Wednesday, February 03, 2010

Lê Đạt - Nhân Thánh Thán bình thơ Đường [1/2]

Nhân Thánh Thán bình thơ Đường [1/2]


Lê Đạt

Xin chọn mấy bài thơ Đường tương đối quen thuộc với độc giả Việt Nam để tiện theo dõi:

I. Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tịch xuyên lịch lịch Hán dương thụ
Phương thảo thê thê Anh vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Thôi Hiệu

Lầu Hạc Vàng

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi
Nơi đây chỉ còn trơ lầu Hạc vàng
Hạc một đi rồi không trở lại nữa
Mây trắng ngàn năm man mác trôi
Dòng sông quang tạnh rực rỡ hàng cây đất Hán dương
Cỏ thơm mọc tươi tốt trên bãi Anh vũ
Chiều tối quê nhà ở nơi đâu?
Khói sóng trên sông khiến người buồn bã.

Kim Thánh Thán phê bình: Có bản chép Tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ thực là lầm lớn! Không biết rằng bài thơ này dùng bút lớn bao la tả liền ba chữ Hoàng Hạc lâu, chỗ kỳ lạ là ở đó. Giả sử người xưa mà cưỡi bạch vân thì lầu này tại sao lại có tên là hoàng hạc? Lý này thật rất rõ ràng. Còn như câu 4 chợt thêm vào bạch vân diệu ở chỗ có ý không ý, có nói không nói (hữu ý vô ý, hữu vị vô vị). Nếu thoạt tiên chưa tả hoàng hạc mà trước đã tả bạch vân thì là hoàng hạc, bạch vân đối chọi nhau: Hoàng Hạc vốn là tên lầu, còn bạch vân thì do điển nào mà ra? Bạch vân đã được ngời xưa cưỡi đi mà đến nay hãy còn du du trên đời này há có thiên tải bạch vân sao? Thực không đáng một cái cười. Làm thơ không nhiều mà có thể khiến Thái Bạch Công phải gác bút thì đúng là bậc đại trượng phu trong rừng bút mực vậy. Hãy xem bọn nho mọn ô uế suốt đời rên rỉ khổ ngâm, đến cái ngày đậy nắp áo quan, người ta góp nhặt lại cũng được mấy trăm ngàn lời thế nhưng không từng được cả một đứa trẻ nít trong làng tạm thời để mắt vào, thực đáng đau xót lắm.

Lê Đạt lạm bàn: Lý giải minh triết, lời lẽ tung hoành, sát phạt như những đường gươm tuyệt mệnh đúng là loại người xưa nay hiếm trong cõi phê bình. Thể loại phê bình thường bị một số nhà sáng tác xem khinh 15 phút như thể loại ký sinh, thằng còng làm thằng ngay ăn, viết đến mức Thánh Thán ai dám bảo thua sáng tác? (Tôi e rằng phần Thánh Thán phê bình Tây sương ký có chỗ còn vượt cả bút lực của tác giả Vương Thừa Phủ).

Trong lúc không ít nhà sáng tác phải xuất trình chứng minh thư độc giả mới biết là của ai, chỉ cần lướt mấy dòng trên, dù chưa xem đến tên tác giả cũng biết ngay là của ông họ Kim. Lời thật độc! Trộn không lẫn.
Không có thể loại dở. Chỉ có người dở.

Kim Thánh Thán phê bình tiếp: Phàm cổ nhân mà có một lời, một hàng, một câu, một chữ đủ để bước một mình trong một thời, chiếm cứ cả ngàn năm thì ta cần phải tin rằng không gì là không đều do đọc ở sách, dưỡng khí mà ra.

Như dải thơ này ta phải tin rằng rõ ràng là do đọc sách. Các câu 1, 2: chính là ông đọc Thiên Thiên đạo, sách Trang tử, lời của Luân Biện nói về Tề Hoàn công… ông liền thuận tay sửa bớt, dùng rất thích đáng. Các câu 3, 4 chính là ông đọc được câu ca Dịch thuỷ trong Kinh Kha liệt truyện.

Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn
(Gió vi vu hề sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một ra đi không trở về)

Cuốn sách ai cũng đọc thế mà chỉ riêng ông có sự sẵn đối cảnh liền dùng, ngay cả chính mình rốt cuộc cũng không biết nữa thế thì rõ ràng phải tin đó là cái sức dưỡng khí.

Tiền dải tả người xưa, hậu dải tả người nay tuyệt nhiên không tả đến lầu! Dải này lại diệu ở chỗ không dính liền gì với đoạn trên, chỉ nhất ý tựa cao trông xa, riêng thổ lộ hoài bão của mình, mặc cho đời sau muốn hiểu ra sao thì hiểu thực đúng là bậc đại gia vậy.

Lê Đạt lạm bàn: Thánh Thán viết lời bình trên đã 300 năm mà tưởng đâu mới viết hôm qua, hôm kia gì đó trên một tạp chí phê bình mới tại Pháp những thập niên 60.

Nghĩ đến thuyết bản viết nhiều tầng (écriture plurielle) của Rôlăng Báctờ hay của trường phái ngữ nghĩa phân học (sémanalyse) quan niệm bất cứ một nguyên cảo nào cũng được viết trên một palimxet, tức là một miếng da cừu. Đã viết rồi được cạo sạch đi để viết mới những vẫn ẩn hiện bản văn cũ. Một câu thơ hay là câu thơ ký thác được lịch sử thi ca nhân loại, nó đi qua các tầng văn hoá như con tàu Du hành II vượt quỹ đạo Thái dương hệ đi vào cõi vô cùng.

Đọc sách, dưỡng khí là quá trình tích tụ, sinh thành trong ý thức lẫn vô thức con người, do đó một nhà thơ có thể xuất khẩu thành chương nhưng câu thơ vẫn mang sức hàm dưỡng hàng nghìn năm công lực mà ngay chính nhà thơ rút cuộc cũng không biết. Không có câu thơ hay mà lại ở trình độ cấp I.

Thơ theo cấu trúc gián đọan - Không cần những chuyển câu dông dài có tính chất lý giải hai năm rõ mười - Nhà thơ cố gắng tạo nên một liên kết chữ phức hợp bất định và đa nghĩa mặc cho người đời sau (cả đời nay nữa) muốn hiểu ra sao thì hiểu khuyến khích khả năng tự do tạo nghĩa của họ với tư cách đồng tác giả của bài thơ.

Cố gắng sáng giá nhất của nhà thơ là dò tìm miền chưa biết, mở mang bờ cõi diễn đạt của ngôn ngữ và cảm thụ của người đọc. Đó là trọng chữ, trọng người, đâu phải trò ú tim, cố tình làm khó, làm bí hiểm, coi thường người đọc.

Trong phong trào thơ hiện đại cuối thế kỷ XX, Thánh Thán “tam bách dư niên hậu” vẫn còn là một bạn đường đồ sộ.

Thánh Thán phê bình: Thái Bạch Công phê bình bài thơ này cũng chỉ nói rằng:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
(Trước mắt có cảnh không nói được
Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu)

… Bây giờ mình muốn mệnh ý thì họ Thôi đã mệnh ý hết rồi, nếu muốn thẩm cách thì họ Thôi đã thẩm cách xong rồi, nếu muốn tranh phát bút thì họ Thôi phát bút đã là không tiền khoáng hậu, không chiếu cố đến kẻ khác, dù cho mình có cảnh đẹp đầy mắt có thể soạn mấy trăm ngàn liên chăng nữa thì cũng chỉ là tự nhả hết tâm huyết ra uổng phí thôi, chớ còn đặt tay vào đâu được, vì thế bất giác cúi mình sát đất thổ lộ thực rằng: có cảnh nói không được. Than ôi! Thái Bạch Công sỡ dĩ hư tâm phục thiện như thế chỉ vì chính mình hiểu rõ luật thi cam khổ. Còn các ông đời sau thì bất chấp có người nào đề thơ rồi, chẳng ngần ngại gì mà không tức thì đề lại tám câu.

Lê Đạt lạm bàn: Đúng là Lý Bạch qua hai câu thơ trên có tỏ lòng trọng thị Thôi Hiệu. Nhưng nói rằng bất giác cúi mình sát đất thì có phần quá đáng. Thánh Thán là một nhà phê bình cực đoan. Đó là ưu điểm, cũng là nhược điểm của ông.

Vì mải đề cao Thôi Hiệu, ông chỉ thấy khía cạnh cúi mình sát đất của Lý Bạch mà không nhìn thấy thái độ tự tại bình tâm của một đại thi hào không lấy việc hơn thua làm trọng mà chỉ một lòng cảm thụ thơ hay. Thơ anh làm về lầu Hoàng Hạc thế là diệu, của anh hoặc của ta, ta hơn hay anh hơn việc đó có quan trọng gì, anh làm đã đạt rồi thì ta ngâm thơ của anh hà tất phải làm thêm một bài để thi đấu, con trẻ nó chẳng cười cho sao? Đó là tâm sáng của bậc thượng đẳng.

Thánh Thán viết: Than ôi! Thái Bạch Công sở dĩ hư tâm phục thiện như vậy chỉ vì chính mình hiểu rõ luật thi cam khổ.

Tôi cũng biết ý Kim tiên sinh muốn dùng Lý Bạch để dạy một bài học cho các ông thơ thẩn đời sau… của trường phái thơ con cóc!

Nhưng tôi e tiên sinh còn có điều hạn hẹp khác:

Ở một phần khác Thánh Thán viết: Ôi luật thi đời Đường chẳng phải chỉ là sự cấu tạo tốt đẹp của một thời mà vốn là tuyệt xướng của ngàn bậc thánh.

Luật thơ dù tuyệt vời đến đâu cũng chỉ là bước đầu. Người làm thơ cao thủ không thể không thuần thục nó nhưng thành thục rồi nên quên nó đi, biến nó thành một phản xạ. Luật thơ dù là thơ Đường, chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ.

Lý Bạch không làm không phải vì hiểu rõ luật thi cam khổ, ông không làm vì không thích làm, thế thôi.

Thánh Thán thừa hiểu rằng hai nhà thơ lớn nhất đời Đường là Đỗ Phủ và Lý Bạch.

Đỗ Phủ hoạt động trong cõi luật.

Lý Bạch hoạt động trong cõi siêu luật.

Đỗ Phủ là tuyệt đỉnh của thơ luật Đường.

Lý Bạch là chân trời của thơ Đường.

Sao lại lấy những tiêu chuẩn của cõi luật áp đặt cho cõi siêu luật?

Một điểm nữa, tại sao lại khăng khăng kết luận rằng Lý Bạch cúi mình sát đất không dám làm thơ về lầu Hoàng Hạc nữa? Thật ra Lý Bạch đã làm. Nhưng không làm như Thôi Hiệu. Hai câu thơ:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu

có thể coi là một bài kiểu khác của Lý về Hoàng Hạc Lâu. Nó cũng nổi tiếng không kém gì bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.

Đó chính là phép hiện diện bằng khuyết diện của bậc đại trí.

(Còn nữa)








© Copyright 2004 eVan, 1997-2006 VnExpress.net, All rights reserved. Contact us

No comments: