tiểu luận / nhận định
Lữ
Cái thật và cái mới trong thơ
Làm thơ, nhiều người thấy khó. Thực ra làm thơ hay mới khó. Khó nhất là bài thơ nói lên được con người của mình. Thi sĩ Cao Bá Quát viết: “Kỹ thuật làm thơ tuy quan trọng, nhưng không quan trọng bằng bài thơ nói lên được cái tính chất riêng của mình.” (Phù luận thi tuy thủ kỳ cách pháp, tác thi tất bản chư tính tình.) Thi sĩ than là người ta làm thơ sáo quá. Do đó, nhìn vào thơ ta thấy toàn là những lời bắt chước. Tiếng than đó, thi sĩ thốt ra từ giữa thế kỷ thứ 19.
Đến thập niên 30, 40 của thế kỷ thứ 20, người ta làm mới thi ca. Cái tính chất riêng mà Cao Bá Quát đề cập tới, bắt đầu được coi trọng. Những thi sĩ hàng đầu của phong trào làm mới này là Huy Cận, là Xuân Diệu, là Vũ Hoàng Chương, vân vân. Cái mới của họ, đúng ra không mới về kỹ thuật. Cái làm mới về kỹ thuật đến sau. Người ta gọi thơ họ là thơ mới. Thơ của họ mới ở chỗ họ mô tả được cái tính, cái tình của con người, của thời đại họ. Ta hãy đọc thử bài thơ này của Huy Cận:
Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ.
Một hôm, trận gió tình yêu lại,
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư.
Về kỹ thuật, ta thấy đây là thơ bốn câu, ba vần, và được niêm rất chỉnh. Nhưng những điều họ viết trong thơ, đúng là chưa ai nói tới bao giờ. Câu thơ như “bỗng nhiên mà họ lớn”, hay “trận gió tình yêu lại” chưa thấy xuất hiện trong thi ca trước đó. Thơ của họ trẻ. Thơ dành cho tuổi trẻ mà không phải là lối thơ khoa cử. Người trẻ đọc thơ mới, có cảm tưởng như thi sĩ làm thơ cho riêng mình. Đó là tại vì trong thơ có chất thật. Cái chất thật bao giờ cũng tạo ra sự cảm thông. Thi sĩ thành thật với mình, thì tự nhiên thi sĩ thành thật với người đọc.
Thành thật với chính mình, điều này nói thì dễ, nhưng thực hiện rất khó. Trong bài thơ hay, tác giả có sự thành thật, nói lên được nỗi lòng riêng tư của mình. Vì vậy thơ hay rất hiếm. Thơ hay không phải là bài thơ có kỹ thuật mới mẻ. Cái mới của kỹ thuật đến sau, đến một cách rất tự nhiên. Một bài thơ hay ít nhiều đóng góp vào công trình làm mới của kỹ thuật thơ. Kỹ thuật thơ phát triển dần dần, song song với sự thành công của những bài thơ mới. Đến lúc nào, do nhu cầu diễn đạt tình cảm của chính mình, thi sĩ sẽ vượt thoát khỏi những khuôn phép cổ xưa không cho phép thơ mình nói ra được sự thật.
Thiền rất giống với thơ. Thiền cũng đòi hỏi ta phải sống thật với chính mình. Ngồi thiền là để nhìn lại chính mình. Ta nhìn lại chính mình và bắt đầu khám phá. Ngôn ngữ thiền là một thứ ngôn ngữ khám phá, mang đầy tính chất sáng tạo. Thiền sư là một thi sĩ. Thiền sư giảng đạo là thiền sư làm thơ. Bài pháp thoại là một bài thơ. Ngày xưa, các thiền sư đã dùng thơ để giảng đạo. Tiêu biểu nhất là thiền phái Thảo Đường. Ở trong thiền phái này, người ta dùng thơ để đối đáp, hỏi đạo và khai thị. Nhưng thơ rất khó. Nếu hễ xuất khẩu là có thơ, thì đó không phải là thơ nữa. Cho nên trong thiền phái Thảo Đường, những câu thơ sáo rỗng bắt đầu xuất hiện, nghe rất hay mà không chuyên chở một nội dung chân thật. Hiện tượng này đã đưa thiền phái Thảo Đường đi đến chỗ suy vi, không sản xuất được những thiền sư xuất chúng để tiếp nối tông môn.
Người làm thơ thiền ngày nay cũng nhiều. Nhan nhản trong các tạp chí Phật học, ta thấy những bài thơ viết về đạo. Nhiều khi, tôi thấy bài thơ chứa quá nhiều những ý niệm, những danh từ được lập lại. Những câu thơ đó chuyên chở nhiều kiến thức Phật học, như “vô thường”, “vô ngã”, mà không nói lên được tấm lòng của nhà thơ. Có người làm mỗi ngày một bài, hai bài thơ. Bài nào cũng giống nhau, nghe được. Thơ đâu mà nhiều vậy? Tình đâu mà dạt dào vậy? Cái tính chất riêng mà thi sĩ Cao Bá Quát nói đến là một thứ tình. Trong chữ tình đó, ta thấy có tính chất hạnh phúc và khổ đau. Làm thơ là phải diễn đạt tính chất hạnh phúc và khổ đau đó cho thành công. Thiền tập là nhận diện tính chất hạnh phúc và khổ đau cho chính xác.
Trong thiền học, người ta hay đề cập đến xả. Xả là dịch từ chữ upekkha. Upekkha có nghĩa là không kỳ thị. Ta không sống với tâm kỳ thị của mình, mà sống với tâm chân thật. Khi vui, ta biết đó là vui. Khi khổ, ta biết đó là khổ. Đó là trạng thái xả ở trong thiền tập. Chữ xả có nghĩa là sống thực. Nếu biết sống thực, thì ta vượt thoát được những ý niệm sai lầm ta có về thực tại. Chính những ý niệm sai lầm khiến cho ta điêu đứng trong cuộc đời, chớ không phải là thực tại làm cho ta điêu đứng. Sống thực và buông bỏ ý niệm là tông chỉ của thiền môn. Ngôn ngữ thiền, cũng giống như ngôn ngữ thơ, là một thử nghiệm để diễn đạt cái thật mà tự thân thiền sư trực tiếp chứng nghiệm. Đôi khi thử nghiệm đó thành công. Đôi khi thất bại.
Làm thơ khó, nhưng tìm bạn thơ còn khó hơn nữa. Bạn thơ là người hiểu và biết trân quí thơ. Bạn thơ khó tìm vì người ta lười đọc thơ. Đọc thơ là tìm hiểu chính bản thân mình. Chỉ có một cách đọc thơ, đó là lấy kinh nghiệm sống của bản thân ra mà đọc. Bài thơ phải xúc chạm vào một cái gì sâu sắc ở trong mình. Muốn vậy, ta phải có sự lắng đọng khi đọc thơ. Ta cần một sự yên tĩnh, để tâm ta tiếp xúc được với tâm người làm thơ. Đọc như vậy, ta mới khám phá hết những cái hay, cái đẹp trong một câu thơ. Khám phá được một câu thơ hay, người đọc mừng vui, và câu thơ đó cứ lởn vởn trong đầu suốt một thời gian khá dài. Mà người đọc thơ là ai? Trước hết, người đó chính là mình. Ta hãy tập đọc thơ của chính mình. Đọc thơ mình khó lắm. Nếu đó là một bài thơ hay, thì càng đọc ta càng thấy thấm thía. Nếu đó là bài thơ không hay, ta chỉ thích bài thơ trong hai, ba lần đọc đầu. Ta không thể lừa chính ta được. Thơ hay, là tiếng nói sâu thẳm của đáy lòng. Mỗi lần đọc, là ta có cơ hội tiếp xúc với chiều sâu của tâm thức ta.
Ngồi thiền tức là đọc thơ. Học ngồi thiền cũng giống như học đọc thơ vậy. Ta cần phải học đọc thơ, và ta cần học ngồi thiền. Ngồi thiền, ta thấy rõ mình. Càng thấy rõ mình, ta càng thú vị. Hiểu mình, ta có cơ hội biết được đâu là sự bình an chân thật. Bình an đưa tới hạnh phúc. Không có bình an, niềm vui của ta chộn rộn, bấp bênh. Có những niềm vui cứ hấp dẫn ta trọn đời: những niềm vui không bình an. Đi theo những niềm vui đó, ta gây quá nhiều thương tích cho thân và cho tâm ta. Ta biết rất rõ đó không phải là niềm vui chân thật, nhưng ta không dừng lại được. Tại sao vậy? Câu trả lời là tại vì ta chưa tiếp xúc được với sự bình an trong tâm mình. Có bình an, niềm vui của ta trở nên sâu sắc. Và khả năng tiếp xúc với khổ đau của ta cũng trở nên nhạy bén hơn. Cho nên theo tôi, muốn có được bản chất riêng của mình trong thơ, ta cần có sự bình an trong tâm. Có bình an thì ta mới tiếp xúc được cái chất riêng tư đó. Thiền và thơ, hai cái đó giống nhau lạ lùng. Giống như là hai anh em sinh đôi vậy. Thiền làm ra chất thơ. Thơ hay, tự nhiên có chất thiền. Chất thiền là cái tính chân thật nằm ở trong bài thơ. Không có tính chân thật đó, bài thơ trở nên sáo rỗng. Thơ sáo rỗng, đó là tiếng than của thi sĩ Cao Bá Quát cách đây hơn một thế kỷ rưỡi. Tiếng than đó, ta nghe như vẫn còn vang vọng cho đến ngày hôm nay.
Pháp, 4-2004.
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008
No comments:
Post a Comment