi:
Chơi chim, chơi cảnh, hưởng nhàn chơi,
Hạo khí chưa mòn, râu tóc bạc
Mới biết cao xanh chẳng đãi người…


Trời cao mây trắng ngẩn ngơ trôi…
Ngoài hiên hoa mướp nhởn nhơ cười
Thơ xuân, đánh chữ, ghê ông quá,
Chữ nghĩa thư-trung chán mớ đời! (4)


Đầu năm khai bút, à, khai máy,
Rượu uống mềm môi vẫn chẳng say,
Ngậm ngùi pha loãng men cay đắng,
Hàng xóm hoa mai lơi lả bay…


Một bầu tâm sự gởi về đâu?
Mênh mang giấy trắng ngẩn ngơ sầu,
Trước đèn nào biết xuân hay tết,
Chỉ biết lòng riêng nỗi quặn đau.


Khai bút đầu xuân gõ máy chơi
Tâm sự vô cùng, cố hữu ơi!
Đã không thương nhớ, đừng thương xót,
Hãy mặc tôi

tuổi sáu mươi!….

Trần Phong Giao (*) – 1990


--------------------------------------------------------------------------------
Ghi Chú:

1. Mõ Làng Văn: Một bút hiệu ngày cũ

2. Thơ Tản Đà

3. Thơ Nguyễn Trãi: “bàn duy mục túc, tọa vô chiên”

4. Một bút hiệu ngày cũ


(1) Trích từ Thư Quán Bản Thảo số 35 tháng 2-2009

http://damau.org

URL to article: http://damau.org/archives/9351

Saturday, July 10, 2010

Tiến sĩ là gì và không là gì? -

Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn

Bài đã được xuất bản.: 07/07/2010 06:00 GMT+7

TS ngày xưa chỉ làm một bài thơ hay phú, và được vua quan phê chuẩn. Còn ngày nay, để có bằng TS, ứng viên phải hoàn tất nhiều nghiên cứu và tổng kết trong một luận án khá dài.
>> Khái niệm "tiến sĩ" đã bị hiểu sai
>> Nỏ thần giả và bằng Tiến sĩ dỏm
>> Mua "bằng cấp" xuyên quốc gia và lời...cơ chế
>> Chủ nhân vụ "bằng cấp dỏm": "Tôi không may!"
LTS: Sau khi trên báo chí, và dư luận xã hội xôn xao về vụ "Tiến sĩ ở Mỹ không cần biết tiếng Anh", Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc) bàn sâu về chủ đề văn bằng TS. Trong bối cảnh ngành giáo dục nước ta có chủ trương đào tạo hơn 20.000 TS, bài viết này đặt ra rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Tuần Việt Nam xin trân trọng đăng tải.
Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ thấy ngạc nhiên khi đọc tựa đề này, vì nó hơi... ngô nghê. Nhưng tôi phải mượn tựa đề câu hỏi đó để giải tỏa một số ngộ nhận về văn bằng TS đang được một tờ báo mạng vô tình tiếp tay phổ biến và những "lem nhem" chung quanh việc hiểu ý nghĩa của văn bằng này nhân một vụ việc về bằng TS được cấp ở Mỹ khiến dư luận ồn ào gần đây.
Tiến sĩ không phải là...
Thứ nhất, TS không phải là một nghề. Nghề là một việc làm qua sự phân công của xã hội. Trong xã hội có người làm nghề thợ mộc, nghề nấu ăn, nghề thầy thuốc, v.v... Tùy theo bối cảnh và cấp bậc, tiếng Anh gọi nghề là occupation, là vocation, hay có khi là profession. Do đó, khi người ta hỏi "nghề của chị là gì", thì câu trả lời có thể là "tôi làm nghề dạy học", hay "tôi làm nghề buôn bán lẻ". TS là một degree, tức là một bằng cấp hay học vị. Thật là ngô nghê nếu có người nói "tôi hành nghề TS"!
TS không phải là một tước vị. Tước vị là những danh vị do Nhà nước hay một tổ chức phong tặng, và cá nhân được phong tặng không phải trải qua một quá trình học hành. Chẳng hạn như "Sir" là một tước hiệu do Nữ hoàng Anh tặng cho những người có công trong hoạt động xã hội và cộng đồng, hoặc như "Nhà giáo Nhân dân"- tước hiệu do Nhà nước theo khối xã hội chủ nghĩa (như Việt Nam) phong tặng cho những nhà giáo có công lớn với sự nghiệp giáo dục (trên lí thuyết).
Còn văn bằng TS chỉ được cấp cho những người nào đã qua một quá trình học hành và nghiên cứu khoa học, đã đáp ứng các tiêu chuẩn do trường đại học đề ra. Do đó, TS không phải là một tước vị hay phẩm hàm.
TS không phải là "đỉnh cao trí tuệ". Người theo học TS thường nghiên cứu về một đề tài hẹp, có khi rất hẹp, chứ không theo đuổi một đề tài bao quát như ở bậc cử nhân hay thạc sĩ. Có khi người ta bỏ ra cả 4-5 năm chỉ để nghiên cứu một phân tử! Mà ngay cả sau khi xong luận án TS, ứng viên cũng chưa thể hiểu hết về đề tài hẹp đó. Trong khoa học không có cái gì là chắc chắn và xác định. Tất cả những gì chúng ta hiểu biết đều mang tính bất định và có điều kiện.
Nhưng học TS không dễ và thoải mái. Học để làm TS nghiêm chỉnh không bao giờ dễ và dứt khoát càng không thoải mái. Đó không phải như bậc cử nhân hay thạc sĩ (tức hoàn tất các môn học qua thi cử), mà là làm nghiên cứu khoa học. NCKH là cả một qui trình có hệ thống, mà chỉ cần sai một khâu trong qui trình đó thì xem như là thất bại.
NCKH không chỉ đòi hỏi ứng viên phải có "cái đầu" tốt (tức ý tưởng tốt), mà còn đòi hỏi ứng viên phải nắm vững phương pháp, nhất là đòi hỏi thời gian để hoàn tất. Phải dự bao nhiêu seminar, họp lab, cứ mỗi 6 tháng thì có kiểm tra, báo cáo tiền độ học vấn, thêm vào đó là áp lực bài báo khoa học lúc nào cũng đè nặng tâm lý. Nếu gặp giáo sư hướng dẫn khó tính, lúc nào cũng đòi hỏi phải có "outcome" (thành quả) thì càng mệt hơn. Nhất là đến lúc viết luận án thì áp lực càng kinh khủng hơn nữa. Tôi chưa nghe ai nói học TS thoải mái cả.
Cố nhiên, ở đây tôi chỉ bàn đến những chương trình đào tạo TS nghiêm túc và có chất lượng. Cần nói thêm rằng cũng có những trung tâm và trường ĐH nhận nghiên cứu sinh khá tùy tiện, chẳng cần qua phỏng vấn, tiêu chuẩn nghiên cứu, vì các GS ở đó có nhu cầu một vài người giúp việc... rẻ tiền.
Đối với những trung tâm này, họ xem nghiên cứu sinh TS chỉ là một công nhân trí thức trong dây chuyền sản xuất để họ đạt được mục tiêu của họ (họ chẳng cần quan tâm đến tương lai của nghiên cứu sinh, và nghiên cứu sinh cứ tưởng rằng làm TS dễ quá!) Tôi không bàn đến những chương trình học TS từ các trường "làng nhàng" như thế, nghiên cứu sinh mà không cần công bố bài báo khoa học vẫn có thể tốt nghiệp.
Không phải chương trình đào tạo TS nào cũng có chất lượng như nhau. Những chương trình đào tạo từ các lab có uy tín phải có đẳng cấp khác với những chương trình xoàng xĩnh. Thử tưởng tượng, một nghiên cứu sinh sau khi hoàn tất chương trình TS mà không có đến một bài báo trong lí lịch thì làm sao có thể cạnh tranh với các nghiên cứu sinh khác.
TS không phải là những ông "nghè". Ở nước ta, những người có bằng TS thường được xem như là những ông nghè hiện đại. Do đó, có người còn đề nghị nên có "văn miếu" cho các ông bà nghè này! Nhưng theo tôi, văn bằng TS thời nay rất khác với TS thời xưa, khác từ cách học đến qui trình học.
Ngày xưa, TS (hay thái học sinh) là những người đã qua 3 kì thi hương, thi hội, và thi đình, tức là những kì thi mang tính giai tầng địa phương.
Còn chương trình TS ngày nay là một qui trình đào tạo liên tục và khá lâu năm, chứ không phải thi theo cấp địa phương. TS ngày xưa chỉ làm một bài thơ hay phú, và được vua quan phê chuẩn. Còn ngày nay, để có bằng TS, ứng viên phải hoàn tất nhiều nghiên cứu và tổng kết trong một luận án khá dài. Nói tóm lại, TS không phải và không nên hiểu như là những vị nghè ngày xưa.


Học vị tiến sĩ không phải để kiếm nhiều tiền
Danh xưng TS có lẽ được xuất phát từ chữ Hán mà tiếng Anh phiên âm là "Chin-shih" (và tiếng Anh dịch là "Doctor"). Nếu không nhầm, văn bằng này được cấp lần đầu tiên vào năm 1313 (dưới triều đại nhà Tống). Vào năm này, một cuộc thi tuyển đặt dưới sự chủ tọa của vua Tống được tổ chức. Kết quả của kì thi này, có 300 thí sinh được cấp danh hiệu Chin-shih, trong số đó, có 75 người gốc Mông Cổ, 75 người quê quán ở miền Nam Trung Quốc, 75 người quê quán ở miền Bắc Trung Quốc, và 75 người có quốc tịch ngoại quốc.
Danh xưng TS không có nghĩa là sẽ nghiễm nhiên đem lại thanh thế hay uy danh cho cá nhân. Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng TS đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành, nghiên cứu. Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi tốt nghiệp TS, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng TS. Học vị TS mới chỉ là bước đầu vào NCKH, nó chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình NCKH nào có giá trị.
Học vị TS không tự động nâng giá trị ý kiến của thí sinh. Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng TS trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ. Niềm tin này hoàn toàn sai. Nhiều người có học vị TS có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác.
Học vị TS không bảo đảm thí sinh sẽ có công ăn việc làm ngay. Có khi ngược lại: Sinh viên tốt nghiệp TS có thể khó tìm việc làm hơn là sinh viên tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ, bởi vì như nói trên TS là những nhà nghiên cứu. Một số công ty không muốn và không thích mướn những người có văn bằng TS cho những việc không dính dáng với nghiên cứu. Thêm vào đó, một khi nền kinh tế bị suy yếu, tất cả thành viên trong xã hội đều chịu chung số phận, thì một số công ty giảm thiểu người nghiên cứu trước khi giảm thiểu người sản xuất.
Học vị TS không phải để kiếm nhiều tiền. Thí sinh tốt nghiệp TS thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh có bằng cử nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng. Vì học TS là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc. Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu. Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học TS.
Học vị TS không có nghĩa là một lựa chọn tốt nhất trong đời. Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn. Học vị TS chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn. Thật vậy, đối với nhiều thí sinh, học vị TS có thể là một sự nguyền rủa! Thí sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường? Thí sinh phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.
Tại sao "tiến sĩ" (PhD)?
Tuy có danh chính thức là triết học ("Doctor of Philosophy" hay PhD) nhưng TS không hẳn là người học về triết. PhD là một học vị cho tất cả các ngành khoa học, kể cả khoa học cơ bản và nhân văn. Điều "trớ trêu" này có một lịch sử của nó.


Hệ thống bằng cấp ĐH ngày nay được bắt nguồn và mô phỏng từ hệ thống văn bằng của 2 trường ĐH cổ kính ở Âu châu vào thế kỷ 13: Trường ĐH Paris ở Pháp (thành lập vào năm 1170) và Trường ĐH Bologna ở Ý (thành lập vào khoảng 1158). Theo bộ Luật La Mã, vào thời Trung cổ, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một hiệp hội gọi là Collegium, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu là Magistrates (mà tôi tạm dịch là "Thầy").
Vào thời này, người được nhận vào phụ giảng được gọi là Bachalari. Vào cuối thế kỉ 13, ĐH Paris thay đổi học vị này thành Baccalaureaet. Lúc bấy giờ, văn bằng Baccalauréate hay Bachelor là học vị duy nhất được cấp cho những thí sinh đã thi đỗ khóa thi do các các "Thầy" đặt ra; và đã học xong một chương trình giáo khoa 4 năm về ngữ pháp, tu từ học và logic.
Sau khi xong văn bằng Bachelor, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình MasterDoctor. Và sau khi đã xong chương trình học Master hay Doctor (khoảng 8 năm học), một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of Doctors.
Sự kếp nạp này cũng là một "chứng chỉ" được hành nghề dạy ĐH. Lúc bấy giờ, những danh xưng như Master, Doctor và Professor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: Họ hành nghề dạy học. Vào thế kỉ 13, những người dạy học tại ĐH Bologna, lúc đó là trung tâm huấn luyện về luật pháp bên châu Âu, được gọi là Doctor. Trong khi đó ở ĐH Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật, những người dạy học được gọi là Master.
Sự bình đẳng giữa Master và Doctor bị chấm dứt ở Anh và Mỹ, nơi mà văn bằng Doctor sau này được đánh giá cao hơn văn bằng Master. Ở Anh, 2 trường ĐH Oxford (thành lập vào khoảng 1249) và Cambridge (thành lập vào khoảng 1209) được mô phỏng theo hệ thống tổ chức của ĐH Paris. Do đó, các nhà khoa bảng các môn văn hóa nghệ thuật thường được gọi là "Master". Trong khi các đồng nghiệp của họ ở các môn học như triết, thần học, y học, và luật được gọi là "Doctor". Ngày nay, các tên bằng cấp như "Master of Arts" và "Doctor of Philosophy" có nguồn gốc từ sự phân chia này.
Tiến sĩ là gì?
TS là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục ĐH phương Tây. Theo mô hình này, có 3 cấp học chính: Cử nhân, thạc sĩ (masters), và TS. Về mặt con số, sự phân bố 3 loại bằng cấp đó giống như hình tháp: TS ở vị trí chót vót, cử nhân ở vị trí thấp nhất, và thạc sĩ ở chính giữa. Trong dân số, ở các nước tiên tiến như Mỹ chẳng hạn, chỉ có khoảng 0.8% người có bằng TS. Còn ở các nước khu vực chẳng hạn, như Thái Lan, năm 2007, có 1.77 triệu sinh viên bậc cử nhân, 182 ngàn sinh viên thạc sĩ, và chỉ có 16246 nghiên cứu sinh bậc TS. Nói cách khác, chỉ 0.8% sinh viên ĐH theo học TS.


Học để làm TS nghiêm chỉnh không bao giờ dễ. Ảnh minh họa
Có nhiều lí do tại sao số người theo học TS quá ít. Lí do đơn giản nhất là người ta không có nhu cầu học TS. Cũng có người sau 4 năm theo học cử nhân đã cảm thấy mệt mỏi, và chỉ mong tốt nghiệp để kiếm thu nhập bù lại những năm tháng theo học. Có người không đủ trình độ hoặc không đáp ứng điều kiện theo học. Ở những ĐH và trung tâm đào tạo nghiêm chỉnh, chỉ có khoảng 1-2% ứng viên xin học TS được nhận học (sau khi qua một đợt phỏng vấn).
Điều này cũng không khó hiểu, bởi vì chương trình TS là nhằm đào tạo một "lực lượng" khoa học elite cho các trường ĐH, một lực lượng khoa học then chốt cho các trung tâm NCKH và kĩ nghệ. Có thể nói không ngoa rằng chương trình đào tạo TS trong ý tưởng là đào tạo một đội ngũ tinh hoa của xã hội.
Đó cũng chính là lí do tại sao người ta đánh giá nền khoa học và trình độ tiên tiến của một quốc gia bằng cách dựa vào số người có học vị TS trong dân số. Ở những nước có nền kinh tế phát triển cao như Mỹ, số người có bằng TS khoảng 0.7% dân số.

( Mời bạn đọc đón đọc kỳ II: Học tiến sĩ để làm gì? )

Cả một nền giáo dục "không may"(!) -

Cả một nền giáo dục "không may"(!) -
Tác giả: Hà Văn Thịnh

Bài đã được xuất bản.: 09/07/2010 06:00 GMT+7


Nếu 30% máy cái bị hỏng thì sản phẩm tạo ra thuộc loại nào? Đây là câu hỏi không hề nhỏ vì đó là nỗi đáng lo đối với sự xuống cấp, thậm chí có phần "tha hóa" của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy "dỏm".
Đọc bài báo của Tuần Việt Nam (26/6/2010) nói về chuyện ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ nói về chuyện "không may" của mình khi bỏ ra 17.000 USD để có bằng TS do một trường ĐH ở Mỹ cấp, mà không cần người học có kỹ năng nghe- đọc- nói tiếng Anh, một trường ĐH, theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đặt tại...Malaysia, đã bị giải thể từ năm...2003, mà thật xót xa cho nhiều điều, nhiều chuyện của nền giáo dục nước nhà. Phải chăng cũng là nền giáo dục "không may"?
Ngành giáo dục...đùa dai và duy ý chí
Nhưng điều đáng buồn nhất, cả ngành giáo dục vẫn đang "tự sướng" vì kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa rồi đạt trên 90% (không ít tỉnh có số học sinh đậu từ 97-99%). Kết quả đó giống như một sự "đùa dai" vì ai cũng biết trong tất cả mọi hình thái, công đoạn của sự di truyền thì di truyền văn hóa - giáo dục luôn là điều khó khăn, phức tạp nhất.
Đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) có nói rằng trên đời có 3 điều không thể mua: đó là tình cảm chân thành, thời gian sống và...hiểu biết. Làm sao một nền giáo dục khủng hoảng và bất cập trầm trọng, chỉ trong thời gian ngắn, các điều kiện quyết định về chất lượng không cải thiện được bao nhiêu, mà lại có thể có một kết quả như từ trên trời rơi xuống?
Cứ 10 người dân thì 9 người không tin kết quả đó. Bởi ai cũng ngầm định, ngầm hiểu rằng để "hóa phép giả - thật" là điều dễ nhưng để có hiểu biết thật thì không dễ một chút nào. Không thể có chuyện một địa phương năm ngoái kém cỏi, bết bát trong chuyện thi cử mà năm nay lại "thăng hoa" một tấc đến trời, bởi giáo dục là một quá trình.
Điều buồn thứ hai, Bộ GD và ĐT vẫn bất chấp dư luận, "duy ý chí" khi biết rằng trong 65 năm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Cộng hòa XHCN Việt Nam chúng ta chỉ đào tạo được có 15.000 tiến sĩ. Thế nhưng, Bộ đã ký cái rụp đề án trong 10 năm tới sẽ có 20.000 TS - không biết để làm gì, với tổng kinh phí là 14.000 tỷ đồng- tương đương với 778 triệu USD.


Tương lai của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy "dỏm" sẽ như thế nào? Ảnh minh họa
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, chỉ riêng việc đào tạo 10.000 TS ở nước ngoài, chi phí thấp nhất đã là 900 triệu USD. Vậy, lấy tiền đâu để bù vào khoản thiếu hụt 122 triệu USD đào tạo ở nước ngoài và vài trăm triệu USD nữa cho kinh phí đào tạo trong nước?
Kế hoạch gì kỳ cục vậy khi Bộ cứ ký, nhưng tiền không đủ, thiếu cả hàng trăm triệu USD? Đó là chưa nói đến việc số lượng TS "trên mây" nhiều như thế mà đất nước cứ đói nghèo, dân tộc cứ lẹt đẹt đi sau người ta thì đào tạo TS nhiều để làm gì?
Điều buồn thứ ba, cựu Thứ trưởng Bành Tiến Long cách đây mấy năm đã thừa nhận trước công luận rằng có đến 30% TS không đạt chuẩn - nói nôm na là "dỏm". Bộ GD và ĐT đã thừa nhận như thế nhưng tại sao vẫn chấp nhận thực tế ấy? Tại sao Bộ - cơ quan chủ quản lại không làm một cuộc thanh tra, sát hạch toàn diện về bằng cấp thật - giả để chấn chỉnh đội ngũ này?
Và tham vọng "cá chép" vượt "vũ môn"
Các TS đương nhiệm hiện nay, nhiều người có khả năng là những máy cái đào tạo ra nhiều thế hệ TS nữa cho nước nhà. Nếu 30% máy cái bị hỏng thì sản phẩm tạo ra thuộc loại nào? Đây là câu hỏi không hề nhỏ vì đó là nỗi đáng lo đối với sự xuống cấp, thậm chí có phần "tha hóa" của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy "dỏm".
Nhưng, quả thật, nếu Bộ tổ chức được những cuộc khảo sát có chất lượng do những người có tâm huyết với nước, với ngành chịu trách nhiệm thì người viết bài này, e con số không dừng lại ở tỷ lệ 30%.
Những người có trách nhiệm của ngành có thấy đau buồn không khi ông GĐ Sở VH- TT- DL Nguyễn Ngọc Ân cho rằng cái sai của ông chỉ là do "không may" - có nghĩa là rất nhiều người may mắn "chưa bị lộ" vẫn có bằng cấp ấy, chức phận kia, nghênh ngang, chễm chệ làm xấu, làm hỏng nền học vấn của nước nhà?


Trong 10 năm tới, VN sẽ có 20.000 TS? Ảnh minh họa
Nếu muốn bàn thêm thì cái tư tưởng cố đấm ăn xôi với tham vọng là "cá chép" mong vượt "vũ môn" ở kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ sắp tới (như ông Ân nói) quả là vấn nạn đáng buồn cho đất nước này.
Bộ GD và ĐT vừa có Bộ trưởng mới. Là một giảng viên, tôi tin chắc xã hội, số đông các nhà giáo ở cơ sở đang chờ mong sự thay đổi quyết đoán, táo bạo và có hiệu quả, nhất là về cơ chế quản lý GD và ĐT của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Xin kiến nghị với Bộ trưởng, trước khi có được một nền giáo dục tốt đẹp, nhất thiết phải "thay máu" - thay đổi triết lý giáo dục. Phải làm sạch tất cả những sự dối trá - điều quyết định làm cho đất nước đã và đang tạo ra rất nhiều những con người dối trá và kém cỏi...
Mong mỏi lắm thay!

Friday, May 14, 2010

Phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã trau chuốt lại bài thơ "Đèo Ngang" nguyên thủy ?

Phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã trau chuốt lại bài thơ "Đèo Ngang" nguyên thủy ?

Nguyễn Vĩnh Tráng

Bà Huyện Thanh Quan và Bà Hồ Xuân Hương là hai nữ sĩ kiệt xuất trong nữ giới của nền Văn Học Việt Nam vào cuốt thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ thứ 19. Điều đó khó ai phản bác được. Hai nữ sĩ, mỗi người mỗi vẽ, mỗi người mỗi cung cách, nhưng cả hai Bà đều độc đáo. Rất nhiều nhà phê bình văn học đã cho Bà Hồ Xuân Hương có một văn phong "bình dân", dùng rặt chữ Nôm, còn Bà Huyện Thanh Quan thì có văn phong "bác học", xen Hán tự nhiều trong tác phẩm của mình.
Thật thế, ta thấy rất nhiều thành ngữ chữ Hán trong tác phẩm của Bà Huyện. Theo Wikipedia Tiếng Việt , ngày nay ta chỉ còn 6 bài thơ "thất ngôn bát cú" của Bà, ngoại trừ bài "Cảnh Thu", mà người ta cho rằng có thể là của Bà Hồ Xuân Hương. Trong 6 bài đó có rất nhiều thành ngữ chữ Hán, trừ bài "Qua Đèo Ngang".
"Thành ngữ chữ Hán" tôi muốn nói ở đây, có nghĩa là ta có thành ngữ chữ Việt (Nam, Nôm) tương đương,
như Triêu Mộ 朝暮 , ta có Sớm Tối; Tuế Nguyệt 歲月 , ta có Năm Tháng; Đoạn Trường 斷腸 ; ta có Đứt Ruột…
Mặt khác, tôi tìm thấy trong Contes et Légendes du Pays d’Annam của Lê Văn Phát, viết năm 1913, in lần thứ 2, tại Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1925, có bài "Le Râle d’eau " . Trong " Le Râle d'eau " lại có bài "Đèo Ngang", vô danh, rặt chữ Nôm, văn phong rất mộc mạc, còn nội dung thì giống hệt nội dung bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan.
Bài " Le Râle d’eau " kể chuyện ngày xưa. Chuyện vua La Hoa (?) nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Môt cận thần tên Quốc đã hết lời can gián và xin hoãn lại cuộc viễn chinh, nhưng nhà vua không nghe. Biết rằng trận chiến này thế nào cũng đem lại thất bại, Quốc xin theo, hầu quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúa.

Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa, quá hiếu chiến, quá chủ quan, tiến thẳng đến trận tiền, nên bị trúng tên mà chết. Quá đau đớn, Quốc liều xông ra chém giết giữa muôn tên ngàn giáo để báo thù. Nhưng đơn thương độc mã, nên Quốc đã chết dưới làn sóng của địch quân. Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, cứ phảng phất quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ, nhưng vô hiệu quả. Sau đó Quốc tái sinh dưới dạng con chim Cuốc để đêm đêm rít lên những tiếng kêu bi ai của một vị trung thần khóc quốc vương tử trận: "Quốc Quốc, La Hoa ", Quốc ở đây, còn La Hoa ở đâu ?

Một văn nhân vô danh, đi qua Đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ " Đèo Ngang ".

Ông Lê Văn Phát chỉ để lại hai tác phẩn La vie intime d’un Annamite et ses croyances vulgaires, (Bulletins de la Société des Etudes Indochinoises, Imprimerie F.H Schneider Sàigòn 1907 ), và Contes et Légendes du Pays d’Annam, (Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1913), bằng chữ Pháp. Như thế, có thể ông Lê Văn Phát không biết nhiều về các tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan. Những bài của ông Lê Văn Phát viết, toàn là chuyện cổ tích, huyền thoại dân gian cả. Bài «Đèo Ngang» trong Contes et Légendes du Pays d’Annam có thể là một giai thoại dân gian lâu đời, có trước thời Bà Huyện Thanh Quan chăng. Sau đây là bài "Đèo Ngang" theo ông Lê Văn Phát :

Đèo Ngang

Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen ba.
Non cao rải rác tiều vài lão,
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà.
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc,
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa.
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước,
Một tấm lòng riêng ta với ta.

Vô danh.

[ ... Quốc-Quốc, tên của trung thần Quốc]
[ ... Hoa-Hoa, tên của vua La Hoa]

Vậy phải chăng Bà Huyện đã lấy bài đó, đã có từ lâu, và trau chuốt lại thành một bài thơ bất hủ như ta đã biết :


Qua đèo Ngang

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ (rợ) mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Bà Huyện Thanh Quan


Ta thử từ từ kiểm xét xem. Sáu bài thơ của Bà Huyện như sau :

1 – Chùa Trấn Bắc

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau

Mấy tòa sen tỏa hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá
Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu.

Trong 8 câu của bài nầy, ta thấy có 6 câu dùng 5 thành ngữ chữ Hán và 2 chữ Hán. Cộng tất cả 12 chữ Hán:

Hành cung 行 宮 ;
cố quốc 故國 ;
hương ngự 香御 ;
tỏa 鎖
phong 封 ;
phế hưng 廢 興 ;
kim cổ 今古 ;

2 – Ðền Trấn Võ

Êm ái chiều xuân tới Trấn đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ *, chuông gầm sóng
Một vũng tang thuơng, nước lộn trời
Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây, chín rõ mười


Trong 8 câu của bài nầy, ta thấy có 6 câu dùng 4 thành ngữ chữ Hán và 4 chữ Hán. Cộng tất cả 12 chữ Hán:

trấn đài 鎮 臺
trần ai 塵埃
triêu mộ 朝暮 (sớm tối)*.
tang thương 桑蒼
ái 愛 ; trùng 重
ân 恩 ; trượng 丈

* Ba hồi triêu mộ là ba hồi chuông sớm tối. Có rất nhiều tác giả, ngay cả các tác giả gốc miền Trung và miền Nam là những người phân biệt rõ ràng hai phụ âm đầu tr và ch đã lầm lẫn viết sai hai chữ chiêu mộ thay cho hai chữ triêu mộ, như trên Wikipedia Tiếng Việt.

3 – Cảnh Chiều Hôm

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách buớc dồn
Kẻ chốn chương đài nguời lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

Trong 8 câu của bài nầy, ta thấy có 5 câu dùng 8 thành ngữ chữ Hán. Cộng tất cả 16 chữ Hán:

Hoàng hôn 黃 昏 ;
ngư ông 漁翁 ; viễn phố 遠鋪 ;
mục tử 牧子 ; cô thôn 孤 村 ;
chương đài 章臺 ; lữ thứ 旅次 ;
hàn ôn 寒溫 .

4 – Thăng Long thành hoài cổ

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luốn đoạn trường.

Bài nầy đã phá kỷ lục, trong 8 câu, mỗi câu đều có thành ngữ chữ Hán, với 10 thành ngữ. Cộng tất cả là 20 chữ Hán :

tạo hóa 造 化 ; hí trường 戲 場
tinh sương 星霜 (năm)
thu thảo 秋 艸
lâu đài 樓 臺 ; tịch dương 夕陽
tuế nguyệt 歲月
tang thương 桑蒼
kim cổ 今古
đoạn trường 斷腸

Chỉ có bài :

5 – Nhớ Nhà

Vàng tỏa non tây, bóng ác tà
Ðầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác, chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
Lòng quê một bước càng ngao ngán
Mấy kẻ tình chung có thấu là

Vỏn vẹn 2 câu với 2 thành ngữ và 2 chữ Hán. Tất cả 6 chữ Hán.

mục 牧 ; khoàng dã 曠野
ngư 漁 ; bình sa 平沙

6 – Qua đèo Ngang

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ (rợ) mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Bài nầy không có chữ Hán, hay có chăng là 2 chữ rất thông dụng, chữ quốc 國 , chữ gia 家 lập lại 2 lần. Hơn nữa, hai chữ Quốc Quốc, Gia Gia là hai tượng thanh của tiếng kêu của con Cuốc Cuốc (Đỗ Quyên) và con Đa Đa (Gà Gô).

Vậy, phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã lấy bài "Đèo Ngang" đã truyền khẩu trong dân gian từ lâu, rồi trau chuốt lại, chứ không phải Bà làm ra, vì bài "Qua Đèo Ngang", chẳng những không có văn phong "bác học" của các bài khác của Ba Huyện, mà lại "bình dân", tuy đã trau chuốt hơn văn phong rất mộc mạc và rặt tiếng Nam (Nôm) của bài "Đèo Ngang" mà Lê Văn Phát đề cập tới trong Contes et Légendes du Pays d’Annam.

Mong độc giả cho ý kiến.

Nguyễn Vĩnh-Tráng
Tiết Lập Xuân Canh Dần

Phải chăng, trong tiếng Việt, chữ THÁNG do chữ TRĂNG mà ra ?

Phải chăng, trong tiếng Việt,
chữ THÁNG do chữ TRĂNG mà ra ?

Nguyễn Vĩnh Tráng

Chúng ta, ai cũng biết Mặt Trời đã cho loài Người ý niệm về Ngày và Mặt Trăng đã cho ý niệm về Tháng. Khi Mặt Trăng trở lại cùng một vị trí đối với Mặt Trời, ta có một tuần Trăng, hay một Tháng (trung bình là 29,530 589 ngày, hay 29 ng 12 g 44 p 3 giây). Cũng vì vậy mà chữ Trăng, chẳng những tượng trưng cho vệ tinh thiên tạo của Trái Đất mà còn tượng trưng cho Tháng.

Ca Dao, Tục Ngữ, Thi Ca... đã chứng minh chuyện đó :

Bởi thương nên ốm nên gầy,
Cơm ăn chẳng đặng sầu đầy ba trăng.
Ngó lên sao mọc như giăng,
Thấy em có nghĩa mấy trăng cũng chờ. (Ca Dao).

Ba trăng là ba tháng. Mấy trăng là mấy tháng...

Tôi đã không biết nhiều Sinh Ngữ, nói chi đến Cổ Ngữ, nhưng đôi khi, đọc các bài trên báo chí, tập san, nhận thấy, trong một số cổ ngữ, hai chữ TRĂNG, THÁNG có cùng một ÂM.

Chữ mà chúng ta gặp hàng ngày là chữ NGUYỆT 月 , ai cũng biết Nguyệt là Tháng, Nguyệt là Trăng. Dở một cuốn tự điển hay từ điển Trung Hoa ra, ta thấy ngay Nguyệt 月 : 1) Mặt Trăng. 2) Tháng.

Tôi tò mò, xem tự điển Khmer, la tinh hóa, thì thấy : 1) Khaè = Mặt Trăng. 2) Khaè = Tháng. Tự điển Lào cho : 1) Deuane = Mặt Trăng. 2) Deuane = Tháng...

Trong " Bulletin de la Société Royale des Sciences de Liège, Volume 74, 4, 2005, trang 261 " cho :

Tiếng Hy Lạp chữ μηνη (mênê) = Mặt Trăng ; μην (mên) = Tháng. Tuy hai âm có hơi khác nhau, nhưng cùng một gốc.

Tương tựa, tiếng Anh cho Moon = Mặt Trăng ; Month = Tháng; tiếng Đức der Mond = Mặt Trăng, der Monat = Tháng...

Hay " The Concise Dictioary of English Etymology. Walter W. Skeat - Wordsworth Reference 1993 " (trang 291) cho :
Tiếng Anh : " Moon ; (E) (Modern English) ME (Middle English) mone...G(German) mond... Allied to Skt (Sanskrit) mása, a month. Lit the "measure" of time. Month : see Moon. "

Tiếng Đức : " Mond : La Lune. Monat : Mois (faire référence à der Mond). Mond : viendrait de l'indo-européen mènòt..."

Vậy một số dân tộc xưa, và chắc là nhiều lắm, đã lấy âm của chữ Trăng để chỉ Tháng, vì như đã trình bày trên, con Người đã có ý niệm về Tháng do Mặt Trăng, hay đúng hơn do Tuần Trăng, nhưng dù sao cũng là Mặt Trăng !

Thế thì trong tiếng Việt, âm THÁNG có do âm TRĂNG mà ra không ?

Xem Tự Điển " Dictionarivm Annamititicvm Lvsitavm, et Latinvm OPE - DALL, Typis, & fumptibus eiufdem Sacr.Congreg. 1651. ROMỈ " của Linh Mục Alexandre de Rhodes, ta thấy :

Mạt Blời = o ʃol (Sol); ſol (Sol) = Mặt Trời.

Mặt Blời. Trời trong Tự Điển Tabert cho chữ Nôm như sau :
Trên, chữ Ba 巴 ; dưới, chữ Lệ 例 . Vậy Blời = BaLệ.

Mạt Blang = a lua ; luna = Mặt Trăng.

Mặt Blang. Trong Tự Điển Tabert cho chữ Nôm như sau :

Trên, chữ Ba 巴 ; dưới, chữ Lăng 夌 . Vậy Blang = BaLăng

Tôi có nghe, có đọc những âm như sau (cổ âm hay thổ âm ?) để chỉ Mặt Trời : Lời, Giời và âm bây giờ Trời.

Cách đây khoảng 40 năm, có một Linh Mục lo cho gíáo dân miền Côte d'Azur, Pháp. Ông ta có nhiều kiến thức. Những bài giảng của ông rất hay, nhưng ông đọc kinh " Lạy Cha ", thì có người phải nín cười : " Nạy Cha chúng con, ở trên LỜI... "

Vậy từ âm BLỜI, ta có âm LỜI, âm GIỜI, để đến bây giờ có âm TRỜI.

Còn về Mặt Trăng, xin thú thật, tôi chưa nghe hay đọc được âm LĂNG, nhưng các âm Giăng, Trăng thì có nghe, có đọc thường xuyên .

Như trên đã trình bày. Từ âm BLỜI ta có âm LỜI do âm Ba Lệ, thì từ âm BLANG, ta cũng có thể có âm LĂNG do âm Ba Lăng. Đã có Blời, Lời, Giời, Trời, thì có thể có Blang, Lăng, Giăng, Trăng. Chỉ vì lâu ngày quá, người Việt không dùng đến, nên âm Lăng, tượng trưng cho Trăng đã mất trong ngôn ngữ và trong bài viết.

Theo nhiều tác giả, trong tiếng Việt hai phụ âm L và TH rất gần nhau lắm và thường đi theo nhau tạo những chữ điệp từ. Người Việt tự động nói : la tha, lướt thướt, lê thê...

Xin độc giả tự nhiên : lâm....thâm, lầm....thầm, le....the, lẻ....thẻ, lòng....thòng, lốc....thốc, lôi....thôi, lơ....thơ, lưa....thưa, lững....thững, ...

Ngoài ra còn có thổ ngữ, những chữ điệp từ mà phụ âm L thay cho phụ âm TH hay ngược lại mà cũng cùng nghĩa, như lò thò. Ở Huế (xem " Từ Điển Tiếng Huế, Tâm An, 2001 ", của Bùi Minh Đức), chữ lò đồng nghĩa với chữ thò. Con chuột lò đầu ra, hay con chuột thò đầu ra, người Huế hiểu như nhau, hay lủng với thủng, lè với thè...

Vậy âm Blang, thành âm Lăng và như trên, ta có Lò Thò, Lủng Thủng, Lè Thè..., thì Lăng Thăng, thế là âm Lăng biến ra thành âm Thăng . Rồi từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, âm THĂNG lại biến ra âm THÁNG do hiện tượng pha nhiễm âm hưởng, âm vị ngôn từ.

Theo tôi, trong Việt Ngữ, từ âm Blang, ta có các âm Lãng, Giãng, Trãng ; và cũng từ âm Blang, ta có các âm Lãng, Thãng, Tháng. Hay Trãng, Tháng có cùng một âm gốc Blang.

Và Blang là Trăng, Blang là Tháng. Vậy Tháng là Trăng.

Tựu trung, âm Trăng và âm Tháng đều do âm Blang. Một bên thì tượng trưng cho vệ tinh thiên tạo của trái Đất, một bên tượng trưng cho thời gian giữa hai đêm không Trăng (ngày Sóc), và Trăng là Tháng, Tháng là Trăng, như các cổ ngữ của các dân tộc trình trên.

Tháng giêng chân bước đi cày,
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng.
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng,
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà. (Ca Dao).

Và lúc xưa, ta có thể đọc là :

Trăng giêng chân bước đi cày,
Trăng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng.
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng,
Trăng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà. Và Trăng đây chỉ cho Tháng.

Hay :

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn,
Núi bao nhiêu tuổi núi còn trơ trơ. (Ca Dao).

Và ta có thể đọc là :

Tháng bao nhiêu tuổi tháng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
Tháng bao nhiêu tuổi tháng tròn,
Núi bao nhiêu tuổi núi còn trơ trơ. Và Tháng đây chỉ cho Trăng.

Ngày nay, Tháng và Trăng, hai âm khác nhau để chỉ hai ý khác nhau. Đó cũng là sự giàu có của Tiếng Việt.

Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.
(Thời Trước, Lỡ Bước Sang Ngang, 1940, Nguyễn Bính).

Tình ấy hẹn đêm tần giấc lạ
Trăng về trăng từng hạt thu phai
(Mưa Hơi Mưa, Vùng Cao Nước Ẩn, 1999, Lưu Nguyễn Đạt).

Vài hàng xin góp ý. Tôi mong được ý kiến của độc giả.


Nguyễn Vĩnh-Tráng
Tiết Xuân Phân Kỷ-Sửu

Ông ba mươi... coi hát cọp

Ông ba mươi... coi hát cọp
___________

Nguyễn Dư

Hổ được nhiều bàn tay khéo léo, nhiều khối óc thông minh, thi nhau đánh bóng, phết sơn, tô màu. Xanh, vàng, trắng, đỏ, đen. Hoa cả mắt. Chắc nhờ vậy mà hoá thiêng. Ngoài cái vỏ loè loẹt, hổ còn được đám con thần cháu thánh ban cho một cái oai thật to. To gấp mấy lần cái chuồng sở thú. Nhe răng, giơ vuốt, gầm thét, ai mà chả sợ. Nhưng đáng sợ nhất là hổ có tài ẩn hiện dưới nhiều bí danh. Hôm nay là hùm, ngày mai là cọp. Chỗ này là kễnh, nơi kia là khái. Thỉnh thoảng nổi hứng tự xưng là ông. Ông ba mươi đàng hoàng, chứ không phải thằng này, con nọ. Đứa nào hỗn láo thì ông xé xác, nuốt tươi cho biết... nanh vuốt của ông ! Trong hang tối mắt thần khi đã quắc, là khiến cho mọi vật đều im hơi (Thế Lữ). Hèn gì người ta khiếp sợ ông đến độ phải rủ nhau tôn thờ, lạy lục, cầu khẩn. Nhưng thói đời vốn kiêu bạc, giả dối. Trước đám đông, đứa nào cũng sợ ông nhưng quay mặt đi thì có đứa... sợ đếch gì nó! Nó chẳng qua cũng chỉ là... đồ súc vật. Có quái gì mà phải sợ ! Lúc hết thời, bị hạ bệ thì hổ bị phỉ nhổ là đồ mã, là... cọp giấy. Thậm chí hổ còn bị khinh là ngu. Bị anh nhà quê phạng cho một trận nên thân. Tha hồ dậu đổ bìm leo. Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu !

Ngày xưa, hổ là biểu tượng của sức mạnh, quyền uy của vua chúa.

Lúc Vua (Lê Lợi) sinh, ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm. Ngay từ bé, Vua đã có vẻ tinh anh, nghiêm nghị, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mặt rồng, vai tả có bảy nốt ruồi, đi như rồng, bước như hổ, lông tóc đầy người, tiếng như chuông lớn, ngồi xổm như cọp. Người biết đoán là tướng rất quý...(Nguyễn Diên Niên, Lê Văn Uông, Lam Sơn thực lục, Ty Văn Hoá Thanh Hoá, 1976, tr. 236).

Ôi ! tài phun châu nhả ngọc, phượng múa rồng bay của người cầm bút ! Đi như rồng, bước như hổ (Long hành, hổ bộ) đúng là tướng tốt của bậc vua chúa. Ngồi xổm như cọp, vai tả có bảy nốt ruồi. Oai như con hổ màu vàng, ngồi giữa, trên đầu có chòm sao thất tinh của tranh "ngũ hổ ". Hình ảnh của một vị trung ương hoàng đế. Cậu bé Lê Lợi có đầy đủ các dấu hiệu của người sẽ làm vua!

Không phải chỉ có vua chúa mới thích hổ. Dân đen cũng thích. Muốn cho trẻ con khoẻ mạnh, không ốm đau quặt quẹo, cha mẹ cho nó đeo trước ngực một chiếc răng hay một cái móng hổ. Người lớn đôi lúc lăn lộn quá trớn, nhức khớp mỏi lưng thì kháo nhau tẩm bổ bằng cao hổ cốt ( xương hổ).

Xin nhảy qua chuyện lặt vặt, vớ vẩn. Ai cũng biết rằng hầm, hùm, cọp, kễnh, khái, ông ba mươi đều là... con hổ. Nhưng, mấy cái tên này nghĩa là gì, từ đâu ra ?

Tên hầm ít dùng. Edmond Nordemann cho rằng Hầm (Hang hầm ai dám mó tay) là tên gọi bắt chước tiếng gầm của hổ. (Edmond Nordemann, Chrestomathie Annamite (Quảng tập viêm văn), 1898, Hội Nhà Văn, 2006).

Ngày nay quen dùng tên hùm.

Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay (Hồ Xuân Hương)
Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu
Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn (Ca dao)


Hùm đến từ chữ Hùng (bộ Chuy), nghĩa là mạnh. Người hùng Hoàng Hoa Thám được người đời gọi là Hùm thiêng Yên Thế. Tiếng Việt có từ kép hùng hổ. Hùng đi với hổ chỉ là ngẫu nhiên hay cố ý? Chữ Hùng còn có nghĩa là loài thú đực. Có lẽ vì vậy mà người ta không gọi các bà, các cô bẻ gẫy sừng trâu, thỏ thẻ như sấm vang là hùm. Quý bà chỉ được tôn vinh một cách khiêm tốn là...sư tử cái hay cọp cái thôi. Mĩ danh rất thơ mộng, ai nghe mà chả... run động.

Mèo tha miếng thịt thì đòi
Kễnh tha con lợn mắt coi chừng chừng

Kễnh là phương ngữ miền Bắc, được đồng bào miền núi dùng để gọi hổ để tỏ lòng kính sợ (Génibrel). Tên Cọp và Kễnh từ đâu ra?

- Chữ Cụ (bộ Tâm) : Kinh hãi, kính sợ, hạch dọa người ta (Đào Duy Anh).

- Chữ Củ (bộ Tẩu) : Tả cái dáng vũ dũng (Thiều Chửu). Mạnh mẽ (Đào Duy Anh).

Hổ là con vật mạnh mẽ, làm cho người ta phải kinh hãi, kính sợ. Có thể suy ra được rằng Cụ đã được Việt hoá thành Cọp và Củ thành Kễnh.

Huỳnh Tịnh Của đưa ra một tên gọi khác của hổ là Khái. Theo Đặng Thanh Hoà thì Khái là phương ngữ miền Trung (Từ điển phương ngữ tiếng Việt, nxb Đà Nẵng, 2005). Tác giả dẫn chứng bằng câu ca dao : Núi Ngũ hổ hình như năm khái. Nhưng, Khái nghĩa là gì? Theo Thiều Chửu, Khái (bộ Thạch) nghĩa là cúi lạy. Tục gọi dập đầu lạy là khái đầu. Theo nghĩa này thì Khái là con hổ được thờ, được tín ngưỡng dân gian vái lạy.

Người miền Nam hay đưa Ông Kẹ ra hù doạ con nít, làm cho con nít sợ hãi.

Huỳnh Tịnh Của giải thích Ông Kẹ: Tưởng là ông Trị, là người có công dày với đức Cao Hoàng, đến khi phục quấc, người ban cho một cái bài miễn tử, bổn tánh ông ấy thật thà, hay khi bất bình, ai nấy đều sợ, cho nên có tiếng nhát con nít rằng: ý hà ông kẹ! v.v.

Tra tìm trong chính sử của nhà Nguyễn thời Gia Long, không thấy công thần nào tên Trị. Vả lại, Huỳnh Tịnh Của cũng không cho thấy ông Kẹ có liên hệ gì với ông Trị. Giải thích của Huỳnh Tịnh Của trúc trắc, không hợp lí.

Kẹ nên được hiểu là một âm Việt khác của Cụ (nghĩa là kinh hãi, kính sợ, hạch dọa). Ông Kẹ được đưa ra để hạch doạ con nít, làm cho con nít kinh hãi. Ông Kẹ tương đương với ông Cọp. Cả hai ông đều do cùng một Cụ đẻ ra.

Người xưa đặt tên hùm, cọp, kẹ, kễnh, khái để gọi mấy con hổ mạnh mẽ, ai cũng sợ, được tín ngưỡng dân gian dập đầu vái lạy. Ngoài mấy tên có gốc Hán kể trên, hổ còn có tên thuần Việt là ông ba mươi. Do đâu mà có cái tên này ?

Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) giải thích : "Ba mươi là tên con cọp. Lệ ngày xưa ai bắt được cọp thì thưởng ba mươi quan tiền, và phạt làm lệ ba mươi roi. Lại có người nói hôm ba mươi tối trời, cọp hay ra quấy nhiễu, cho nên thành tên ấy".

Có người đào sâu vấn đề hơn, cho biết Sự tích ông ba mươi có liên quan đến nhân vật Phạm Nhĩ :

"Đó là vì khi có người nào săn được hổ thì nhà vua có lệ thưởng cho ba mươi quan tiền vì đã trừ được cho loài người một con thú hung ác. Nhưng vua cũng bắt người đó phải chịu ba mươi hèo để cho vong hồn Phạm Nhĩ được thoả mà không tác quái nữa.

Ngày nay còn có câu:

Trời sinh ra hùm có vây,
Hùm mà có cánh, hùm bay lên trời

để nhớ cuộc náo động Thiên cung của Phạm Nhĩ xưa kia". (Truyện cổ Việt Nam, tập 1, Văn Hoá, 1983, tr. 171).

Đúng là truyện hùm có vây của trẻ con. Nghe cho vui thì tạm được. Nhưng, đem ra làm bằng chứng để giải nghĩa một tên gọi của dân gian thì e rằng hơi khiên cưỡng. Mặt khác, chưa thấy sách vở của người lớn ghi chép chuyện vua nào "thưởng ba mươi quan tiền, đồng thời phạt ba mươi hèo" cho người giết được cọp. Vừa thưởng vừa phạt, vừa đánh vừa xoa. Thời phong kiến, nước ta chưa hề có luật lệ nào ba phải đến mức "ba mươi" như vậy.

Ngày xưa, tại các thôn xóm xa xôi hẻo lánh, gần núi rừng, thỉnh thoảng có người bị cọp tha. Tai hoạ khủng khiếp như vậy nhưng dân có kêu than, cầu cứu bề trên cũng vô ích. Quan nào cũng còn bận... việc quan. Sống chết mặc bay. Dân làng phải tự lo phòng vệ. Liều mạng rủ nhau đi săn bắt cọp. May thì giết được cọp. Rủi thì bị cọp giết.

Dường như nhóm Khai Trí Tiến Đức và tác giả truyện Phạm Nhĩ đã thêm mắm thêm muối hơi nhiều vào... một tục lệ của làng Phương Lâm.

Làng Phương Lâm (Hà Nam) thờ hai anh em Hoàng Đình Thụ và Hoàng Đình Độ. Phía trước đình làng có một gò đất nhỏ. Xưa kia nơi đây cây cối rậm rạp, thường có hổ về.

"Theo các cụ già ở làng Phương Lâm thì thường đến đêm 30 tháng chạp, năm nào cũng có hổ về phục tại gò đất trước cửa đình để chầu hai tướng họ Hoàng, gần sáng thì lủi vào rừng. Thấy vậy, nhân dân địa phương khi làm lễ ra đình cúng tất niên thường đem xôi, thịt lợn, chuối ra đặt tại gò đất cho hổ ăn (...).

Có lần hổ xuống "cánh đồng bò" là nơi chuyên môn chăn bò của thôn Chanh bị mắc bẫy (vì dân làng Chanh bị nhiều lần mất bò do hổ vồ đem đi). Con hổ bị lột da. Biết được tin ấy, dân Phương Lâm sang làng Chanh xin chuộc bộ da hổ đem về đình. Hàng năm cứ đến dịp 30 tết lại nhồi trấu vào trong, đem đặt tại gò đất như cũ, để giữ lại tục lệ xưa mà làng đã thực hiện". (Hồ Đức Thọ, Lệ làng Việt Nam, Hà Nội, 1999, tr. 45).

Dân làng Phương Lâm có tục cúng hổ vào đêm ba mươi tháng chạp. Để tránh phạm huý, dân làng gọi hổ là ông ba mươi. Ba mươi nghĩa là ngày ba mươi tết của làng Phương Lâm, chứ không phải ba mươi quan tiền hay ba mươi hèo của nhà vua.

***
Nói đến cọp, xin thêm vài câu để phân biệt... cọp coi hát và coi hát cọp.

Xóm Khoen Tà Tưng của vùng đất Cà Mau, thời còn "dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua", mời một gánh hát về "Hát bội giữa rừng", mua vui cho bà con. Hát xong, gánh hát rời đi nơi khác...

"Chừng một hai tháng sau, cái sân khấu nọ tốc nóc, bao nhiêu nọc tràm làm hàng rào đã lung lay ngã nghiêng trên dòng nước, chừng đó người ta thấy một đôi ông cọp thường lui tới ngồi cú rũ dựa gốc cây gừa bên bờ rạch. Nhứt là đêm có trăng, mấy ổng le lưỡi dài thòn, như nhớ tiếc bao nhiêu con mồi ngon, bao nhiêu tiếng kèn tiếng trống. Biết đâu về sau nầy mấy tiếng "coi hát cọp" là do sự tích của mấy ổng hồi xưa, không chừng!". (Sơn Nam, Hát bội giữa rừng).

Sơn Nam kể truyện cọp coi hát trong rừng. Còn ai muốn coi hát cọp thì phải ở thành phố. Sơn Nam nhầm lẫn cọp coi hát với coi hát cọp. Ngày xưa và cả ngày nay, nhiều rạp hát, rạp chiếu bóng có lệ cho trẻ con (khoảng dưới 10 tuổi) đi theo cha mẹ, khỏi phải mua vé. Đi xem chiếu bóng hay xem hát người lớn thường dắt thêm trẻ con. Ngoài Hà Nội gọi là (trẻ con được) kèm. Trong Sài Gòn gọi là (trẻ con được coi hát) cọp. Cọp là âm rút gọn của accompagné (tiếng Pháp, nghĩa là kèm). Thời Pháp, coi hát cọp nghĩa là coi hát không mất tiền. Sau này tiếng lóng cọp được dùng với nghĩa rộng, chỉ chung những cái không phải bỏ tiền ra mua. Anh Tám Sạc-Ne ngày ngày đọc báo cọp. Thằng Năm Đa- Kao thỉnh thoảng được bạn bè cho ăn cọp...

Tôi còn giữ hai kỉ niệm coi hát cọp. Một cái muốn nhớ, một cái khó quên.

Chẳng hiểu ma dẫn lối quỷ đưa đường ra sao mà hôm ấy (năm 1953) cái thằng tôi lỏi tì lại nổi hứng đi chơi về phía nhà Bác Cổ (Bảo tàng lịch sử Hà Nội bây giờ). Định bụng nếu chán thì leo lên đê sông Hồng bên cạnh hóng mát. Từ nhà đi thẳng một mạch hết phố Ngô Quyền, rẽ tay phải là đến nhà Hát Lớn, nhà Bác Cổ. Quái lạ, nhà Hát Lớn hôm nay có chuyện gì mà người đứng đầy thế này? Tôi tới gần, lẩm nhẩm đọc hàng chữ to tướng trên tấm vải chăng ngang. À, có đoàn Gió Nam (ban Thăng Long, Trần Văn Trạch, Mỹ An...) từ Sài Gòn ra. Người ta đang lũ lượt xếp hàng vào nghe "nhạc cải cách". Thì cứ thử liều xem. Có mất mát gì đâu. Tôi chen lẫn vào đám đông, đứng cạnh một ông đi một mình. "Ông kèm cháu với". Ông mỉm cười, gật đầu cho tôi đi sát bên cạnh. Lúc đưa vé cho người kiểm soát, ông thân mật để tay lên vai tôi. Thế là trót lọt. Lần đầu tiên trong đời tôi được xem hát. Nhớ mãi cảnh Khánh Ngọc đứng trên lầu nghe Trần Văn Trạch hát Tình Ca của Phạm Duy.

Năm 1995, vợ chồng tôi về chơi Hà Nội. Sáng chủ nhật la cà quanh Bờ Hồ. Mỏi chân, định tìm ghế ngồi nghỉ. Bỗng thấy rạp Thăng Long trước mặt. A ha! Xem múa rối nước tại Hà Nội hẳn là phải thú vị hơn lần xem tại Lyon bên Pháp. Nhân tiện được ngồi thư giãn... Rạp hát đông trẻ con, ồn ào vui nhộn. Chúng tôi gợi chuyện một ông ngồi bên cạnh, kèm đứa con nhỏ. Lát sau mới biết vé của chúng tôi sao mà đắt thế. Hỏi người đưa chỗ. Ông này ấp úng bảo chờ để đi hỏi thủ trưởng. Một lát sau ông quay lại cho biết :

- Vì hai bác không kèm trẻ em.

Tôi cười :

- Kèm thêm trẻ em rẻ hơn là đi một mình à?

- Dạ, đúng như vậy đấy!

Nói xong, ông bỏ đi. Ông ngồi bên cạnh nói như để an ủi vợ chồng tôi :

- Ở đây như vậy đấy, hai bác ạ. Hai bác ở nước ngoài về, phải không?

Một hôm bỗng nhớ mấy điệu hát chèo, tôi lấy cái băng mua tại rạp Thăng Long ra nghe. Băng giới thiệu đoàn múa rối nước, bằng tiếng Anh. Không có nhạc. Chán mớ đời!

***

Bọn học trò lười chúng tôi còn nuôi một thứ cọp khác. Đó là cọp bài của nhau. Cọp, nói đủ là cọp-dê, là do copier (tiếng Pháp, nghĩa là sao, chép) được Việt hoá. Tiếng lóng ngày nay gọi hàng giả là cọp. Cọp này cũng là copier. Chính xác hơn thì Cọp của thời kinh tế thị trường là copy (tiếng Anh, đồng nghĩa với copier của tiếng Pháp).

Bà con ta bên Cali rất sợ một giống cọp mới. Cọp này là mấy ông Cop (cảnh sát giao thông). Xe đang phóng vùn vụt trên xa lộ. Bỗng giật mình. Liếc nhìn kính chiếu hậu. Đèn nháy tưng bừng. Thế là...bị cọp vồ mất bóp rồi, má bầy nhỏ ơi! Lại phải thắt lưng buộc bụng, nhịn bia, nhịn nhậu đến bao giờ đây? Yêng hùng xa lộ Biên Hoà năm xưa lầm bầm, chửi thề một mình. Lát sau, lẳng lặng nhận giấy phạt, thận trọng cất vào túi. Rồ máy, nhấn ga. Phóng... dưới tốc độ cho phép.

***

Ai cũng sợ cọp. Nhưng... cọp mà ăn nhằm gì!

"Đức Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng: Người đàn bà này xem như trong nhà có trùng tang. Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng: Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết vì hổ, chồng tôi đã chết vì hổ, bây giờ con tôi lại chết vì hổ nữa. Thảm lắm ông ạ! Thầy Tử Cống bảo: Thế sao không bỏ chỗ này đi ở chỗ khác? Người đàn bà nói: Tuy vậy nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc, tàn bạo như các nơi khác.

Thầy Tử Cống đem câu chuyện thưa lại với Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử nói: Các ngươi nhớ đây: Chính sách hà khắc khốc hại hơn là hổ!".

(Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa, Thọ Xuân, 1962).

***

Thời Pháp có bà me tây khoe với người tình vừa đi chơi vườn bách thú Hà Nội. Bà thấy con : tí ti dôn, tí ti noa, luý măng dê toa, măng dê moa, măng dê tú lơ mông (tí màu vàng, tí màu đen, nó ăn thịt mày, ăn thịt tao, ăn thịt mọi người). Anh chàng cột nhà cháy nhe răng cười, hiểu liền là người yêu tả con cọp. Thời đó dân Hà Nội gọi những người thất nghiệp, lang thang trong vườn bách thú là làm nghề "xỉa răng cọp".

***

Tại một hàng bán đồ mã, có hai con cọp giấy ngồi xổm bàn chuyện thế sự. Bỗng chú cọp con vuốt hai sợi ria mép, lên giọng với bác cọp già:

- Loài người rõ là ngu dại. Như ta đây, màu mè sặc sỡ, dáng vẻ thật oai, giá lại rẻ, đã từng một thời tạo uy tín trên thị trường mê tín, thế mà không hiểu tại sao từ hai ba năm nay lại bị tẩy chay, ế ẩm. Chẳng lẽ ta mất thiêng? Bọn ngu dại lại quay về với đám già nua, giá đắt, đã từng bị ta hất cẳng ra khỏi thị trường.

Bác cọp già, mắt chẳng thèm ngó cọp con, móm mém thều thào:

- Bọn nó không ngu đâu. Chẳng qua lúc túng thì phải dùng hàng rẻ tiền. Bây giờ khá rồi. Cúng lễ phải tỏ lòng thành. Đồ cúng phải đàng hoàng. Bọn ta tuy già nua, kém loè loẹt, nhưng được làm bằng giấy tốt, phẩm bền. Bọn bay chỉ hào nhoáng bề ngoài nhưng bên trong chỉ là mớ giấy dùng cho công việc chẳng thơm tho gì của loài người. Bọn bay năm xưa nhục mạ chúng ta. Rốt cuộc bây giờ cũng chỉ là một lũ cọp giấy, cọp con. Tất cả chỉ là chuyện trâu buộc ghét trâu ăn thôi. Ta nói cho mi biết : Cùng là cọp giấy nhưng phẩm chất khác nhau chứ!

Cọp con bỗng nhận ra mình chỉ là cọp giấy hạng tồi, rẻ tiền. Hổ phụ sinh khuyển tử (bố hổ sinh con chó)... Mình chỉ là đám hậu sinh... khả ố !

Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Canh Dần, 2010)

Monday, April 12, 2010

Phần V: Nội bộ báo Nhân Văn

Nhân Văn Giai Phẩm - Phần V: Nội bộ báo Nhân Văn

Thụy Khuê - RFI




Nhân Văn Giai Phẩm do hai nhóm bạn hợp tác điều hành: Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo ba người bạn thân, trong kháng chiến, đã từng chủ trương việc xuất bản lại các tác phẩm có giá trị thời tiền chiến. Và Lê Đạt, Hoàng Cầm, là hai người bạn thân đã làm tờ Giai Phẩm mùa xuân. Nhân Văn do Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, trách nhiệm bài vở. Giai phẩm do Trương Tửu trông nom. Giai phẩm xuất hiện trước nhưng Nhân Văn vẫn được coi là "đầu não" của phong trào.

Trong vòng 4 tháng, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 12/56, phong trào đòi hỏi dân chủ và tự do tư tưởng bùng lên với hai tờ báo chính: Nhân Văn vàGiai Phẩm do nhà xuất bản Minh Đức (Trần Thiếu Bảo) in hoặc giúp đỡ in ấn. Phần lớn những người viết cho Nhân Văn đều có mặt trên Giai Phẩmvà ngược lại.

Nhân Văn Giai Phẩm do hai nhóm bạn song song hợp tác điều hành:

- Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo là ba người bạn, trong kháng chiến, đã từng chủ trương việc xuất bản lại các tác phẩm có giá trị thời tiền chiến (nhưng bị loại trừ sau cách mạng) như Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, v.v...

- Hoàng Cầm, Lê Đạt, hai người bạn thân đã tranh đấu đòi tự do sáng tác từ những ngày đầu trong quân đội cùng với Trần Dần, Tử Phác, năm 1955, và làm tờ Giai Phẩm mùa xuân.

Năm người này là những viên gạch nền móng, bằng những cố gắng xây dựng của họ, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1956, đã quy tụ được một số đông văn nghệ sĩ trí thức, họp thành phong trào NVGP.

Nhân Văn do Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, trách nhiệm bài vở. Giai phẩm do Trương Tửu trông nom. Nhân Văn hướng về con đường đấu tranh chính trị. Giai Phẩm đi vào chiều sâu của tư tưởng.

Giai phẩm xuất hiện trước với Giai phẩm mùa thu tập I (29/8/56), nhưngNhân Văn vẫn được coi là "đầu não" của phong trào.

Hiện nay, chúng ta chưa thể biết rõ về nội bộ tờ Giai phẩm vì Trương Tửu và Trần Thiếu Bảo đều không phát biểu gì, cho đến khi mất. Nhưng về nội bộ tờ Nhân Văn, chúng ta có thể biết được phần nào sự thật, nhờ tiếng nói của những thành viên chính.

Ảnh chụp Phan Khôi tại cuộc Hội thảo về Lõ Tấn năm 1956(Ảnh : DR)

Ảnh chụp Phan Khôi tại cuộc Hội thảo về Lõ Tấn năm 1956
(Ảnh : DR)

Ngày 20/9/1956, Nhân Văn số 1 ra đời, về mặt chính thức tờ báo do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy thư ký toà soạn. Nhưng thực sự, nội bộ báo Nhân Văn đã được cấu trúc như thế nào? Đó là câu hỏi đầu tiên cần được giải đáp.

Việc thành lập báo Nhân Văn

Để dựng lại sự việc đã xẩy ra, chúng tôi dùng hai loại chứng:

Những bản "thú nhận" của các thành viên chính, viết trong đợt đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm ở Thái Hà Ấp, giữa tháng 3 và 4 năm 1958 và những lời tuyên bố của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Duy, trên RFI, những năm gần đây.

Khi nói về cùng một dữ kiện, trong hai loại chứng trên thì những lời "thú nhận" sẽ ưu tiên, vì đã được viết trong thời gian bi kịch xẩy ra, tại chỗ, nên không bị nhớ lầm, như trường hợp những lời viết hoặc tuyên bố sau này, nửa thế kỷ qua, trí nhớ có thể sai lạc.

Nhưng về những lời "thú nhận" này, chúng ta cần biết:

1- Những lời "thú nhận" này đã viết trong điều kiện như thế nào?

- Viết trong "lớp học" thứ nhì (đúng ra là "đấu trường" thứ nhì) ở Thái Hà giữa tháng 3 và 4/58 (có 304 người dự). Chúng tôi sẽ đề cập đên không khí gay gắt của hai đợt đấu tranh chống NVGP ở ấp Thái Hà trong chương VI, ở đây, chỉ xin nêu lên một số điểm liên quan đến các bài "thú nhận", được sử dụng trong chương này:

-Theo Lê Đạt, ở hội trường, mọi người đứng lên "phát hiện tội" "Nhân Văn". Và "Sau khi tất cả mọi người phát hiện các tội của Nhân Văn xong rồi, thì mới đến lượt Nhân Văn, từng người một, nhận tội". Rồi sau đó, các "Nhân Văn" về tổ của mình làm "bài khai". "Bài khai phải được tổ thông qua, và lại phải đưa ra hội trường thông qua nữa, thì anh mới được xong".Tức là anh mới được về.

- Như thế, những "bài khai" này, đã được viết dưới áp lực của "đấu trường" kéo dài trong một tháng, và cũng là bài "tổng kết tội trạng" mà mỗi thành viên Nhân Văn phải tự mình viết ra. Khi viết, họ không được trao đổi với nhau, sau đó phải đọc trong tổ, tổ thông qua, rồi mới đọc cho hội trường nghe và duyệt. Vì những lẽ đó, họ khó có thể "khai man" (vì sợ không đúng với những lời tố, lời khai, của người khác); vì vậy, chúng ta nên thận trọng, đối với một số dư luận buộc tội người này, người kia "khai man" trong lớp Thái Hà.

- Vì những điều kiện trên, chúng tôi xem những bài khai hay bài thú nhận này là những văn bản sớm nhất (viết từ tháng 3/58) thuật lại một số sự việc thật đã xẩy ra trong nội bộ Nhân Văn.

2- Bài thú nhận của Trần Dần và Lê Đạt, "hai tên thơ phản động nhất nước", được/bị trích đăng trên hai báo Văn Học số 1 (25/5/1958) và Văn Nghệ số 12 (5/58), bài thú nhận của Hoàng Cầm và Phùng Quán đăng trên Văn Nghệ số 12, của Văn Cao trên Văn Học số 3 (5/6/58), của Trần Đức Thảo trên Nhân Dân số 1532-1533 (23-24/5/58), và trích in một số đoạn trong cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận.

3- Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Duy, "không được" dự lớp Thái Hà vì thuộc diện những "phần tử xấu". Vì vậy, không có bản "thú nhận" của họ.

"Không phải là chị Thụy An, anh Trần Duy và ông Phan Khôi không chịu đi học. Ở đấy người ta chia ra: Những người nào hoạt động chính trị mà người ta cho là có tính chất phản động, là những phần tử xấu thì người ta "không cho" đi học lớp ấy: Phan Khôi, Thụy An, Trần Duy "không được" học. Chỉ có những văn nghệ sĩ mà người ta cho là những người vì quan điểm lầm lạc, được Ðảng chiếu cố cải tạo giúp đỡ, thì mới được đi học lớp ấy thôi. Cho nên đi học lớp ấy, gay go thế cũng là một "ưu tiên". (Lê Đạt trả lời RFI).

4- Các văn bản "thú tội" phản ảnh tâm thức của người viết: Qua những bài khai, Lê Đạt và Trần Đức Thảo giữ được phong cách của người trí thức: Chịu trách nhiệm việc mình làm. Không đổ lỗi cho người khác. Không gọi bạn đồng hành là tên, là nó, là bọn. Có lẽ đó là cách phải gọi những người Nhân Văn Giai Phẩm trong "đấu trường", nó phản ảnh không khí trù dập, đàn áp, xuống cấp và thù nghịch ở ấp Thái Hà và sức chịu đựng của từng người: Trong ba người bạn thân Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, thì Lê Đạt có bản lãnh hơn cả.

Ý định ra báo

Ý định ra báo là của Nguyễn Hữu Đang. Nguyễn Hữu Đang thuyết phục Hoàng Cầm trước. Hoàng Cầm về bàn với 5 người thân nhất trong nhómGiai phẩm mùa xuân: Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Văn Cao và Đặng Đình Hưng. Phần đông đều e ngại, không muốn cộng tác vì nghi ngờ Nguyễn Hữu Đang là người làm chính trị. Một mặt khác, sau vụ đàn áp Giai phẩm mùa xuân, Trần Dần và Lê Đạt đều muốn nghỉ (một phần vì chuyện gia đình, mới lấy vợ, mới có con...). Hoàng Cầm nhận phụ trách phần văn nghệ của Nhân Văn. Đến Nhân Văn số 2, Lê Đạt mới thực sự vào ban biên tập.

Hoàng Cầm thuật lại trên RFI:

"[Sau lớp học 18 ngày] Thì lúc bấy giờ anh Đang anh ấy mới nẩy ra một ý: Đang lúc văn nghệ sĩ có nhiều thắc mắc như thế này thì chúng mình nên ra một tờ báo. Tôi bảo: Ra báo thì phải có tiền, chứ tự nhiên ra thế nào được. Anh Đang bảo: Tiền thì tôi sẽ nhờ người bạn đi vay và chắc chắn chỉ vài số báo là đã có thể trả được. (...)

"Đầu tiên tôi không nhận lời, vì lúc ấy tôi đang làm ở nhà xuất bản của Hội Văn nghệ, nhiều công việc bận lắm. Nhưng mà anh ấy vẫn không tha. Anh ấy cứ bám riết lấy.(...) giữ riệt lấy tôi và thúc đẩy tôi. Thế rồi cuối cùng tôi cũng phải nhận lời. Bởi tôi cũng dễ tính và hay nể bạn". (Hoàng Cầm, RFI, 8/2/2008).

Trong bài "thú nhận", tháng 3/1958, Hoàng Cầm viết:

"Bàn về tiền ra báo, tôi tán thành tên Tước [là một người thân thuộc của nhà xuất bản Minh Đức] do Nguyễn Hữu Đang giới thiệu, bỏ tiền ra làm vốn. Tôi đã đi họp hai lần ở nhà tên Tước, lần đầu với Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Tước bàn về thể tài tờ báo. – Tư tưởng tôi lúc đó phản đối mọi đường lối, chính sách của Đảng nên tôi nghĩ: Báo Văn nghệ hay Văn hoá xã hội cũng được, miễn là ra được, nhưng chỗ tôi biết hơn cả là mặt văn nghệ, thì tôi tự nhận phần văn nghệ, còn ngoài ra ai muốn viết về vấn đề gì, tôi cũng tán thành. Một lần nữa, có Nguyễn Bính, Đang, Tước bàn về tên tờ báo và mời Nguyễn Bính làm thư ký toà soạn, thì tôi nghĩ là “tên báo gì gì cũng được” miễn là có báo ra được". (Hoàng Cầm, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958).

Như vậy, theo lời Hoàng Cầm, Nguyễn Bính đã có mặt trong những buổi họp trước khi ra báo Nhân Văn.

Lê Đạt, kể lại trên RFI như sau:

"Trong buổi học tập văn nghệ đó [lớp học 18 ngày], anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ.

Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng: "Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm (...)

"Ðến lúc ra báo Nhân Văn, cũng lại có nhiều khó khăn. Anh Dần muốn trực tiếp lo chuyện gia đình vì anh ấy gặp nhiều khó khăn quá: bị bắt, rồi lại phải lo cho con cái. Còn tôi lúc đó, tôi cũng muốn nghỉ. Anh Ðang lại không thuộc nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân, anh Ðang là một cán bộ chính trị cũ, anh ấy chỉ biết tôi thôi, thế còn quan hệ với anh em Giai Phẩm Mùa Xuân, anh Đang lại không có. Mà các anh ở Giai Phẩm Mùa Xuân cũng không thích anh Ðang. Chúng tôi mới quyết định thế này: Anh Cầm đang rỗi rãi, bèn giao cho anh Cầm; tách anh Cầm ra làm việc chung với anh Ðang". (Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI).

Trong bài "thú nhận", tháng 3/1958, Lê Đạt viết:

"… Sau thời gian lớp học 18 ngày Nguyễn Hữu Đang cùng với Hoàng Cầm ra báo. Hoàng Cầm đặt vấn đề với nhóm Giai phẩm mùa xuân.

Văn Cao, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm và tôi bàn ở tiệm trà Phúc Châu.

Đa số đồng ý là không tham gia biên tập vì cho Nguyễn Hữu Đang không phải là người văn nghệ, có thể nhiều động cơ cá nhân không tốt, hai là tập họp anh em đông quá trong số đó có nhiều phần tử chạy theo, cơ hội không nắm chặt được, sợ manh động (viết lách ẩu, quá khích bị lãnh đạo đánh)".

(Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958, trang 74).

Vẫn về việc này, Trần Dần trong bài "thú nhận", viết:

"… Đến lớp học mười tám ngày, Nguyễn Hữu Đang từ lâu nằm phục xuống, nhờ cơ hội này đứng dậy phất cờ. Nếu không có Đang sẽ không có tham luận với những đề nghị: Gặp Trung ương, ra báo v.v… mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn.

Tư tưởng chống đối trong tôi cũng ngóc dậy. Tuy đồng tình với Nguyễn Hữu Đang, song không đồng tình về phương pháp (...).

Nguyễn Hữu Đang định kéo nhóm Giai phẩm mùa xuân làm vốn cho hắn ra báo, đấu tranh với Đảng, vì từ lâu hắn đã ngửi thấy ở đó có vấn đề có thể kiếm chác được. Vấp phải sự rùng rằng không muốn tham gia của nhóm Giai phẩm mùa xuân (vì nhiều lẽ), hắn kéo lẻ từng người. Đầu tiên là Hoàng Cầm (...)

"... Đến khi Nhân văn thông qua bài số 1, tôi đến, thấy hỗn độn táp nham quá, mình dự đây là dại, nên nửa chừng bỏ về. Lúc đó tôi đã nghi Nguyễn Hữu Đang, cho là thằng quá tả, vấn đề gì cũng định đưa ra công khai, tôi cho rằng hắn sẽ làm hỏng phong trào của lớp học mười tám ngày thôi. Sẽ lại thất bại như hồi bộ đội. Nên tôi tự đặt nhiệm vụ dùng Hoàng Cầm, Lê Đạt mà ghìm hắn lại." (Trần Dần, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, 5/1958, trang 61).

Trần Dần vì nghi kỵ Nguyễn Hữu Đang, không muốn tham dự, nhưng cũng không bỏ hẳn. Như vậy, trong nội bộ Nhân Văn, từ đầu, đã có những khuynh hướng khác nhau: Nguyễn Hữu Đang muốn mở rộng cuộc tranh đấu sang chính trị: đòi hỏi tự do dân chủ. Hoàng Cầm thì thế nào cũng được. Trần Dần chỉ muốn đòi tự do sáng tác. Lê Đạt giữ vị trí trung gian: Đồng ý với Nguyễn Hữu Đang về đấu tranh tự do dân chủ nhưng muốn thực hiện bằng con đường sáng tác.

Đó là những "khó khăn" mà Lê Đạt muốn nói đến khi lập tờ Nhân Văn, nhưng không chỉ có những "khó khăn" nội bộ, mà còn cả những khó khăn do áp lực bên ngoài. Một chủ trương "rầm rộ" như vậy, lãnh đạo không thể không biết. Và Trung ương đã tìm cách khuyên nhóm Nhân Văn dẹp ý định làm báo đối lập, bằng cách nói riêng với từng người.

Bộ chính trị khuyên nên bỏ ý định ra báo

Hoàng Cầm kể trên RFI: "...Trước khi ra báo thì các anh em đã rậm rịch nói với nhau rồi, cho nên tin tức đều đến tai lãnh đạo cả. Thì lãnh đạo, tức là bộ chính trị, đã bố trí cho cho ông Võ Nguyên Giáp mời Nguyễn Hữu Đang lên nói chuyện, mời riêng đấy. Còn ông Lê Đức Thọ, lúc bấy giờ cũng là bộ chính trị, thì mời Lê Đạt và ông Lê Liêm lúc bấy giờ là Tổng cục phó Tổng cục chính trị (về sau này ông ấy mới chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ giáo dục), thì mời tôi. Như vậy là ba ông ủy viên bộ chính trị gặp những người chủ chốt của Nhân Văn, và nếu mà ba ông ấy thuyết phục được ba người đó đừng ra báo, thì thôi, coi như là yên ổn cả, không có chuyện gì. Ông Lê Liêm gặp tôi đến ba buổi tối trong nhà khách của quân đội, ông Giáp thì gặp anh Đang, ông Lê Đức Thọ gặp anh Lê Đạt, tất nhiên là để nói đến chuyện ra tờ báo, thì họ cũng lấy tình đồng chí, tình bạn bè, khuyên bảo, chứ không phải để ra lệnh gì. Ông Lê Liêm gặp tôi rất khiêm tốn, nói hết những cái Đảng có thể có những sai lầm này, sai lầm khác v.v... trong việc lãnh đạo văn nghệ. Tự ông ấy nói ra để cho mình hiểu và yên tâm là Đảng cũng biết đấy, để Đảng sửa dần, để cho mình muốn nói cái gì về Đảng trên tờ báo của mình thì mình rút đi, rút lui cái ý kiến trên báo ấy đi. Mục đích của những cuộc gặp đó là như thế. Khổ một nỗi là lúc bấy giờ những thắc mắc của anh em văn nghệ nó ồn ã lắm. Mà nó nhiều cái sâu sắc lắm, cho nên anh Đang anh ấy kiên quyết là không, cứ phải ra báo, phải ra báo thì mới nói được. Anh Đang kiên quyết ra báo. Tôi thì ra cũng được mà không ra cũng được. Thế là trong nội bộ của mấy anh em hoạt động nhất trong báo Nhân Văn là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt và tôi cùng thống nhất với nhau là cứ ra. Thế là ra được Nhân Văn số 1". (Hoàng Cầm, RFI, 8/2/2008).

Việc mời Phan Khôi làm chủ nhiệm

Việc này do Nguyễn Hữu Đang nghĩ ra. Lê Đạt kể: "Ðang bảo: "Hay là mời cụ Phan Khôi? Mà cụ Phan Khôi cũng lại không thân gì với Ðang lắm. Thế là anh Hoàng Cầm được cử đến mời cụ Phan Khôi. Phan Khôi khẳng khái nhận lời ngay" (Lê Đạt trả lời RFI).

Việc mời Trần Duy làm thư ký toà soạn

Nhà thơ Trần Duy(Ảnh : DR)

Nhà thơ Trần Duy
(Ảnh : DR)

Trần Duy, nói trên RFI:

"Tôi không biết Trần Dần, tôi cũng không biết Hoàng Cầm. Mãi sau buổi họp ở 51 Trần Hưng Đạo, đưa bài Nhất định thắng của Trần Dần -hôm đó là cuộc hội rất lớn- kết tội bài đó [Buổi "hội lớn" của Hội văn nghệ, đánh Trần Dần (vắng mặt) với 150 người dự, một buổi tối giữa tháng 2/1956, chưa xác định được ngày]. Tôi với ông Phan Khôi ngồi gần nhau (...) Người ta quy rằng Trần Dần như thế là ngã về địch, bị gián điệp (...). Ông Phan Khôi nói với tôi: Quy cho người ta là gián điệp, là chính trị, nhanh quá, rất nguy hiểm (...). Vì thế tôi không quen biết những người này nhưng vì ông Phan Khôi, tôi đứng trên quan điểm của ông Phan Khôi, tôi rất ủng hộ ông Trần Dần mà tôi không biết ông Trần Dần là ai cả. Tôi cũng không biết ông Hoàng Cầm. Tôi biết anh Lê Đạt vì tôi cùng về báo Văn Nghệ (....) Do ông Phan Khôi tôi biết nhóm Lê Đạt và Trần Dần". (Trần Duy trả lời RFI, tháng 7/2008).

Cũng về việc này, Hoàng Cầm viết trong bài "thú nhận" tháng 3/58, như sau:

"Chỉ có việc Nguyễn Hữu Đang mời tôi làm thư ký toà soạn là tôi không nhận, lý do chỉ vì sợ trách nhiệm, muốn đùn trách nhiệm cho người khác. Tôi đã đùn cho Trần Duy trong một buổi tình cờ gặp Trần Duy ở nhà Minh Đức. Tôi gọi nó lên gác nhà tên Đang, giới thiệu nó với tên Đang. Trần Duy nhận lời ngay." (Hoàng Cầm, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958).

Ai quyết định nội dung bài vở báo Nhân Văn?

Trong bài "thú nhận", Lê Đạt viết:

"Tôi tham gia Nhân văn với ý thức là người lãnh đạo lý luận của tờ báo vì tôi cho tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc đó gồm bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôi." (Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58, trang 75).

Vậy trong bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và Lê Đạt, ai quyết định nội dung tờ báo?

Trần Duy trả lời trên RFI:

"Tất cả bài vở là do Đang và Đạt quyết định và bài vở tập hợp vào tôi, khi thiếu bài hoặc mise mà không có thì bảo tôi làm cái remplissage lấp lỗ trống hoặc thu dọn bài này, bài nọ, trang mấy, trang mấy có tranh, thì bảo tôi làm. Sự thật ra quyết định bài vở phần lớn là Đang, quyết định nội dung bài là Đạt. Còn thầy cò thầy kiện là ông Văn Cao. Ông Trần Dần, ông Hoàng Cầm là đứng sau lưng. Người chủ động và trực tiếp với tôi là Lê Đạt, người chủ động bài vở là ông Nguyễn Hữu Đang. Tất nhiên là tôi không quyết định được bài vở rồi, nhưng có bài nào cần thiết thì Lê Đạt bảo: Ông viết đi, vấn đề này ông viết được, ông viết hộ tôi, ví dụ như tự do sáng tác hay là gì đó thì ông cứ viết, ông lại hơi có cái giọng humour thì ông làm cho tôi... không phải chuyện cười, những chuyện thời sự ông đi góp nhặt các nơi. Thì tôi phụ trách mục đó và tôi đề TD, là Trần Duy đó. Sau khi mise những bài chính rồi thì tôi là người lấp remplissage phần còn lại của tờ báo. Sự thực ra người ta không bao giờ hỏi ông Phan Khôi về một cái gì cả." (Trần Duy trả lời RFI)

Vẫn theo lời Trần Duy, Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang thường hay cãi nhau. Vậy sự bất đồng ý kiến đó là gì? Có phải về mục tiêu đấu tranh, hay là cái gì khác?

Lê Đạt viết trong bài "thú nhận":

"Về mục tiêu đấu tranh của Nhân văn: Một mặt, lật đổ bộ phận lãnh đạo mà tôi cho là bè phái (đồng chí Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi),một mặt nữa đấu tranh với Trung ương về tự do dân chủ, tôi tán thành nhưng vẫn muốn đấu tranh bằng hình thức văn nghệ. Lúc đó tôi có khuyên Hoàng Cầm nên đẩy mạnh mặt văn nghệ của tờ báo còn phần đấu tranh cho tự do dân chủ thì làm một phần nhẹ thôi" (Lê Đạt, Thú nhận).

"Xét cho cùng lúc đầu tôi với Nguyễn Hữu Đang chỉ khác nhau về chiến thuật. Tuy không tham gia biên tập nhưng khi in số 1 thỉnh thoảng tôi cũng có đến". (Lê Đạt, Thú nhận).

Nhân văn số 1: Ra ngày 20/9/56, gồm những bài chính: bài thơ Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt; bài Tiến tới xét lại một vụ án văn học:Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, bức tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo trên cổ; và bài Luật sư Nguyễn Mạnh Tường trả lời về vấn đề mở rộng tự do dân chủ.

Nhân văn số 2: Ra ngày 30/9/1956, với ba bài chính: Phấn đấu cho trăm hoa đua nở của Trần Duy; Đào Duy Anh trả lời về vấn đề mở rộng tự do dân chủ và bài Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân Dân, do Nguyễn Hữu Đang viết.

Nhân văn số 3: Nhân Văn số 3 (ra ngày 15/10/1956), xác định rõ ràng hơn đường lối tranh đấu cho tự do dân chủ với hai bài chính Nỗ lực phát triển dân chủ của Trần Đức Thảo và Đặng Văn Ngữ trả lời về mở rộng tự do dân chủ.

Sau Nhân Văn số 3, có hai sự việc quan trọng xẩy ra: Trung ương tổ chức tọa đàm và Trần Duy lên gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Trần Duy lên gặp Phạm Văn Đồng

Trần Duy thuật lại trên RFI:

"Tôi gặp anh Phạm Văn Đồng, ông Đồng gọi tôi lên, khi đó là số 3 rồi. Khi đó có những tin đồn là Nhân Văn muốn ngả về những mouvement, những phong trào đòi dân chủ ở Hung hay là ở Nam Tư gì đó, thì anh Đồng có cho gọi ban biên tập và tòa soạn lên, cuối cùng anh em bảo Trần Duy lên gặp, thì tôi lên. Việc tôi lên gặp ông Đồng cũng có một số anh em tán thành, một số không tán thành, cho rằng như thế là tự mình ràng buộc với... chính quyền.

Nhưng tôi nghĩ rằng anh không thể nào vượt chính quyền được và anh không thể nào vượt khỏi tổ chức của đảng được, không thể chống lại được nó, làm cái gì cũng phải nằm trong cơ sở tổ chức của đảng thôi. Tôi lên gặp ông Đồng. Thái độ của ông Đồng rất cởi mở, gặp tôi bảo: Tôi hiện nay rất bận (...) , tôi ủy cho anh Phan Mỹ thay tôi để giải quyết những vấn đề gì của anh em còn vướng mắc, theo tôi thì đừng nói chữ đấu tranh, các anh cần gì, yêu cầu gì, các anh cứ việc đề ra và chúng tôi giải quyết chứ đừng đấu tranh, đòi hỏi cái gì mà phải đấu tranh (...). Ông Đồng đi thì tôi ngồi nói chuyện với anh Phan Mỹ, anh Phan Mỹ bảo: Các anh cần gì, vấn đề tài chính thì tất nhiên chính phủ làm được việc đó, các anh cần mua giấy thì chúng tôi cấp giấy cho các anh mua.

Xong việc ấy tôi về gặp anh em ở một cái quán nhỏ đầu Hàng Nón, mọi người ở đấy, có Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, ... và tôi. Một lúc thì Đang đến, tôi nói chuyện tôi gặp như thế thì tất cả mọi người, trừ Lê Đạt, đều cho rằng thái độ của tôi là thái độ đầu hàng". (Trần Duy, trả lời RFI).

[Theo tin trong Nhân Văn số 3: Sở dĩ Nhân Văn phải bán giá cao hơn các báo khác, vì "chỉ được Cơ Quan Mậu Dịch Trung ương cung cấp giấy đủ để in 2000 số", trong khi số 2, in 6000 và số 3, in 7000 số, vì vậy phải mua thêm giấy ngoài thị trường với giá đắt gấp đôi giá mậu dịch". Tin trong Nhân Văn số 4: "Kỳ này, in 12.000 số, mà vẫn chỉ được Sở Báo Chí và Mậu Dịch Trung ương cung cấp giấy đủ in 2000 số, tuy chúng tôi đã nhiều lần xin thêm].

Trung ương tổ chức toạ đàm

Về việc Trung ương tổ chức toạ đàm, Võ Hồng Cương, Cục phó cục Tuyên huấn, trong bài tổng kết "Cuộc đấu tranh giai cấp trên mật trận văn nghệ hiện nay" (Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58), viết:

"Ngay từ khi chúng xuất bản "Giai phẩm mùa thu" tập I và Nhân Văn số I, giới văn nghệ sĩ ta đã thấy rõ tính chất phản động của chúng, nên đã kịp thời phê phán chúng trước dư luận nhân dân. Trung ương Đảng Lao động Việt nam muốn mở đường cho chúng hối cải, nên tuy rất bận về công tác sửa sai rất khẩn trương, cũng đã để thì giờ gặp chúng đến ba lần, để nghe chúng phát biểu thắc mắc nguyện vọng và nghe chúng phê bình sự lãnh đạo của cán bộ phụ trách văn nghệ của Đảng rồi khuyên bảo chúng những điều nên làm và những việc nên tránh". (Hồng Cương, Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58, trang 36).

Theo tin trên Nhân Văn số 4 (5/11/56), thì ngày 20/10/56 bắt đầu cuộc tọa đàm giữa đại diện ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động Việt nam và các ngành văn học nghệ thuật. Ba buổi tọa đàm này được tổ chức những ngày: 20, 21, và tối 23/10/56. Nhân Văn đề cử ba đại biểu đến tham dự.

Như vậy những buổi toạ đàm này không chỉ dành riêng cho Nhân Văn. Một trong ba người của Nhân Văn đi dự tọa đàm là Trần Dần. Hai người kia có thể là Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang.

Lê Đạt viết trong bài thú nhận:

"Sau cuộc tọa đàm với Trung ương, tôi viết bài “Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng” để gây thanh thế cho báo Nhân văn. Một mặt khác tôi luôn luôn đả kích chuyên chính vô sản mà tôi cho là độc tài. Tôi tung ra trong anh em lập luận: “Từ khi về hoà bình mất đối tượng đế quốc và địa chủ, Đảng chĩa nhầm mũi dùi chuyên chính vào nhân dân.” (Lê Đạt, Thú nhận)

Trần Dần viết lời "thú nhận" như sau:

"Khoảng Nhân văn số 3, tôi được cử đi gặp Trung ương Đảng. Tôi chuẩn bị kết án sự lãnh đạo văn nghệ trước, và đòi trăm hoa đua nở. Song mọi người nói cả rồi nên thôi (sau có viết bài đăng báo Nhân văn). Trước cuộc họp tọa đàm này, Nguyễn Hữu Đang có họp [Nhân Văn] tôi không dự, nội dung đâu như chuẩn bị ra một số đặc biệt, lợi dụng cuộc tọa đàm với Trung ương đem mọi lời phát biểu phơi trần ra công khai đánh vào Đảng".(Trần Dần, Thú nhận).

Theo lời khai trên đây của Trần Dần, thì từ số 3, Trần Dần không còn "ở ngoài" Nhân Văn (như ông đã khai ở đoạn trên) mà đã vào trong Nhân Văn, vì được cử đi gặp Trung ương. Trần Dần đến dự buổi tọa đàm này với mục đích "kết án sự lãnh đạo văn nghệ" và "đòi hỏi trăm hoa đua nở", nhưng chưa kịp nói thì "mọi người đã nói cả rồi". Tuy ông không cho biếtmọi người là những ai, nhưng điều này chứng tỏ nhóm NVGP, đối diện với Trung ương Đảng, trong các buổi toạ đàm tháng 10/56, có vẻ dứt khoát không sợ hãi gì cả. Và đi dự tọa đàm về họ còn viết hai bài rất mạnh trên Nhân Văn số 4:

- Bài "Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa" ký tên Người Quan Sát (có thể là của Nguyễn Hữu Đang) nêu lên việc Nguyễn Bính bị hành hung vì không đăng bài đả kích Nhân Văn trên báo Trăm Hoa, và yêu cầu Thủ tướng (Phạm Văn Đồng) lưu ý vụ này.

- Bài "Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng" ký tên Nhân Văn, do Lê Đạt viết, đề cao hành động của "anh em văn nghệ đã đứng trong hàng ngũ tiên phong đấu tranh cho tự do dân chủ" và chỉ trích những kẻ đã gán cho họ cái mũ "phản động".

Về phía Trung ương Đảng, kết quả các buổi toạ đàm được Võ Hồng Cương đánh giá như sau:

"... Chúng đã cố tình chống đối. Chẳng những chúng đã không nghe những lời khuyên bảo chân thành đầy thiện ý của Trung ương, mà còn lợi dụng những buổi gặp gỡ đó để tuyên truyền xuyên tạc, tự đề cao uy tín và tiến hành hoạt động phá hoại. Chẳng những chúng đã không chịu đứng ở phạm vi đấu tranh nội bộ về vấn đề văn nghệ mà chúng còn cố tình chuyển sang chống đối về chính trị công khai và trắng trợn.

Từ Nhân văn số 4 trở đi, tức là sau khi bọn phản cách mạng ở Hung-ga-ry được bọn đế quốc giúp đỡ, đã thực hiện được vụ bạo động phản cách mạng ở Buy-đa-pet, thì chúng đã chuyển hẳn sang chống đối bằng chính trị, kích động quần chúng biểu tình chống lại Đảng và Chính phủ ta nhân lúc Quốc hội ta đang họp". (Hồng Cương, Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58, trang 36).

Việc Tọa đàm của Trung ương và việc Trần Duy lên gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng không có kết quả: Nhân Văn số 4 nghiêng hẳn sang đấu tranh chính trị.

Ngõ quặt chính trị của Nhân văn số 4

Nhân Văn số 4 ra ngày 5/11/1956, Nguyễn Hữu Đang lần đầu tiên ký tên thật, trong bài xã luận chính Cần phải chính quy hơn nữa, ông đặt vần đề cần phải xây dựng một nhà nước pháp trị.

Ngoài hai bài Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa, và Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng,đã nói ở trên, Trần Duy viết bài Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ,chỉ trích đảng cố tình đàn áp tờ Nhân Văn. Phùng Cung xuất hiện với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh. Văn Cao đăng bài Những ngày báo hiệu mùa xuân. Thanh Châu viết phóng sự Mua hàng mậu dịch.

Những bài chính luận và sáng tác trong Nhân văn số 4 mang tính cách đấu tranh chính trị, xã hội rất mạnh.

Hoàng Cầm viết trong bản "tự thú":

"Từ sau số 3 Nhân văn, càng ngày tôi càng thấy tờ báo bị công kích dữ, nhất là sau số 4, Nhân văn bị thi hành kỷ luật, [Nhân Văn bị thi hành kỷ luật vì số 4, nộp lưu chiểu chậm. Cảnh cáo đầu của chính quyền]. Tôi bắt đầu chùn và muốn lảng ra, không phải vì tư tưởng chống Đảng đã giảm đi mà chính là vì sợ, muốn tìm chỗ yên thân, nên tôi lại cố sức đi vận động Trần Duy đóng cửa báo. - Muốn lảng ra không được, tên Trần Đức Thảo lại thuyết phục, tôi vẫn bị hút vào, nhưng vẫn chân trong chân ngoài chỉ chực trốn. - Thời kỳ cuối Nhân văn, cái tính chất “văn dốt, vũ rát” của tôi biểu hiện rất rõ ràng: nghe ý kiến của Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang nêu ra những “trách nhiệm với lịch sử” để tiếp tục ra báo, tôi cũng thấy phải - Về gặp Văn Cao, Trần Dần nêu ra vấn đề “đóng cửa báo, vì tờ báo đang phiêu lưu, dễ bị đánh chết” tôi lại thấy phải." (Hoàng Cầm, Thú nhận).

Qua lời khai của Hoàng Cầm thì, sau số 4, Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần muốn rút lui, đóng cửa báo; trong khi Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo và Lê Đạt nhất quyết tiếp tục ra báo trong hướng đấu tranh chính trị.

Báo Văn Nghệ số 12 với những lời "thú nhận" của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán

Báo Văn Nghệ số 12 với những lời "thú nhận" của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán

Vai trò hướng dẫn tư tưởng của Trần Đức Thảo, và hướng dẫn văn bản của Lê Đạt nổi bật trong Nhân Văn số 4.

Trần Dần khai:

"Tới Nhân văn số 4 tôi nhận được giấy triệu tập đến họp về vấn đề: Báo có chuyển sang chính trị hay không? Trần Duy ký. Địa điểm ở nhà Trần Duy.Thực ra từ số 1 bọn Đang, Phan Khôi đã đòi làm chính trị và báo Nhân văn đã đề cập đến vấn đề tự do dân chủ ở mức độ nào đó rồi. Âm mưu chính trị có từ đó, đến nay nhân thời cơ thế giới, bọn họ muốn đẩy mạnh phần chính trị lên hòng làm sôi sục tình hình Việt Nam, gây ra những sự biến chính trị, nếu có thể. Tôi ngửi thấy sự nguy hiểm đó, tuy không rõ. Đến cuộc họp tôi can họ “sang chính trị sẽ bị bóp chết ngay.” Vẫn chỉ là cái ý thức sợ phong trào bị tổn thất nặng. Song Trần Đức Thảo (tôi gặp lần đầu) hắn nói: “Văn nghệ và chính trị không thể tách được, không có tự do dân chủ, làm sao có tự do sáng tác? Báo nên sang mọi vấn đề chính trị tùy cách mà bàn thôi!” Ý kiến hắn có poids [có trọng lượng], cuộc họp bị hắn dắt mũi đi.

Tình hình gay gắt lắm rồi, tôi tìm Văn Cao. Văn Cao bảo “nên vận động đóng cửa báo, anh em đỡ thiệt hại, trên có đánh sẽ bị hẫng! Tôi hoàn toàn đồng ý. Đi vận động một số người đã ngả rồi, đến cuộc họp có Trường Xuân dự (bịa tin là Hồ Chủ tịch bảo con dao mổ trâu không đem giết gà) thì anh em lại bị bọn Trần Duy, Trường Xuân chúng dắt đi." (Trần Dần, Thú nhận).

Lê Đạt trong bài "thú nhận", viết:

"Lúc này tôi vẫn còn ở trong Đảng, nhưng tư tưởng chống đối trong tôi đã phát triển mạnh.

Tôi còn tán thành và đi nói với anh em quan điểm của Nguyễn Hữu Đang. Bản thân tôi cũng từng nói “Đảng trị” cho nên trong cuộc họp số 4, Trần Đức Thảo, Trần Duy đưa ra chủ trương đề cập đến những vấn đề chính trị mạnh hơn nữa tôi cũng đồng ý". (...)

"Tôi góp ý kiến với Trần Duy trong bài “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ” sửa chữa nhiều đoạn:

“Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội. Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thế lực cản trở xuyên tạc phá hoại có khi bằng cả những phương pháp đen tối độc ác (chỗ này tôi ám chỉ các đồng chí lãnh tụ) đấu tranh cho tự do dân chủ không bao giờ chỉ là một công việc thuần tuý có tính chất quần chúng rộng rãi (...).

Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của Đảng, tôi vận động Thanh Châu viết bài "Mậu dịch" và còn dự định vận động Thanh Châu viết về vấn đề nhà cửa. Tôi góp ý kiến vẽ tranh một người đẽo chân cho vừa giày mậu dịch (...).

Tôi lại viết "lời toà soạn" cho truyện "Con ngựa già" của Phùng Cung, đả kích và vu khống lãnh đạo văn nghệ không chú ý đến các nhà văn trẻ" (Lê Đạt, Thú nhận).

Tóm lại, những cố gắng của Trung ương Đảng về việc tổ chức tọa đàm và việc gặp riêng Trần Duy, chỉ gây được ít nhiều chia rẽ trong nội bộ Nhân Văn, nhưng cuối cùng, khuynh hướng đấu tranh chính trị vẫn thắng. Nguyễn Hữu Đang đặt nền móng đầu tiên cho một nhà nước pháp quyền, trong Nhân Văn số 4, và đến Nhân Văn số 5, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt còn tiến xa hơn nữa.

Nhân văn số 5 ra ngày 20/11/1956 với hai bài xã luận chính: Hiến pháp Việt nam 1946 và Hiến pháp Trung hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào?của Nguyễn Hữu Đang, nội dung đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1956, hoặclàm một hiến pháp mới, và Bài học Ba Lan và Hung ga ry ký tên Người Quan Sát, do Lê Đạt viết, ngụ ý nếu chính quyền không chịu cải tổ chính trị thì miền Bắc Việt Nam sẽ trở thành một Ba Lan, một Hung-ga-ry.

Lê Đạt viết trong bài "Thú nhận":

"Tôi đồng ý với Nguyễn Hữu Đang đề cập đến vấn đề Hiến pháp để làm áp lực chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp sắp đem bàn ở Quốc hội (...)

"Trên thế giới lúc đó xẩy ra hai sự kiện: Vụ Poznan và vụ Hung-ga-ri. Lúc đó tôi rất bất mãn với nhận định của Đảng về vấn đề Hung-ga-ri mà tôi cho là “đổ tất cả cho địch” đồng thời đề ra khẩu hiệu tăng cường chuyên chính. Tôi viết bài “Bài học Ba lan, Hung-ga-ri” để làm áp lực đấu tranh với quan điểm đó (...)

Quan điểm của Trần Dần trong bài “Phải để cho trăm hoa đua nở” [Tức là bài "Không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở" ký tên H.L, trên NV số 5] cũng là quan điểm của tôi và Trần Dần thường bàn chủ trương “Đảng không thể quyết định, quần chúng mới là trọng tài tối cao.”(Lê Đạt, Thú nhận).

Nhân Văn số 6

Về Nhân Văn số 6, Trần Duy cho biết:

"Xong số 3 thì tôi chuẩn bị mấy số sau, tôi chuẩn bị cái affiche về Ba Lan thì chính tôi lên tiếp xúc với sứ quán Ba Lan, họ cho tôi tất cả tài liệu, affiche, tranh ảnh về Ba Lan và tôi đang định làm số đó. Nhưng sau vụ tôi lên gặp ông Đồng ấy, thì ông Đang ông đùng đùng ông tự động thay đổi. Lê Đạt cũng bảo cái chuyện mà Đang lên nhà in tự động thay đổi nội dung rất là nguy hiểm. Thì rồi xẩy ra việc mà bên công an can thiệp, nhưng không can thiệp đến ban biên tập, không can thiệp đến người, chỉ đình số báo lại và không cho phát hành. Nếu số báo ấy ra thì chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Tất cả số báo đó tôi hoàn toàn không biết"

(Trần Duy trả lời RFI).

Lê Đạt viết trong lời thú nhận:

"Đến số 6, Đang mượn được một số France Observateur, bàn nên ra một số đặc biệt về Ba lan. Tôi rất tán thành cho rằng Đảng ta hay bưng bít tài liệu bây giờ đấu tranh bằng cách trình bày những tài liệu nước ngoài tác dụng rất tốt mà Đảng có muốn phê bình cũng không làm gì được. Đây cũng là một chiến thuật tốt để tấn công Đảng."

Bài vở số này do Đang và Trần Duy sắp xếp. Về bài xã luận của Nguyễn Hữu Đang tôi cũng xem cũng như những bài xã luận mấy số 4, 5 trước khi Nguyễn Hữu Đang đưa in. Đọc đến chỗ “nhân dân có quyền biểu tình”, tôi hỏi. Nguyễn Hữu Đang trả lời “Báo Nhân dân đã khoẻ chửi, đánh cho một đòn như thế là chịu”. [Chỗ này chắc Nguyễn Hữu Đang chơi chữ: Lê Đạt hỏi nhân dân, Nguyễn Hữu Đang trả lời Nhân Dân]

Lúc đó tất cả tâm trí tôi chỉ lo đối phó với các báo của Đảng, nên đồng tình. Trong lúc đương in số 6, thì phong trào phản đối lên mạnh. Tôi muốn đóng cửa. Nhưng trong cuộc họp chủ trương tiếp tục, Trần Đức Thảo và Trường Xuân, Phan Khôi thắng thế. Nhưng kết quả báo cũng bị đóng cửa. Tôi ngại Chi bộ thi hành kỷ luật và cũng hoang mang, ngại sự phẫn nộ của quần chúng không biết làm thế nào nên lánh mặt và không gặp anh em nữa".

"Đôi lúc tôi có nghĩ “Giá có biểu tình để Trung ương thay đổi đường lối thì tốt”. Nhưng lại lo không muốn biểu tình xảy ra vì nếu có “một là tôi sẽ bị bắt vào Hoả lò, hai là trong lúc hỗn quân hỗn quan sẽ bị treo cổ”.

"Giữa tôi và Nguyễn Hữu Đang lúc đầu không phải là khác nhau về lập trường chống đối mà chính chỉ khác nhau về phương pháp mà thôi." (Lê Đạt, "Thú nhận")

Như vậy, trong những ngày cuối cùng của Nhân Văn: Trần Đức Thảo và Phan Khôi vẫn là những kiện tướng, Trường Xuân không rõ là ai.

Ngày 09/12/1956, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh: Báo chí phải "phục vụ công nông binh", phục vụ nền "chuyên chính vô sản". Phạt tù 5 năm đến khổ sai chung thân kẻ nào vi phạm những cấm điều.

Theo Hoàng Văn Chí, những điều khoản trong sắc lệnh 15/12/56 đã được ban bố từ tháng 10/54, sau khi tiếp thu Hà Nội. Nhưng lúc đó báo chí phần lớn đều là của Đảng, nên những cấm điều chỉ "giao hẹn mồm" mà vẫn được áp dụng triệt để:

-Không được chống chính phủ, chống chế độ.

-Không được xúi dục nhân dân làm loạn.

-Không được nói xấu các nước bạn.

-Không được tiết lộ bí mật quân sự.

-Không được đăng bài vở có phương hại đến thuần phong mỹ tục. (THĐNTĐB, trang 31).

Nhưng từ khi Nhân Văn Giai Phẩm xuất hiện, những tờ báo "đối lập" này không tuân thủ những cấm điều nữa: Nội dung bài vở chuyển tải rõ ràng ý chống Đảng, chống chế độ.

15/12/1956, Nhân Văn số 6 đang in, bị chận lại và bị thu hồi.

*

Chúng ta vừa nhìn lại quá trình hình thành và một số sự kiện xẩy ra trong nội bộ báo Nhân Văn. Rất tiếc là điều kiện tư liệu hiện nay chưa thể soi tỏ những gì xẩy ra trong nội bộ Giai Phẩm. Nhưng qua những chứng nhân, đặc biệt của Lê Đạt trong phần Thú nhận, ông cho biết rõ sự thực về hậu trường Nhân Văn; về sự tranh đấu cũng như óc chia rẽ, phân hoá trong mỗi con người, trước hoàn cảnh lịch sử.

Về mặt văn bản, Nhân Văn, với những bài viết của Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt... mở mặt trận đấu tranh chính trị. Giai Phẩm với những bài của Trương Tửu, Trần Đức Thảo... mở mặt trận tư tưởng. Phan Khôi như một vị thủ lĩnh tinh thần của hai tờ báo.

Toàn bộ Nhân Văn Giai Phẩm là một kết hợp chặt chẽ giữa văn nghệ sĩ và trí thức trong cuộc đấu tranh cho tự do sáng tác và tự do dân chủ. Hai hình thái đấu tranh này đi đôi với nhau, không thể tách rời, như lời Trần Đức Thảo: "Văn nghệ và chính trị không thể tách được, không có tự do dân chủ, làm sao có tự do sáng tác? "

Nhân Văn Giai Phẩm: Văn Cao

Nhân Văn Giai Phẩm: Văn Cao


Cuộc đời Văn Cao gắn bó với toàn bộ sinh hoạt văn nghệ Việt Nam trước kháng chiến, trong kháng chiến và sau kháng chiến. Văn Cao ở trong cả ba bộ môn: thơ, nhạc, họa, cho nên được giới nghệ thuật ba ngành kính phục. Là tác giả quốc ca, nhưng Văn Cao suốt đời bị chính quyền nghi ngờ, tác phẩm bị trù dập, phân biệt đối xử.Sau này, khi đất nước ra khỏi chế độ toàn trị, lá cờ đỏ sao vàng gắn liền với với một đảng sẽ không còn lý do tồn tại. Nhưng Tiến quân ca là xương thịt của một nghệ sĩ thiên tài, suốt đời đóng góp cho nghệ thuật chân chính và tranh đấu cho tự do của đất nước, sẽ mãi mãi còn lại. Bởi khó có tác phẩm nào thay thế đượcTiến quân ca trong lòng người Việt Nam.

Cuộc đời Văn Cao gắn bó với toàn bộ sinh hoạt văn nghệ Việt Nam trước kháng chiến, trong kháng chiến và sau kháng chiến. Văn Cao ở trong cả ba bộ môn: thơ, nhạc, họa, cho nên được giới nghệ thuật ba ngành kính phục. Là tác giả quốc ca, nhưng Văn Cao suốt đời bị chính quyền nghi ngờ, tác phẩm bị trù dập, phân biệt đối xử.
Tìm hiểu cuộc đời của Văn Cao cũng là tìm hiểu giai đoạn lịch sử 45-46, mà các văn nghệ sĩ xuất thân từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, nhiều thành phần chính trị và phi chính trị khác nhau đã theo Việt Minh để tranh đấu cho một lý tưởng: chống Pháp. Những Văn Cao, Phạm Duy, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước,… đã có một thời hoạt động chung vai sát cánh, nhưng rồi chính trị sẽ phân lìa mỗi người một con đường, một chiến tuyến.
Tìm hiểu Văn Cao, tức là tìm hiểu tại sao có sự chia cắt tinh thần và thể xác Việt Nam. Tìm đến nguồn cội phát xuất hận thù: Sự tranh bá đồ vương giữa các đảng phái chính trị trên con đường giành độc lập. Để giải toả cho nhiều thế hệ, thoát khỏi cái nhìn một chiều về lịch sử: lịch sử phân biệt ta-địch.
Tìm hiểu Văn Cao là để tìm đến nguồn cội của vấn đề: Văn hoá Việt nam là một toàn khối, không thể chia đôi. Tâm hồn Việt Nam là một toàn khối, không thể phân liệt.
Toàn khối ấy đã thể hiện trong cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1950: Hầu hết các văn nghệ sĩ ở mọi khuynh hướng đều cùng nhau chung lòng cứu quốc.
Văn Cao, Phạm Duy hai khuôn mặt điển hình nhất của nền Tân nhạc Việt Nam: cùng theo kháng chiến từ phút đầu. Cùng có công đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 1951, Phạm Duy vào thành, Văn Cao ở lại, mỗi người một giới tuyến. Nhưng tác phẩm của họ, mãi mãi sẽ là của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Tiểu sử Văn Cao

Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại làng Lạch Trai (gần Hải Phòng) mất ngày 10/7/1995 tại Hà Nội. Nguyên quán làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Học tiểu học trường Bonnal, trung học trường dòng Saint-Joseph, tại đây ông được học thêm âm nhạc. Cha là Nguyễn Văn Tề làm cai máy nước. Vì cha bị mất việc, Văn Cao phải bỏ học, làm điện thoại viên ở Nhà bưu điện Hải Phòng. Được một tháng, bỏ việc.
Cuối 1939, Văn Cao viết ca khúc đầu tiên Buồn tàn thu, ảnh hưởng Lê Thương. Đầu năm 1940, bản nhạc được Phạm Duy đem đi hát ở khắp nơi. 1940, Văn Cao đi Hà Nội, Huế, Sài gòn. Trong chuyến đi này, Văn Cao có dịp tiếp xúc với phong cảnh nên thơ và âm nhạc trữ tình của Huế, thi ca của Hàn Mặc Tử ở Sàigòn. Từ điển văn học ghi: “1940, vào Nam kiếm sống, làm họa sĩ trang trí nội thất cho cho một hãng tư nhân ở Sài gòn, gần một năm. Bị chủ quỵt tiền công nên bỏ việc ra Bắc” (Nguyễn Huệ Chi, Vân Long). Điểm này không thấy ghi ở các tài liệu khác.
Thời kỳ 1940-1943, Văn Cao sáng tác sung mãn nhất, song song với những ca khúc lịch sử là những ca khúc lãng mạng trữ tình: Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Bến Xuân, Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi... Cũng trong khoảng 1940-1943, một sự cộng tác văn nghệ và hoạt động cách mạng gắn bó hai nhân tài: Văn Cao-Phạm Duy.
Năm 1942, Văn Cao lên Hà Nội học dự thính (auditeur libre) trường Mỹ Thuật Đông Dương, và thơ văn của ông được Vũ Bằng đăng trên Tiểu thuyết thứ bẩy.
1943, triển lãm tranh lần đầu ở Salon Unique (Triển lãm Độc đáo). Tác phẩm Les Suicidés(Những kẻ tự sát) của Văn Cao gây tiếng vang trong giới hội hoạ, đã có ý thức cách mạng (theo Tạ Tỵ).
1944, Văn Cao được Vũ Quý, quyền bí thư Thành Ủy Hà Nội, giác ngộ vào Việt Minh, giao công tác viết bài hát cho khoá Quân chính kháng Nhật, Văn Cao sáng tác Tiến quân ca.
1945, Văn Cao vào Đội Trừ Gian. Tháng 7/45, bắn chết Đỗ Đức Phin [bị Việt Minh coi là gián điệp cho Nhật] ở Hải Phòng. Bắn hụt Cung Đình Vận và Võ Văn Cẩm tại Hà Nội. Làm báo Lao Động (bí mật). Văn Cao tự tay chép lời và nhạc Tiến quân ca vào đá (litho), in trên Lao Động số 1, tháng 11/1944.
1945, sáng tác Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (thơ), in trên Tiên Phong số 9, tháng 4/46, và một loạt các ca khúc: Chiến sĩ Việt Nam, Chiến sĩ Hải quân, Chiến sĩ Không quân, Bắc Sơn. BàiKhông quân Việt Nam, đăng trên Tiên Phong tháng 8/1946, sau này trở thành bài đoàn ca của Không quân Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày 17/8/1945, trong buổi mít-tinh của công chức, bài Tiến quân ca được Phạm Duy “cướp micro” hát lần đầu tiên và duy nhất tại nhà Hát Lớn, Hà Nội (theo Văn Cao).
Ngày19/8/1945, Việt Minh “cướp chính quyền”, dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong do Văn Cao điều khiển hát bài Tiến quân ca tại quảng trường Nhà hát lớn.
Giữa tháng 9/1945, Vũ Quý bị chết trong một hoàn cảnh bí mật.
Đầu năm 1946, Quốc hội khoá I công nhận Tiến quân ca là Quốc ca Việt nam.
1946, Văn Cao sáng tác bài thơ Ngoại ô mùa đông 46, in trên Văn Nghệ số 2, tháng 4/1948.
Theo Tạ Tỵ và Vũ Bằng, Văn Cao có vợ trước cách mạng tháng Tám. Nhưng có lẽ chỉ mới đính hôn, sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/46), Văn Cao và gia đình Thúy Băng rời Hà Nội ra chợ Đại (gần Hà Đông, thuộc Liên Khu Ba) mới chính thức làm lễ cưới ở thôn Ba Thá. Ở Liên Khu Ba không được bao lâu, Văn Cao nhận được chỉ thị lên Phú Thọ, rồi lên Lào Cai, mở Quán Biên Thùy trá hình làm tình báo trong Liên Khu 10, từ xuân 1947 đến thu 1947. Phạm Duy có lên hát ở đây.
Mùa thu 1947, Văn Cao được lệnh về Vĩnh Yên làm báo Độc Lập. Rồi lại được lệnh trở lên Việt Bắc. Trên đường ngược sông Lô lên Phú Thọ, Văn Cao mục kích chiến địa hoang tàn: Tháng 10/47, quân Pháp, gồm mười lăm tiểu đoàn, chia làm nhiều đạo tấn công Việt Bắc, mục đích tiêu diệt Bộ chỉ huy kháng chiến, nhưng không thành. Cụ Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng không bộ) bị chết. Ngày 7/10, Pháp chiếm Sơn Tây. 12/10, Việt Minh kêu gọi triệt để áp dụng chiến thuật tiêu thổ kháng chiến. 13/10 quân Pháp chiếm Bắc Cạn, Cao Bằng. 20/10 Pháp chiếm Yên Bái. 21/10 Pháp chiếm Chapa. 30/10/47 Pháp chiếm Lao Cai. [Bản thảo Kiều Loan của Hoàng Cầm bị mất, vì phải ném xuống hồ Ba Bể cùng các bản thảo khác].
Theo Phạm Duy, sau chiến thắng sông Lô, Cục Chính trị điều động các nhạc sĩ viết về Sông Lô để kích động tinh thần chiến sĩ: Lương Ngọc Trác sáng tác Lô Giang; Văn Cao, trường ca Sông Lô (mùa đông 1947, in trên Văn Nghệ số 1, tháng 3/48); Đỗ Nhuận: Du kích sông Thao; Nguyễn Đình Phúc: Bến bình ca; Phạm Duy: Tiếng hát trên sông Lô (Tuyên Quang, 1947).
Trường ca Sông Lô được Phạm Duy đánh giá là “tác phẩm vĩ đại, chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương” (Hồi ký II, trang 122).
Tháng 3/1948, Văn Cao được kết nạp vào Đảng. Sáng tác Ngày mùa.
Cuối năm 1948, Văn Cao được lệnh về Liên Khu Ba. Gặp lại Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị… Sáng tác Tiến về Hà Nội. Tổ chức triển lãm chung, bức tranh Cây đàn đỏ của Văn Cao bị phê bình.
Giữa năm 1949, Văn Cao lại được lệnh trở lên Việt Bắc (Theo Hoàng Văn Chí, vì sợ gia đình Văn Cao về thành, Việt Minh điều động Văn Cao lên Việt Bắc). Chuyến đi rất gian nan nguy hiểm (theo Nguyễn Thụy Kha).
Đầu 1950, Pháp đánh Liên Khu Ba, Đống Năm (Thái Bình) bị phá nát. Văn nghệ sĩ, người thì vào Liên Khu Tư vùng tướng Nguyễn Sơn, người thì về thành. Trong số những người về thành có: Vũ Bằng, Kim Tiêu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Phan Tại, v.v…
Tại Việt Bắc, Văn Cao tham gia chiến dịch biên giới. Phụ trách giảng dạy ở trường Âm Nhạc Việt Bắc. Sáng tác: Tiểu đoàn Lũng Vài, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Công nhân Việt nam, Toàn quốc thi đua…
1952, Văn Cao được cử đi Mạc Tư Khoa trong phái đoàn văn hoá Trần Huy Liệu. Theo Hoàng Văn Chí, Trong dịp này Văn Cao được gặp nhà nhạc sĩ số một Liên Xô là Chostakovitch“. Nhưng trong các tài liệu khác, không thấy nói đến cuộc gặp gỡ này. Có thể vì Chostakovitch là người có “vấn đề”, số phận cũng trầm luân, tương tự Văn Cao?
Hoàng Văn Chí viết tiếp: “Tuy nhiên sau khi đi Mạc Tư Khoa về, Văn Cao bắt đầu tỏ ý thất vọng: Liên Xô không phải là thiên đường như ông vẫn tưởng tượng. Thêm vào đấy, khi ông về nước thì cuộc đấu tố địa chủ cũng vừa bắt đầu, ông được cử đi tham quan mấy vụ đấu tố điển hình ở Việt Bắc”. (Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, trang 221)
Nguyễn Thụy Kha, viết về chuyến đi Liên Xô như sau:
“Được chọn đi thăm Liên Xô trong phái đoàn của ông Trần Huy Liệu, Văn Cao lần đầu tiên xuất ngoại, lần đầu tiên mở mắt nhìn ra thế giới của chủ nghiã xã hội -một lý tưởng mà chàng tôn thờ, đeo đuổi suốt tuổi trẻ (…)
Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, cái chết đầy bí hiểm của Vũ Quý -người giác ngộ chàng, dẫn dắt chàng vào con đường cách mạng- đã làm chàng choáng váng. (…)
Sang Liên Xô, tận mắt nhìn thấy, tiếp xúc với “thành trì của chủ nghiã xã hội”, “Thiên đường của loài người”, Văn Cao mới vỡ lẽ ra nhiều” (Nguyễn Thuỵ Kha, Văn Cao người đi dọc biển, trang 64-65).
Có thể nói, chuyến đi Liên Xô 1952, đối với Văn Cao tương tự như chuyến đi Liên Xô 1936 đối với André Gide: nhìn thấy mặt thật của “thiên đường”.
1954, hoà bình lập lại, Văn Cao phụ trách ban nhạc của đài Phát thanh Hà Nội.
1956, tham gia Nhân Văn Giai Phẩm với bài thơ Anh có nghe không, đăng trên Giai phẩm mùa xuân. Sáng tác trường ca Những người trên cửa biển, một đoạn in trên Giai phẩm mùa thu, tập II.
1958, bị kỷ luật, nhưng không nặng như các thành viên chính, chỉ phải đi thực tế Điện Biên cùng Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng. Đến Hai Lót, Văn Cao bị đau dạ dày, được đưa về bệnh viện Lai Châu.
Sau Nhân Văn, người ta đã định chọn Bài ca cách mạng tiến quân của Đỗ Nhuận để thay thế, nhưng rồi Tiến quân ca vẫn được giữ lại. Các tác phẩm khác của Văn Cao bị cấm. Chìm vào quên lãng trong ba mươi năm, Văn Cao sống cô đơn và gian khổ như các thành viên NVGP khác. Để sống, ông vẽ bìa sách, minh họa cho các báo, trang trí sân khấu, làm nhạc đệm cho một số phim…
Sau ngày thống nhất đất nước, Văn Cao sáng tác Mùa xuân đầu tiên (1976), không được hát, có lẽ vì những câu “Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”.
1980, Hiến Pháp mới không ghi Tiến quân ca là quốc ca. Trong các buổi chào cờ, người ta cử nhạc. Không lời.
1981, một cuộc “vận động sáng tác quốc ca” được tổ chức quy mô, có thi tuyển, kéo dài trong 2 năm, nhưng cuối cùng vẫn không chọn được bài nào thay thế.
1983, lễ mừng Văn Cao 60 tuổi được tổ chức. Các bản nhạc Thiên Thai, Trương Chi, Suối Mơ… được tình diễn trở lại.
1988, Văn Cao được chính thức “phục hồi” cùng các thành viên NVGP. Tập nhạc Thiên Thai và tập thơ Lá được phép xuất bản.
18/8/1991, trên báo Tiền Phong chủ nhật số 26, xuất hiện bài viết: Tiến quân ca có hai tác giả?của Tô Đông Hải. Lập luận: Văn Cao chỉ viết phần nhạc, lời của Đỗ Hữu Ích. Văn Cao trả lời, trong bài phỏng vấn của Nguyễn Thụy Kha ngày 7/10/91. (Văn Cao vui và buồn sang tuổi cổ lai hy, đăng lại trên Văn Cao cuộc đời và tác phẩm, nxb Văn Học, trang 423).
1993, Quốc hội xác định: Tiến quân ca là quốc ca Việt Nam.
Văn Cao mất ngày 10/7/1995, tại Hà Nội.

Tác phẩm :

Ca khúc: Buồn tàn thu (1939), Thiên Thai (1941), Suối mơ (1942), Thu cô liêu (1942), Bến Xuân (1942-1945, sửa lời và đổi thành Đàn Chim Việt), Cung đàn xưa (1942), Trương Chi(1942), Vui lên đường, Gió núi, Anh em khá cầm tay, Chiều buồn trên Bạch Đằng Giang(1941), Gò Đống Đa (1942), Thăng Long hành khúc ca (1943), Tiến quân ca (1944), Chiến sĩ Hải quân (1945), Chiến sĩ Không quân (1945) Bắc Sơn (1945), Chiến sĩ Việt Nam (1945), Làng tôi (1947), Sông Lô (1947), Ngày mùa (1948) Tiến về Hà Nội (1949), Ca ngợi Hồ Chủ tịch(1949). Mùa xuân đầu tiên (1976)… [Thời điểm sáng tác nhiều tác phẩm không chính xác vì các tài liệu ghi khác nhau].*

Đã in : Thiên Thai, tuyển tập nhạc Văn Cao (nxb Trẻ 1988), Lá (nxb Tác Phẩm Mới, 1989) 28 bài. Tuyển tập Văn Cao, (nxb Văn Học, 1994) gồm các bài đã in trong Lá, thêm 20 bài nữa.

Văn Cao có để lại hồi ký không?

Viết về Văn Cao, câu hỏi đầu tiên là: Văn Cao có để lại hồi ký không?
Có hai cuốn sách đáng chú ý: Văn Cao, người đi dọc biển của Nguyễn Thụy Kha (nxb Lao Động 1991), trình bày như lời “ký thác” của Văn Cao. Và cuốn Nhạc sĩ Văn Cao, tài năng và nhân cách của Bích Thuận, (nxb Thanh Niên, 2005), trình bày như lời “ký thác” của bà Văn Cao Nghiêm Thúy Băng.
- Nguyễn Thụy Kha là một trong những cây bút trẻ, được gần gụi Văn Cao lúc cuối đời. Tác phẩm viết giọng tự thuật, như Văn Cao kể lại chuyện mình, đã nói lên được phần nào tâm sự của Văn Cao. Tuy nhiên, có những nhược điểm: Không rõ đâu là lời Văn Cao, đâu là lời Thụy Kha. Không rõ chỗ nào thực, chỗ nào tác giả thêm vào. Thí dụ, đoạn viết về Tiến quân ca, nếu so sánh với bản hồi ký đích thực của Văn Cao tựa đề Bài Tiến quân ca (Sông Hương số 26 tháng 7/1987) thì đã bị cắt xén rất nhiều. Những chỗ có tên Ph. D (Phạm Duy) đã biến mất. Có đoạn sửa đi và thêm vào mấy chữ mơ hồ cho người ta hiểu đó là Nguyễn Đình Thi. Ví dụ, Thụy Kha viết:
“Căn gác số 171 phố Mông-grăng, Hà Nội chợt lặng phắc như vừa qua bão tố. Vũ Quý và Nguyễn Đình Thi đã đi chỉ còn lại Văn Cao với bản nháp bài “Tiến quân ca”. Mới ít phút trước, căn gác còn vang lên giọng hát trầm ấm của Văn Cao trong nhịp hành khúc rắn rỏi này. Vẫn còn nguyên gương mặt xạm đen của Vũ Quý. Đôi mắt và nụ cười lấp lánh. Nụ cười thật hài lòng. Vẫn còn nguyên gương mặt đẹp trai của Nguyễn Đình Thi và nụ cười hồn nhiên khi nhẩm xướng âm bài hát. Thi còn nói với Văn Cao: “Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về mật trận Việt Minh xem sao” (trang 29) Trong đoạn này, Nguyễn Thụy Kha kín đáo cho biết Nguyễn Đình Thi (và Vũ Quý) là người chứng kiến sự ra đời của Tiến quân ca.
Nhưng Văn Cao không viết vậy. (Xin đọc toàn bài của Văn Cao trong phần phụ lục ở dưới). Văn Cao cho biết khi ông sáng tác Tiến quân ca thì Phạm Duy ở cùng và : “Anh [Phạm Duy] rất tôn trọng những phút tôi ngồi vào bàn với tập bản thảo và chờ đợi âm thanh từng câu nhạc được nhắc đi nhắc lại. Anh là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến quân ca”
Và ở đoạn sau, ông viết:
“Trước mắt tôi mảnh trời xám và lùm cây của Hà Nội không còn nữa. Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và nhiều hy vọng.
Và bài hát đã xong. Tôi nhớ lại nụ cười thật hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen xạm, đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh. Tôi nhớ lại nụ cười hồn nhiên của đồng chí Nguyễn Đình Thi khi xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát đó. Thi nói với tôi:
- Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao?”
Đọc Văn Cao thì hiểu là khi lên Việt Bắc ông mới đưa tác phẩm cho hai đồng chí Vũ Quý và Nguyễn Đình Thi. Cũng không thấy Văn Cao nói đến khuôn mặt đẹp trai của Nguyễn Đình Thi. Như thế, chỉ cần thay đổi vị trí một vài câu chữ trên văn bản, hoạc thêm vào vài chữ, là ý nghĩa của văn bản có thể hoàn toàn thay đổi.
- Bài hồi ký tựa đề Bài tiến quân ca của Văn Cao trên Sông Hương năm 1987, được cắt ngắn, thành bài Tại sao tôi viết Tiến quân ca, (in trong Thiên thai, tuyển tập nhạc Văn Cao, nxbTrẻ, 1988, in lại trong Văn Cao cuộc đời và tác phẩm, trang 86). Bản sau, đề ngày viết 7/7/76 để có vẻ như viết trước bản Sông Hương. Nhưng so sánh hai văn bản, thì ngoài việc cắt bỏ, sửa các lỗi in trong bản Sông Hương, câu văn cũng được “biên tập” lại: ngắn gọn hơn, thêm chấm phẩy, làm mất thi tính trong nguyên tác. Câu “những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim” của Văn Cao được sửa thành “Những băng cờ đỏ sao vàng đã thay cho những băng vàng bẩn thỉu của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Văn Cao không viết như vậy. Một người tự trọng không viết như vậy. Huống hồ tác giả Tiến quân ca không thể không biết rõ lịch sử, biết rõ công việc của chính phủ Trần Trọng Kim.
- Cuốn sách của Bích Thuận có ý lãng mãn hoá và tô điểm cho Văn Cao trở thành nhà cách mạng trung thành với Bác và Đảng. Một điểm đáng lưu ý, chỗ bà trích một đoạn hồi ký của Văn Cao, viết về bài Tiến Về Hà Nội, có câu:
“Văn Cao viết trong hồi ký: “Tôi còn nhớ trong một buổi họp ở chi bộ Liên Khu Ba, tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến, Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói…” Trích đoạn này dài hơn một trang (trang 77-78).
Nhờ câu “Văn Cao viết trong hồi ký”, của bà, mà chúng ta biết Bích Thuận đã được đọc hồi ký của Văn Cao, ít nhất là một mảng, ngoài Bài Tiến quân ca, in trên Sông Hương.
Cuốn sách của Nguyễn Thụy Kha, đoạn mô tả Văn Cao lùng “Việt gian” V.V.C, có những chi tiết mà ngoài Văn Cao không ai biết được. Rồi những câu như: “Sông Hương, quả là một lưỡi kiếm dựng giữa trời xanh – Tiếng nước rơi bán âm – Chợt xé ra một nỗi nhớ sông Hương trong cảm xúc, v.v…”, xem ra rất Văn Cao, lác đác trải dài trong tác phẩm.
Vậy nguồn của những câu, những chữ ấy là đâu? Nếu từ những trang hồi ký đích thực của Văn Cao, thì hiện giờ chúng ở đâu? Nguyễn Thụy Kha và Bích Thuận đã “làm việc” như thế nào với những trang hồi ký ấy?
Để ghi lại chân dung một người, không gì bằng in thẳng những điều người ấy viết, trước hết, vì tôn trọng sự thật của tác giả và nhất là khi người ấy có bút pháp độc đáo như Văn Cao, vì tôn trọng văn chương của tác giả.

Nhưng đây là sự kiện thường hay xẩy ra cho các tác phẩm in ở Việt Nam. Phát xuất từ những lý do:
- Chính sách thô bạo của chính quyền đối với những chữ, những câu, những tác phẩm không đi đúng đường lối của Đảng (kiểm duyệt, tịch thu, cách chức Tổng biên tập, v.v…)
- Sự sợ hãi và sự tự kiểm của nhà xuất bản.
- Sự an phận và đồng tình của giới văn học (kể cả một số người ở ngoài nước về in trong nước) qua lập luận “nước mình nó thế!”. Biết nó thế thì phải hành động làm sao cho nó thay đổi đi. Nhưng không. Chấp nhận tất cả. Lý lẽ: thà bị cắt, nhưng in được, còn hơn không được in gì!
- Sự sợ hãi của tác giả, hoặc thân nhân (nếu tác giả đã qua đời). Đặc biệt, đối với những gia đình NVGP, sau gần nửa thế kỷ bị trù giập, không mấy ai còn muốn đối đầu. Họ muốn xoá “dấu chàm” trên trán để có thể sống bình thường. Muốn được chính quyền “nhìn nhận”. Các giải thưởng, huân chương, chính là sự “nhìn nhận” ấy. Những người Nhân Văn “được” giải thưởng lúc cuối đời, đứng trước lựa chọn: gia đình hay khí phách. Họ đã chọn gia đình. Nhận giải thưởng không vì tùng phục, mà vì thương gia đình, muốn con cháu thoát nạn Lý lịch ba đời mấy đứa con thơ, như lời Lê Đạt.
- Những điều đã bị bỏ, bị sửa, dưới mắt người kiểm duyệt và người bị kiểm duyệt, có thể chỉ là những “chi tiết không quan trọng”. Nhưng nhiều “chi tiết không quan trọng”, bị đục bỏ, thêm thắt, xuyên tạc có thể thay đổi hẳn cục diện tác phẩm. Bằng chứng trước mắt là văn bản Bài Tiến quân ca của Văn Cao. Đó là một hình thức ngụy tạo tác phẩm, ngụy tạo sự thật. Nhiều tác phẩm ngụy tạo sẽ dựng nên một lịch sử ngụy tạo.
- Một câu hỏi đặt ra: Tại sao báo Sông Hương, tháng 7-8 năm 1987, do Tô Nhuận Vỹ làm tổng biên tập và và Nguyễn Khắc Phê làm phó tổng biên tập, đã “dám” in đầy đủ bài của Văn Cao, không cắt xén. Và sau này, không ai “dám” in lại văn bản này?
Tóm lại, tình trạng chung của các sách viết ở miền Bắc trước 1975 và cả nước sau 1975, về văn học hay lịch sử cận đại, là đương nhiên phải gạt bỏ những người bị chính quyền coi là “phản động”, là “ngụy”, nghĩa là một nửa nước, ra ngoài. Vì vậy, khó có thể dựa vào những văn bản như thế để nghiên cứu văn học và lịch sử. Sớm muộn gì rồi Việt Nam cũng sẽ thoát ra khỏi tình trạng hiện tại. Người nghiên cứu, nếu muốn cho tác phẩm của mình tồn tại sau thời kỳ toàn trị, thì không thể cứ viết mãi về một nửa nước. Không ai cần biết Nguyễn Du, Xuân Hương… có “trung thành” hay “phản động” đối với Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh. Nhưng một cuốn sách viết về văn học thời kỳ Nguyễn Huệ-Nguyễn Ánh mà gạt Nguyễn Du, Xuân Hương… ra ngoài, sẽ là vô dụng.

Văn Cao trước kháng chiến

Người viết hay nhất và đầy đủ nhất về Văn Cao là Phạm Duy.
Phạm Duy có thói quen ghi chép khá cặn kẽ những sáng tác hay của các bạn. Riêng với Văn Cao, Phạm Duy chép từ những bản nhạc hướng đạo, ít người biết, đến những lời hai, tuyệt vời, nhưng ca sĩ lười không hát, của tác phẩm nổi tiếng như Trương Chi.
Tạ Tỵ viết: “Phải thừa nhận rằng, nếu không có giọng hát của Phạm Duy, nhạc Văn Cao cũng khó mà phổ biến; trái lại nếu không có Văn Cao, chưa chắc Phạm Duy đã sáng tác! Cả hai hỗ trợ nhau, cùng dìu nhau đi vào bất tử!” (Tạ Tỵ, Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, nxb Thằng Mõ, Hoa Kỳ 1990, trang 39).
Văn Cao gặp Phạm Duy lần đầu năm nào? Theo Phạm Duy, là khi ông theo gánh hát Đức Huy-Charlot Miều xuống Hải Phòng, nhưng chỗ ông ghi 1943, chỗ 1944, chắc là nhầm. Đọc kỹ những chi tiết trong hồi ký Phạm Duy, thì biết lúc đó Văn Cao còn “đang thất nghiệp” và đã sáng tác những bản Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Cung đàn xưa… vậy họ gặp nhau sớm hơn, và chắc chắn trước khi Văn Cao sáng tác Suối mơ và Bến xuân [1942], bởi vì “Khi 2 nhạc phẩm được in ra, tên Phạm Duy xuất hiện lần thứ nhất trước công chúng, bên cạnh tên Văn Cao” (Tạ Tỵ, Phạm Duy còn đó nỗi buồn, Văn Sử học, Sàigòn 1971, trang 47).
Sở dĩ có sự lộn xộn về ngày tháng, có thể vì Phạm Duy vác đàn đi khắp đất nước, riêng Con đường cái quan (xuyên Việt) ông đi về ít nhất 5 lần trong kháng chiến. Văn Cao viết trong hồi ký: “Tôi thường nhìn Ph. D. mỗi lần anh đóng gói đi xa và lắng nghe tiếng còi tàu ngoài ga Hàng Cỏ để chờ một chuyến tàu đêm”. (Văn Cao, Bài tiến quân ca, Sông Hương số 26, tháng 7/1987).
Cuối cùng, trở lại với lời tâm sự của Văn Cao khi ở Huế năm 1940: “Đầu năm nay [1940] nó xuống Hải Phòng. Và “Buồn tàn thu” đã được nó lôi đi hát vang lên trên các nẻo đường xứ Bắc. Và thế là người yêu nhạc chốn Hà Thành đã biết có một Văn Cao tiếp sau Đặng Thế Phong”(Nguyễn Thụy Kha, Văn Cao người đi dọc biển, trang 17).
Vậy chúng tôi tạm cho rằng Văn Cao gặp Phạm Duy lần đầu năm 1940 là hợp lý hơn cả, và từ đó phát xuất một tình bạn lâu dài trong sáng tác và hoạt động cách mạng.
Phạm Duy viết:
“Văn Cao là tên thật, họ Nguyễn, ra đời sau tôi vài năm tại bến Bính, bên dòng sông Cấm. Cha (hay anh ruột, tên là Tú) làm cai của nhà máy bơm nước ở bờ sông đó nên suốt thời niên thiếu, anh sống trong nhà máy nước này. Học tiểu học tại trường Bonnal, trung học ở trường Saint Joseph, Văn Cao đã có khiếu văn nghệ ngay từ khi còn đi học. Ăn ở trong một căn nhà nhỏ có cái máy bơm rất lớn nằm chình ình giữa nhà suốt ngày đêm hút nước từ dưới sông lên không lúc nào ngưng nghỉ, Văn Cao còn vất vả hơn nữa là phải lấy một tấm phản kê lên máy bơm để làm bàn học. Sau này nhớ tới “giọng máy bơm nước”, Văn Cao sẽ có câu thơ:
Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy…
(Anh có nghe không, trong Lá, tuyển tập thơ Văn Cao).
Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày-tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng (và văng tục) từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà “xổ chữ nho”. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe. Anh ta thích hút thuốc lào từ khi còn trẻ, có lần say thuốc ngã vào tay tôi. Về sau, anh còn nghiện rượu rất nặng” (Phạm Duy, Hồi ký I, Thơ Ấu Vào Đời, trang 234-235).
Nhận xét về thơ Văn Cao, Phạm Duy viết:
“Vào năm 1941 mà anh đã có những câu thơ nghe như thơ Huy Cận:
Sông chầm chậm chảy trong mưa
Nghe chừng cô gái đã thưa nhát chèo
Mưa trong trăng tiếng nhỏ đều
Bến mờ mịt: mấy mái lều bơ vơ (Đêm mưa)
Chưa gặp Văn Cao nhưng tôi đã biết tài soạn nhạc qua mấy bài nhạc hùng của anh rồi. Khi tới Hải Phòng, sau khi gặp Hoàng Quý tôi tìm đến Văn Cao. Cũng như tất cả thanh niên “mỏ trắng” (blanc bec) thời đó, Văn Cao đang thất nghiệp sau một tháng làm việc tại Nhà Bưu Điện. (…) Gặp tôi đang lập cuộc đời mới trong một gánh hát thì kết thân ngay. Lúc đó, tôi đã tập toẹ đánh đàn với các nhạc sĩ trong ban nhạc Tây của gánh Đức Huy (…) Và tôi đã hát cho Văn Cao nghe. Nghe xong, Văn Cao vội vàng đưa cho tôi dăm ba bài anh ta mới làm xong. Lúc đó bên cạnh hai đứa chúng tôi còn có Đỗ Hữu Ích, con ông chủ bán đồ sắt phố Hàng Đồng, soạn lời ca rất hay. Đa số những bản đầu tay của Văn Cao đều đã được Đỗ Hữu Ích giúp đỡ phần lời ca.” (Phạm Duy, Hồi ký I, trang 236-237)
Phạm Duy không nhắc đến việc ông phụ giúp bạn làm lời các bài Suối mơ, Bến xuân. Ngược lại, ông nhắc nhiều đến công của Đỗ Hữu Ích. Có thể vì Phạm Duy đã có một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ Ngàn lời ca, với 45 ca khúc trong 6 năm kháng chiến, trong khi Đỗ Hữu Ích không mấy ai biết đến. Phạm Duy cũng giải thích việc bạn bè phụ giúp Văn Cao:
“Có đôi khi Văn Cao không hoàn tất vài ba sáng tác của mình, có thể vì anh là người vung vãi tài hoa nhưng thiếu tự tin. Bạn bè ở bên anh có cơ hội giúp anh hoàn thành những gì anh bỏ dở. Cũng nên biết rằng những bài hát đầu tiên của Văn Cao, về phần lời ca, còn có thêm sự phụ giúp rất hữu hiệu của một anh bạn khác là Đỗ Hữu Ích”. (Hồi ký II, Cách mạng kháng chiến, trang 49-50).
“Bạn bè” ở đây có cả Hoàng Quý, Kim Tiêu… những người chơi thân với Văn Cao lúc bấy giờ. Việc tranh chấp sau này về lời bản Tiến quân ca, dường như cũng ở trong bối cảnh tương tự: có thể Đỗ Hữu Ích đã phụ giúp ý kiến. Bởi nếu Đỗ Hữu Ích làm cả lời ca, thì tại sao ông lại không “kiện” Văn Cao, ít nhất là từ sau 1954, khi hoà bình lập lại, mà lại để đến năm 1991 mới lên tiếng?
Hình như người ta muốn hạ bệ Văn Cao một lần nữa, vào thời điểm 1991 này.

Về tính nhút nhát của Văn Cao, Phạm Duy viết:
“Lúc đó, Văn Cao đã nổi danh vì những bản nhạc thanh niên và hướng đạo nhưng nếu có ai hỏi anh có phải là nhạc sĩ Văn Cao hay không thì không hiểu vì sao cu cậu cứ trả lời là không!”(Phạm Duy, Hồi ký II, trang 49)
Văn Cao cũng xác nhận sự nhút nhát này:
“Mày ơi! Vì sao mày đưa nàng đến để cùng tập những bài hát đầu tay của tao (…) Tao chỉ là một Văn Cao hết sức nhút nhát trước phái yếu. Nhút nhát đến gàn dở. Tuyết đến rồi qua nhanh khi Sài gòn lùi lại sau lưng. Mày đã biết rồi đấy, tao bao lần không dám nhận mình là Văn Cao” (Nguyễn Thụy Kha, Văn Cao người đi dọc biển, trang 23).

Phạm Duy đặt Văn Cao trong bối cảnh Tân Nhạc Việt Nam trước kháng chiến với hai loại Nhạc hùng và nhạc tình, và ông xác định sự đóng góp của Văn Cao trong mỗi thể loại:
“Vào năm 1944 này, Tân Nhạc Việt Nam đã qua giai đoạn chuẩn bị với những bài ta theo điệu tây và bước vào giai đoạn thành hình với hai loại nhạc tình và nhạc hùng. Nhạc hùng đã được hai nhóm là Tổng Hội Sinh Viên ở Hà Nội và Đồng Vọng ở Hải Phòng làm cho khởi sắc với những bản hùng ca của hai người cầm đầu hai nhóm là Lưu Hữu Phước và Hoàng Quý. Trước đó, đã có những bài hát hướng đạo cũng như những bài lịch sử ca soạn ra để cổ võ lòng yêu nước của thanh niên (cho nên được gọi là thanh niên- lịch sử ca), như :
Vui ca lên nào anh em ơi!
Hát cho đời thắm tươi… (Linh Mục Thích)
Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ (Hoàng Đạo Thúy)
Bây giờ hai nhóm Tiếng gọi sinh viên và Đồng Vọng tung ra những bài như Vui Xuân, Bạn Đường, Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước, Đêm Trong Rừng, Bóng Cờ Lau, Nước Non Lam Sơn của Hoàng Quý. Đều là những bài hát hay nhưng chỉ hay một cách bình thường.
Văn Cao đóng góp vào loại nhạc hùng này với những bài như Vui Lên Đường, Gió Núi, Anh Em Khá Cầm Tay, Đống Đa, Thăng Long Hành Khúc…Theo tôi, những hướng đạo ca và thanh niên-lịch sử ca của Văn Cao có nhiều souffle (hơi thở) hơn trong câu nhạc và có nhiều tính thơ hơn trong lời ca. Trong những bài ca hướng đạo Anh Em Khá Cầm Tay, Gió Núi ta đã thấy manh nha những phóng bút tuyệt vời của Chiến Sĩ Việt Nam, Bắc Sơn hay Thiên Thai, Trương Chi sau này (…) Về phần nhạc hùng thì bài Đống Đa với câu ca:”Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa… nó phải dẫn tời bài Tiến quân ca của Cách Mạng Tháng Tám” (Hồi ký I, trang 237-239).

Về nhạc tình của Văn Cao, Phạm Duy viết:
“Vào đầu thập niên 40, nhạc tình ở Hà Nội nằm trong tay nhóm Myosotis (Hoa Lưu Ly) với những bài như Thuyền Mơ, Khúc Yêu Đương, Hồ Xưa… của Thẩm Oánh, Tâm Hồn Anh Tìm Em của Dương Thiệu Tước và trong tay nhóm Tricéa với những bài như Đoá Hồng Nhung, Bóng Ai Qua Thềm của Văn Chung, Bẽ Bàng của Lê Yên, Cô Lái Thuyền, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn. Nhạc tình đang phổ biến dữ dội lúc đó cũng còn là của một người Nam Định, Đặng Thế Phong với ba bài hát mùa Thu: Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến và Giọt Mưa Thu… Ở Hải Phòng, nhạc tình là địa hạt của Lê Thương với những bài đầu tay rất hay như Bản Đàn Xuân, Một Ngày Xanh (hay Bên Bờ Đà Giang), Nàng Hà Tiên… Nhất là với bài Thu Trên Đảo Kinh Châu soạn trên âm giai Nhật Bản và đang rất thịnh hành (đến độ đi vào nhạc mục của Hát Quan Họ ở Bắc Ninh).
Trong không khí nhạc tình lãng mạn toàn nói về mùa Thu như vậy, chàng tuổi trẻ Văn Cao cũng soạn ra những bài hát mùa Thu như Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu… nhưng chưa bao giờ anh có cơ hội để phổ biến. Tôi sẽ là người đầu tiên đem nhạc của Văn Cao đi – nói theo lời Văn Cao đề tựa trong một bài hát – gieo buồn khắp chốn. Danh từ người du ca đầu tiên cũng do chính Văn Cao đã gán cho tôi với một sự thèm sống cuộc đời “xướng ca vô loài” như tôi lắm lắm” (Hồi ký I, trang 240-241)
Sau khi phân tích giá trị từng tác phẩm của Văn Cao, Phạm Duy xác định:
“Nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm Tân Nhạc thì những bài Suối Mơ, Bến Xuân là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam. Sẽ không bao giờ có những bài ca lãng mạn như thế nữa! Sẽ có nhạc tình cảm tính, nhạc tình não tính, nhạc tình nhục tính và ảo tính nhưng không thể có thêm những bài nhạc tình lãng mạn nào hay hơn nhạc Văn Cao” (…) Khi Thiên Thai và Trương Chi ra đời, với tài năng đã đến độ chín mùi, Văn Cao sẽ dắt ta tới đỉnh cao nhất của ái tình cũng như sẽ đưa ta vào cõi sâu thẳm nhất của khổ đau với hai câu chuyện cổ dân gian biến thành hai bản tình ca muôn thủa”. (Hồi Ký I, trang 247- 249)
Phạm Duy cũng không quên nhắc đến vai trò của Kim Tiêu trong việc truyền bá ca khúc Văn Cao:
“Trong đám nam ca sĩ lúc đó, tôi cho rằng Kim Tiêu là người hát hay nhất. Trong khi tôi vác bài Buồn tàn thu đi lưu diễn ở trong Nam thì ở Hà Nội, chính nhờ giọng hát Kim Tiêu mà những bài Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng”. (Hồi ký II, trang 56- 57)
Về số phận người danh ca này, Tạ Tỵ cho biết: Kim Tiêu về thành trước ông nhiều tháng, nhưng sau chống đối, bị Pháp bắt và buộc tội là Việt Minh:
“Vào tù, anh vẫn không sợ, dù bị đánh đập tra khảo thế nào, anh cứ coi thường. Pháp nhốt anh vào xà-lim (Cellule), anh vẫn ca hát, những bài hát của Việt Minh. Sáng nào, anh cũng nắm chặt tay vào song sắt hát bản Tiến quân ca của Văn Cao để đánh thức mọi tù nhân khác dậy. Từ ngoài khu kháng chiến, Văn Cao được tin, cảm động lắm, làm một bài thơ bí mật đem vào Hà Nội, rồi nhờ các cán bộ tình báo nội thành đưa vào Hoả Lò cho ca sĩ Kim Tiêu. Tôi có được đọc cả bài thơ, nhưng lâu ngày, bây giờ chỉ nhớ vài câu:
…Người danh ca ấy nằm trong ngục
Hà Nội nhớ tôi, hát bài ca cũ
Tiếng ca như buổi sớm trong
Tiếng ca vang vang phá phách
Xà-lim nổ tung ra
Cả Hoả Lò vỡ toang thành khối nhạc!…
Câu chuyện về ca sĩ Kim Tiêu, tôi chỉ biết tới đấy, còn sau này, Kim Tiêu sống hay chết trong tù, tôi không hay” (Tạ Tỵ, Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, trang 114).
Trong đoạn viết về Bến Xuân, Nguyễn Thụy Kha có nhắc đến người ca sĩ giọng vàng, nhưng không (dám?) nêu tên, và sau cùng có câu “Và đau đớn nhất là chàng đã chết trong cơn đói không thể nào sống được” (trang 28). Tại sao?
Tìm kỹ thì chúng tôi thấy trong tạp chí Âm nhạc, Minh Hiền viết: “Kháng chiến, Kim Tiêu ở lại hoạt động vùng địch. Ông đã bị bắt. Trong tù, Kim Tiêu vẫn hát vang những bài cách mạng. Khi được thả, ngay giữa Hà Nội tạm chiếm, trong một liên hoan sinh viên, Kim Tiêu đã hát Sông Lô của Văn Cao mà không hề sợ sệt chút nào. Rất tiếc, sau hoà bình, do bị nghi ngờ được thả ra tù vì đã khai báo, Kim Tiêu buồn chán đi lang thang. Càng buồn ông càng hát hay. Kim Tiêu đã hát đến hơi thở cuối cùng ở Ga Hàng Cỏ” (Minh Hiền, Những giọng vàng một thủa, tạp chí Âm Nhạc số 3-4-5, 1994, trang 43-44).
Bi kịch của Kim Tiêu chắc hẳn còn nhiều u uẩn. Cần được tìm hiểu sâu xa hơn nữa.

Văn Cao, hội họa lập thể, trước kháng chiến

Sự cách tân trong hội họa của Văn Cao, sẽ được Tạ Tỵ nhận định.

Tạ Tỵ, sinh năm 1921 tại Hà Nội, là họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ theo lối lập thể từ 1940. Tạ Tỵ theo kháng chiến từ những ngày đầu. Tháng 5/1950, sau khi bức tranh lập thể Mưa núi, bị phê bình gay gắt, ông quyết định về thành. Năm 1951, ông tổ chức cuộc triển lãm tranh lập thể đầu tiên với 60 tác phẩm tại Hà Nội. Năm 1953, bị động viên đi lớp Sĩ quan Thủ Đức. Ông tiếp tục sự nghiệp hội họa tại Sàigòn, với hai cuộc triển lãm lớn năm 1956 và 1961. Tạ Tỵ phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà, cấp bậc sau cùng là Trung Tá. Sau 1975, ông bị đi cải tạo và đưa ra Bắc. 1981 được tha về. 1982, cùng gia đình vượt biển. Viết hồi ký Đáy Điạ ngục (nxb Thằng Mõ, 1985, Hoa Kỳ). Năm 2004, sau khi vợ ông từ trần, Tạ Tỵ trở lại sống tại Sài gòn và mất ngày 24/8/2004. Tạ Tỵ, như Vũ Bằng nhận xét là “một nghệ sĩ “trọn vẹn”, ngoài môn vẽ, viết, thơ ca, anh lại còn có tài về nhạc và trình diễn”. Ông để lại những trang hồi ký giá trị về sinh hoạt văn nghệ Việt Nam, từ tiền chiến đến thập niên 80.

Phạm Duy học Mỹ thuật Đông Dương một năm (40-41) với các thày Nam Sơn, Georges Khánh, Tô Ngọc Vân… và cùng lớp với Võ Lăng, Đinh Minh, Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Quang Phòng, Phan Tại, Nguyễn Thanh Đức, Tạ Thúc Bình, Trần Phúc Duyên…
Phạm Duy viết: “Học trước chúng tôi vài năm là Tạ Tỵ, Phạm Văn Đôn, Trần Văn Lắm, Nguyễn Thị Kim… (…) Tạ Tỵ vẽ dessin hoặc vẽ tranh sơn dầu theo lối cổ điển hay ấn tượng (impressionisme) rất thành công, nhưng anh lại chọn con đường lập thể (cubisme) của Picasso. Ngoài Tạ Tỵ ra tôi không thấy có họa sĩ Việt Nam nào dám đi vào loại tranh đó cả. Tạ Tỵ còn đi xa hơn nữa khi anh đi vào loại tranh vị lai (futurisme)” (Phạm Duy, Hồi ký I, trang 183).
Tạ Tỵ viết về Văn Cao trong bối cảnh hội họa của thập niên bốn mươi:
“Vào những năm 40-41, tôi học chung với nhiều bạn nhưng chỉ có vài người có tinh thần tiến bộ như Nguyễn Đăng Trí, Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng. Cả ba đều học dưới tôi vài lớp. (…) Bùi Xuân Phái người Hà Nội, có đôi mắt to sáng, vầng trán cao với bộ râu đỏ hoe và nụ cười khinh bạc (…) Anh thích vẽ phố vì nhà anh ở gần phố Hàng Thiếc, Hàng Điếu, Hàng Hòm là những con phố cổ của Hà Nội ngày xưa (…) Do vậy, về sau anh em thường gọi đùa là “Phái Phố” ! Tôi và Bùi Xuân Phái sau này còn rất nhiều dịp sống gần nhau để tạo nên kỷ niệm (…) Còn Nguyễn Sáng, người miền Nam, tình tình nóng nẩy. Sáng cũng có vầng trán thật cao, thân xác khỏe mạnh như lực sĩ (…) Nguyễn Sáng khéo tay lắm, nhất là tranh thiếu nữ vẽ trên lụa (…)
“Phạm Duy và Văn Cao cũng có một thời gian theo học Mỹ Thuật cũng như Phan Tại, nhà đạo diễn kịch sau này, nhưng cả ba đều bỏ ngang, có lẽ vì không thích hợp. Chỉ riêng Văn Cao vẫn vẽ, có vài tác phẩm được trưng bày tại Salon Unique năm 1943 do chính phủ Pháp tổ chức. Tác phẩm mang tựa đề “Những kẻ tự sát” (Les suicidés) với bút pháp phong phú gây được nhiều thiện cảm của giới yêu mỹ thuật lúc ấy. Qua tác phẩm này, ý thức cách mạng đã có ở Văn Cao nhưng chưa ai biết (…)
Văn Cao khi ở Hải Phòng, khi lên Hà Nội, mỗi lần có mặt ở thành phố, Văn Cao thường đến tìm tôi mời lại căn nhà ở trong con ngõ nhỏ đường Hàm Long để khoe tranh mới. Trong khoảng thời gian từ 42 đến 45, tôi đâu biết Văn Cao đã dấn thân vào cách mạng, hoạt động bí mật cho Mặt Trận Việt Minh. Quả thật tôi không để ý đến cách mạng và chính trị nên thường có những lập luận đối nghịch với Văn Cao về sáng tác. Văn Cao cho rằng nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi nó phục vụ cho số đông và một bức tranh đẹp phải truyền cảm, gây được ấn tượng tốt cho người xem tranh. Còn tôi cho rằng nghệ thuật, bất cứ ở bộ môn nào, trước hết, phải có bản sắc cũng như đặc tính của nghệ phẩm. Một bức tranh đẹp không cần sự giải thích, chỉ cần sự cảm thông giữa người xem tranh và tác phẩm (…) Nhưng tuy miệng nói vậy, chứ Văn Cao vẽ cũng mới lắm; những bản nhạc như Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi, v.v… được in ra đều do Văn Cao trình bày bìa đi rất gần với trường họa lập thể, mà hồi đó chưa có một bản nhạc nào, cuốn sách nào trình bày dưới hình thức đó”. (Tạ Tỵ, Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, trang 18-34).
Tạ Tỵ còn gặp lại Văn Cao nhiều lần trong kháng chiến và cũng chính ông là người sẽ thuật lại sinh hoạt hội họa trong kháng chiến. Bây giờ hãy tìm hiểu về giai đoạn cách mạng tháng Tám, giai đoạn Tiến quân ca và những ngày lịch sử.

Tiến quân ca và những ngày lịch sử

1945, là thời điểm bản lề, phát xuất sự phân chia quốc-cộng, phân chia Nam-Bắc, phân chia chiến tuyến. Theo Lại Nguyên Ân thì người nghiên cứu ngoài Bắc có rất ít tư liệu văn học về thời kỳ này, phải nhờ đến những bài báo của Vũ Bằng trên Trung Bắc chủ nhật, mà ông vừa tìm lại, ông mới biết được những sự việc như: “Học giả Trần Trọng Kim trong vai trò thủ tướng; việc khôi phục Hà Nội trong quy chế một thành phố của nước Việt Nam độc lập; việc Hà Nội khôi phục đền Trung Liệt thờ những bậc quản thủ đã tử tiết vì thành phố…” (Lại Nguyên Ân, Đôi lời dẫn giải, Vũ Bằng, các tác phẩm mới tìm thấy, Vietstudies).

1945 là năm sôi động nhất của lịch sử cận đại và Tiến quân ca lần đầu tiên đến với quần chúng.

Để giúp bạn đọc theo dõi tiến trình hành động và sáng tác của Văn Cao và các văn nghệ sĩ thời đó, chúng tôi xin nhắc lại một số mốc lịch sử:
4/2/1945, Hội nghị tối cao Đồng Minh họp tại Yalta, chia thế giới làm hai khu vực: vùng ảnh hưởng Nga và vùng ảnh hưởng Anh Mỹ.
Tháng 3/1945 (năm Ất Dậu), nhiều ngàn người chết đói ở Bắc.
9/3/45, Pháp đầu hàng Nhật.
10/3/45, Nhật tuyên bố: ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc Đông Dương.
11/3/45, Viện cơ mật Huế thông báo: hủy bỏ hiệp ước bảo hộ 1884. Việt Nam khôi phục lại chủ quyền.
17/3/45: Vua Bảo Đại tuyên chiếu: đích thân cầm quyền theo nguyên tắc Dân vi quý.
17/4/45: Bảo Đại ủy Trần Trọng Kim lập chính phủ, thành phần: Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Trịnh Đình Thảo, Trần Đình Nam, Hồ Tá Khanh, Lưu Văn Lang, Trần Văn Chương, Nguyễn Hữu Thi. Dùng cờ quẻ LY (cờ vàng ba sọc đỏ) làm quốc kỳ và tiếp tục lấyĐăng đàn cung làm quốc ca.
Học giả Trần Trọng Kim giải thích:
“Nước Việt Nam đã là một nước tự chủ thì phải có quốc kỳ và quốc ca. Bài quốc ca thì từ trước vẫn dùng bài “Ðăng Ðàn” là bài ca rất cổ, mà âm điệu nghe nghiêm trang. Chúng tôi nghĩ: trước khi có bài nào hay hơn và có nghĩa lý hơn thì hãy cứ dùng bài ấy.
Còn lá quốc kỳ, mỗi người bàn một cách, chúng tôi định đem hỏi mọi người trong nước và ai có ý kiến gì, thì vẽ kiểu gửi về. Có kiểu lá cờ vàng có quẻ ly ở giữa là có ý nghĩa hơn cả. Chúng tôi định lấy kiểu ấy làm quốc kỳ.
Lá cờ vàng là từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc Sử Diễn Ca nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng “Ðầu voi phất ngọn cờ vàng”. Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc, lấy dấu hiệu quẻ ly là vì trong lối chữ tối cổ của ta có tám chữ viết bằng vạch liền (dương) và những vạch đứt (âm) để chỉ tám quẻ, chỉ bốn phương chính và bốn phương bàng, nói ở trong kinh dịch, mà quẻ ly chủ phương nam. Chữ LY còn có nghĩa là lửa, là văn minh, là ánh sáng phóng ra bốn phương.
Lấy sắc vàng là hợp với lịch sử, lấy quẻ ly là hợp với vị trí nước nhà lại có nghĩa chỉ một nước văn hiến như ta thường tự xưng. Như thế là lá cờ vàng quẻ ly có đủ các ý nghĩa”. (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi (hồi ký), chương 4, đã có trên Internet)
20/7/45 Nhật trả chính phủ Việt Nam các cựu nhượng địa Pháp: Hà Nội, Hải Phòng Đà Nẵng.
1/8/45 Đốc lý Trần Văn Lai cho phá các tượng Pháp ở Hà Nội: tượng Paul Bert, Jean Dupuis, Đầm Xoè ở Cửa Nam, Đài kỷ niệm lính Khố Xanh, Khố Đỏ.
9/8/45 Nagasaki bị ném bom nguyên tử.
13/8/45 Đảng Cộng sản Đông Dương nhóm họp tại Tuyên Quang, quyết định: Tổng khởi nghiã, đoạt khí giới quân Nhật, chiếm chính quyền trước khi quân Đồng Minh đến Đông Dương, lập chế độ Dân chủ cộng hòa.
14/8/45 Nhật trả Nam Bộ cho triều đình Huế.
15/8/45 Nhật hoàng kêu gọi quân đội đầu hàng. De Gaulle cử Leclerc làm tư lệnh Lục quân Pháp tại Đông Dương.
17/8/45 Công chức Hà Nội biểu tình, biểu dương ý chí bảo vệ đất nước, cuộc biểu tình biến thành cuộc biểu tình ủng hộ Mặt Trận Việt Minh. Phạm Duy cướp micro hát Tiến quân ca “lần đầu tiên và duy nhất” tại nhà Hát lớn Hà Nội.
19/8/45 Biểu tình lớn trước nhà Hát lớn, để nghe tuyên bố của Mặt trận Việt Minh. Bài Tiến quân ca được đoàn Thanh niên đồng ca.
22/2/45 Vua Bảo Đại thoái vị.
23/8/45 Thành lập chính phủ lâm thời với Hồ Chí Minh, chủ tịch.
2/9/45 Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Độc Lập tại Ba Đình. Vũ Hoàng Chương làm bài thơ Ngày Độc Lập, đăng trên Tiên phong số 24, ngày 1/12/46.
9/9/45 Quân đội Trung Hoa bắt đầu tới Hà Nội để giải giới quân Nhật.
5/10/45 Leclerc tới Sàigòn, tuyên bố sẽ bình định Nam Bộ
22/12/45 Hồ Chí Minh ký thỏa ước với Việt Quốc và Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, Việt Nam Quốc dân đảng và Đại Việt) lập chính phủ liên hiệp.
13/1/46 Vệ Quốc Quân tấn công bộ đội Việt Quốc tại Việt trì.
Quân Pháp chiếm xong Nam Bộ, tiếp tục đánh ra Bắc.
2/3/46: Thành lập chính phủ liên hiệp với Hồ Chí Minh, chủ tịch; Nguyễn Hải Thần, phó chủ tịch; Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Nội vụ, Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao…
6/3/46 Hồ Chi Minh ký hiệp định Sơ bộ, thừa nhận Việt Nam là quốc gia tự trị trong Liên Hiệp Pháp.
16/3/46 Cố vấn Vĩnh Thụy sang Trùng Khánh
17/4/46 Khai mạc hội nghị Việt Pháp tại Đà Lạt với Nguyễn Tường Tam làm trưởng phái đoàn. Hội nghị thất bại.
Từ tháng 4/46, trở đi, tình hình rối loạn: quân Tưởng đánh nhau với quân Pháp. Bộ đội Việt Minh đánh nhau với bộ đội Việt Quốc. Nguyễn Tường Tam sang Tàu.
6/7/46 Khai mạc hội nghị Fontainebleau, với Phạm Văn Đồng làm trưởng phái đoàn. Chương trình nghị sự: Việt Nam và Liên bang Đông dương.
10/9/46, Hội nghị thất bại.
14/9/46 Đang đêm, chủ tịch Hồ Chí Minh thân hành đến nhà riêng của Bộ trưởng Marius Moutet ký thoả ước tạm thời.
2/11/46 Hồ Chí Minh lập chính phủ mới, không còn tính cách liên hiệp.
19/12/46 Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ.

Tóm tắt công việc của chính phủ Trần Trọng Kim trong hơn ba tháng cầm quyền (từ 17/4 đến đầu tháng 8/45): bỏ Bộ Quốc Phòng, lập Bộ Thanh Niên do Phan Anh đảm nhiệm: Bỏ chiến tranh, rèn luyện tuổi trẻ. Hoàng Xuân Hãn (Bộ trưởng giáo dục và mỹ thuật) soạn thảo một chương trình giáo dục mới. Tiếp nhận các phần lãnh thổ bị Pháp chiếm: Nam Bộ và các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội (Theo Phan Anh, việc này không dễ dàng, vì Nhật không muốn trả). Tổ chức đại lễ kỷ niệm Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ Yên Bái tại vườn Bách Thảo. Phá những tượng đài của thực dân Pháp tại Hà Nội. Đặt lại tên Việt cho các đường phố Hà Nội, v.v…
Về phía các đảng phái, sự đoạn tuyệt đã rõ ràng từ khi bộ đội Việt Minh và Việt Quốc đánh nhau ở Việt Trì. Phe quốc gia, gồm những đảng đối lập với cộng sản, có khuynh hướng khác nhau: thân Tàu (Tưởng Giới Thạch), thân Nhật hoặc thân Pháp. Phe cộng sản: thân Nga, thân Tàu (Mao Trạch Đông).

Nhưng Việt Minh đã thành công trong việc cổ động toàn dân theo Cách mạng tháng Tám. Riêng về phía văn nghệ sĩ, gần như hầu hết những người không cộng sản cũng tham gia kháng chiến: Tạ Tỵ viết khẩu hiệu cho Việt Minh. Phạm Duy cướp micro hát Tiến quân ca. Vũ Hoàng Chương sáng tác Ngày độc lập với những câu thơ:

“… Hai cuộc tang thương tủi đọa đầy
Núi sông còn có buổi hôm nay
Kinh kỳ tám mặt reo đoàn kết
Sóng đỏ gầm quanh ngọn bút này

Ngoài kia dừng chén mà coi
Núi lay xiềng khoá, sông đòi tự do
Lắng nghe dân tộc reo hò
Bốn phương thét lớn gào to: dân quyền…”

Tạ Tỵ thuật lại việc ông viết khẩu hiệu như sau:
“Trước ngày 19/8/1945 là ngày Việt Minh cướp chính quyền, Lê Quốc Lộc đến tìm tôi nói về tình hình chính trị: “Chúng mình không thể ngồi chờ được nữa, phải hành động!” Tôi hỏi: “Hành động cái gì?” Anh nhìn thẳng vào mắt tôi như dò xét: “Tôi nói hành động tức là phải tham gia cách mạng”. – “Cách mạng nào?” Lộc trả lời với một giọng rắn chắc: “Tôi nói thực với cậu, tôi đang hoạt động cho Mặt Trận Việt Minh; tình thế đã chín mùi rồi. Nếu cậu bằng lòng, tôi mời cậu tham gia Mặt Trận”. Tôi đang phân vân chưa biết trả lời ra sao, Lộc nói tiếp: “Công tác cũng nằm trong khả năng của tụi mình thôi, nghiã là chuyên môn”. Tôi ậm ừ trả lời: “Nếu cậu làm được tôi cũng làm được”. Lộc cười, cặp mắt một mí của anh hơi nheo trông giống như hai sợi chỉ kéo thẳng: “Vậy chúng ta bắt tay vào việc nhé!” (…) Chừng nửa giờ sau, Lộc mang vải, sơn đến với một tờ giấy nhỏ: “Cậu viết dùm mấy khẩu hiệu này”. Nói xong Lộc đi ngay. Tôi mở tờ giấy ra coi, thấy mấy tiếng: “Hoan hô Mặt Trận Việt Minh. Chào mừng Cách Mạng thành công”. (…) Sáng sớm hôm sau Lộc đến nhà tôi thật sớm. Hai tấm khẩu hiệu, Lộc cho vào chiếc bao bột mì, buộc gọn vào yên xe rồi ngồi lên trên, đạp nhanh như có chuyện gì gấp lắm. Ngay buổi chiều hôm đó, nhân có cuộc mít tinh của công chức và dân chúng, Mặt Trận Việt Minh lợi dụng ngay dịp đó, bắn mấy phát súng chỉ thiên và trương cờ đỏ sao vàng cùng khẩu hiệu. Thế là xong! Trang sử Việt Nam đã lật, nhưng nước Việt Nam còn phải kinh qua nhiều giai đoạn nhục nhằn ở mỗi hoàn cảnh đấu tranh để làm nên lịch sử” (…) Mấy tháng sau, Tôi được Lê Quốc Lộc giới thiệu vào cơ quan tuyên truyền để vẽ những tấm tranh cổ động. Tiền công cũng đủ sống qua ngày. Trong lúc tôi làm công tác trên thì Nguyễn Sáng được tuyển dụng vào công việc vẽ giấy bạc “cụ Hồ”. Sáng vốn khéo tay và cần cù, rất thích hợp với tài năng. Tôi không biết ai đã giới thiệu Nguyễn Sáng với Bộ Tài Chánh của Việt Minh. Nguyễn Sáng làm việc với một ông cụ tuy già nhưng kẻ chữ còn tinh vi lắm (…) Tất cả mọi loại giấy bạc tiêu dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đều do Nguyễn Sáng vẽ.” (Tạ Tỵ, Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, trang 41 và 47).
Mấy dòng hồi ký của Tạ Tỵ phản ảnh khá rõ tâm trạng và tình thế những người đi theo kháng chiến. Nguyễn Huy Tưởng trong tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô và Văn Cao trong Bài tiến quân ca cũng có những cái nhìn tương tự.

Ngày 17 và 19 tháng tám 1945 và Tiến quân ca

Tiến quân ca được viết từ mùa thu năm 1944, nhưng đến tháng tám năm 1945, mới có vai trò lịch sử. Chủ động trong hai ngày 17 và 19/8/45. Vậy những tác nhân chính viết gì về những ngày lịch sử đó?
Phạm Duy viết:
“Sau khi Nhật đầu hàng, Quân Đội Nhật ở Việt Nam trao trả phủ Toàn Quyền cho phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Để tỏ ý chí bảo vệ đất nước, vào ngày 17 tháng 8, công chức Hà Nội được lệnh của vị Khâm Sai Phan Kế Toại đứng ra tổ chức một cuộc mít tinh ở trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh của các ông các bà công chức đang diễn tiến thì bỗng nhiên một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả từ bao lơn của Nhà Hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của Tổng Đoàn Công Chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt Trận Việt Minh.
Hai ngày sau, tức là 19 tháng 8, Việt Minh đích thân đứng ra tổ một cuộc mít tinh khổng lồ cũng ở trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sau đó đoàn người biểu tình kéo đến bao vây Bắc Bộ Phủ. Ông Khâm Sai Phan Kế Toại đầu hàng ngay. Coi như cướp được quyền hành chánh rồi, đoàn người kéo luôn qua trại Khố Xanh ở đường Đồng Khánh để cướp quyền quân sự. Một ngàn lính Bảo An ở trong trại không kháng cự. Cờ quẻ ly được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên.
Thế là cuộc tổng khởi nghĩa thành công tại Hà Nội. Một Ủy Ban Nhân Dân được thành lập ngay hôm đó. Đồng thời tại nhiều địa phương, các đoàn võ trang tuyên truyền được gọi là “Dân Quân Giải Phóng” cũng tới chiếm chính quyền trong tay các tỉnh trưởng hay quận trưởng của một chính phủ mà ông Thủ Tướng là Trần Trọng Kim đã từ chức” (Hồi Ký II, trang 30-31).
Trong đoạn hồi ký trên, Phạm Duy viết ngắn và rất chi tiết, nhưng ông không hề nhắc đến vai trò của mình trong ngày 17/8/1945, chỉ ghi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao và trong cuốn hồi ký, ông cho biết những ngày ấy ông ở trong Nam. Điều đó dễ hiểu vì Phạm Duy không thể công khai nhìn nhận mình có “vai trò lịch sử trong những ngày Việt Minh cướp chính quyền” cũng như Lê Đạt không thể công khai nhận mình đã theo Quốc Dân Đảng.

Nhưng Văn Cao ghi lại rõ ràng như sau:
“Tôi ở lại một mình trên căn gác vắng [171 phố Mongrand nay là số 45 Nguyễn Thượng Hiền]vào những ngày đầu thu năm 1944.
Tin từ Hải Phòng lên cho biết mẹ tôi, các em và các cháu đang đói khổ. Bà đưa các đứa nhỏ ấy từ Nam Định ra Hải Phòng, dọc đường để lạc mất đứa cháu con anh cả tôi. Nó mới lên ba. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Có thể nó đã nằm ở dọc đường trong đám người chết đói năm ấy. Các anh tôi cũng đang chờ tôi tìm cách giúp đỡ. Năm ấy rét sớm hơn mọi năm. Tôi ngủ với cả quần áo. Có đêm tôi phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn đêm mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu.
Căn gác được thêm một người ở. Anh Ph. D. là bạn thân của tôi từ Hải Phòng lên. Anh mới nhận nhiệm vụ làm giao thông của tổ chức giữa hai tỉnh Hà Nội và Hải Phòng. Từ lâu, tôi vẫn biết Ph. D là người của đoàn thể, và thường chú ý giúp đỡ tôi. Tôi nghĩ làm cách mạng là phải bỏ văn nghệ, con đường của người làm cách mạng là phải thoát ly phải hy sinh như gương chiến đấu của các đồng chí mà tôi đã được biết qua sách báo. Nhưng tôi vẫn có thể làm khác với việc thoát ly -tôi chỉ hiểu tổ chức đến thế- có thể là bằng sáng tác, bằng những hành động mà tôi dễ làm nhất như nhận dạy hát cho một đoàn thanh niên về những bài ca yêu nước, hay tham gia những buổi biểu diễn giúp đỡ người nghèo v.v… Tôi chỉ biết sáng tác một số ca khúc về đề tài lịch sử, kêu gọi xa xôi lòng yêu nước. Tôi chưa dám làm một bài ca cách mạng. Và cũng chỉ có thế thôi, thanh niên học sinh và anh em hướng đạo đã khuyến khích tôi. Sự khuyến khích ấy đẩy tôi vào nghề nhạc sau này. Lần này, Ph. D. lên ở với tôi vào giữa lúc tôi đã muốn bỏ tất cả hội họa, thơ ca, âm nhạc, bỏ tất cả giấc mơ sáng tạo thường đêm đêm đan mãi đan mãi cái vành mũ triền miên trên đầu như một vòng ánh sáng thần thánh.
Một hôm, Ph. D. nói với tôi:
- Văn có nhớ anh Vũ Quý không? Anh ấy vẫn ở Hà Nội? Văn có muốn gặp anh ấy không?
Tôi biết đồng chí Vũ Quý trong những ngày còn là vận động viên bơi lội ở Hải Phòng. Chúng tôi thường tập luyện hàng ngày trên sông Cấm. Từ khi biết anh bị mật thám Pháp bắt hụt, tôi hết sức khâm phục. Thế ra người cộng sản ấy vẫn hoạt động tại Hà Nội. Anh ấy vẫn nhớ đến tôi.
Tôi đã gặp lại đồng chí Vũ Quý. Anh là người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của tôi từ mấy năm qua, và thường khuyến khích tôi sáng tác những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng rừng, và một số ca khúc khác. Chúng tôi gặp nhau trước ga Hàng Cỏ. Chúng tôi vào một hiệu ăn, ở đấy quyết định một cuộc đời mới của tôi. Câu chuyện của chúng tôi thật hết sức đơn giản.
- Văn có thể thoát ly hoạt động được chưa?
- Được.
- Ngày mai Văn bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hàng tháng.
Ngày hôm sau anh đưa tôi lại nhà một đồng chí thợ giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên để ăn cơm tháng và chờ quyết định công tác. Ngày đầu tiên chấm dứt cuộc sống lang thang của tôi.
Vũ Quý đến tìm tôi và giao công tác:
- Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, nên phải dùng những điệu hướng đạo. Khoá quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta.
Phải làm như thế nào đây? Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen cố tìm một cái gì để nói, tìm một âm thanh đầu tiên. Nhưng đường phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn và lòng tôi thấy vui hơn. Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh chứ không chuẩn bị để lại quay về làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một cái ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Cháu bé không mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc. Không phải cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định – Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về gác tôi viết được nét nhạc đầu bài Tiến Quân Ca.
Những ngày ấy, Ph. D. sống chung với tôi. Thỉnh thoảng anh về Hải Phòng và mang tiền bán tín phiếu do các cơ sở gửi lên. Quần chúng ủng hộ Việt Minh ngày càng nhiều. [...]
Tôi thường nhìn Ph. D. mỗi lần anh đóng gói đi xa và lắng nghe tiếng còi tàu ngoài ga Hàng Cỏ để chờ một chuyến tàu đêm. Dưới ngọn đèn dầu, bộ mặt ngăm ngăm đen của anh chỉ thấy ánh lên đôi mắt sâu và trầm lặng. Anh rất tôn trọng những phút tôi ngồi vào bàn với tập bản thảo và chờ đợi âm thanh của từng câu nhạc được nhắc đi nhắc lại. Anh là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến Quân Ca. [...]
Ngày 17 tháng tám 1945, tôi đến dự cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn nhà hát lớn xuống. Bài “Tiến quân ca” đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất lên vang theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, nhưng tờ bướm in “Tiến quân ca” được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít-tinh.
Tôi đã đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa nhà Hát Lớn. Tôi đã nghe giọng hát quen thuộc của bạn tôi, anh Ph. D. qua loa phóng thanh. Anh là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia và xuống cướp loa phóng thanh hát. Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên, và cũng là một lần duy nhất.” (trích “Bài tiến quân ca” hồi ký của Văn Cao, đăng trên Sông Hương số 26, tháng 7/1987)
Đoạn hồi ký này xác định những sự kiện quan trọng:
- Bà mẹ Văn Cao vì đói khổ, phải đưa các cháu từ Nam Định ra Hải Phòng, giữa đường bị lạc mất đứa cháu lên ba. Việc này Hoàng Văn Chí có ghi lại tương tự như thế.
- Phạm Duy là người nhắc Văn Cao đến với Vũ Quý. Và ông ở trong “tổ chức” trước Văn Cao (điều đó dễ hiểu vì Phạm Duy khi học trường Thăng Long là học trò của Võ Nguyên Giáp).
- Phạm Duy là người “chứng kiến sự ra đời của bài Tiến quân ca” và Phạm Duy là người “buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia và xuống cướp loa phóng thanh hát trước quần chúng lần đầu tiên” với “sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng” trong ngày 17/8/1945.
Trước kháng chiến, câu “Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn” của Văn Cao đã trở thành huyền thoại. Lần này, Văn Cao muốn trả lại vai trò lịch sử của Phạm Duy đối với cách mạng tháng Tám. Vai trò đã bị lịch sử một chiều cuốn đi, cướp mất. Văn Cao muốn cái gì của César phải trả về cho César.

Không khí ám sát thủ tiêu

Tìm hiểu Văn Cao không thể bỏ qua giai đoạn ông hoạt động trừ gian. Nhưng muốn hiểu rõ hành động ấy, lại phải tìm hiểu không khí thanh trừng giữa Việt minh và các đảng phái đối lập. Vũ Bằng viết về không khí thời ấy:
” Bầu không khí ấy là bầu “không khí cảnh sát” mà Việt Minh vừa mới nắm được chánh quyền đã tạo được liền: thu hút dân vì lẽ dám đứng ra đánh thực dân diệt phát xít cứu quốc, nhưng đồng thời cũng cho tiêu luôn các đảng phái không đi một con đường với họ.
Lúc ấy chưa có những chữ rùng rợn như “Đầm Đùn”, “Lý Bá Sơ” nhưng người ta đã mang máng nghe thấy những vụ át các bỉnh bút báo “Việt Nam” ở Hàng Bún Dưới, báo “Sao trắng” đường Bô-Nan Hải-Phòng, hay vụ Ôn Như Hầu có hàng trăm cái xác ôm nhau mà chết… Sức mấy mà không sợ? Sức mấy mà phòng ngừa được bọn cán bộ bịt mắt bưng đi? Nhưng cùng tắc biến, biến tắc!.. liều, đã liều thì liều cho trót, chúng tôi cứ đả kích Trần Huy Liệu [Bộ Trưởng Thông Tin] và những sơ hở của guồng máy chánh quyền phôi thai của Việt Minh. Và rồi cũng chẳng làm sao hết” (Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, trang 160).
Trong tiểu thuyết Giòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh viết về Thanh và Ngọc, cán bộ Việt Minh và Việt Quốc, cả hai đều nhận được lệnh phải thủ tiêu nhau, nhưng họ rơi vào tình yêu, tình yêu đến chết. Nhất Linh mô tả rất rõ bối cảnh “Họ rình nhau như những con thú dữ mà người nào cũng vì một lý tưởng mình cho là cao đẹp”. Nhất Linh đã viết những trang lạnh lùng và rùng rợn về tội ác của con người, nhân danh Cách Mạng. Các nhân vật tự hỏi: “Tại sao mình lại làm một việc độc ác như thế này”. Tại cái “guồng máy”: Họ ở hai guồng máy khác nhau. Đất nước là của chung, nhưng cách phụng sự đất nước của hai đảng, hai guồng máy chỉ đạo, khác nhau.
Tác phẩm của Nhất Linh giải thích hành động của Văn Cao trong kháng chiến: Văn Cao làm việc cho tình báo của Việt Minh, trong Quán Biên Thùy năm 1947. Và Quán Biên Thuỳ, theo sự mô tả của Phạm Duy, có không khí rất Giòng sông Thanh thủy:”
“Vào khoảng đầu mùa hè của năm 1947 tôi tới Lào Cai và thấy ở đây có một phòng trà với cái tên là Quán Biên Thùy, bề mặt là một nơi giải trí nhưng bề trong là một tổ chức tình báo. Lúc đó, đối diện với Lào Cai vẫn còn là vùng Trung Hoa Quốc Gia chưa bị nhuộm đỏ hoàn toàn. Tôi gặp Văn Cao ở đây và được mời ở lại hát cho phòng trà này. (…) Quán Biên Thùy đông nhân viên lắm. Tất cả đều là dân Hà Nội. Tôi không để ý nhiều tới hoạt động tình báo của quán này, chỉ ngờ rằng vùng Lao Kai còn khá nhiều đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau khi bị Việt Minh tảo thanh từ vùng trung du, Việt Quốc tập trung ở đây để sẽ lánh sang Trung Hoa. Nhân viên tình báo của Quán Biên Thùy này đang đi lùng Việt Quốc để báo cho Công An tới bắt hay báo cho bộ đội tới tiêu diệt. Tôi biết rằng Việt Quốc trước đây sống nhờ ở tiền thuế của sòng bạc Cốc Lều, nay sòng bạc này phải đóng thuế cho Việt Minh (…) Trong thời gian ở Lào Kai, tôi còn có cái thú tới hút thuốc phiện tại dinh của một lãnh chúa người Nùng là Hoàng A Tưởng (…) Thuốc phiện chẳng bao giờ làm tôi say cả nhưng thứ thuốc phiện được hạ thổ lâu năm của Hoàng A Tưởng lần nào cũng đánh gục hai “anh hùng” kháng chiến là Văn Cao và Phạm Duy.” (Phạm Duy, Hồi Ký II, trang 105- 107).
Không khí thanh trừng này nằm trong quỹ đạo trừ gian của Văn Cao những ngày đầu cách mạng: ám sát Đỗ Đức Phin. Bi kịch xẩy ra năm 1945, khi ông hoạt động trong đội “Biệt động vũ trang”.

Văn Cao bắn Đỗ Đức Phin

Tại sao Văn Cao vào đội biệt động vũ trang?
Giả thuyết của Vũ Bằng:
“… Cho tới một ngày kia, lúc Nhật đổ bộ vào Đông Dương, tôi mới lại nghe nói đến Văn Cao hai lần nữa. Đó là lần Nghiêm Xuân Huyến báo tin cho tôi biết con gái anh sắp lấy chồng, mà người chồng đó là Văn Cao và một lần sau khi Việt Minh “át” cô Nga “giao du” với một sĩ quan Nhật bị bắn chết liền, ở Hải Phòng lại xẩy ra vụ bắn Đỗ Đức Phin mà lúc đó ai cũng bảo người bắn là Văn Cao.
Nghiêm Xuân Huyến, sước hiệu [biệt hiệu] là Voi đen (…) Tôi đi lại thường xuyên nhà Voi đen vì anh có ra một tờ tuần báo mười hai trang – tờ Rạng Đông. Sau này (…) anh ra tờ tuần báo trào phúng tên là Con ong do Tam Lang Vũ Đình Chí chủ biên. (…) Xa nhau được ít lâu, tôi nghe thấy Nghiêm Xuân Huyến bị Nhật bắt và “xin âm dương” cho đến chết ở nhà lao. Anh em hồi đó bảo rằng anh bị Nhật giết vì nhà in của anh in truyền đơn cho Việt Minh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu cái vụ Nhật bắt và đánh đập tàn nhẫn Huyến cho đến chết có liên quan gì đến vụ con gái Huyến lấy Văn Cao hay không, hay là Văn Cao có liên quan gì đến việc in truyền đơn đó hay không -nếu quả có in truyền đơn tại nhà in của Huyến- chỉ biết sau đó Văn Cao im lìm, không ai biết hành tung ra sao hết cho đến lúc xẩy ra vụ ám sát Đỗ Đức Phin trong một tiệm hút ở Hải Phòng. (…)
Cái tên Văn Cao nổi bật lên từ đó. Đối với một số anh em văn nghệ, có một số anh em nói cho đúng, đã lấy làm hãnh diện về điểm đó.
Sau ngày 19/8 tiếng của Văn Cao nổi như cồn”. (Vũ Bằng, Văn Cao - Một nghệ sĩ tài hoa, Sàigon 1970, in lại trong Văn Cao cuộc đời và tác phẩm, trang 173)

Doãn Tòng, bạn đồng hành với Văn Cao trong đội trừ gian, thuật lại các sự kiện:
“Năm 1945, ở Hải Phòng có Đỗ Đức Phin là một tên mật thám cho Nhật – nó đã phá hoại nhiều cơ sở của ta, trên có lệnh phải trừ khử nó. Tháng 7-1945, Văn Cao trừ Đỗ Đức Phin. Việc này được đồng chí Nguyễn Khang -Xứ ủy Bắc Kỳ đồng ý. Nguyễn Đình Thi giao cho Văn Cao khẩu súng 7165. Tổ phân công cho em Trần Liễn là cô Liên thăm dò đường đi lối lại của Đỗ Đức Phin. Cô Liên chơi với em vợ Đỗ Đức Phin, nên rất tiện cho việc điều tra. Văn Cao, Trần Liễn có lần đã đến lớp học tiếng Nhật do Đỗ Đức Phin tổ chức nên biết mặt hắn. Hắn nghiện thuốc phiện, hay hút ở tiệm số nhà 51 phố Đông Kinh. Nắm chắc được cách đi lại ăn ở của hắn, tổ bắt đầu hành động.
Vào khoảng 6 giờ chiều một ngày tháng 7 năm 1945, trời nhá nhem tối, anh em cải trang cho Văn Cao thành một anh cai xe bận quần đen, áo va rơi, đầu đội mũ cát dầy, đeo đôi kính gọng. Hoá trang vào không ai nhận ra Văn Cao nữa. Văn Cao đạp xe đến phố Đông Kinh, vào ngồi ở một quán nước, đưa mắt quan sát. Khi Trần Khánh ra hiệu bằng cách nhẩy lò cò: có ý là Đỗ Đức Phin đang ở trên, Văn Cao bắt đầu hành động. Anh lên gác thấy rõ Đỗ Đức Phin đang nằm hút thuốc phiện. Bên cạnh là người bồi tiêm. Văn Cao bắn một phát vào đầu Đỗ Đức Phin, tên này gục xuống. Tên bồi tiêm sợ quá, nhẩy qua ban công bám vào ống máng tụt xuống chạy biến. Một số đồng bào nghe tiếng súng nổ, chạy đến nhốn nháo. Văn Cao bình tĩnh nói:” Xin mọi người ngồi im. Tôi chỉ diệt một tên Việt Nam bán nước thôi”.
Nói rồi dưới ánh dêm mờ mờ, Văn Cao nhẩy lên xe đạp đi về nhà tôi thay quần áo. Sau đó Văn Cao lên Hà Nội hoạt động, tôi ở Hải phòng”. (Doãn Tòng thuật lại, theo ghi chép của Bích Thuận, sđd, trang 197-198)
Hành động “trừ gian” này sẽ ở lại trong thơ Văn Cao như một lương tâm trầm uất suốt đời.

Tại sao Văn Cao không sáng tác ca khúc nữa?

Sau ngày hòa bình lập lại, Văn Cao không sáng tác ca khúc nữa, lý do sâu xa được ghi trong bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường:

” Đêm ấy, trong cuộc tâm tình nghệ sĩ của Văn Cao với những ngư phủ trên phá Tam Giang, tôi muốn biết một điều mà với tôi là một bí ẩn thuộc về đời ông:
- Tại sao sau kháng chiến chống Pháp, anh vẫn vẽ, vẫn làm thơ, nhưng người ta không nghe anh hát nữa?
- Hồi nhận lời viết Tiến Quân Ca, tôi không hề chuẩn bị trước để làm một bài hát, mà là một đặc nhiệm nguy hiểm của đội biệt động. Tôi là đội viện biệt động vũ trang. Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm, cầm một khẩu súng, vào một thành phố để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh và căm thù, đơn giản thôi. Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy, thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng, và chỉ viết nhạc-không-lời.
Giữa tiếng sóng ồ ạt vỗ quanh tàu, dưới đêm sao, tôi vẫn nghe rõ giọng nói dịu dàng của Văn Cao, sâu thẳm đến lạnh người, như thể là tiếng nói đến từ một biển khác. Trời ơi, tôi đã dại dột chọc tay vào vết thương. Nhưng tôi nghĩ, chỉ có những nghệ sĩ lớn mới nuôi cho mình những bi kịch như vậy” (trích Cảm nhận Văn Cao của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hợp Lưu số 8, số đặc biệt Văn Cao, tháng 12/1992).
Nhiệm vụ của Văn Cao đã được Nhất Linh làm sống lại với nhân vật Ngọc trong Giòng Sông Thanh Thủy. Vết thương của Văn Cao cũng là vết thương của Nhất Linh.
Nhất Linh viết Giòng Sông Thanh Thủy hai năm trước khi tự vận, như một chúc thư văn học và chính trị gửi lại đời sau: cuối cùng trên dòng Xích Bích, Tào Tháo, Chu Du không còn nữa, chỉ còn lại tiếng thơ Tô Đông Pha, chỉ còn lại tiếng thơ, cho muôn đời…

Lưu Hữu Phước và Tiếng gọi thanh niên

Viết về Tiến quân ca của Văn Cao, không thể không nhắc đến Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước, bài quốc ca của miền Nam trong thời kỳ chia đôi Nam Bắc.
Lưu Hữu Phước sinh ngày 21/9/1921 tại Cái Răng (Cần Thơ). Học nhạc từ nhỏ. 1940, ông ra Hà Nội học y khoa. Khoảng thời gian từ 1940-44, Lưu Hữu Phước nổi tiếng với những ca khúc lịch sử như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hát Giang trường hận, Hồn Tử sĩ, Hờn Sông Gianh, Hội Nghị Diên Hồng… và một loạt hành khúc cho sinh viên như: Ta cùng đi, Tiếng gọi thanh niên, Bài hát của thiếu sinh, Bài hát của thiếu nữ Việt nam, Việt nữ gọi đàn… Sau Cách mạng tháng Tám, Lưu Hữu Phước sáng tác Khúc khải hoàn, Ca ngợi Hồ chủ Tịch… Ca khúc của Lưu Hữu Phước có ảnh hưởng rất lớn đối thanh niên từ thập niên bốn mươi đến ngày nay. Trong cuốn sách của Mai Văn Bộ tựa đề Lưu Hữu Phước con người và sự nghiệp (nxb Trẻ 1989) không thấy ông nhắc đến hoạt động Quốc dân đảng của Lưu Hữu Phước. Điều đó dễ hiểu. Nhưng trong tiểu thuyết Giòng sông Thanh Thuỷ của Nhất Linh, có một đoạn đáng chú ý, viết về nhân vật Ngọc (Quốc dân đảng) dẫn Tứ và Nghệ (Việt minh) đến chỗ Ngọc sẽ đầu độc hai người kia. Trên đường xuyên núi rừng, phong cảnh hùng vĩ, Ngọc vừa đi vừa hát:
“Chàng cất tiếng hát cao giọng, đi thật mau cho bước chân ăn nhịp với bài hát mà chàng cố hát thật mau:
Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng,
Dù khó thế mấy quyết cùng nhau bước,
Làm cho vang tiếng cháu con nòi giống Tiên Long.
Chàng chuyển sang điệp khúc:
Mau, mau đồng lòng, tay cầm tay, trông cờ nước, ta đều bước,
Tuốt gươm, thề với núi sông …
Hồn nước muôn năm sống cùng …
Bài hát ấy là của Lưu Hữu Phước, đảng viên Việt Quốc trong thời kỳ bí mật từ trong nước truyền ra, do Ninh dạy chàng. Ninh có nói là thay đổi lời đi đôi chút cho nó mạnh hơn và đúng bằng trắc hơn. Trời bắt đầu nắng mỗi lúc một gắt; Nghệ và Tứ không biết là bài hát gì nhưng vì nhịp quyến rũ nên cũng cố bước theo cho đúng nhịp.” (Giòng Sông Thanh Thuỷ, tập 1, trang 214)
Chính Nhất Linh đã sửa lời bài Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước cho mạnh hơn và đúng bằng trắc hơn. Lời gốc của Lưu Hữu Phước như sau:
Hồn nước vẫn sống với trời, non, nước
Ngày nay, ta noi tấm gương anh hùng
Dầu khó thế mấy, quyết cùng nhau bước!
Làm cho rõ biết cháu con nòi giống Tiên Long!
Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là Nhất Linh xác nhận: Lưu Hữu Phước theo Quốc dân đảng.
Từ đó, đưa đến một số nghi vấn khác: trong thời kỳ kháng chiến, Lưu Hữu Phước sáng tác rất ít, tại sao? Lưu Hữu Phước là người của Việt Quốc hay Việt Minh? Nếu ông là người cộng sản, tại sao, Tiếng gọi thanh niên lại được chính phủ Nguyễn Văn Xuân (của Bảo Đại) chọn làm quốc ca? (Tiếng gọi thanh niên sáng tác tháng 4/1941. Ngày 2/6/1948, được chính phủ Nguyễn Văn Xuân chọn làm quốc ca, và tiếp tục là quốc ca của Việt Nam Cộng Hoà sau 1954).
Sau ngày thống nhất đất nước, Lưu Hữu Phước, Bộ trưởng Thông tin văn hoá, ký ba Thông tricấm lưu hành các sách báo “phản động”. Bản đầu mang số 218/CT. 75, ngày 20/8/75, trong đó có danh sách 130 tác giả bị cấm toàn bộ, với những tên tuổi như: Hồ Hữu Tường, Nguyễn Vỹ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Tạ Tỵ, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Mặc Đỗ, Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Duyên Anh, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Tuý Hồng, Phan Nhật Nam… (Bản Thông tri và toàn bộ danh sách các tác phẩm, tác giả bị cấm, in trong Văn hoá Văn nghệ… Nam Việt Nam của Trần Trọng Đăng Đàn (nxb Thông Tin, 1993), phần Phụ Lục II, từ trang 697 đến 754).
Tất nhiên Lưu Hữu Phước chỉ thi hành chính sách của Trung Ương. Nhưng người nghệ sĩ, khi ký những công hàm tiêu diệt tác phẩm văn học của nửa phần đất nước, hẳn không thể không suy nghĩ, hẳn không thể không biết rằng tên mình sẽ đi vào văn học sử với một vị trí không thuận tiện. Và người Việt di tản khi hát bài Tiếng gọi thanh niên cũng nên nhớ đến tác giả trong toàn bộ hành động chính trị, văn nghệ của ông.

Kháng chiến và văn nghệ sĩ

Trong hoàn cảnh cực kỳ phân hoá giữa Việt Minh và các đảng phái đối lập như thế. Tại sao văn nghệ sĩ lại theo Việt Minh? Vì phần lớn không làm chính trị, từ Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương, đến Hoàng Cầm, Đinh Hùng, Tạ Tỵ… đều như thế, họ đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Tạ Tỵ kể rõ từng chặng đường, từ những bước đầu:
“Thủ đô Hà Nội chết cứng trong máu lửa. Cuộc giao tranh gay go ngay từ phút đầu giữa Trung Đoàn Thủ Đô, Tự Vệ Thành và quân đội Pháp. Phần lớn dân chúng đã tản cư. Mọi nhà đều đục tường thông qua nhau, theo lệnh của chính phủ từ mấy tháng trước. (…) Những con đường có cây to được đốn ngã dùng làm chướng ngại vật cản đường xe bọc sắt của Pháp. Không khí trước ngày chiến tranh thật nghẹt thở. Vợ con tôi đã theo ông bà nhạc tản cư về quê cả tháng nay. Gia đình phía tôi cũng vậy. Tôi ở một mình vừa sáng tác vừa vẽ tranh cổ động”. (sđd, trang 53)
Và ông tìm cách ra khỏi Hà Nội, theo kháng chiến:
“Tôi chọn lối xuyên cửa ô Cầu Dền, qua làng Hoàng Mai rồi men theo bờ ruộng ra đường số 1, con đường xuyên Việt. Tôi chợt nghĩ đến Phạm Duy, không biết Duy ra khỏi Hà Nội bằng ngả nào? Sau này khi gặp lại nhau trong kháng chiến, Duy mới cho biết đã ra khỏi Hà Nội qua ngả Khâm Thiên, tức phường Dạ Lạc. Văn Cao có báo cho Duy biết nhưng Duy không tin” (sđd, trang 54).
Tìm liên lạc với tổ chức:
“Tôi ăn Tết với gia đình xong rồi đến làng Bài Trượng thăm vợ con, trước khi lên đường đi Việt Bắc (…) Từ phủ Đoan Hùng, tôi quay về Phú Thọ, mong gặp anh em quen biết có thể giới thiệu mình với một cơ quan nào đó. Người thì đông, anh em chẳng thấy ai. Nản quá, tôi cũng định quay về quê nhà, bỗng gặp Phạm Duy từ trong một quán cà phê đi ra. Nói chuyện hồi lâu, Duy cho biết sẽ đi Yên Bái. Nếu tôi muốn đi cùng, sáng mai đến chỗ này chờ. Tôi bằng lòng, hỏi Duy có phương tiện gì không? Duy trả lời không, sẽ đi bộ. Ngay buổi chiều hôm đó, tôi quay về chỗ tá túc đêm qua, bán chiếc xe đạp cho người chủ nhà để lấy tiền tiêu. Sáng hôm sau, tôi đeo ba lô đến nơi hẹn. Chờ một lúc, tôi thấy Duy đội mũ ca-lô, mặc bộ ka ki Mỹ, đeo cây đàn trên vai, còn một tay xách chiếc túi đựng quần áo. Chúng tôi cứ men theo đường xe lửa đã bóc hết đường rầy đi ngược lên. Duy không chịu đeo chiếc túi vải lên vai, vừa đi vừa ném về phía trước. Đến nơi, cúi xuống nhặt lên ném nữa. Tôi hỏi:
- Sao làm vậy?
Duy nói:
- Đeo mệt xác, ném khoẻ hơn!
Trong lúc đi đường. Duy nói về chuyện mấy tháng trước. Sau khi ra khỏi Hà Nội, Duy tìm đường lên Vĩnh Phúc Yên, gia nhập đoàn Văn Nghệ Giải Phóng, rồi Việt Trì, bây giờ là Phú Thọ. Duy nói về dự tính tương lai với nhũng bản dân ca. Duy lúc này đã nổi tiếng, chẳng những về hát, mà còn ở sáng tác nhưng ca khúc như Cô hái mơ, Gươm tráng sĩ, v.v…
Năm ấy, chúng tôi mới có 24 tuổi. Đi cùng với Duy rất vui vì Duy hay nói tục. Nhưng sau đó, lại trầm ngâm, có lẽ, trong đầu, Duy đang có dự tính nào đó, có thể, một ca khúc sắp ra đời. Sau cặp kính trắng, đôi mắt Duy long lanh như được chiếu dọi bởi luống ánh sáng kỳ dị. Đến Yên Bái, một thành phố đã tiêu thổ 95%, tôi gặp thêm Văn Cao. Cũng từ nơi đó, tôi và Duy chia tay. Tôi ở lại Yên Bái chơi với Văn Cao vài ngày. Mỗi chiều chúng tôi rủ nhau đi uống rượu, loại rượu đế nặng. Văn Cao trông vẫn thế, sắc mặt tai tái, đôi mắt thật sắc với nụ cười chìm lắng. Có khác chăng chỉ là bộ bà ba nâu, bên ngoài phủ thêm chiếc trấn thủ.” (trang 55-56).
“Văn Cao nổi tiếng từ tiền chiến, trong kháng chiến và mãi mãi, mọi người đều nghe nhạc của anh. Nhưng anh, con người đa tài, ngoài nghệ thuật còn làm nhiều thứ khác.
Tôi lại chia tay với Văn Cao cũng ở Yên Bái. Văn Cao ngược Lào Cai để đi làm công tác tình báo biên giới được ngụy trang bằng một phòng ca nhạc. Phạm Duy có lên Lào Cai và hát ở phòng trà này. Bài Bên Cầu Biên Giới của Duy được sáng tác tại đó.” (trang 57)

Tạ Tỵ đi theo ban kịch truyền bá quốc ngữ được nửa năm thì bị sốt rét nặng, phải về Liên khu Ba (vùng Thái Bình), vẽ tranh hí họa chống Pháp trên báo Cứu Quốc Thủ Đô, sáng tác văn thơ và dạy hội họa. Tạ Tỵ kể về nhiệt tình cách mạng của Văn Cao:

“Một chiều khi gần tối, bỗng Văn Cao và Nguyễn Đình Thi đến thăm. Thật không gì vui hơn, khi nằm một mình trong căn nhà vắng lại được bạn đến thăm. Văn Cao cho biết từ Liên khu 1 mới xuống công tác ở Khu 3, nhân tiện ghé chơi. (…) Nói chuyện tầm phào mãi cũng chán, tôi yêu cầu Văn Cao đọc lại bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”. Văn Cao tuy làm nhạc nhưng không có giọng hát, nhạc Văn Cao nổi tiếng nhờ tài hát của Phạm Duy, Bùi Công Kỳ vv… Văn Cao cũng không có tài ngâm thơ, hát chèo như Hoàng Cầm, nhưng tiếng đọc thơ của Văn Cao nghe rất lạ, nghe ghê rợn như tiếng vọng từ đáy huyệt. (…) Tôi nhớ, đêm ấy Văn Cao nói với tôi:
- Này cậu, tôi có ý định giới thiệu cậu vào Hội Nghiên Cứu Chủ Nghiã Các-Mác, cậu nghĩ sao? Tôi thẳng thắn trả lời, không thích chính trị, chỉ yêu nghệ thuật thôi! Trong đêm tối, tôi không nhìn thấy nét mặt Văn Cao và Nguyễn Đình Thi ra sao, nhưng qua câu nói của Văn Cao:
- Không còn con đường nào khác đâu, nghệ thuật cũng phải phục vụ chính trị. Tôi chỉ biết nói thế. Còn tuỳ cậu. Vả lại, Hội cũng ở gần đây thôi, mất công gì đâu mà cậu ngại?
Tôi không trả lời nói lảng sang truyện khác. (…) Sáng hôm sau, Thi và Văn Cao đều dậy sớm, đi ngay”. (trang 68-69)

Tạ Tỵ và Phạm Duy cho biết trong những năm đầu kháng chiến, nghệ sĩ được tương đối tự do sáng tác. Tạ Tỵ, vừa vẽ tranh tuyên truyền (hí họa chống Pháp) vừa sáng tác nghệ thuật theo ý riêng mình và có thể triển lãm. Phạm Duy viết:
“Trong ba bốn năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, những văn nghệ sĩ rời thành thị ra thôn quê đều là những người tự động tham gia cuộc chiến đấu chung và dù có gia nhập vào một tổ chức văn nghệ nào của chính quyền thì cũng được tự do đi lại, tự do sáng tác hay tự do biểu diễn. Dù Đảng Cộng Sản đã có đề cương văn hoá từ lâu [1943], quy định mọi sáng tác văn nghệ đều phải có “tính Đảng” nhưng chỉ tới khi có Đại Hội Văn Hoá lần thứ hai được tổ chức ở Bắc Kạn vào năm 1950 [Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ] thì mới có những đường lối văn nghệ được Ban Chấp Hành đưa ra để văn nghệ sĩ ngoài Đảng học hỏi” (Hồi ký II, trang 111-112).
Trong không khí còn khá dễ thở, Văn Cao trở lại Liên khu ba năm 1949, và các họa sĩ tổ chức triển lãm chung, Tạ Tỵ kể:
“Từ khi có Văn Cao ở gần, chúng tôi mỗi lần gặp lại bàn về chuyện làm phòng triển lãm. Văn Cao cũng vẽ được hai tấm tranh sơn dầu. Anh cho rằng vấn đề mở Phòng Tranh là việc nên làm vì từ ngày kháng chiến, Liên Khu 3 chưa có Phòng Tranh nào. Chúng tôi [Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị vv...] giao việc liên lạc với chính quyền cho Văn Cao lo, còn tranh, có bức nào bày bức đó. (…) Văn Cao bày hai tác phẩm: Cây đàn đỏ và Đường cấm. Tôi có hai bức: Lìa phố và Chiến tranh. Cả bốn bức là sơn dầu, còn toàn là tốc họa, bút chì vẽ trên giấy. Tuy vậy, phòng Triển Lãm cũng nhiều người xem lắm, nhiều buổi phải chen lấn nhau, làm chúng tôi lên tinh thần, tuy sự trưng bày này hoàn toàn có tính cách biểu dương, chứ không bán. Có bán cũng chẳng ai mua. Sau khi phòng triển lãm bế mạc, Văn Cao gửi tôi giữ dùm hai tác phẩm nói trên vì lý do không ở đây lâu, nhưng sau khi tôi đã “dinh tê”, đến năm 1951, quân Pháp đánh vào quê tôi, lấy đi tất cả!” (sđd, trang 99)
Chỉ biết là bức tranh Cây đàn đỏ của Văn Cao bị phê bình, nhưng nội dung phê bình ra sao, không rõ. Nhờ những điều Tạ Tỵ viết về cuộc phê bình tranh Mưa Núi của ông, chúng ta có thể hiểu bối cảnh phê bình tranh Văn Cao. Tạ Tỵ viết:
“Sau những công tác có tính cách tạm thời, tôi lại vẽ, làm thơ để giết ngày dài. Tôi vẽ thêm được bức tranh Mưa Núi, vẫn theo kỹ thuật lập thể. Một buổi chiều, tôi nhận được giấy mời đi tham dự buổi họp của Chi Bộ Văn Nghệ Liên Khu (…) Đúng ngày, tôi mang tranh đến một ngôi làng sát chân núi, bên kia sông Đặng. Đến nơi đã có nhiều anh em, tuy vậy, tôi quen rất ít, chỉ có [Bùi Xuân] Phái, Huyền Kiêu và Lương Xuân Nhị, là bạn. (…)
Sau vài giờ thảo luận sinh hoạt về chiều hướng sáng tác phục vụ kháng chiến, anh Trưởng ban Tổ chức (tôi không nhớ tên) đặt tác phẩm Mưa Núi của tôi trên chiếc giá bằng tre, xong mời anh em phát biểu ý kiến về tác phẩm đó. Mỗi người nói một cách, tôi phải trực tiếp giải thích, bào chữa cho tác phẩm mình có “nội dung cách mạng”. Chắc đã được sắp đặt trước, anh Trưởng ban Tổ chức cho mời một số ông bà già, con nít chăn trâu đến trước bức tranh, hỏi mỗi người về cảm tưởng của họ. Thật khốn đốn cho tôi khi phải chống đỡ với những lời phát biểu vô cùng thật thà vì không hiểu gì về hội hoạ của những người dân quê mùa chất phác và các em bé chăn trâu, cắt cỏ. Trước cảnh huống đó, tôi muốn phát điên lên, nhưng cố nén giận, giữ vẻ mặt bình tĩnh tới phút chót.
Sau cuộc phê bình khốn khổ, tôi dự đoán được tổ chức Chi Bộ Văn Nghệ muốn đối xử với tôi ra sao rồi! Phái và Huyền Kiêu thông cảm, nhưng đứng về phía thiểu số, cũng chẳng đỡ đòn gì được, đành làm ngơ. Cuộc họp chỉ có một ngày. Đáng lẽ sau khi họp xong, tôi phải ở lại vui chơi với anh em, nhưng tối hôm đó, tôi về ngay, nại cớ ngày mai phải đi gặp Trưởng Cơ Quan Bình Dân Học Vụ nhận công tác. Cũng kể từ đó, trong tôi đã dứt khoát, nếu có dịp thuận lợi là “dinh tê”, chứ ở lâu không xong!” (sđd, trang 102).
Đó là những lý do khiến những hoạ sĩ như Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… bỏ kháng chiến về thành.
Sự “dinh tê” được Vũ Bằng cảm nhận như sau: “Thế rồi tôi rinh tê. Tôi rinh, nhưng không có một chút mặc cảm, là vì tôi quan niệm rằng Hà Nội là đất nước mình, mình có quyền ở đó, còn vấn đề hèn hay không, đó là tùy ở nhân cách của từng người” (Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, trang 167)

Nhân Văn Giai phẩm
Thơ Văn Cao

Sau khi hoà bình lập lại, Văn Cao không sáng tác ca khúc nữa. Đang khi trở lại với hội họa thì Hoàng Cầm đến mời ông viết bài cho Giai Phẩm Mùa Xuân.
Văn Cao nhận lời, ông làm thơ, vì chỉ có thơ mới nói được những bi đát chìm sâu trong nội cảnh của tâm hồn. Với sự “đốc thúc” của Hoàng Cầm, Văn Cao dành cả mùa xuân để sáng tác trường ca Những người trên cửa biển.
Lần này trở lại, Văn Cao, người anh cả, đứng lên chỉ mặt bọn người đã làm cho nghệ sĩ phải điêu đứng trong sáng tác. Tác giả quốc ca hỏi tội:
“Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả”
“Chúng nó” đây là những khuôn mặt đã tạo dựng nên cái xã hội có nửa mặt:
“Một nửa thế giới
Một nửa tâm hồn
Một nửa thế kỷ
Chưa khai thác xong”.
“Chúng nó” đây là những con người:
“…những con người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng”
“Chúng nó” đây là những vi khuẩn đã len lỏi vào sự sống của con người:
“Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ỏ điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mằt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm”
Và một lần nữa tác giả Tiến quân ca kêu gọi mọi người đứng lên bảo vệ Tự do như đã từng bảo vệ Tổ quốc:
“Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta.” (Anh có nghe thấy không, Giai phẩm mùa xuân)
Những lời kêu gọi thiết tha trên đây của Văn Cao làm rung động tất cả những tâm hồn yêu tự do, yêu nghệ thuật và yêu đất nước.
Chỉ riêng những kẻ cảm thấy mình bị gọi là “chúng nó” mới động lòng. Xuân Diệu thốt lên những lời tàn nhẫn:
“Những tư tưởng Nhân văn-Giai phẩm luồn lách như chạch; không phải lúc nào nó cũng lộ liễu như trộn trấu, cát vào gạo cơm ta ăn, khiến ta biết ngay; mà có khi nó giấu tay rỏ thuốc độc vào những chai thuốc dán nhãn hiệu là “bổ”. Văn Cao vào hạng có bàn tay bọc nhung như thế. Sự giả dối đã thành bản chất của Văn Cao, nên những cái lạc hậu, thoái hoá của Văn Cao cứ nghiễm nhiên mặc áo chân lý và tiến bộ. (…)
Vào đời giữa thời phát-xít Nhật đổ bộ vào Đông Dương, lúc lớn lên nhạy cảm nhất lại là lúc chủ nghĩa đế quốc Pháp Nhật toát ra cái chất cuối mùa đồi trụy nhất, phản động nhất, Văn Cao đã ngộ độc rất nặng. (…)
Trong bài hát Trương Chi, Văn Cao gán cho người đánh cá cái khinh bạc tột độ của mình, không coi nhân quần ra cái gì hết, chỉ có một mình mình trên trái đất; hơi lạnh của chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối toát ra như một âm khí nặng nề:
Ngồi đây ta gõ mạn thuyền
Ta ca trái đất còn riêng ta! (…)
Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, những ý nghĩ phiêu lưu, tìm thi vị xa vời, mới lạ trong cách mạng, là một chặng đường tất yếu của tư tưởng nhiều người; mơ ước “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam” lúc đó cũng là một trạng thái của lòng yêu nước.
Nhưng ta phải giật mình khi nhớ lại những lời hát:
Ta là đàn chim bay trên mây xanh
Mắt nhìn trong khói những kinh thành tan…
… Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng
Ta không trách trình độ chính trị của ta và của tác giả khi đó còn thấp. Chúng ta giật mình vì cái lối bay để mà bay, tự say lấy mình đó là tiền thân của cái lối “Hãy đi mãi” của Trần Dần; chúng ta giật mình hơn nữa là cái máu anh hùng chủ nghĩa làm cho Văn Cao sảng khoái nhìn thấy “những kinh thành tan” dưới bom đạn mà không chút xót thương, và “chiến công ngang trời” kia lại là của “không quân Việt Nam”, mà không nói là chiến tranh tự vệ!
Mấy bài thơ năm 1946, 1948 của Văn Cao, có dụng ý tốt, nhưng cũng bộc lộ cái tính chất nghệ thuật của Văn Cao, thích khúc mắc, khó hiểu, thích loè lên lấp lánh, pha với sự lập dị, chộ người, toát ra một màu vị tan rã, như bài “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”, hay như bài “Ngoại ô mùa đông 46″ (Văn nghệ số 2, tháng 4-5/1948):
Ta đi trong nhà đổ
Nghe thời gian đã nhạt khúc ân tình
Tuy phòng the chiếc áo trẻ sơ sinh
Còn xiêm hài dành hương phấn cũ…

Chữ Phạn, La-tinh nhường máu tô diệt Pháp
Gió lạnh khi qua viện tàng thư
Cháy cong queo, bìa giữ chút di từ
Kierkegaard, Heiddeger và Nietzsche… (…)
Giả dối như một con mèo, kín nhẹn như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám, bài thơ Anh có nghe thấy không? lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì. Văn Cao gọi ai là “chúng nó”? Đối lập với ai là “chúng ta”?
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả (…)
Trên đất nước ta, “chúng nó” là Mỹ-Diệm ở miền Nam, là tay chân Mỹ-Diệm ở miền Bắc, là bọn phá hoại Nhân văn-Giai phẩm; chúng nó là thế đấy (…)
Những con người của chúng ta, từ Cách mạng tháng Tám đến nay, xuất hiện, trưởng thành dần dần và mãnh liệt, để đi tới “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, dù chúng ta có còn khuyết điểm, nhược điểm gì, cả Trái đất cũng biết chúng ta vĩ đại!” (Xuân Diệu, Dao có mài mới sắc Nxb Văn học, Hà Nội 1963, tr. 101-114. Bản điện tử do Lại Nguyên Ân cung cấp, tài liệu Talawas)

Bài Xuân Diệu chứng chứng minh những điều Văn Cao viết về “chúng nó” là đúng. Xuân Diệu còn gián tiếp cho biết: Đảng chưa bao giờ hiểu nghệ thuật của Văn Cao. Tất cả những sáng tác tuyệt vời của Văn Cao đều bị Đảng coi là “thuốc độc”.
Tóm lại, Đảng chỉ lợi dụng bài Tiến quân ca. Nhưng Văn Cao không thuộc về Đảng. Văn Cao là nghệ sĩ của dân tộc.

Nếu nhạc của Văn Cao đưa con người vào cõi mộng, thì thơ Văn Cao xoáy vào thực tại cuộc đời: phần đời thực với Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946, Những người trên cửa Biển và phần nội tâm sâu xé của con người mất tự do, trong các bài thơ ngắn, cô đọng và đau thương, như những giọt nước mắt không rơi ngoài tim mình như lời thơ Thanh Tâm Tuyền. Là nhạc sĩ kỳ tài, Văn Cao còn là nghệ sĩ tiên phong trong hội họa và thi ca. Ngày nay chúng ta không còn nhiều họa phẩm của Văn Cao nhưng theo Tạ Tỵ, Văn Cao đã tự trình bày bìa những bản nhạc của mình bằng những bức tranh avant garde. Nếu tìm lại được những ấn bản đó, ta có thể có ý niệm về hội họa tiên phong của Văn Cao.
Riêng về thơ, Văn Cao âm thầm tiếp tục con đường tân tạo. Mỗi chặng sống, ông viết những tác phẩm giá trị.
Cúi xuống những lầm than của kiếp người, Văn Cao là người duy nhất để lại những hình ảnh kinh hoàng của trận đói tháng ba năm Ất Dậu. Nếu không có Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, thì chúng ta không thể hình dung cảnh xe xác lăn trong xóm cô đầu của một Hà Nội bán linh hồn:
“Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hoá tà ma…
Đôi dẫy hồng lâu mở cửa phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục
Tình tang… Não nuột khóc tàn sương
Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc rời đèn phù thế
Ta đi giữa đường dương thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây…
Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy
Xác trụy lạc rũ bên thềm lá phủ
(…)
Ta về gác chiếu chăn gào tự tử
Trên đường tối đêm khoả thân khiêu vũ
Kèn nhịp xa điệu múa vô luân
Run rẩy giao duyên khối nhạc trầm trầm
Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc
Kiếp người tang tóc
Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương
Một nửa kêu than, ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc!”
Bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc song hành với Tiến quân ca, là những tiếng bi thương và hùng tráng, báo hiệu cho sự đồng lòng nhất trí của dân tộc đứng lên trong ngày toàn quốc kháng chiến.
Ngoại ô mùa đông 1946 viết về ngày toàn quốc kháng chiến, với một bút pháp độc đáo, kinh hoàng, gây hoang loạn:
“Phố chết rồi vài mảnh rêu ngơ ngác
The thé thất thanh giọng kêu tàn ác
Quạ dăm con, chập choạng cánh dơi xa
Lơ láo tường vôi, than bụi dui nhà
Với dáng cỏ khô dấu chìm xe ngựa

Xưa lê la đàn ròi bọ
Đục trong máu mủ ung thư
Của một phường Hà Nội cổ
Vàng son che đậy hương thừa
Bao người bệnh tật thời xưa
Từng sống rạc rài viễn phố
Bao người ấy bây giờ
Súng gươm giữ từng đường phố
… Lời gọi cha già
Ôi đoàn thể
Bấy nhiêu người đói khổ đã vươn cao
Cửa ô cần lao
Cửa ô trụy lạc
Cửa ô trầm mặc
… Mấy bức tường hồng rơi xuống cùng trâm
Một dẫy phố nghiêng cả thành Hà Nội
Dòng ngõ chợ xưa máu dâng ngập lối
Mấy xác quân thù bên cống tanh hôi
Sọ nứt toang óc chảy lẫn với ròi
… Xóm âm u
thành khối đen đặc quánh
Ơi ai ngâm mình hố lạnh
Gió mùa rú ghê người
Trăng đông dầm khe rãnh
Lưỡi lê đậu sương rơi…” (Ngoại ô mùa đông 1946)
Kháng chiến không chỉ là hào hùng, là hoa treo đầu súng.
Kháng chiến còn là chiến tranh, chết chóc, tàn phá, kinh hoàng… Ngoại ô mùa đông 46 là bài thơ khốc liệt nhất viết về toàn quốc kháng chiến. Trong những năm đầu, người nghệ sĩ còn được tự do sáng tác, mới có thể có Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc và Ngoại ô mùa đông 1946, in trên báo Tiền Phong.
Trường ca Những người trên cửa biển, là bài ca lịch sử của Hải Phòng, gắn liền với lịch sử Văn Cao, từ lúc sinh trong đói khổ dưới thời Pháp thuộc, đến cuộc kháng chiến đẫm máu mà Văn Cao đã phụng sự hết mình. Văn Cao chờ đợi một mùa xuân khi hoà bình lập lại. Nhưng ngày dứt chiến tranh cũng là ngày chia đôi đất nước, ngày những con bạch tuộc hiện hình:

Vợ xa chồng
Anh xa em
Chiều Nam chiều Bắc cùng sầu
Tiếng thức dậy niềm cô đơn nuối tiếc

Gió bão tới đâu cũng không một lúc
Rụng hết lá vàng
Ngày báo hiệu mùa xuân mầm nở mầm tàn
Có người tự nhiên tiếc bàn tay đã mất
Từng đêm đau nhức vết đạn trên mình

Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẫn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Đậu trên những dây buồm
Đang đo mực nướng
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người

Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt (Những ngày báo hiệu mùa xuân, trong trường ca Những người trên cửa biển, Giai phẩm mùa thu tập II, tháng 10/56).
Văn Cao trở lại vị trí chiến sĩ trừ gian. Lần này cuộc cách mạng sẽ xẩy ra trên mặt trận tư tưởng, bằng ngòi bút. Và những kẻ sợ Văn Cao vạch mặt, chỉ tên đã hoảng loạn tinh thần, viết nên những điều cuồng dại.

Sau Nhân Văn, Văn Cao vẫn làm thơ. Lần này thơ ông đi sâu vào nội tâm con người. Một con người:
Có lúc
một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ
có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được” (Có lúc)

Con người bị cầm tù tư tưởng âm thầm nhìn cái chết chậm, như bức tường vô tri, nhích dần, nhích dần trên thân xác mình:
Cái bức tường lê từng bước một
Đến gần chân chúng tôi hàng ngày
Chúng tôi nhìn chậm chạp
Châm chạp một cái chết
Thời gian đang héo thời gian đang rụng (Với Nguyễn Huy Tưởng)
Bài thơ khóc Nguyễn Huy Tưởng, nhưng là điếu tang những người bị mất tự do. Bài thơ bị cấm trong ba mươi năm.
Kiên trì, Văn Cao vẫn tiếp tục vẽ bằng thơ. Lần này ông phác họa chân dung một kẻ xưa kia là bạn:
Tôi đã gặp lại anh
Im lìm như một bức ảnh
Người anh dẹt như một con dao
Gây nhiều vết thương cho bạn hữu
Anh mang trong tôi nhiều bộ mặt
Đâu là cái cuối cùng
Chỉ còn hai con mắt
Trắng dã không thể lừa dối (Về một người)

Bài Ba biến khúc tuổi 65, tổng kết cuộc đời Văn Cao trong một tình thế chính trị không lối thoát. Biến khúc I viết về thời kháng chiến trừ gian:
Một người cho tôi con dao găm
Không biết dùng làm gì
đêm nhìn qua cửa sổ
một khoảng trống đen
tôi ném vào khoảng trống …
bỗng nhiên có tiếng ngã ngoài sân
một người trúng tim đã chết
tôi không hề biết người ấy
tôi là kẻ không muốn giết người
chỉ biết bóng tối
mà tôi đã ném dao.
Những lời tự họa đớn đau của Văn Cao đã gặp những lời tự phán kinh hoàng của Nhất Linh trong Giòng sông Thanh Thủy: Khi anh đã lọt vào guồng máy, anh sẽ phải giết người, anh sẽ có bàn tay bẩn (JP Sartre).
Biến khúc II viết về bi kịch của người Nhân Văn:
Tôi đi trên phố
bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
tôi chạy
tôi chạy
tại sao tôi chạy?
tôi không hiểu tôi
cả phố đuổi theo tôi
xe cộ đuổi theo tôi
tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội

Chạy hết trọn đời, nhưng người Nhân Văn không tìm ra lối thoát.
Biến khúc III, viết về mạng lưới công an trị:
Tôi rơi vào mạng nhện
mạng nhện cuốn lấy tôi
không còn cách gì gỡ được…
muốn phá cái mạng nhện
tôi không đủ tay (Ba biến khúc tuổi 65)

Sau Nhân Văn, người ta vẫn không dám đối xử với tác giả Tiến quân ca như những thành viên khác của NVGP. Họ đành đưa Văn Cao vào bóng tối. Không nhắc tới. Không cho in. Không cho hát. Không cho vẽ. Trong ba mươi năm. Nhưng Văn Cao vẫn hiện diện. Hiện diện bằng sự vắng mặt:
Người dân miền Nam vẫn nghe những tuyệt tác của Văn Cao qua tiếng hát những ca sĩ thượng thặng Thái Thanh, Hà Thanh, Khánh Ly… Và người dân miền Bắc mỗi lần chào cờ là một lần hội ngộ với Văn Cao.
Sau này, khi đất nước ra khỏi chế độ toàn trị, lá cờ đỏ sao vàng gắn liền với với Đảng Cộng sản sẽ không còn lý do tồn tại. Nhưng Tiến quân ca là xương thịt của một nghệ sĩ thiên tài, suốt đời đóng góp cho nghệ thuật chân chính và tranh đấu cho tự do của đất nước, sẽ mãi mãi còn lại. Bởi khó có tác phẩm nào thay thế được Tiến quân ca trong lòng dân tộc Việt Nam.

Hết phần thứ XIII

Phụ bản

Hồi Ký của Văn Cao:
Bài Tiến quân ca

Sau Triển lãm Duy nhất 1944 (Salon unique), tôi về ở một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi tuy được bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh -nhà Khai Trí Tiến Đức- và được các báo giới thiệu cũng không bán nổi. Hy vọng về cuộc sống bằng hội họa tại Hà Nội không thể thực hiện được. Anh bạn nhường cho tôi căn gác ấy là người đã xuất bản mấy bản nhạc đầu tiên của tôi cũng không nói đến tiền nhuận bút. Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó dù đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn. Đối với những cây bút trẻ, việc đăng báolà một vinh dự, người ta phải mua báo và còn phải mua thêm nhiều tờ để tặng người yêu, tặng bạn thân. Hàng ngày tôi nhờ mấy người bạn họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc. Cuộc sống lang thang ấy không thể kéo dài nhiều ngày. Muốn tìm việc làm thì không có chỗ. Hà Nội lúc ấy lại đang đói. Những người bạn nuôi tôi cũng gặp nhiều khó khăn.
Căn gác 45 ấy bắt đầu đông người thêm. Mấy người bạn tôi cũng bỏ Hải Phòng để lên đây kiếm việc. Họ đều là những bạn hướng đạo, trước đây chưa hề phải lo đến chuyện làm ăn. Những năm trước, chúng tôi thường kéo tới nhà nhau để sống hàng tháng trời bắt gia đình phải nuôi hay thỉnh thoảng mang lều đi ra ngoài thành phố, về những nơi có núi đồi để cắm trại và ca hát. Đầu tiên chỉ có hai người tới ở chỗ tôi, sau đấy lại thêm ba người nữa và có người chỉ mới biết tôi qua bạn bè cũ. Căn gác 45 ấy biến thành một cái quán trọ của những người thất nghiệp. Hàng ngày mỗi người đi tìm bạn bè trên phố để kiếm ăn. Đêm đêm họ phải nằm trên cái sàn nhà lát gỗ. Bởi vì tôi chỉ có một cái giường nhỏ. Chủ nhà đã cắt điện vì tôi không có tiền trả hàng tháng. Tôi phải làm việc với một ngọn đèn dầu. Đã hết những câu chuyện tâm tình, những ước mơ và khát vọng của tuổi thanh niên. Mỗi đêm, chúng tôi chỉ nhìn thấy nhau với những bộ mặt chán chường thất vọng. Đôi lúc có những bộ mặt thấy vui hơn. Đấy là dấu hiệu thắng lợi của những người gặp may trong ngày đã kiếm được một bữa ăn ngon, hay một số tiền nhỏ do bạn bè bố thí. Chúng tôi ở với nhau không ai nghĩ đến sự giúp đỡ nhau. Mạnh ai tìm lấy việc, tìm lấy cơm ăn hàng ngày. Không chí hướng. Không mục đích.
Buổi sáng mỗi lần ra đi, tôi thấy họ vẫn nằm ôm nhau trên sàn gác, dù nắng đã chiếu vào giữa nhà. Thấy tiếng kẹt cửa họ cũng không buồn cựa quậy. Có lúc trở về vào hai ba giờ chiều tôi vẫn thấy họ nằm như buổi sáng. Anh em thường gọi đấy là những ngày phải “gồng”. Tiếng “gồng” có nghĩa là chịu đói. Tiếng “gồng” theo nghĩa võ là chịu đòn. Nhóm thất nghiệp còn đặt thêm nhiều từ để chỉ sự đói: ép gồng, ép rệp. Những cảnh “gồng” thường diễn ra ở căn gác xép ấy.
Người “giải gồng” -có nghĩa là giải được sự đói- giỏi nhất là tôi. Mỗi buổi sáng ra đi tôi thường không biết là sẽ đi đến đâu và sẽ làm gì, và chỉ cầu vào sự may mắn: may gặp bữa ăn ở nhà một người bạn, may gặp một người bạn mời ăn ở dọc đường. Nhờ những năm học vẽ tại Hà Nội, tôi có một số bạn nên gặp được nhiều may mắn. Nghe tiếng chân của tôi lao trên mấy bậc thang gạch, mấy anh bạn trở mình nói với nhau: “Nó hôm nay lại thấy về sớm?” Tôi nhìn các bạn nằm trên sàn gác nhịn đói không biết nói gì thêm. Cái đói đã trói chúng tôi lại một nơi này.

Có một lần tôi khệ nệ xách lên gác một con cá mè dài gần một sải tay. Cả bọn vùng dậy. Mặt anh nào cũng sáng hẳn lên:
- Ở đâu ra cái của này?
- Bà mẹ Nguyễn Đình Phúc cho đấy.
Tôi chỉ kịp ngồi thở, vì đã phải đi bộ xách cá từ Hàng Than về. Bà mẹ nhạc sĩ ấy nay đã mất rồi, nhưng chúng tôi không thể quên ngày chúng tôi nhờ mẹ mà có một bữa đỏ lửa trên sân gác, một bữa “tiệc” với món cá luộc chấm muối chưa bao giờ ngon lành và no nê đến thế. Hình như chỉ có một buổi tối hôm ấy thôi có người trong chúng tôi mới kể đến những chuyện về tình yêu.
Thế rồi bỗng nhiên họ rẽ nhau đi hết trong một ngày. Và căn gác bỗng lạnh vắng. Bọn họ đã tìm được công việc trong một dịp may. Một người chủ thầu chợ Hà Đông nhận tất cả làm nhân viên dán vé. Riêng tôi không thể làm nghề ấy được. Tôi ở lại một mình trên căn gác vắng vào những ngày đầu thu năm 1944.

Tin từ Hải Phòng lên cho biết mẹ tôi, các em và các cháu đang đói khổ. Bà đưa các đứa nhỏ ấy từ Nam Định ra Hải Phòng, dọc đường để lạc mất đứa cháu con anh cả tôi. Nó mới lên ba. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Có thể nó đã nằm ở dọc đường trong đám người chết đói năm ấy. Các anh tôi cũng đang chờ tôi tìm cách giúp đỡ. Năm ấy rét sớm hơn mọi năm. Tôi ngủ với cả quần áo. Có đêm tôi phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn đêm mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu.
Căn gác được thêm một người ở. Anh Ph.D. là bạn thân của tôi từ Hải Phòng lên. Anh mới nhận nhiệm vụ làm giao thông của tổ chức giữa hai tỉnh Hà Nội và Hải Phòng. Từ lâu, tôi vẫn biết Ph. D là người của đoàn thể, và thường chú ý giúp đỡ tôi. Tôi nghĩ làm cách mạng là phải bỏ văn nghệ, con đường của người làm cách mạng là phải thoát ly phải hy sinh như gương chiến đấu của các đồng chí mà tôi đã được biết qua sách báo. Nhưng tôi vẫn có thể làm khác vói việc thoát ly -tôi chỉ hiểu tổ chức đến thế- có thể là bằng sáng tác, bằng những hành động mà tôi dễ làm nhất như nhận dạy hát cho một đoàn thanh niên về những bài ca yêu nước, hay tham gia những buổi biểu diễn giúp đỡ người nghèo v.v… Tôi chỉ biết sáng tác một số ca khúc về đề tài lịch sử, kêu gọi xa xôi lòng yêu nước. Tôi chưa dám làm một bài ca cách mạng. Và cũng chỉ có thế thôi, thanh niên học sinh và anh em hướng đạo đã khuyến khích tôi. Sự khuyến khích ấy đẩy tôi vào nghề nhạc sau này. Lần này, Ph. D. lên ở với tôi vào giữa lúc tôi đã muốn bỏ tất cả hội họa, thơ ca, âm nhạc, bỏ tất cả giấc mơ sáng tạo thường đêm đêm đan mãi đan mãi cái vành mũ triền miên trên đầu như một vòng ánh sáng thần thánh.
Một hôm, Ph. D. nói với tôi:
- Văn có nhớ anh Vũ Quý không? Anh ấy vẫn ở Hà Nội? Văn có muốn gặp anh ấy không?
Tôi biết đồng chí Vũ Quý trong những ngày còn là vận động viên bơi lội ở Hải Phòng. Chúng tôi thường tập luyện hàng ngày trên sông Cấm. Từ khi biết anh bị mật thám Pháp bắt hụt, tôi hết sức khâm phục. Thế ra người cộng sản ấy vẫn hoạt động tại Hà Nội. Anh ấy vẫn nhớ đến tôi.
Tôi đã gặp lại đồng chí Vũ Quý. Anh là người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của tôi từ mấy năm qua, và thường khuyến khích tôi sáng tác những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng rừng, và một số ca khúc khác. Chúng tôi gặp nhau trước ga Hàng Cỏ. Chúng tôi vào một hiệu ăn, ở đấy quyết định một cuộc đời mới của tôi. Câu chuyện của chúng tôi thật hết sức đơn giản.
- Văn có thể thoát ly hoạt động được chưa?
- Được.
- Ngày mai Văn bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hàng tháng.
Ngày hôm sau anh đưa tôi lại nhà một đồng chí thợ giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên để ăn cơm tháng và chờ quyết định công tác. Ngày đầu tiên chấm dứt cuộc sống lang thang của tôi.
Vũ Quý đến tìm tôi và giao công tác:
- Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, nên phải dùng những điệu hướng đạo. Khoá quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta.
Phải làm như thế nào đây? Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen cố tìm một cái gì để nói, tìm một âm thanh đầu tiên. Nhưng đường phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn và lòng tôi thấy vui hơn. Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh chứ không chuẩn bị để lại quay về làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một cái ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Cháu bé không mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc. Không phải cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định – Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về gác tôi viết được nét nhạc đầu bài Tiến Quân Ca.

Những ngày ấy, Ph.D. sống chung với tôi. Thỉnh thoảng anh về Hải Phòng và mang tiền bán tín phiếu do các cơ sở gửi lên. Quần chúng ủng hộ Việt Minh ngày càng nhiều. Các báo chí gửi về các cơ sở như “Cờ Giải Phóng” và “Cứu Quốc”cũng tăng thêm số lượng. Tất cả đã chất đầy mặt bàn tôi. Những tin đấu tranh ở các tỉnh được phản ảnh đầy đủ trên báo chí. Tin chiến khu được mở rộng. Tin về các đội du kích thành lập. Rồi những tặng phẩm gửi tôi có thêm cả máy ảnh, ống viễn kính, cả những bì gạo. Mỗi vật tiếp nhận càng cho thấy sự phát triển lớn mạnh thêm của phong trào quần chúng đô thị và nông thôn. Những cột báo không đăng hết được danh sách những người ủng hộ Mặt trận.
Tôi thường nhìn Ph. D. mỗi lần anh đóng gói đi xa và lắng nghe tiếng còi tàu ngoài ga Hàng Cỏ để chờ một chuyến tàu đêm. Dưới ngọn đèn dầu, bộ mặt ngăm ngăm đen của anh chỉ thấy ánh lên đôi mắt sâu và trầm lặng. Anh rất tôn trọng những phút tôi ngồi vào bàn với tập bản thảo và chờ đợi âm thanh của từng câu nhạc được nhắc đi nhắc lại. Anh là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến Quân Ca.
Ngày nay tôi vẫn không sao nhớ nổi, dù nhớ đủ mọi kỷ niệm, rằng mình đã soạn nhạc bằng phương tiện nào, một cây đàn ghi-ta, một măng-đô-lin hay một băng-giô. Cũng không nhớ tôi đã mượn đàn của ai và ở đâu. Có thể bài “Tiến quân ca” đã soạn trên một chiếc ghi-ta Ha-oai chăng? Bởi vì tôi đã quen sáng tác trên cây đàn này những năm trước đây.

Bài hát đã làm trong không biết bao nhiêu ngày tại căn gác hẹp số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy lùm cây và một màu trời xám. Ở đấy thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói đi về phía Khâm Thiên. Ở đấy hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào từng khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một anh viên chức nghèo khổ thiếu ăn dưới nhà vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đấy tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đấy có những tiếng đập cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại.
Tin từ Nam Định lên cho biết mẹ tôi và các em đã về quê và đang bị đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày như mọi người đang chờ một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, của các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ nhiều hôm. Tất cả đang chờ tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào, tôi chỉ biết đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy, để biết họ hát như thế nào. Ở đây tôi đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được
Đoàn quân Việt Minh đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho tiếng cồng vang vọng.
Đoàn quân Việt Minh đi
Sao vàng phấp phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Không, không phải chỉ có những học sinh khóa quân chính kháng Nhật đang hành quân, không phải chỉ có những đoàn chiến sĩ áo chàm đang dồn bước, mà cả một đất nước đang chuyển mình.
Tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ Thăng Long hành khúc ca:
“Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng”
hay trong Đống Đa:
“Tiến quân hành khúc ca
Thét vang rừng núi xa…”
Lời trên đã rút ngắn thành tên bài Tiến quân ca và tiếng thét ấy ở đoạn cao trào của bài hát:
“Tiến lên! Cùng thét lên!”
“Chí trai là đây nơi ước nguyền”
Trên mặt bàn chỗ tôi lam việc, tờ “Cờ giải phóng” đăng những tin tức đầu tiên về những trận chiến thắng ở Võ Nhai.
Trước mắt tôi mảnh trời xám và lùm cây của Hà Nội không còn nữa. Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và nhiều hy vọng.
Và bài hát đã xong. Tôi nhớ lại nụ cười thật hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen xạm, đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh. Tôi nhớ lại nụ cười hồn nhiên của đồng chí Nguyễn Đình Thi khi xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát đó. Thi nói với tôi:
- Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao?
Tôi không kịp trả lời, chỉ nhìn thấy đôi mắt của Thi thật lạc quan và tin tưởng. Sau này Thi làm xong bài “Diệt phát xít” trước tôi. Bài “Chiến sĩ Việt Nam” của tôi và bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi ngày ấy không có dịp in trên tờ báo do chúng tôi cùng phụ trách.

Ngày 17 tháng tám 1945, tôi đến dự cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn nhà hát lớn xuống. Bài “Tiến quân ca” đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất lên vang theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, nhưng tờ bướm in “Tiến quân ca” được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít-tinh.
Tôi đã đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa nhà Hát Lớn. Tôi đã nghe giọng hát quen thuộc của bạn tôi, anh Ph.D. qua loa phóng thanh. Anh là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia và xuống cướp loa phóng thanh hát. Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên, và cũng là một lần duy nhất.
Ngày 18 tháng tám 1945, đội thiếu niên tiền phong đến tìm tôi nhận nhiệm vụ mới. Tôi không biết giao việc gì cho các em lúc này khi chúng tôi không phải nhờ các em làm nhiệm vụ trinh sát như trước đây các em đã giúp chúng tôi hết sức thông minh và dũng cảm. Chúng ta sẽ bắt tay vào nhiệm vụ mới của cách mạng. Các em sẽ quay về với công việc học tập hàng ngày của các em. Lúc này… lúc này chúng ta hãy tập hát. Một dàn đồng ca được thành lập ngay trong Trụ sở Hướng đạo tại phố Hàng Trống, nơi chúng tôi thường sinh hoạt với các em. Tôi đã hướng dẫn các em học bài Tiến quân ca để ngày hôm sau làm lễ chào cờ.
Lúc ra về, một em bé khệ nệ ôm một gói khá to và nặng đến gặp tôi. Đó là một em làm việc quét dọn ở nhà in Lê Văn Tân. Tôi ngạc nhiên nhìn em mở bọc giấy ra trước mắt các đội viên: một gói truyền đơn mà em đã từng đêm trốn lại buồng máy, tự xếp chữ và in lấy được vài trăm tờ theo một khẩu hiệu em đã được xem trên báo Cứu Quốc ngày gần khởi nghĩa. Tôi chợt nhìn đôi mắt đầy tự hào của em. Đôi mắt em đẹp quá! Tôi ngờ ngợ như đã nhìn thấy đôi mắt ấy từ bao giờ. Đôi mắt của những đứa trẻ bị lạc!

Ngày 19 tháng tám 1945, một cuộc mít-tinh lớn họp tại quảng trường Nhà hát lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng. Các bạn nhỏ này, ngày nay đã lớn tuổi rồi, có còn nhớ lại cái buổi sáng tháng tám nắng vàng rực rỡ ấy? Nhớ lại giọng hát của họ lẫn với giọng tôi vô cùng xúc động chào lá cờ cách mạng? Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù vào mặt bọn đế quốc với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng.
Bài “Tiến quân ca” đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó. Nay nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến lên thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bài “Tiến quân ca” hẳn còn vang vọng mãi tác dụng của nó như thuở nó ra đời trong buổi bình minh kỷ nguyên mới của lịch sử đất nước.
Văn Cao
(Sông Hương, số 26, tháng 7&8/1987, trang 1-5)

Bài đã bị cắt:
Tại sao tôi viết Tiến quân ca

Sau Triển lãm Duy nhất 1944 (Salon unique), tôi về ở một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi tuy được bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh -nhà Khai Trí Tiến Đức- và được các báo khen ngợi nhưng cũng không bán nổi. Hy vọng về cuộc sống hội họa, tại Hà Nội không thể thực hiện được. Anh bạn nhường cho tôi căn gác ấy, là người đã xuất bản mấy bản nhạc đầu tiên của tôi, cũng không thấy nói đến tiền nhuận bút. Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó dù đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn. Đối với cây bút trẻ, việc đăng báo là một vinh dự. Người ta phải đi mua báo và còn mua thêm nhiều tờ để tặng người yêu, tặng bạn thân. Hàng ngày tôi nhờ mấy người bạn họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc. Cuộc sống lang thang đó không thể kéo dài nhiều ngày. Muốn tìm việc làm thì không có chỗ. Hà Nội lúc ấy lại đang đói.

Tin từ Hải Phòng lên cho biết mẹ tôi, các em và các cháu tôi đang đói khổ. Bà đưa các đứa nhỏ ấy từ Nam Định ra Hải Phòng, dọc đường để lạc mất đứa cháu con anh cả tôi. Nó mới lên ba. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Có thể nó nằm ở dọc đường trong đám người chết đói năm ấy. Các anh tôi cũng đang chờ tôi tìm cách giúp đỡ. Năm ấy rét hơn mọi năm. Tôi ngủ với cả quần áo. Có đêm tôi phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu.

Tôi đã gặp lại đồng chí Vũ Quý. Anh là người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của tôi từ mấy năm qua, và thường khuyến khích tôi sáng tác những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng rừng, và một số ca khúc khác. Chúng tôi gặp nhau trước ga Hàng Cỏ. Chúng tôi vào một hiệu ăn. Ở đây quyết định một cuộc đời mới của tôi. Câu chuyện giữa chúng tôi thật hết sức đơn giản.
- Văn có thể thoát ly hoạt động được chưa?
- Được.
- Ngày mai Văn bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hàng tháng.
Ngày hôm sau anh đưa tôi lại nhà một đồng chí thợ giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên để ăn cơm tháng và cho quyết định công tác. Đây là lần đầu tiên chấm dứt cuộc sống lang thang của tôi.
Vũ Quý đến tìm tôi và giao công tác:
- Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, phải dùng những điệu hướng đạo. Khoá quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta.
Phải làm như thế nào đây? Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen, tôi cố tìm một cái gì để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên. Những đường phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn và lòng tôi thấy vui hơn. Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh chứ không chuẩn bị để lại quay về làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng, loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì, trong một cái ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc cũng không phải là cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định – Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt, và quay đi. Đêm ấy về căn gác tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca.

Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày, tại căn gác hẹp số 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy làn cây và một màn trời xám. Ở đây thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói về phía Khâm Thiên. Ở đây hàng đêm, mất ngủ vì gió mùa luồn vào tung khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn, vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đây tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đây đêm đêm có những tiếng gõ cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại.
Tin từ Nam Định lên, cho biết mẹ tôi và các em đã về quê và đang đói. Họ đang phải tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây tôi đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị, cho họ có thể hát được
Đoàn quân Việt Nam đi
chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…
Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho tiếng cồng vang vọng.
Đoàn quân Việt Nam đi
Sao vàng phất phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…
Không, không phải chỉ có những học sinh khóa quân chính kháng Nhật đang hành quân, không phải chỉ có những đoàn chiến sĩ áo chàm đang dồn bước. Mà cả một đất nước đang chuyển mình.
Tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ Thăng Long hành khúc ca:
“Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng”
- Hay trong Đống Đa:
“Tiến quân hành khúc ca
Thét vang lừng núi xa…”
Lời trên đã rút ngắn thành tên bài Tiến quân ca và tiếng thét ấy ở đoạn cao trào của bài hát:
“Tiến lên! Cùng thét lên!”
“Trí trai là đây nơi ước nguyền”
Trên mặt bàn chỗ tôi lam việc, tờ “Cờ giải phóng” đăng những tin tức đầu tiên về những trận chiến thắng ở Võ Nhai.
Trước mắt tôi mảnh trời xám và lùm cây của Hà Nội không còn nữa. Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều may và nhiều hy vọng.
Và bài hát đã xong. Tôi nhớ lại nụ cười thật hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen xạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh. Tôi nhớ lại nụ cười hồn nhiên của đồng chí Nguyễn Đình Thi, khi xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát đó. Thi nói với tôi:
- Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao?
Tôi không kịp trả lời, chỉ nhìn thấy đôi mắt của Thi thật lạc quan và tin tưởng. Sau này Thi làm xong bài “Diệt phát xít” trước tôi. Bài “Chiến sĩ Việt Nam” của tôi và bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi ngày ấy không có dịp in trên tờ báo do chúng tôi cùng phụ trách.

Tháng 11-1944, tôi tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in, trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc Lập, còn giữ lại nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề.
Một tháng sau khi báo phát hành, tôi từ cơ quan ấn loát trở về Hà Nội. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là đường Mai Hắc Đế) tôi chợt nghe tiếng đàn măng-đô-lin, từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập Tiến quân ca. Tôi dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với tôi hơn tất cả những tác phẩm, tôi đã được ra mắt, ở các rạp hát trước đây. Tôi nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in ra rồi. Bài hát đã được phổ biến. Có thể những người cùng khổ, mà tôi đã gặp trên bước đường cùng khổ của tôi, lúc này đang cầm súng và đang hát.
Tới lúc cần hành động, tôi lại bị ốm nặng, và phải đưa những vũ khí mà tôi giữ cho một đồng chí khác. Ngày 17-8-1945, tôi cố gắng đến dự một cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Ngọn cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn nhà hát lớn xuống. Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi. Những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng, đã thay những băng vàng bẩn thỉu của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Ngày 18-9-1945, một cuộc mít-tinh lớn, họp tại quảng trường Nhà hát lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến quân ca”, chào lá cờ đỏ sao vàng. Các bạn nhỏ này, ngày nay đã lớn tuổi rồi, có còn nhớ lại cái buổi sáng tháng Tám, nắng vàng rực rỡ ấy, nhớ lại giọng hát của họ lẫn với giọng tôi, vô cùng xúc động chào lá cờ cách mạng. Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù bọn đế quốc, với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng.
Bài “Tiến quân ca” đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó.
7-7-1976
Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm – NXB Văn Học, 1996, trang 86-92

Thụy Khuê