:::Tịnh Ý:::
Phạm Thái - Quỳnh Như
Mối tình Phạm Thái - Trương Quỳnh Như,
Chứng tích của tình yêu tự do và lãng mạn
*
Trong văn học cổ của nước ta -bình dân cũng như bác học- từ điệu hò câu hát mộc mạc ở miền quê, đến những khúc ngâm, thể truyện của các tác gia, tình yêu vẫn là đề tài được nhiều người ưa chuộng, giới sáng tác cũng như giới thưởng ngoạn.
Đề tài tình yêu trong văn học rất phong phú. Từ những mối tình được truyền tụng trong dân gian như Thoại Khanh-Châu Tuấn, chuyện tình Trương Chi-Mị Nương lãng mạn hiền hòa đến những mối tình bi thương dang dở như Kim Trọng-Thúy Kiều, Hạnh Nguyên - Mai Sinh, pha lẫn chút hương vị tiên giới như chuyện tình của Giáng Kiều - Tú Uyên hay đượm chút thần thoại ly kỳ như chuyện tình giữa Sơn Tinh, Thủy Tinh và nàng Mị Nương… tác phẩm nào cũng xây dựng trên những câu chuyện tình.
Vào thế kỷ 18, văn học Việt Nam phát triển về cả chất và lượng. Các nhà văn học sử mệnh danh đây là „thời kỳ văn học phát triển[1]“ bởi sự ra đời rầm rộ của nhiều tác giả, tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm viết về tình yêu mang những nội dung mới lạ, khởi sắc hơn những thời kỳ trước đó rất nhiều. Chúng ta có thể kể đến truyện Phan Trần, Tống Chân Cúc Hoa, Nhị Độ Mai, Bích Câu kỳ ngộ, Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm…để rồi đến đầu nửa thế kỷ 19 xuất hiện kiệt tác „Truyện Kim Vân Kiều“ của Nguyễn Du nổi danh là „đệ nhất tài tử„trong làng văn học. Nhiều tư tưởng mới mang tính phản kháng đã dần dà xuất hiện trong thời kỳ này, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ trong tình yêu. Từ ý hướng muốn thoát ra khỏi những ràng buộc khắt khe của các định chế xã hội, của luân thường đạo lý, đến ý muốn vượt qua quan niệm giai cấp, chối bỏ lề thói „môn đăng hộ đối“ trong tình yêu và hôn nhân … cho ta thấy diện mạo của thời kỳ văn học này đã thay đổi.
Tuy nhiên các nhà văn, nhà thơ ngày trước khi viết về tình yêu, đa số chỉ mượn những chuyện đã lưu hành trong dân gian hay những mối tình trong thơ văn của Trung Hoa rồi phô diễn lại, nhân thể gởi gắm thêm chút tâm tình của mình. Ít có ai mạnh dạn đem cuộc tình của mình phơi bày cùng người đọc, dẫu đó là những hạnh phúc hay là những đau thương khắc khoải của chính lòng họ.
Truyện Kiều của Nguyễn Du là truyện có nguồn gốc từ đời nhà Minh bên Trung Hoa:
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng, hai Kinh vững vàng.
Truyện Nhị Độ Mai là truyện thuộc về đời Đường:
Truyện ngoài xem Nhị Độ Mai,
Nhà Đường truyền vị đến đời Đức Tông.
Hoặc truyện Phan Trần:
Thấy năm triều Tống Tĩnh Khang,
Một chàng Hòa quận, một chàng Đàm Chu.
Còn những truyện được lưu truyền trong nhân gian như Trương Chi-Mỵ Nương thì họ kể, ví như : Ngày xửa, ngày xưa, có anh Trương Chi…
Nhưng cũng vào thời kỳ này, văn đàn Việt Nam đã có hai nhà thơ sống say đắm trong tình yêu và đã sử dụng thi ca để ngợi ca tình yêu của họ.
Họ là những người muốn được yêu và muốn vượt khỏi vòng lễ giáo khắt khe của xã hội.
Họ yêu nhau dẫu có sự ngăn cản của gia đình. Nhưng vì không thể lấy chữ Tình để thắng lướt niềm Hiếu đạo của kẻ làm con, lại càng không muốn phụ bạc với người yêu, tình yêu của họ đã đưa đến thảm cảnh xót xa.
Họ là những nhà thơ, nhưng thi ca với họ không chỉ là phương tiện để ngâm ca suông trong thú giải sầu mà còn là chút Hương, chút Gió trao gởi tâm tình của mình cho người mình yêu.
Họ đã sống, yêu và viết cho tình yêu.
Họ cũng đã chết bởi tình yêu.
Những con người nòi tình đó là: PHẠM THÁI- TRƯƠNG QUỲNH NHƯ
Mối tình của Phạm Thái Trương Quỳnh Như là một mối tình đẹp, đầy thi vị như những cuộc tình thường được ca ngợi trong thi ca hay trong tiểu thuyết.
Riêng về mặt văn học, mối tình Phạm Thái -Trương Quỳnh Như lại mang một giá trị đặc biệt. Đó là chứng tích của tình yêu tự do và lãng mạn trong thời kỳ văn học cổ điển của nước ta vào đầu thế kỷ 19.
Điều đó có thể thấy rõ qua cuộc đời cũng như thi ca và tiểu thuyết của chính các đương sự đã để lại, đặc biệt qua tác phẩm Sơ Kính Tân Trang[2] (SKTT) của Phạm Thái viết về mối tình của chính ông với Trương Quỳnh Như.
PHẠM THÁI- TRƯƠNG QUỲNH NHƯ- NHỮNG KẺ TÀI HOA
Phạm Thái Trương Quỳnh Như là những trang thanh niên nam nữ nổi tiếng tài hoa.
Phạm Thái còn có tên là Phạm Phụng[3], sinh năm 1777, quê ở làng Yên Thượng, huyện Đông Ngàn, nay thuộc Từ Sơn Bắc Ninh. Thái là con của Thạch Trung Hầu[4], một cựu thần của nhà Lê, đã nhiều lần khởi binh cần vương chống nhà Tây Sơn nhưng thất bại.
Xuất thân từ một gia đình vọng tộc, lại ưa chuộng thi thư, Phạm Thái có lắm tài hoa. Từ phong thái tư chất khác người đến kiến thức uyên bác, làu thông không những về thơ văn mà cả Nho, Y, Lý ,Số… môn nào Phạm Thái cũng giỏi:
Hồng thưa rằng khách xa vùng,
Có chiều tuấn dật, có đồng thanh cao
Xem chiều mỹ khổ, mận đào,
Vốn người Kinh Bắc mà vào Thùy Dương.[5]
Đó là vẻ đẹp bề ngoài của Phạm Thái. Đẹp trai, thanh tú (mỹ khổ, mận đào…) nhưng không phải chỉ là vẻ đẹp của thể chất, của hình thức, mà còn toát lên dáng thanh cao của một chàng thư sinh hào hoa, phong nhã (tuấn dật, thanh cao.)
Dáng vẻ bên ngoài của Phạm Thái đã thế, còn tài năng của ông ta thì ít người sánh bằng :
Từ chương, phú lục văn thi,
Cung đao, kiếm mã mọi bề làu thông.
Nghề chơi tài tử lọt vòng,
Vang đàn thi bá, nổi vùng cầm tiên.
Cờ thần, rượu thánh nức tên,
Tiên bay, múa phượng, địch thiên gáy hoàng.
Nghề thuật số vốn tinh tường,
Gồm bên Tiên, Thích, đủ đường Lý, Y.[6]
Cứ như ông tự kể, thì Phạm Thái là con người tài hoa. Thật ra đó cũng không phải là một điều quá đáng. Sử và văn học sử không còn lưu lại nhiều tài liệu về ông ngoài cuốn Sơ Kính Tân Trang[7], cuốn tự truyện của ông và người tình Trương Quỳnh Như mà ông say đắm. Từ Sơ Kính Tân Trang và những bài phú, bài từ của ông còn để lại, không ai có thể phủ nhận thiên tài của ông trên lãnh vực thơ phú, thi từ.. Điều này chúng ta có thể thấy rõ hơn trong quá trình tìm hiểu cuộc tình lãng mạn của ông. Về những tài hoa khác, như những hiểu biết rộng rãi của ông về tướng số, y lý…khả năng vượt trội của ông về cầm kỳ thi tửu…Phạm Thái cũng tự chứng tỏ ông là con người sành sõi :
Phạm Thái viết về khoa địa lý, khi ông ta lo việc sứ sang ngôi mộ tổ :
Sửa sang một cuộc âm phần,
Hàm thư, Đan phượng lắm phần tinh hoa.
Minh đường, Chung tú thay là
Án Thai sơn trấn, trẩm Sa thuỷ chiền.[8]
Hoặc khi ông ta đề cập đến tướng số của chính ông và của Trương Quỳnh Như :
Về Phạm Thái :
Tử vi xem mới lạ thường,
Lộc quyền chiếu mạng, khúc xương giáp trì.
Âm dương lưỡng diện càng ghê.
Việt, Khôi ,Tử phủ đóng về thâm cung.
Còn e dương kiếp đà không,
Nửa trong vận chửa khỏi vòng truân chuyên.
(SKTT. 69-74)
Còn tướng số của Trương Quỳnh Như thì :
Chỉn e tướng số chưa yên,
Hay là vì chữ Hồng nhan quảy gàn
Hai cung Nhật, Nguyệt[9] thần quang,
Tài thông minh với văn chương rất kỳ
Song hiềm Phúc ấn, Tiêm đề[10],
E đường Thọ khảo kém bề phu quân.
Tiền định hoa tạ tàn xuân,
Hay phần quy ẩn, xấu phần tư cơ[11].
(SKTT.414-421)
Không những thi thư phú lục, lý số…Phạm Thái đã là người uyên bác, tài hoa, ông còn là người có chí khí anh hùng, giỏi võ nghệ.
Cuộc đời làm cách mạng, theo Cần vương trong giấc mộng dựng lại cơ đồ nhà Lê của ông là một minh chứng.
Phạm Thái vừa phảng phất vẻ hào hùng vừa lẫn lộn dáng tài tử như nhân vật Từ Hải của Nguyễn Du :
Giang hồ quen thói vẩy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non song một chèo[12].
(K. 2173-2174)
Một trong những tài hoa khác trong bốn thú phong lưu mà người đời thường ca tụng “Cầm, Kỳ, Thi, Tửu, thì rượu là món sở trường của Phạm Thái. Suốt cuộc đời, ông là người bạn chí tình của rượu, bên cạnh bóng dáng Trương Quỳnh Như, nhất là sau khi Quỳnh Như đã chết. Trước những thất bại của phong trào cần vương, những mất mát của tình yêu, Phạm Thái trở thành người cuồng sĩ chỉ biết tìm vui trong chén rượu:
Sống ở dương gian đánh chén nhè,
Chết về âm phủ cắp kè kè.
Diêm vương phán hỏi rằng: -Chi đó?
-Be!
Phạm Thái tuấn tú tài hoa như vậy thì Trương Quỳnh Như cũng là một thục nữ mỹ miều, xinh đẹp. Quỳnh Như là con gái của Kiến Xuyên Hầu Trương Đăng Quỹ, em gái của Thanh Xuyên Hầu Trương Đăng Thụ, quê làng Thanh Nê, huyện Ý Yên, Nam Định. Từ dòng dõi “kim chi ngọc diệp”dưới mắt Phạm Thái nàng không chỉ là cô gái sắc nước hương trời, chim sa cá lặn mà còn là người thông minh xuất chúng, đã từng theo đòi kinh sử, thi thư:
Trương công là đấng nghiêm đường,
Vốn dòng ngọc điệp, tên nàng Quỳnh Thư.
Xuân hoa bậc ấy đang vừa,
Tuổi vừa đôi tám, phong tư lạ lùng.
Thước tầm phỏng dạng bằng ông,
Lam pha mày liễu, mỡ đông da gà.
Chiều cá nhảy, vẻ nhạn sa,
Mắt long lanh nguyệt, thức rà rà mây.
Má hồng môi thắm hây hây…
Khổ mê thược dược, thức say hải đường[13].
Nàng được cha mẹ cho ăn mặc như con trai để đi học. Với trí tuệ khác thường, Quỳnh Như học rất giỏi. Lớn lên nàng lại xinh đẹp mỹ miều. Vẻ đẹp của nàng khiến chim sa cá lặn (chiều cá nhảy, vẻ nhạn sa) mắt sáng trong hiền dịu như ánh trăng (mắt long lanh nguyệt) tóc mềm mại lả lướt như những đám mây (thức rà rà mây). Má môi nàng hồng thắm hây hây…Với dung nhan đó thì đến cả hoa lá cũng phải mê say nàng:
Khổ mê thược dược, thức say hải đường.
So với sắc đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều mà Nguyễn Du ca ngợi:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhương màu da.
Hay là:
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Vẻ đẹp của Quỳnh Như đâu có kém gì!
Về thi ca của Trương Quỳnh Như, như chúng ta biết, nhờ được theo đòi kinh sử lại thêm đa tài, Quỳnh Như cũng đã sáng tác thơ ca. Chúng ta đã từng biết đến sự nghiệp thơ ca của các nữ sĩ như Ngọc Hân Công Chúa, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, nhưng chúng ta cũng còn có Trương Quỳnh Như, bậc nữ lưu trong giai đoạn đầu của thế kỷ 19.
Thơ ca của Trương Quỳnh Như để lại không nhiều. Ngày nay chúng ta biết được một phần lớn là các bài thơ, bài Từ, có liên quan với mối tình của nàng với Phạm Thái. Tuy ít ỏi, nhưng đó là những châu ngọc quý báu đối với giai đoạn văn học này, nhất là trong giới nữ lưu.
Phạm Thái-Trương Quỳnh Như là những trang nam nữ tài hoa và nhiều cao vọng. Mộng cần vương của Phạm Thái cũng chính là mơ ước của những trung thần bất sự nhị quân trong gia đình họ Trương:
Sông trôi đất Bắc in dòng đỏ
Núi đứng trời Nam nhuộm vẻ thanh.
Khúc khải hoàn ca rồi mạnh mẽ
Phòng tiêu đầm ấm rạng ngày xanh!
Ngoài mộng đồ vương, Phạm Thái-Trương Quỳnh Như còn say mê thú giang hồ phiêu lãng, ngao du đây đó, thăm viếng nhưng danh lam thắng tích trong vùng.
Phạm Thái đã từng:
Trãi qua Dục Thúy[14],Thần Phù[15],
Kìa cung Giáng Hạc, nọ chùa Ngự Loan.
Sáng Bích Đồng, tối tràng An,
Có đền Nhị Đế, có hang Cửu Tằng…
Trương Quỳnh Như cũng đã viếng thăm chùa này, đền nọ. Khi lên Non Nước, lúc xuống Đồ Sơn: Thăm Chùa Non Nước
Trèo lên Dục Thúy thăm chiền,
Non xanh nước biếc cảnh tiên dưới trần.
Thướt tha mây trắng một làn,
Như buông bốn phía cánh màu bạch sa.
Chim hót véo von chào khách,
Cỏ thơm hớn hở chào ai,
Gió thu rung động mấy cành mai,
Khêu gợi hồn thơ lai láng.
Cầm bút đề lên thạch tảng,
Một bài cổ tích cảm hoài.
Nào người chiến sĩ kẻ văn tài,
Khôn hỏi nước non đâu tá?
Trương Quỳnh Như
Bước chân của Phạm Thái thuở giang hồ đã đi gần khắp những đền đài thắng tích của miền Bắc. Nào Dục Thúy Thần Phù, nào Bích Động Tràng An, nào chùa Hương Tích, nào bể Đồ Sơn. Nào qua Phật Tích, nào đến Hùng Vương…và lúc mang mộng cần vương lại lên Kinh Bắc, Lạng Sơn, lúc xuôi về Thanh Nê, Nam Định, đâu đâu cũng đã có dấu chân ông.
Phạm Thái - Trương Quỳnh Như là những con người tài hoa và nhiều ước vọng.
Nhưng xưa nay mấy ai tài hoa mà nên vinh hiển, mấy ai ước vọng cao xa mà được phỉ nguyền? Trời xanh vẫn bày nên những ngang trái. Câu “Tạo vật đố toàn” vẫn là một định luật xưa nay. Khách hồng nhan thường phải truân chuyên và kẻ anh tài lại hay bạc mệnh. Đó phải chăng là những quy luật của tạo hóa, để Nguyễn Du khi mở đầu truyện Kiều phải bật lên lời than:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ “tài” chữ “mệnh” khéo là ghét nhau!
Hay Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm:
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào!
Phạm Thái Trương Quỳnh Như là những con người tài hoa và nhiều cao vọng. Họ đã có những ngày tháng thật hạnh phúc bên nhau. Những tưởng mộng ước của họ sẽ thành tựu. Nhưng không ngờ tài hoa và mộng ước ấy chỉ tạo nên những ghét ghen của trời già để rồi cuộc tình của hai người phải dở dang và cả hai đã phải lìa bỏ cuộc đời khi tuổi còn xanh, rất xanh!
MỐI TÌNH PHẠM THÁI-TRƯƠNG QUỲNH NHƯ: NHỮNG NGÀY THƠ MỘNG
Mùa Xuân năm Ất Dậu (1789) Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Lê Chiêu Thống và Hoàng Quý Phi phải chạy trốn sang Tàu. Triều đại Nhà Lê sau mấy trăm năm trị vì ở Thăng Long chấm dứt. Triều đại Tây sơn thay thế. Nhưng cũng từ đó không thiếu các quan lại sĩ phu luyến tiếc triều đại cũ không chịu hợp tác với triều đình mới. Họ luyến tiếc vì truyền thống của Khổng Mạnh “trung thần bất sự nhị quân”, tôi trung không thờ hai chúa. Họ là những Trần Danh Án[16], Lê Quýnh[17], Hoàng Quang[18], Phạm Thái…Nhưng cũng có thể họ luyến tiếc vì gia đình họ, đã nhiều đời hưởng ơn vua lộc nước. Đó là trường hợp của Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan…
Một trong những sĩ phu nổi tiếng của Bắc Hà đã ba lần khôn khéo từ khước lời mời ra hợp tác với Tây Sơn là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Dầu phu tử được Quang Trung Nguyễn Huệ trọng vọng, lúc thì coi như Y Doãn, Chu Công; lúc thì lời lẽ thống thiết, ý thư trân trọng ”...Mong phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân,vụt dậy đi ra, để quả đức có thầy mà thờ,cho đời này có người mà cậy”…[19] lúc thì sai cả quan Hình bộ thượng thư mang thư và lễ vật tới, lời lẽ khôn khéo “ Nay xét ý Phu tử, thấy có ba lẽ này mà không thèm ra chăng : Anh em quả đức nguyên chỉ trơ trọi là một tụi ấp trưởng, nổi lên ở phương Tây[20]… Phu tử vẫn từ chối.
Giải thích về việc ba lần cụ từ chối ra hợp tác với nhà Tây Sơn, giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết: “… khinh Tây Sơn là tụi ấp trưởng nổi lên, La sơn phu tử chắc cũng nghĩ thế thật, nhưng thế nào cũng chối…Còn có lẽ thâm áo mà hai bên cùng biết, là cụ chỉ nhận có vua Lê là chính thống mà thôi.”[21]
Cha của Phạm Thái, Thạch trung Hầu, cũng theo tiếng gọi của “Cần vương” nhưng thất bại (1796). Ngày ấy, Thái vừa tròn hai mươi tuổi. Bao đời hưởng ơn vua lộc chúa, Phạm Thái muốn tiếp nối con đường của cha anh, theo đuổi mộng cần vương, xoay lại cơ đồ cho nhà Lê.
Không phải sĩ phu Bắc Hà ai ai cũng có lòng luyến tiếc nhà Lê. Chương Lĩnh hầu Hữu Hộ Lượng[22] là một trong số những người sớm ra cộng tác vối triều đình mới. Lượng còn làm bài phú “Tụng Tây Hồ” ca ngợi Thăng Long nhưng thực chất là muốn gián tiếp thời thịnh trị của triều đình Tây Sơn. Đọc được bài phú của Lượng, Phạm Thái giận lắm. Ông ta đã viết trả lại bài “Chiến Tụng Tây Hồ Phú”. Có lẽ đây là trường hợp bút chiến hy hữu trong văn học cổ Việt Nam. Ta hãy nghe Phạm Thái nói rõ nguyên do và thời điểm mà ông viết nên bài phú:
“Năm Canh Thân (1800) mù Hạ, ta đến chơi với bạn ở Tràng An[23] nghe bạn ngâm bài Tụng Tây Hồ Phú. Hỏi ai làm ra bài ấy mà hay thế? Bạn rằng: Chương Lĩnh Hầu Hữu Hộ Lượng làm ra. Ta rằng: Chao ôi, Hữu Hộ Lượng à? Xưa hắn làm tôi triều Lê, nay ra làm ngụy, lại còn tụng Tây Hồ mà không thẹn mặt! Ghét đứa nịnh làm sao!
Nhớ xưa có bài thơ Chiến cổ, nay nhân bỉ kẻ làm bài tụng, ta cũng làm bài chiến tụng để góp một chút trò vui cho đời.”[24]
Phạm Thái đã chọn con đường mà ngày đó nhiều sĩ phu đã chọn. Mang trong mình dòng máu thần tử của nhà Lê, Phạm Thái tiếp nối ý chí của cha mình dầu ngày ấy ông còn rất trẻ.
“Căm gan tóc dựng đứng lên
Tuốt gươm chém án ngâm thiên ca rằng:
Làm trai cho thỏa chí trai
Trong trần ai có lụy ai tầm thường
Tu mi tỏ mặt trượng phu
Đem trung hiếu trả thù non sông.»
Phạm Thái tuy rằng mượn tiếng ngao du sơn thủy mà trong lòng vẫn nung nấu ý chí cần vương, tìm đồng chí để trả ơn vua nợ nước, cũng như để trả thù cho cha.
Lúc đầu Phạm Thái gặp Nguyễn Đoàn đang đóng binh ở Yên Thế, nhưng không được Đoàn tin dùng. Phạm Thái lại đang bị quân Tây Sơn truy nã gắt gao, ông đành phải nương bóng nhà chùa với pháp hiệu Phổ Chiêu.
Trong một chuyến công tác nhằm đưa Hoàng phi Kim lên Tuyên Quang để chuẩn bị sang Tàu, Thái đã gặp Thanh Xuyên Hầu Trương Đăng Thụ, một đồng chí cần vương đang được Tây Sơn giao trấn Lạng Sơn. Thụ chờ ngày làm nội ứng cho cuộc khởi nghĩa Cần vương. Nhưng Thụ đang bị Tây Sơn nghi ngờ, và cuối cùng bị đầu độc mà chết[25]. Linh cửu đưa về quê tại làng Thanh Nê, Nam Định.
Phạm Thái theo linh cửu của bạn về đó để điếu tang người đồng chí gọi là chút nào đền ơn tri ngộ. Tại đó, cha của Trương Đăng Thụ là Kiến Xuyên Hầu Trương Đăng Quỹ thấy Thái là người tài hoa, có chí khí nên ái mộ và lưu giữ Thái ở lại làm gia sư.
Phạm Thái phần quý mến bạn, phần gia đình bạn khẩn hoãn lưu giữ, lại gặp lúc đang long đong chưa biết đi đâu nên nhận lời ở lại, trút áo nhà sư để khoác áo thầy đồ. Chẳng ngờ thời gian này chính là lúc định mệnh đã sắp bày cho tương lai cuộc đời của ông và cô em gái của bạn, Trương Quỳnh Như.
Ngồi ghế gia sư ở nhà bạn, gặp em gái bạn vừa là khuê các vừa thông minh, thi thư làu thuộc, hai bên rất là tương đắc. Tình cảm giưa hai người bắt đầu phát sinh. Trai tài gái sắc đã phải lòng nhau. Cả hai bắt đầu làm thơ tỏ tình trao gởi cho nhau.
Dưới mắt của Quỳnh Như, Phạm Thái là trang anh tài trong mộng. Chí cả hiên ngang, sẵn sàng đi vào hiểm nguy để đền ơn vua, trả nợ nước. Thái là trang tài tử, giỏi thơ văn, thích xướng họa, lại được lòng cảm phục của cha nàng. Phạm Thái đã lọt vào mắt xanh của nàng.
Trái tim của cô gái khuê các ngày nào cũng ấp ủ một tình cảm, một « mối tương tư sầu mộng », đằng đẳng chờ đợi từng giờ, từng ngày một bóng hình nào đó, thì bây giờ bóng hình đó đã hiện ra bằng xương bằng thịt trước mắt.
Bài thơ « Vịnh giờ Sửu » của Quỳnh Như ít nhiều giúp ta hiểu được tâm trạng chờ đợi trong cô đơn của nàng :
Đằng đẳng canh dài khá cách đêm,
Đìu hiu giờ Sửu giấc nào êm,
Tiếng hàn chiêm nện hơi sương lạnh,
Trận hỏa thang nung dạ sắt mềm.
Eo óc giục người gà nội quạnh,
Véo von gọi khách dế bên thềm.
Vắt tay ngang mặt mong cho sáng,
Thấy sáng mà sầu đã lại thêm.
Nửa đêm (giờ Sửu- từ một đến ba giờ sáng) thức giấc không ngủ được, cô gái đang độ xuân thì đôi tám như Quỳnh Như lo nghĩ điều gì? Cô đang sống trong nhung lụa của gia đình quyền quý, cha và anh là những bậc đại quan. Tuổi hoa niên của cô tràn trề sức sống, vậy mà Quỳnh Như vẫn cảm thấy đằng đẳng, đìu hiu, vắt tay chờ sáng. Nhưng thấy sáng mà sầu đã lại thêm. Quỳnh Như thiếu vắng điều gì nếu không phải là bóng một chàng trai, nếu không phải là tình yêu?
Thời gian mỗi ngày mười hai giờ (giờ ta) đối với nàng toàn là quảng thời gian chờ đợi và buồn tủi. Hoặc là sáng sớm, hoặc là nửa đêm hoặc khi ánh tà dương lần khuất sau núi, từng giờ, từng giờ, nàng chỉ cảm thấy trống vắng, cô đơn:
Dậu về buổi tối tủi duyên thầm,
Bỗng thấy như ai đã lại nhầm.
Là cô gái tài sắc lại thêm tâm tình phóng khoáng, cởi mở, lòng rộn ràng muốn yêu và được yêu, thì những khuôn phép ràng buộc của lễ giáo gia đình đã trở thành chật hẹp, tù túng cho đời sống tình cảm của nàng. Sự xuất hiện của Phạm Thái trong hoàn cảnh đó như nguồn suối trong mát cho trái tim khao khát tình yêu của Quỳnh Như.
Ngày qua ngày, khi ánh mắt khi nụ cười, khi đổi trao vài câu thăm hỏi, khi gởi tặng một bài phú, bài thơ…hai người đã hiểu được tình cảm của nhau. Thơ ca lúc bấy giờ không chỉ là thú ca ngâm suông mà đã là con chim xanh mang đến cho người yêu tất cả tình cảm trìu mến của mình.
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e[26].
Phạm Thái có hẳn một bài từ[27] nhan đề « Gởi Quỳnh Hương » để tỏ tình yêu của ông đối với Quỳnh Hương. Có lẽ đây là lá thư tình đầu tiên còn lưu lại trong văn học cổ: Gởi Quỳnh Hương,
Từ lúc thiềm cung trộm dấu hương,
Dễ xui lòng khách mối sầu vương,
Gió thông réo rắt giong đàn oán,
Trăng hạnh chênh vênh rạng bóng dương.
Nếu đã tình duyên run rủi phận,
Thì xin ân ái vẹn trăm đường !
Phong lưu đôi lứa đà ai dễ,
Bụi tục chi cho bợn lóa gương.
Nếu duyên phận của đất trời đã sắp bày cho hai ta được gặp gỡ nhau, yêu thương nhau và quyến luyến nhau như thế này, thì xin nàng hãy cùng ta nên duyên chông vợ cho trọn vẹn niềm ân ái !
«Nếu đã tình duyên run rủi phận,
Thì xin ân ái vẹn trăm đường !»
Lời tỏ tình của Phạm Thái rõ ràng rành mạch đến như thế là cùng.
Trong một bài thơ khác, Phạm Thái viết :
Ai lên Tử các, Thanh vân
Hỏi thăm ả Tố chiều xuân thế nào.
Chiều Xuân một khúc gởi trao
Cậy lòng dì gió đưa vào xuân cung.
dần dà, lời tỏ tình thân mật tình tứ hơn :
May thay một hội tuơng kỳ,
Đã bên tình phận lại bề phong lưu
Câu hảo cầu đợi người thục nữ
Năm mây phong đôi chữ đồng tâm
rồi thì nói thẳng:
Bây giờ mượn gió cung Đằng[28]
Vì duyên đưa mối Xích thằng[29] lại đây.
Đã nói rõ, nhưng Phạm Thái vẫn tỏ ra ngần ngại:
Rắp hẹn hò ngồi hoa đứng tuyết,
Lòng còn e khôn biết nói năng.
Yêu nàng nhưng chưa dám bày tỏ, lòng muốn gặp gỡ để tâm sự chuyện trò nhưng vẫn ngại ngùng sợ tiếng thị phi. Thơ đã giúp Phạm Thái nói được điều khó nói như trường hợp Kim Trọng dò ý Kiều:
Tiện đây xin một hai điều,
Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?
Lần lửa qua tháng ngày quen biết, tình yêu của hai người ngày càng say đắm. Thơ của hai người gi ờ đây là những bức thư tình trao gởi cho nhau, có khi bày tỏ niềm thương nhớ, khi là nỗi mong ước. Người xướng kẻ họa, thật là tương đắc:
Nếu Phạm Thái lo phiền ngày dài quá, như cả năm không gặp khi trướng gấm phòng loan cứ đóng im ỉm không thấy bóng Quỳnh Như:
Im ỉm mấy phong gấm bức
Điểm một ngày dằng dặc nhường niên.
Thì Quỳnh Như cho rằng đó chỉ là sự im lặng đợi chờ:
Im ỉm màn sương đợi khách
Thênh thênh cửa nguyệt chờ ai
Giai nhân tài tử mấy lăm người
Trạnh tưởng tâm tình thêm rối.
Thấy Phạm Thái ngày càng say đắm với chữ tình mà bỏ quên lý tưởng của mình, trong bài thơ họa bài “Đề tranh Tố Nữ” của Phạm Thái, Trương Quỳnh Như đã rắn rỏi khuyên người tình đừng vì tình cảm mà quên nghĩa lớn:
Véo von bên liễu tiếng hoàng oanh
Khuyên khách đừng quên chí chiến tranh
Giữa lúc nước nhà đang hoạn nạn
Phải khi tráng sĩ vướng tơ tình.
Sông trôi đất Bắc in dòng đỏ
Núi đứng trời Nam nhuộm vẻ thanh.
Khúc khải hoàn ca rồi mạnh mẽ
Phòng tiêu đầm ấm rạng ngày xanh!
Khi đất nước thanh bình rồi, khi chí lớn đã thành tựu, lúc đó lo gì hạnh phúc của lứa đôi!
Phạm Thái và Trương Quỳnh Như đang có những tháng ngày hạnh phúc. Hạnh phúc đó hiện rõ qua lời thơ của Trương Quỳnh Như, khi nàng họa lại bài “Ngày Xuân uống rượu” của Phạm Thái.
Họa bài “Ngày Xuân Uống Rượu.”
Rực rỡ trời Xuân ánh thái dương
Xuyên qua chén rượu nhuốm màu vàng
Hoa Xuân kín đáo thầm phong nhụy
Men rượu nồng nàn ngát tỏa hương
Má phấn say hương hây hây đỏ
Thơ tình thiếu rượu rối vấn vương
Tìm vần trong rượu, vần không thấy,
Chỉ thấy Xuân đầy vẻ diễm quang.
“Má phấn say hương hây hây đỏ.” Quỳnh Như say hương rượu hay say hương tình, hay cả hai?
Tình yêu của Phạm Thái Trương Quỳnh Như không qua khỏi đôi mắt của gia đình. Thân phụ Quỳnh Như vì mến tài Phạm Thái có ý muốn gả con gái cho chàng, chỉ khuyên Thái về quê tìm người mai mối để tránh tiếng đàm tiếu của họ hàng và gia nhân. Phạm Thái nghe lời.
Được tin Phạm Thái sắp về quê, Quỳnh Như không khỏi buồn lo. Nàng đưa tiễn người yêu bằng một bài thơ gởi gắm biết bao nhiêu tình cảm và lòng mong đợi:
Tiễn ông Chiêu Lỳ về quê.
Sắt đá lòng này đã biết chăng?
Xe duyên nay mươn gió cung Đằng.
Vườn đào sực thấy oanh đưa tín,
Dặm liễu ai xui yến cách chừng.
Vàng ngọc nên chăng cùng một ước,
Nước non thề đã có đôi vầng.
Lời này dặn với tri âm nhẻ,
Chớ phụ cầm thư đợi dưới trăng.
Phạm Thái, Trương Quỳnh Như đã cùng nhau ứơc thề. Làm sao hai người có thể phụ lòng nhau được?
Không ai trong hai người trái lời nguyền ước. Nhưng chẳng ngờ buổi chia tay lần này cũng là lần chia tay vĩnh viễn! Trời già không tạo ra niềm oan trái mà mối duyên tình của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như cũng chẳng thành.
Trái với ý muốn của thân phụ Quỳnh Như, thân mẫu nàng không bằng lòng gả nàng cho Phạm Thái. Bà không yên lòng khi đứa con gái của bà lại trở thành vợ của một tay quốc phạm, đang ngày đêm trốn tránh quan quân của Triều đình, một thầy tu giả danh, một kẻ lông bông, tứ cố vô thân, không có nơi nương tựa. Làm sao bà có thể gả con gái yêu của bà, một cành vàng lá ngọc cho anh chàng mà tương lai đầy bất trắc như vậy? Với bà, bà không cần biết, Phạm Thái có hay không có tài hoa, giàu hay nghèo nghị lực, chí khí. Trước mắt bà, Phạm Thái là gã đàn ông say sưa, nghèo khó, vô dụng, chẳng có một nơi để náu thân. Vì thế bà ép duyên Quỳnh Như cho anh chàng Trịnh Nhị, con nhà phú hộ nổi tiếng là Thạch Sùng của Nam Định hồi bấy giờ.
Cũng như suy nghĩ và lo lắng của nhiều bà mẹ khác, bà tin rằng chỉ người đàn ông ấy mới đem lại hạnh phúc và yên ổn cho con gái bà.
Thế nhưng bà đã lầm! Bà không thể ngờ rằng đứa con gái mà bà dày công mang nặng đẻ đau, đã từng làu thuộc thi thư lễ nghĩa của thánh hiền lại là một con ngựa chứng trong vòng lễ giáo.
Người con gái ấy đã chẳng chịu theo thói thường “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà trong tâm hồn nàng đã có sẵn một quan niệm mới về tình yêu và hôn nhân. Tình yêu phải có tự do và hôn nhân không thể là điều cưỡng ép.
Bị mẹ ép gả cho tên nhà giàu Trịnh Nhị, Quỳnh Như đau khổ lắm. Nàng đã có bao giờ tiếp xúc với anh nhà gíàu đó đâu? Nàng có quen biết, yêu thương chàng trai ấy đâu? Một tâm hồn mộng mơ thi phú như nàng về làm vợ người chồng xa lạ như thế làm sao có hạnh phúc? Lại nữa, vâng lời mẹ để lấy anh chàng này làm chồng thì mai sau nói năng thế nào với Phạm Thái? Lời thề lúc chia tay của hai người đang còn đó:
“Vàng ngọc nên chăng cùng một ước
Nước non thề đã có đôi vầng
Lời này dặn với tri âm nhẻ
Chớ phụ cầm thư đợi dưới trăng”.
Không nghe lời dạy bảo của Mẹ, thì hóa ra nàng là đứa con bất hiếu, vâng lời mẹ thì phụ bạc người yêu. Tâm trạng của nàng lúc bấy giờ cũng tương tự như tâm trạng của Kiều trước việc Kiều phải bán mình chuộc cha:
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Cả hai con đuờng đó, không có con đường nào cho nàng chọn lựa. Nàng chọn con đường thứ ba cho vẹn nghĩa đôi đường: chọn cái chết. Chỉ có chết mẹ mới hiểu được lòng nàng. Chỉ có chết nàng mới đáp đền được tình sâu nghĩa nặng của Phạm Thái.
Trương Quỳnh Như chọn con đường quyên sinh!
Hỡi ơi, một tiếng thơ mai,
Nợ hồng trần để lụy người hồng nhan!
Từ khách tình si đến chàng cuồng sĩ:
Khi Phạm Thái trở lại Thanh Nê thì Trương Quỳnh Như đã chết. Ông đau xót vô ngần. Tiếc thương người yêu, xót xa cho số mạng của nàng, Phạm Thái khóc than Quỳnh Như thảm thiết:
“Kể từ ngày tha hương gặp gỡ,
Chữ chung tình để nợ cho nhau,
Ái ân mấy nỗi xưa, sau,
Lời vàng đá ấy dễ hầu đơn sai.
Túi tơ hồng trách ai xe mối
Đến nửa chừng bổng nới tơ ra,
Căm gan một ả Trăng già,
Trêu nhau chi mãi chẳng tha thế này!”
rồi ông ta chua xót tự hỏi:
“Ấy vì mình hồng nhan bạc phận?
Hay vì ta gặp phận đa gian?
Cho nên lắm lúc nhỡ nhàng,
Dẫu sao thời vậy đã cam một bề[30].”
Trước mộ nàng, Phạm Thái còn đọc một bài “khốc văn” thống thiết:
“Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẫn trăng rằm!
Lại có điều đau đớn thế nhỉ! Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ. Thương hại thay, hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa. Thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp mà nghim nghỉm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!
Ví dù mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi? Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì ba vạn sáu ngàn ngày sống cho đủ lệ: nọ xuân huyên, kìa phu tử, góp với trần gian không chút hận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao ri6ng bỗng vội vàng chi?
Ôi! chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sã, những như thân gia ấy, tình cảnh ấy,ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, nhưng tình duyên chừng ấy, cũng là một chút cương thường: dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự.
Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời cho nấn ná nhân duyên. Mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh.
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm, chua xót cũng vì đâu? Não nuột cũng vì đâu?
Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sụt sùi hai hàng tình lệ, giải bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử.[31]”
Rồi cũng từ ngày đó, Phạm Thái lặng lẽ ra đi, nay đây mai đó, dạo chơi khắp danh lam thắng cảnh, gởi lòng cho nước biếc non xanh “khi dãi gió dầu sương,trãi tấm gan vàng cùng non bạc, khi câu thơ chén rượu, dành bầu máu nóng để tưởng nhớ người xưa![32]”
Hay đâu, anh hùng tráng sĩ xưa nay không sợ gươm giáo nơi chốn kiếm cung, lại phải mềm lòng trước người nhi nữ!
Phạm Thái từ ngày gặp Quỳnh Như thì khí phách anh hùng đã vơi đi gần hết, tiếp theo cái chết của người tình, Thái chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện nước non. Ngày ngày ông tìm vui bên chén rượu, chán nản thế sự, sống cuộc đời vô định bi quan. Bên cạnh đó, thời thế cũng thay đổi, Nhà Tây Sơn cũng tàn lụi, Nhà Nguyễn Gia Long tiếp nối thống nhất từ Nam ra Bắc. Phong trào “ cần vương” không còn nữa:
“Năm bảy năm nay cứ loạn ly”
Cũng thì duyên phận cũng thì thì,
Ba mươi tuổi lẻ là bao nả,
Năm sáu đời vua thấy chán ghê!
Một tập thơ dày ngâm sang sảng,
Vài nai rượu kếch ních tì tì,
Chết về tiên Bụt cho xong kiếp
Đù ỏa trần gian sống mãi chi!”
Ông mất năm 1813 tại Thanh Hóa, khi vừa mới ba mươi bảy tuổi xuân.
CHỨNG TÍCH CỦA TÌNH YÊU LÃNG MẠN TRONG VĂN HỌC THẾ KỶ 18
Tự do trong tình yêu và hôn nhân:
Mối tình của Phạm Thái-Trương Quỳnh Như trước hết là một biểu hiện, một chứng tích của tự do trong tình yêu và hôn nhân.
Tình cảm tự nhiên và chân thật của hai người đến với nhau không hề chịu một sự sắp bày, hướng dẫn nào của bên ngoài, kể cả của mẹ cha. Những lời thơ tỏ tình của Trương Quỳnh Như mạnh dạn và tự nhiên đến độ táo bạo, ta có cảm tưởng như mới gần đâu đây, những năm ba mươi của đầu thế kỷ, thời kỳ của “Tố Tâm”…
Giai nhân tài tử mấy lăm người,
Trạnh tưởng tâm tình thêm rối.
hoặc:
Nhủ đông hoàng mặc lòng khu xử
Chớ đem xuân suồng sổ trần gian.
Hay táo bạo hơn:
Cậy ả Hằng vì ta xe mối,
Xe thì xe chớ nới tơ ra.
…
Cuộc tình của hai người là sự kết hợp tròn đầy và tự nguyện của hai tấm lòng tha thiết, chân thành tìm đến nhau, là sự chọn lựa của mỗi cá nhân cho tình cảm riêng tư của mình, không bị thúc đẩy hay hướng dẫn bởi gia đình hoặc các định chế xã hội.
Đó là một đóa hoa lạ đầy hương sắc đã nở ra trong vườn hoa của xã hội Việt Nam trong thời kỳ mà tư tưởng Khổng Mạnh là những kim chỉ nam của đời sống, khi mà các luân lý và đạo đức của xã hội từ chối và kết án sự phô bày tình cảm gái trai trong chiều hướng tự do luyến ái:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thới tiết hạnh làm câu trau mình…
Biết bao thế kỷ trước, luân lý Khổng Mạnh đã nhân danh cho trật tự xã hội và sự tiến hóa của đạo đức để đề cao sự tôn trọng lý trí và chối bỏ tình yêu của con người. Chúng ta có thể tìm thấy trong sách vở những mối tình, những cặp vợ chồng mà đến ngày cưới vẫn chưa hề biết mặt nhau! Tất cả là sự chọn lựa, sắp bày của cha mẹ.
Tình yêu trai gái, vợ chồng đã bị giản lụơc và đồng hóa với một ít nguyên tắc nghĩa ân: “tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức.” Tính chất phức tạp, sinh động và tự do vốn là bản chất của tình yêu bị khắc nghiệt cấm đoán như những mầm móng của hổn loạn và thái hóa. Xã hội lên án những tình cảm tự do đó như những biểu hiện thiếu nết na, trăng gió, luông tuồng của người phụ nữ.
Trương Quỳnh Như đã có một cách sống và yêu ngược lại. Đó là một thái độ phủ nhận sự gò bó của các lề thói xã hội, cương quyết nói lên sự có mặt của nàng như một con người tự do.
Quan niệm sống và yêu của Phạm Thái Trương Quỳnh Như quá mới mẻ, táo bạo với xã hội đương thời, nếu chúng ta biết rằng hơn năm chục năm sau, chàng trai Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã phải thảng thốt can ngăn Kiều Nguyệt Nga, không cho nàng xuống kiệu cảm ơn mình, chỉ vì lẽ “nam nữ thọ thọ bất thân” của lễ giáo Khổng Mạnh:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái ta là phận trai.
Tiểu thơ con gái nhà ai,
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kỳ?
Chẳng hay tên họ là chi,
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?
Quan niệm tự do trong yêu đương và hôn nhân đó sớm hơn cả thế kỷ nếu chúng ta đem so với những chủ trương của nhóm “Tự Lực Văn Đoàn“ vào đầu thế kỷ 20.
Trương Quỳnh Như bị ép gả cho anh chàng Trịnh Nhị nào đó, cũng tương tự như Loan bị mẹ ép gả cho Thân. Dầu không có tài liệu gì kể lại những đôi co giữa nàng với mẹ, nhưng chắc cũng tương tự như những gì Loan đã trình bày với bà Giáo, mẹ của cô ta, khi yêu cầu cha mẹ cho cô ta được tự do trong vấn đề hôn nhân:
“Vâng, thì xin mẹ để tùy con, và nhân thể mẹ để tùy ý con định có nên lấy chồng hay không nên lấy chồng. Con đã nhiều lần thưa với mẹ rằng, con không thể.”
Trước sự ngạc nhiên và giận dữ của mẹ, Loan cũng nhất định:
“Không, con không cho đó là chuyện chơi. Con cho là một chuyện quan hệ trong đời con, mà chỉ quan hệ đối với đời con thôi…”[33]
Trương Quỳnh Như chắc đã không nói với mẹ những lời lẽ “sỗ sàng” như vậy, nhưng những gì nàng nghĩ, nàng chịu đựng cũng không khác với Loan.
Trên một phương diện nào đó, Trương Quỳnh Như của thế kỷ 18 đã hơn hẳn Loan. Trương Quỳnh Như đã không cúi đầu nghe theo sự ép buộc của mẹ lấy người mình không hề yêu thương như Loan sẽ chấp nhận. Cuộc tình miễn cưỡng, gò ép đó không mang đến cho nàng hạnh phúc mà ngược lại chỉ là những giả dối, đớn hèn và coi thường nhau.
“Môi nàng hé mở, tỏ vẻ chán nản ghê tởm. Ghê tởm cho cái đời làm vợ giả dối của nàng, ghê tởm cho những đêm ái ân miễn cưỡng. Nàng không cần biết dến ái tình và không có quyền biết đến ái tình. Bổn phận của nàng là cái máy đẻ, thì nàng phải coi nàng như cái máy đẻ.[34]
Trong xã hội cũ, hôn nhân của con cái là vai trò của cha mẹ. Cha mẹ có bổn phận tìm kiếm và dạm hỏi người vợ hay chồng của con cái mình, sao cho tương xứng “môn đăng hộ đối” với gia đình mình. “Cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó”. Cha mẹ định đoạt tất cả và không cần biết con mình có chấp nhận hay không, nói gì đến chuyện thương yêu nhau, tìm hiểu nhau cho tâm đầu ý hợp!
Sự chọn lựa của cha mẹ nhiều khi lại nhắm vào quyền lợi hơn là tình cảm. Bà Giáo chọn Thân cho con gái mình, vì bà muốn trừ món nợ mà bà đang mắc bên gia đình Thân. Bà Án (trong Nửa Chừng Xuân-Khái Hưng) chọn con gái cụ Tuần phủ cho Lộc, con trai của bà cũng bởi lẽ đó:
“Quan Tuần còn trẻ, bước đường hoạn lộ còn dài. Sau này con tôi tất nương tựa vào bố vợ mới mong thăng quan tiến chức được. Nếu trái lại tôi để nó kết hôn với cô thì không những nó mất chỗ nương tựa mà nó cũng mang tiếng chơi bời bậy bạ, lấy người không xứg đáng, tránh sao được nốt xấu trong lý lịch.”[35]
Nhất Linh, Khái Hưng và nhiều nhà văn nhà thơ khác đã dày công cổ xúy cho tự do của tình yêu và hôn nhân. Hơn trăm năm về trước, Phạm Thái và Trương Quỳnh Như đã dấn thân vào cuộc sống và tranh đấu cho tình cảm của mình bằng chính hành động dẫn đến cái chết bi thảm của Quỳnh Như. Quỳnh Như đã mạnh dạn chối bỏ hôn nhân định sẳn, hẹp hòi, vô lý do mẹ ép đặt để tìm tới một ình yêu đích thực. Nhưng Quỳnh Như vẫn không thể vượt qua rào cản của “tam tòng, tứ đức”. Trương Quỳnh Như chỉ còn một con đường chọn lựa, chọn lựa cái chết!
Tìm lấy cái chết là một thái độ tự do thứ hai của Quỳnh Như trong cuộc dấn thân trọn vẹn cho Tình yêu. Giá trị cao đẹp và bi thảm của tình yêu đã lên đến đỉnh điểm qua cái chết này.
Cái chết của Quỳnh Như đã đưa nàng thuộc về Phạm thái một cách trọn vẹn, một gắn kết bất khả phân, vĩnh cữu và tuyệt đối.
“Tình yêu và sự chết vốn có một liên hệ thầm kín và mầu nhiệm” như nhà thơ Léopardi đã ca ngợi: “L´ amour et la mort sont frères”.[36]
Cái chết của Nastassia (trong L´Idiot), của Alisa (trong Khung cửa hẹp), của Roméo và Juliette hay gần đây hơn nữa, cái chết của cha Hà Vĩnh Duy (trong Tóc mây của lệ Hằng)… đã đưa họ thuộc về người yêu của họ một cách hoàn toàn và những mối tình đó trở thành bất tử.
Nastassia hoàn toàn thuộc về Rogédine cũng như Alissa là của Jérôme. Roméo và Juliette là cập nhân tình bất tử và Hà Vĩnh Duy là khuôn mặt đời đời của Tố Kim:
“Tôi biết rồi, từ nay chàng mới thuộc về tôi, hoàn toàn thuộc về tôi. Không một luật lệ nào, uy quyền nào dành nổi chàng của tôi nữa.”[37]
Tìm lấy cái chết là một chọn lựa giữa bao điều phải chọn lựa. Chết là một chọn lựa tự do, dẫu đó là một chọn lựa bi thảm. Đó là lúc đệnh mệnh dính chặc vào cuộc đời người tài hoa và cũng là lúc tuyệt vọng cùng tự do vào chung một vực thẳm.
Dẫu rằng nếu tình duyên của Quỳnh Như và Phạm Thái được trọn vẹn, thì có gì là bền chắc và vĩnh cữu của tình yêu trước cuộc đời đầy sóng gió và bất trắc. Tình yêu tự nó quá mong manh trước những tàn nhẫn và bất ngờ của cuộc đời.
Thế cho nên cái chết của Quỳnh Như dẫu là một bi thảm nhưng chính nó đã tạo nên những khả ái của mối tình lãng mạn này. Sự dang dở nhiều khi cũng là nét duyên dáng của tình yêu. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Hồ Dếnh đã từng ca ngợi:
“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”[38]
Chứng tích của văn học lãng mạn:
Theo Đào Duy Anh thì “Lãng (浪) là sóng đánh tràn; Mạn (漫) là nước chảy tràn bờ. Trong tình cảm thì lãng mạn là không có gì bị kiềm chế, ràng buộc. Trên mặt văn học, lãng mạn là khuynh hướng văn nghệ xuất phát từ Âu châu vào thế kỷ 19, trái với cổ điển chủ nghĩa.”[39].
Từ lúc mộng “cần vương” bị thất bại, Phạm Thái tưởng rằng có thể tìm thấy niềm an ủi bên người tình trong mộng Trương Quỳnh Như. Nào ngờ cuộc tình bế tắc, người yêu phải chết bi thảm.
“Tất cả những chi tiết ấy làm cho thân thế chàng trai họ Phạm có cái duyên dáng của một nhân vật tiểu thuyết. Cuộc đời của Phạm thái có thể chỉ tóm tắt trong hai chữ thất bại: việc lớn thất bại đã đành mà việc tình duyên riêng tư cũng thất bại nốt.” Đó là ý kiến của nhiều nhà phê bình văn học. Nhưng cũng chính những trái ngang trắc trở đó mà Phạm Thái trở thành nhân vật của tiểu thuyết và mối tình cũng như thơ văn của hai người đậm đà tính lãng mạn. Điểm đặc biệt là thời gian Phạm Thái-Trương Quỳnh Như đã sống, đã yêu, đã viết cho tình yêu bất chấp những lề thói, khuôn thước của xã hội đó (1777-1813) nó có sự trùng hợp tình cờ với thời gian và vị trí của Chateaubriand[40] trong văn chương Pháp. Đó là vai trò nhà thơ mở đầu cho nền văn học lãng mạn ở Việt nam.
Tìm hiểu qua cuộc đời cũng như thi ca của họ, ta có cảm tưởng là những nhân vật trong tiểu thuyết của đầu thế kỷ 20, thời kỳ của Tuyết Hồng Lệ Sử, của Tố Tâm, Giọt Lệ Thu…khi phong trào văn chương lãng mạn bắt đầu tràn vào nước ta.
Trái lại những con người đó, mối tình đó và những tư tưởng yêu đương lãng mạn đó đã có mặt trên đất nước ta từ hơn trăm năm trước.
Phạm Thế Ngũ trong “Văn Học Giản Ước Tân Biên” cũng đã nhận xét: “Phạm Thái ở trong địa hạt hành động không làm nên trò trống gì, nhưng dưới con mắt của nhà văn học, hình ảnh của ông thật quyến rũ. Người trai thời loản ấy đã đeo gươm tráng sĩ, đã khóac áo thiền sư lại đóng vai tình lang nồng nhiệt để rồi đang tuổi thanh xuân kéo lê cuộc đời như một cùm xích. Con người ấy cũng đã hội hợp được tất cả những gì gọi là lãng mạn trong quan niệm của chúng ta ngày nay”[41]
Phạm Thái đã sống một khuôn mặt đa diện và đã yêu cuồng nhiệt say sưa. Trương Quỳnh Như cũng đã rất tự nhiên mạnh dạn trong tình yêu và cuộc sống. Tất cả tình cảm và ước vọng của họ gởi gắm lên trang thơ một cách trọn vẹn. Mối tình của họ là những đóa hoa nở sớm trước mùa của văn học. Nếu tình cảm và thơ văn của họ đã không được tiếp nối và phát triễn thành phong trào như vai trò của Chateaubriand ở Tây phương thì cũng là những chứng tích sống động và quý giá của thi ca lãng mạn trong thời kỳ văn học Việt Nam của thế kỷ 18 này.
Tịnh Ý
Huế, thượng tuần tháng tư 1973.
Tài liệu tham khảo:
Sách:
1.
Sở Cuồng Lê Dư: Phổ Chiêu Thiền Sư Thi văn Tập. Hànội, Nam ký thư quán, 1932.
2.
Hoàng Xuân: Chiêu Lỳ Phạm Thái Thi tập. Sài gòn, Anh Phương ,1959.
3.
Hoàng Xuân Hãn: La Sơn Phu Tử. Hà nội, Minh Tân, 1952.
4.
Đào Duy Anh: Hán Việt Từ Điển. Sàigòn, 1957.
5.. Dương Quảng Hàm: Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Sàigòn, Bộ Giáo dục, 1968.
6. Phạm Thế Ngũ:Việt Nam Văn Học Sử giản ước tân biên. Sàigòn, Quốc học tt. 1969.
7. Lãng Nhân: Giai Thoại Làng Nho. Sàigòn, Nam Chi tùng thư, 1966.
8. Nguyễn Du: Truyện Thúy Kiều. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu đính và chú giải. Sàigòn, Tân Việt, 1968.
9. Khái Hưng: Nửa Chừng Xuân. Sàigòn, Văn Nghệ, 1970.
10. Nhất Linh: Đoạn Tuyệt. Sàigòn, Đời Nay, 1972.
11. Lệ Hằng : Tóc mây. Sài gòn, Tổ hợp gió, 1972.
Tạp chí:
1. Nguyễn Văn Xung: Phạm Thái, một bộ diện đặc biệt trong văn học cuối Lê đầu Nguyễn. Tạp chí Văn, Sàigòn. tháng 12.1970.
2.Bùi Lương: Sơ Kính Tân Trang. Văn Hóa Nguyệt san bộ mới số 7,8,9,10 (tháng 12/1955 đến tháng 4 1956). Sàigòn, Bộ Giáo Dục xuất bản.
3. Trần Đức Rật: Phạm Thái và Sơ Kính Tân Trang. Văn Khoa, 1973.
4. Phạm Kiều Tùng: Những ý nghĩ về tình yêu. Sài gòn.Tạp chí Nghệ Thuật, số 17-18 tháng 11 vá 12.1966.
[1] Phạm Thế Ngũ.“Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên“.Sg, Quốc học Tùng Thư,1969.
[2] Sở Cuồng Lê Dư: „Phổ Chiêu Thiền Sư thi tập“.Hà Nội.Nam ký thư quán,1932
[3] Nguyễn Văn Xung; “ Phạm Thái, một bộ diện đặc biệt..“ Văn số 167. Saigòn.1970, trg.3
[4] Chưa tìm được tên thật .
[5] SKTT. c302-305
[6] SKTT c 354-361
[7] Sơ: cái lược; Kính: cái gương.
[8] SKTT c 59-62
[9]Xương góc tả và góc hữu phần trán là Nhật giác và Nguyệt giác, biểu hiện người thông minh, tài ba. LêDư.(sđd )
[10] Lê Dư (sđd): Phía trên sống mũi là Phúc Ấn đường. Chổ ấy nhọn và thấp là gặp không hay về đường chồng con.
[11] SKTT. 414-421
[12] Nguyễn Du: Truyện Thúy Kiều. Bùi Kỷ và Trần trọng Kim chú giải. Sàigòn, Tân Việt,1968.
[13] SKTT. 399-410.
[14] Núi Dục Thúy tức là núi Non Nước ở Ninh Bình. Vào đời Trần, Trương Hán Siêu có thơ đề khắc vào đá và gọi núi Dục Thúy.
[15] Cửa Thần Phù ở Thanh Hóa, sóng lớn rất nguy hiểm Ca dao có câu: Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
[16]Theo Lãng Nhân; Giai thoại Làng Nho, Nam Chi Tùng Thư 1966 thì Trần Danh Án đỗ Hoàng Giáp năm1787. khi tây Sơn ra bắc, ông theo lệnh vua Chiêu Thống sang cầu viện quân Thanh. Quân Tôn Sĩ Nghị thua, ông chạy theo vua Lê không kịp, bị bắt giam ở Thăng Long. Vua Quang Trung biết ông là người hiền, mời ra giúp nước. Ông khăng khăng từ chối.
[17] Theo Phạm Thế Ngũ, sđd, Lê Quýnh (1750-1805) năm 1789 phò tá vua Lê sang Tàu. Ở đó ông bị giam cầm suốt 13 năm. Năm 1804, nhà Thanh cho đem hài cốt vua Lê về nước, ông mới về.
[18] Hoàng Quang người Thừa Thiên, có tài văn chương. Nguyễn Huệ mời ông ra làm quan, nhưng ông nhất quyết từ chối.
[19], Hoàng Xuân Hãn: La Sơn Phu Tử , Hà Nội, Minh Tân, 1952. trg 136
[20] Hoàng Xuân Hãn.Sđd.
[21] Hoàng Xuân Hãn: S đd.
[22] Nguyễn Hữu Lượng.
[23] Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay.
[24] Phạm Thế Ngũ. Sđd.trg 248
[25] Theo Lê Dư, Sđd. thì Thụ bị đầu độc lúc Thái đã về quê. Theo Lãng Nhân, thì Thụ mất lúc Thái còn ở Lạng Sơn.
[26] Nguyễn Du. Truyện Thúy Kiều.
[27] Phạm Thế Ngũ. Sđd. Từ là thể thơ với những câu dài ngắn không đều nhau,có từ đời Đường. Từ có nhiều điệu khác nhau như Mộng Giang nam, Tây Giang nguyệt…trg.254.
[28] Cung Đằng: Đằng vương các.
[29] Xích thằng: sợi dây đỏ, chỉ sợi tơ hồng của ông Tơ, bà Nguyệt buộc đôi nam nữ nên duyên chồng vợ.
[30] SKTT. Bài „Triệu Linh“. Trg.
[31] Sở Cuồng Lê Dư. Sđd, trg 4 và Lãng Nhân: Giai thoại làng Nho, trg202.
[32] Phổ Chiêu TSTVT. Trg.4
[33] Nhất Linh: Đoạn Tuyệt. Sàigòn, Đời nay,1972, trg 30.
[34] Nhất Linh. Sđd, trg 31.
[35] Khái Hưng. Nửa Chừng Xuân. Sàigòn, Văn Nghệ, trg151.
[36] Phạm Kiều Tùng.“Vài ý nghĩ về Tình yêu“ Sàigòn. Tạp chí Nghệ thuật số 17(5.12.66) trg.6.
[37] Lệ Hằng: Tóc Mây. Sài gòn, Tổ hợp Gió,1972. trg.287.
[38] Thơ Hồ Dếnh : Ngập ngừng (trích lại từ Việt nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long.Sàgòn, Sống mới,1968.trg.590)
[39] Đào Duy Anh: Tự điển Hán Việt. Sàigòn, 1957.
[40] Chateäubriand:(1768-1848): Nhà văn Pháp, sau chuyến đi Mỹ trở về, mẹ và em chết, ông cảm xúc viết cuốn “ Le ge´nie du Christianisme“(1802). Tác phẩm này nằm trong số sách cấm của hội nhà thờ, nhưng nó lại được xem là thánh kinh của văn học lãng mạn và mở đầu cho văn học lãng mạn ở Âu châu vào đầu thế kỷ 19.
[41] Phạm Thế Ngũ: Sđd, trg 254.
No comments:
Post a Comment