Thầy Nhất Hạnh lên tiếng: Bát Nhã Là Một Công Án Thiền
trang 02
Mình là một thành phần của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, một ủy viên Bộ Chính Trị hay một ủy viên Trung Ương Đảng. Bát Nhã là cơ hội để mình quán chiếu sự thật và tìm ra được bình an trong tâm mình. Không có bình an thì làm sao có hạnh phúc. Mà làm sao để có bình an khi mình chưa thực sự tin vào con đường mà mình đang đi, và nhất là không có niềm tin nơi những người được xem như là bạn đồng hành? Có phải là mình đang cùng ngủ chung trên một chiếc giường, nhưng mỗi người đều có riêng một giấc mộng? Tại sao mình không chia sẻ những cái ưu tư và cái cảm nghĩ của mình với những người mà mình gọi là đồng chí, có phải vì mình sợ bị lên án là đánh mất lập trường? Tại sao tất cả mọi người đều cùng nói như nhau về cái ấy, trong khi không một ai thật sự tin vào cái ấy, cũng giống như trong một câu chuyện cổ tích của Hans Christian Andersen, tất cả các quan trong triều đều khen là vua đang mặc một cái áo rất đẹp, trong khi đó thật sự vua đang ở trần?
Giấc mộng đẹp nhất là hạnh phúc của mình được hòa làm một với hạnh phúc của quê hương. Cây có cội, nước có nguồn, quê hương có cội nguồn tuệ giác và tâm linh của nó. Đời Lý là một đời thuần từ nhất trong lịch sử đất nước. Đời Trần dân tộc hùng mạnh, đoàn kết, dư sức đẩy lùi những cuộc xâm chiếm của phương Bắc. Đó là nhờ công trình giáo hóa của đạo Phật, một con đường tâm linh có đặc tính khoan dung, có thể chấp nhận và đi song hành với các tư trào tâm linh và đạo đức khác như Lão học và Khổng học để cùng xây dựng đất nước mà không có nhu yếu phải loại trừ ai.
Mình có duyên học hỏi, mình biết rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo thần quyền, mà là một chủ nghĩa nhân bản rất là vững chãi. Đạo Phật có tinh thần cởi mở và phá chấp, nghĩa là tinh thần khoa học, và trong thế kỷ mới, đạo Phật có thể đi song hành thoải mái với khoa học. Khoa học đây là tinh thần khoa học, thái độ sẵn sàng buông bỏ cái thấy cũ để có cơ hội đạt tới cái thấy mới. Khoa học mới đã vượt xa khoa học cũ, nhất là trong lĩnh vực vật lý vi mô. Cái mà ta cho là khoa học ngày xưa bây giờ có còn là khoa học nữa không? Tâm và vật chỉ là hai mặt biểu hiện của cùng một thực tại: cái này ôm lấy cái kia, cái này dựa trên cái kia mà biểu hiện. Khoa học hiện đại đang nỗ lực vượt thoát lối tư duy nhị nguyên như tâm và vật, trong và ngoài, chủ thể và đối tượng, thời gian và không gian, vật thể và tốc độ, v.v.. Khi còn vướng bận những phiền não như giận hờn, lo lắng, đam mê và kỳ thị thì tâm chưa thể nào có đủ niệm và định để phát kiến được sự thực dù ta đang có những dụng cụ máy móc tinh vi nhất. Bởi vì đằng sau máy móc còn có tâm quan sát.
Hình như ta đã biết sở dĩ toàn dân kiên trì yểm trợ cho cách mạng đó là vì lòng yêu nước chứ không phải là vì một chủ nghĩa. Nếu không dựa vào lòng yêu nước của nhân dân mà chỉ biết thờ phụng một chủ nghĩa thì chắc chắn ta đã thất bại. Đọc lại lịch sử, ta đã thấy rằng vì thái độ vồ vập và cuồng tín vào chủ nghĩa, nên đã có những thanh toán lẫn nhau trong đoàn ngũ kháng chiến ; những vết thương ấy của dân tộc mãi cho đến bây giờ vẫn chưa được chữa lành.
Ta thử hỏi : đứng về phương diện đấu tranh giai cấp mà nói, thì hiện thời giai cấp nào đang thực sự nắm quyền cai trị ? Giai cấp vô sản hay giai cấp tư bản ? Ta có đang tin rằng, tư bản nhân dân là một chuyện có thật, hay đó chỉ là một diễm từ ?
Ta biết nếu muốn thành công, ý Đảng phải đi theo với lòng Dân. Lòng dân là muốn cho người tu được phép tu tập và giúp đời theo cách họ muốn, trong khuôn khổ của pháp luật. Lòng dân là muốn cho mọi người công dân ai cũng có cơ hội được nói lên cái thấy cái nghĩ của mình mà không sợ bị trừng phạt, đe dọa và tù tội. Lòng dân là muốn tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị và chính trị ra khỏi tôn giáo. Lòng dân mà được thỏa thì tự nhiên có sự đoàn kết và Đảng sẽ được ủng hộ. Đảng không cần phải hô hào đoàn kết và kêu gọi sự yểm trợ nữa, một khi Đảng đã có được lòng dân. Lòng Dân như thế, ý Đảng thế nào?
Ta biết tinh thần khoan dung của đạo Phật đời Lý và đời Trần đã đem lại sự đoàn kết đích thực của toàn dân, vì theo tinh thần ấy tất cả mọi người yêu nước đều có cơ hội góp phần vào công trình xây dựng và bảo vệ đất nước mà không ai bị loại bỏ ra ngoài. Tinh thần dung hợp không kỳ thị ấy trong đạo Phật gọi là xả, một trong bốn đứcVô Lượng Tâm là từ, bi, hỷ và xả. Đó là một di sản tinh thần quý báu trong kho tàng văn hóa dân tộc. Ta biết được rằng trong các đời Lý và đời Trần, những người làm chính trị đều tu tập theo đạo Phật cùng với dân chúng, vua cũng giữ giới, ăn chay, làm việc thiện, vì vậy đã được dân chúng trong nước tin cậy.
Làm sao bài trừ được những tệ nạn xã hội như ma túy, đĩ điếm, cờ bạc, bạo hành, tham nhũng, lạm quyền, v.v. khi chính những viên chức nhà nước có phận sự bài trừ tệ nạn cũng đang bị vướng vào những tệ nạn ấy? Quốc sách thôn ấp văn hóa, khu phố văn hóa làm sao thành công được chỉ với sự kiểm soát và trừng phạt suông? Ai là người cần được kiểm soát và trừng phạt trước hết?
Ta biết rằng gia đình nào có tu tập có giữ giới là gia đình ấy có an vui và có hạnh phúc. Đạo Phật trong hai ngàn năm qua đã giáo hóa dân chúng giữ gìn phong hóa bằng cách thực tập ăn chay giữ giới. Ăn chay tượng trưng cho sự tiết dục, nghĩa là giảm bớt dục vọng. Người Phật tử tự nguyện ăn chay, giữ giới và làm việc nhân đức chứ không bị ai bắt ép làm việc ấy, cũng như không ai bị trừng phạt vì không làm việc ấy. Bây giờ đây những người tu trẻ đang có chí hướng vực dậy nếp sống phong hóa ấy và họ đang có triển vọng thành công, thế thì tại sao ta lại đánh dẹp họ? Ta sợ họ có quần chúng thì ta mất quần chúng hay sao? Tại sao ta không phát tâm tu học như họ, đồng nhất với họ, để có được sự hưởng ứng và yểm trợ của họ? Tại sao ta không làm được như các vua đời Lý và đời Trần? Hay tại vì ta là người Mác-xít, ta không có quyền quy y, ăn chay và giữ giới?
Ta biết trong Đảng và trong chính quyền hiện giờ nhiều người đã nói rằng họ đang có một cái nhìn thông thoáng hơn về các vấn đề tôn giáo và tâm linh. Sự thực là các ông lớn bây giờ ai cũng có tin vào phong thủy, vào vận mạng, vào ngoại cảm, vào đổi mạng. Điều này chứng tỏ từ một thái cực này người ta đã đi sang thái cực khác. Trong khi đó người ta vẫn cố gắng giữ để cho bề ngoài mình không có vẻ mê tín dị đoan.
Các vua Lý và vua Trần đã thực sự tin tưởng ở con đường đạo đức tâm linh, do đó nhiều vị đã sống được nếp sống đạo đức gương mẫu, và có thể vì vậy cho nên dân mới làm theo. Một ông vua giữ giới, ăn chay, gửi chăn chiếu vào các nhà tù để cho tù nhân bớt khổ vì cái lạnh, đi vi hành để thấy được nếp sống thực sự và nguyện vọng của người dân, một ông vua biết ngồi thiền, tham cứu công án, thực tập sám hối một ngày sáu thời, dịch kinh, biết nương vào đức độ và lời khuyên dạy của một vị thiền sư mà mình tôn quý như một vị quốc sư, một ông vua nhường ngôi cho con để xuất gia tu hành khổ hạnh trên núi Yên Tử, một ông vua như thế có thể làm gương đạo đức cho cả nước. Ngày nay, ta hô hào vận động cán bộ và quần chúng “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng có được mấy ai trong tổ chức ta đang sống được như một người gương mẫu cho các đồng chí của mình? Đạo Phật Đại Thừa dạy: “Anh phải là con người ấy. Anh phải làm gương mẫu. Anh phải sống như thế thì anh mới gây cảm hứng cho người khác sống như thế.” Ta biết tham nhũng và lạm quyền đã trở thành một quốc nạn. Ta biết ta đã hô hào bao nhiêu năm nhưng chẳng có kết quả gì và tình trạng càng ngày càng trở nên trầm trọng. Tại sao? Có phải tại vì ta chỉ biết dựa vào hào quang của tiền nhân để tự hào, để khoe khoang là ta có một quá khứ vẻ vang, nhưng trong hiện tại, ta không làm được những gì mà cha ông ta đã làm được trong quá khứ? Rồi ngày nay nếu có những người trẻ tuổi đang tìm cách làm việc ấy cho ta thì ta lại ngăn cản và đàn áp họ?
Vụ Bát Nhã có thể đã bắt đầu bằng chuyện làm ăn của một công ty du lịch do những người công an chủ trương, liên hệ tới khách sạn và thị thực nhập cảnh, rồi sau đó thêm vào sự lạm quyền và thù oán để cuối cùng trở thành một chủ trương mà nhà nước phải đi theo. Có thể ta không có thì giờ xem xét mà chỉ tin vội vào những báo cáo đặt điều. Rồi ta để cho nhân viên dưới quyền sử dụng những biện pháp lừa dối, gạt gẫm, đàn áp những người dân hiền lành chưa từng gây ra một rối loạn nào cho xã hội. Và cuối cùng ta bị đặt vào cái thế phải xem là kẻ thù những gì theo nguyên tắc ta đã từng muốn tôn quý. Kẻ thù của ta có đích thực là những “thế lực thù nghịch” bên ngoài hay không? Kẻ thù ta nằm ngay nội bộ: những con ong mà ta nuôi trong tay áo của ta. Liệu ta có đủ can đảm và thông minh để đối trị với những yếu kém của chính ta không, đó là câu tham vấn căn bản.
Pháp môn Làng Mai có thể là cơ hội hiếm có để hiện đại hóa đạo Phật ở Việt Nam, và bốn năm hành trì ở Việt Nam hình như đã chứng tỏ được khả năng của pháp môn ấy. Vậy thì tại sao ta lại chịu áp lực của Trung Quốc để đàn áp và tiêu hủy ngay một nguồn sinh lực quý báu của ta ? Ta nhận được cái gì quý giá của người khác trong khi ta bị tước đoạt cái quý giá mà ta đang có?
Cách thức ăn mừng Một Ngàn Năm Thăng Long hay nhất có thể là cùng nhau nỗ lực tu tập, làm được và sống được như Lý Công Uẩn, như Trần Thái Tông, như Trần Thánh Tông, như Trúc Lâm Đại Sĩ, như Tuệ Trung Thượng Sĩ. Các vị ấy là những nhà chính trị nhưng đồng thời cũng là những người sống thật sự nếp sống tâm linh mà họ tin tưởng. Ta có cái gì để tự hào, ngoài cái quá khứ hào hùng của cha ông? Ta đã đánh mất lý tưởng cách mạng, đã làm tàn rụi ngọn lửa thiêng cách mạng, và những người đồng chí của ta không thật sự còn là những người đồng chí, bởi vì trong họ ngọn lửa thiêng cách mạng đã tắt. Lý do họ có mặt trong hàng ngũ là quyền lợi, danh vọng và chỗ đứng của họ. Pháp môn thực tập Làng Mai là một phần trong di sản văn hóa đất nước, hiện thời đang có khả năng đóng góp đáng kể cho một nền văn minh đạo đức toàn cầu, không phải chỉ trên mặt lý luận mà quan yếu nhất là trên mặt thực tế. Biết bao nhiêu người trên thế giới đã biết đến và đã thừa hưởng được sự giáo hóa này. Ta đã biết hãnh diện về nó, tại sao ta lại để cho xảy ra chuyện đánh phá và triệt tiêu nó ngay trong mảnh đất sinh thành ra nó? Đó là những câu hỏi mà nếu ta để cho chúng tác động trong phần sâu thẳm của tâm thức ta thì chúng sẽ có thể làm bật lên cái tuệ giác mà ta cần có để thấy được con đường và cách hành xử mà ta đang trông đợi.
***
Mình là một vị nguyên thủ quốc gia hoặc một vị bộ trưởng, nước mình có hay không có chân trong Hội Đồng Bảo An hay Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Mình biết các vụ như Bát Nhã, Tam Tòa, cũng như những vụ Thiên An Môn, Tây Tạng v.v.. đều là những vụ vi phạm trầm trọng về nhân quyền; nhưng vì quyền lợi quốc gia, vì muốn bán vũ khí, máy bay, xe lửa cao tốc, nhà máy điện lực nguyên tử, và những kỹ thuật mới khác, vì muốn hợp tác thương mãi đầu tư, muốn có thị trường tiêu thụ các hàng hóa khác mà mình sản xuất, cho nên mình đã không dám mạnh dạn lên tiếng và đi tới những quyết định có thể gây sức ép trên quốc gia liên hệ để họ sớm chấm dứt việc vi phạm nhân quyền trong nước họ. Mình cảm thấy hổ thẹn, lương tâm mình không an ổn. Nhưng vì muốn đảng và chính quyền mình thành công nên mình đành cam chịu nói rằng những vi phạm nhân quyền của các nước ấy cũng chưa đến nỗi nào. Mình cũng đang ở trong một guồng máy, mình chưa thật sự được là mình, vì mình đang không nói được cảm nghĩ và cái thấy chân thật của mình về tình trạng. Mình làm sao để có sự an tâm và không hổ thẹn với chính mình? Bát Nhã là một vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nhưng cũng là một công án cho một nhà lãnh đạo chính trị cao cấp như mình. Làm sao để mình không bị lương tâm cắn rứt và thực sự có hạnh phúc ?
***
Công án Bát Nhã là của mọi người, là của mỗi cá nhân và cũng là của từng tập thể. Công án ấy có thể được tham cứu bởi một vị tu sinh Bát Nhã, một học tăng đang theo học tại một trường Trung Cấp Phật Học trong nước, một vị Thượng Tọa trong Giáo Hội, một chú Công an, một ông Bộ trưởng, một vị Linh mục Công giáo, một vị Mục sư Tin lành, một ủy viên Bộ Chính Trị, một vị chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố, một bí thư Tỉnh Ủy, một ủy viên Trung Ương Đảng, một nguyên thủ quốc gia, một chủ bút nhật báo hay tạp chí, một nhà trí thức, một nhà nghệ sĩ, một nhà doanh thương, một giáo chức, một ký giả, một vị trú trì, một vị đại sứ. Bát Nhã là một cơ hội, vì Bát Nhã có thể giúp ta thấy được rõ ràng những gì mà lâu nay ta chưa thấy hoặc chưa muốn thấy.
Trong truyền thống Thiền, có những khóa tu bảy ngày, hăm mốt ngày, bốn chín ngày, v.v.. trong đó vị thiền giả để hết tâm ý vào công án. Giờ phút nào trong đời sống hàng ngày cũng là giây phút tham cứu : khi ngồi (thiền tọa), khi đi (thiền hành), khi thở, khi ăn, khi chải răng, khi giặt áo, v.v.. lúc nào tâm ý cũng tập trung vào công án, nghĩa là vào đối tượng tham cứu. Khóa thiền phổ thông nhất là khóa bảy ngày, gọi là thiền thất. Thất đây có nghĩa là bảy. Mỗi ngày, tất cả các hành giả đều được tiếp xúc với vị thiền sư trong giờ khai thị. Vị thiền sư có thể đưa ra những chỉ dẫn giúp cho thiền giả tập trung tâm ý vào đúng chỗ. Khai nghĩa là mở ra, thị có nghĩa là chỉ cho thấy. Mở vấn đề ra, chỉ cho ta thấy rõ vấn đề hơn. Khai thị không có nghĩa là trao truyền sự thật. Sự thật, hành giả phải tự chứng nghiệm. Vị thiền sư có thể nói những lời khai thị trong vòng mười phút, rồi các thiền giả trở về chỗ ngồi của mình để tham cứu. Có khi hàng trăm vị thiền giả cùng ngồi tham cứu ở thiền đường, ngồi xoay mặt vào vách. Sau một thời ngồi thiền, lại có một thời đi thiền. Các hành giả đi chậm, mỗi bước chân đưa mình về với công án. Đến giờ ăn, có thể được ăn ngay trên chỗ ngồi thiền của mình, vừa ăn vừa quán chiếu. Đi đại tiện, tiểu tiện cũng là cơ hội quán chiếu. Im lặng hùng tráng rất cần thiết cho sự tham cứu thiền, cho nên ở bên ngoài thiền đường luôn luôn có bảng treo ‘chỉ tịnh’.
Ngày xưa, vua Trần Thái Tông ngộ đạo nhờ tham cứu công án “bốn núi” và công án “con người thật không có vị trí (vô vị chân nhân) ”. Thiền sư Liễu Quán ở Phú Yên ngộ đạo nhờ tham cứu công án “tất cả đi về một, một đi về đâu? ” và đã đệ trình kiến giải tại chùa Ấn Tôn (Từ Đàm), Huế.
Muốn thành công trong sự tham cứu công án, phải có khả năng buông bỏ mọi kiến thức, mọi ý niệm và mọi lập trường mình đang có. Vướng vào một tư kiến, một lập trường hay một ý thức hệ thì mình không còn có đủ tự do để cho công án có thể bung ra trong tâm thức của mình. Phải buông bỏ tất cả những cái gọi là sở tri, nghĩa là những cái mình đã tiếp nhận trước kia, những cái mà mình từng xem là sự thật. Nếu mình tin là mình đang nắm trong tay sự thật rồi thì cánh cửa của mình đã đóng lại, và dù bây giờ sự thật có tới gõ cửa, mình cũng không chịu mở cửa. Vì vậy cho nên sở tri là một chướng ngại, gọi là sở tri chướng. Đạo Phật đòi hỏi tự do. Tự do tư tưởng là nền tảng căn bản của tiến bộ. Đó đích thực là tinh thần khoa học. Chính trong không gian thênh thang ấy mà đóa hoa tuệ giác có một cơ hội nở ra.
Trong truyền thống thiền, tăng thân là một yếu tố rất tích cực. Khi cả mấy trăm hành giả cùng yên lặng tham cứu với nhau, thì năng lượng tập thể của niệm (ý thức) và của định (tập trung) rất hùng hậu. Năng lượng tập trung của mình nhờ vậy được nuôi dưỡng trong từng giây phút và công án có rất nhiều cơ hội để bung ra. Môi trường này rất khác môi trường của một hội nghị, một tọa đàm hay một buổi họp. Vì kỷ luật của thiền môn rất nghiêm túc và vì khung cảnh của thiền môn rất thuận lợi cho sự tập trung, thêm vào đó có sự hướng dẫn của vị thiền sư và sự yểm trợ yên lặng của các bạn thiền giả, nên ta có nhiều cơ hội để thành công.
Những điều đề nghị ở phần trước có thể được xem là những lời khai thị có công năng giúp một phần nào cho công trình tham cứu. Phải xem đó là dụng cụ, đừng cho đó là chân lý. Đó là chiếc bè qua sông để tới bờ bên kia, mà không phải là bờ bên kia. Qua tới bờ bên kia thì phải vứt bỏ chiếc bè. Nếu quý vị quán chiếu thành công, có tự do, thấy được con đường rồi thì quý vị có thể đem đốt những lời khai thị ấy, hoặc liệng nó vào sọt rác.
Xin chúc tất cả liệt vị thành công trong việc tham cứu công án Bát Nhã.
Nhất Hạnh
No comments:
Post a Comment