Lữ
Cái sân vuông và nơi thờ Phật
Tặng nhà văn Hoàng Ngọc Thư
Nhà tôi có ba tầng. Tầng cao nhất được dành riêng để thờ Phật. Đó là một nơi chốn trang nghiêm. Hồi còn nhỏ, mỗi buổi sáng tôi theo mẹ lên lầu thượng, quì trước bàn thờ Phật, kính cẩn chắp tay nghe mẹ tôi tụng kinh. Nếu bạn hỏi tôi có biết là mình đang làm gì không, thì tôi buộc lòng phải trả lời là “không”. Tôi không biết Phật là ai, và những câu mẹ tôi đang đọc mang ý nghĩa gì. Tôi chỉ biết quì bên mẹ, và đó chính là niềm hạnh phúc của tôi.
Trên lầu thượng có một cái sân vuông, lộ thiên. Ban ngày, tôi thường lên đó chơi. Cái sân vuông là thế giới mầu nhiệm của tuổi thơ tôi. Ở đó, tôi chơi một mình. Đồ chơi của tôi là một cái hộp giấy với vài trăm cái nút chai đủ màu sắc khác nhau. Với óc tưởng tượng của tôi, mỗi cái nút chai có thể trở thành một con người. Tôi sáng tạo ra hàng trăm con người khác nhau. Và tôi nhớ rõ từng người một. Tôi cho họ gặp nhau, nói chuyện, giận hờn, đuổi bắt, rồi thương yêu nhau.
Khi nào chơi thoả thuê rồi, tôi vào bên trong nhà, đi quanh quẩn quanh bàn thờ Phật. Không hiểu sao, tôi chưa bao giờ dám mời những nhân vật nút chai của tôi vào trong, đùa chơi trước cái bàn thờ Phật. Những nhân vật của tôi tha hồ chơi bên ngoài. Còn bên trong này là nơi tôi quì bên mẹ, cung kính, hướng lên pho tượng trang nghiêm, lặng lẽ. Trong tâm thức của một đứa bé, tôi đã phân biệt rạch ròi cái sân vuông, và khu thờ Phật ở trên lầu thượng. Ngồi trước bàn thờ Phật, tôi luôn luôn là một đứa bé ngoan ngoãn. Bước ra ngoài cái sân vuông, tôi sáng tạo hẳn một thế giới cho mình.
Với người khác, nhìn vào, thì cái sân vuông trống rỗng. Với tôi, thì không cái gì mà không có mặt ở trong cái sân vuông đó. Cái sân vuông là một thế giới. Nó phong phú, kỳ diệu không thua gì thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống bây giờ. Nó cũng có vua, có quan, có giàu, có nghèo, có thương, có ghét, có núi, có sông, có hơn, có thua… Và nhiều khi các nhiều nhân vật nút chai của tôi bị stress; họ sợ hãi, hốt hoảng, đau khổ, tủi thân, chán nản… Tôi tự hỏi, tại sao tôi không cho những nhân vật của tôi sống với nhiều hạnh phúc hơn? Trên cái sân vuông đó, tôi có uy quyền của Tạo Hoá. Tôi đã không cho những nhân vật của tôi sống hài hoà với nhau hơn. Tại sao? Câu trả lời thật đơn giản: lúc ấy tôi chưa hiểu ra giá trị của hạnh phúc.
Rồi tôi gặp cái sân vuông trở lại. Lớn lên, tôi nhận ra cuộc đời cũng là một cái sân vuông. Tôi lại tiếp tục sáng tạo những nhân vật trong cuộc đời bằng tâm thức của mình. Mỗi chúng ta, đều có một cái quyền sáng tạo. Chúng ta có quyền ban phát cho những con người chung quanh chúng ta khổ đau hay hạnh phúc. Và ta tiếp tục gây ra khổ đau cho những người trong thế giới quanh ta. Ta nói những câu đáng lẽ không nên nói. Ta làm những điều đúng ra không nên làm, vì những lời nói, việc làm đó tạo ra khổ đau. Ta tạo ra khổ đau. Tại sao? Tại vì chúng ta chưa hiểu ra giá trị của hạnh phúc.
Khi khổ đau, ta trách Tạo Hoá. Ta không biết ta cũng đang sáng tạo. Sự tạo tác của ta làm ra thế giới chúng ta đang sống. Ta tạo tác nhiều lắm. Và tôi nghĩ, tại sao chúng ta không tạo tác thêm nhiều hạnh phúc ở trong thế giới này? Tôi muốn cho đứa bé ngày xưa lớn lên chút nữa. Đứa bé sẽ không còn thích thú khi thấy những nhân vật nút chai của mình làm khổ nhau bằng những lời nói cay độc. Lớn lên là gì? Khi nào một con người thật sự lớn lên? Với tôi, con người chỉ trưởng thành khi nào biết ra giá trị của hạnh phúc. Nếu không, chúng ta vẫn còn bé thơ hoài. Như những đứa trẻ, chúng ta thường khổ đau vì những chuyện rất nhỏ.
Nhiều khi, tôi bắt gặp mình quì bên mẹ, ngước mặt nhìn lên bàn thờ đặt trên lầu thượng. Mẹ tôi mất đã lâu rồi, nhưng sự ấm áp được quì bên cạnh và nghe tiếng mẹ tụng kinh vẫn còn đó. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được trong kinh Phật nói những gì. Nhưng mà tôi không ganh tị với những con người thông thái, có khả năng giải nghĩa lời Phật dạy thật trôi chảy. Với tôi, đến với Phật có nghĩa là đến với mẹ. Trái tim tôi trong sáng, hạnh phúc. Tôi nghe tiếng mẹ hoà trong nhịp mõ đều đặn.
Những khi mẹ tôi bệnh, dì tôi thường dạy tôi lên bàn thờ xin đức Phật phù hộ độ trì cho mẹ tôi mau khỏi. Trái tim bé thơ của tôi tràn ngập tình thương. Tôi chắp hai tay lại, ngước mặt nhìn đức Phật hiền từ, mà cầu mong sự che chở. Cái nơi chốn ngọt ngào, đầy sự dịu dàng, thương yêu đó, mỗi người trong chúng ta đều có thể trở về. Khi rời khỏi cái sân vuông của cuộc sống, ta lại đến trước bàn thờ Phật của mình, để mà thấy được gần gũi với những người ta thương.
Rồi ta lại bước ra cái sân vuông. Cái sân trống rỗng. Thỉnh thoảng, tôi lại hỏi rằng những nhân vật của sân vuông tôi có đủ hạnh phúc hay không? Và tôi cũng bắt đầu tự hỏi mình: “Còn ta nữa. Ta có biết là mình đang được chơi thật thú vị trên cái sân vuông trống không này không?” Được chơi là một hạnh phúc lớn. Trong cuộc sống, biết bao nhiêu người để cho mình bị lôi theo những gì xảy ra chung quanh mình, mà quên mất cuộc chơi của mình.
Bây giờ, trên trang giấy trắng này, tôi lại bắt gặp cái sân vuông ngày xưa. Trang giấy cũng là sân vuông. Tôi lại nắm cái quyền sáng tạo. Thật may thay, trên trang giấy trắng, cái sân vuông trống này, tôi đã biết học tạo dựng hạnh phúc. Tôi muốn tạo dựng hạnh phúc trên cái sân vuông. Và tôi muốn luôn luôn có thể trở về với nơi thờ Phật trang nghiêm, nơi tôi đã từng quì bên mẹ, ngây thơ và trong sáng.
Hoà Lan, 18-5-2008
No comments:
Post a Comment