Lữ
Khi ngài giảng về sự thật
“Religion question” (2005), mực trên giấy, 23x23 cm
Tranh của Gonkar Gyatso (hoạ sĩ Tây Tạng đương đại)
KHI NGÀI GIẢNG VỀ SỰ THẬT
I.
Đức Thế Tôn nói: “Có một sự thật mầu nhiệm. Sự thật ấy chính là hạnh phúc. Ta gọi nó là lạc đế.” Vừa nghe đến đó thì các thầy nhao nhao phản đối: “Không, khổ đế mới là sự thật. Cuộc đời chứa đầy khổ đau.”
Đức Thế Tôn im lặng. Một hồi sau ngài mới nói tiếp: “Vâng, khổ đau là một sự thật. Chúng ta cần phải thực tập nhận diện khổ đau. Mọi khổ đau đều có nguyên nhân của nó. Và nguyên nhân của khổ đau là gì? Là thói quen nhận thức của chúng ta.” Các thầy lại lên tiếng: “Tập đế. Nguyên nhân của khổ đau là tập đế.”
II.
Sau bài pháp thoại, các thầy hoan hỷ hành trì theo lời đức Thế Tôn chỉ dạy. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt của các thầy. Phải rồi, niềm tin có khả năng mang niềm vui đến cho con người. Các thầy thấy mình may mắn, có một người thầy thật giỏi, thuyết pháp thật hay.
Nhưng đức Thế Tôn lại mang một tâm trạng khác thường. Các thầy có vẻ thuộc lòng những bài pháp mà đức Thế Tôn đã từng thuyết giảng. Đây không phải là một tin mừng. Ngài nghĩ: “Phải chi họ quên bớt những điều ta đã từng giảng dạy thì hay biết mấy. Ngày hôm nay, ta muốn giảng về lạc đế, nhưng các thầy lại tưởng rằng ta nhớ lầm. Các thầy chỉ muốn ta giảng về khổ đế mà thôi. Tiếc thật!”
Từ đàng xa, đức Thế Tôn thấy đại đức A Nan đang trùng tuyên lại những điều ngài vừa thuyết giảng. Đức Thế Tôn than thở: “A Nan, A Nan. Sự thông minh, nhớ dai của thầy đang hại ta đó thầy biết không. Ôi cái trí nhớ, cái trí nhớ của con người. Chúng ta không biết quên. Phải chi các thầy quên được những gì ta đã từng hướng dẫn. Sự sống bao la, lớn rộng vô cùng. Bám vào lời pháp của ta, các thầy có thể đánh mất sự sống. Ta muốn giảng cho các thầy nghe sự mầu nhiệm của giáo lý lạc đế. Nhưng các thầy không còn không gian ở trong lòng để mà tiếp nhận cái mới nữa. Làm mới chính mình khó khăn thay. Mà làm mới hàng môn đệ của mình lại càng khó khăn hơn nữa.”
III.
Một hôm, thầy A Nan hỏi đức Thế Tôn: “Bạch đức Thiện Thệ, xin ngài hãy giảng cho chúng con nghe thêm về giới. Sau khi đức Thế Tôn nhập niết bàn rồi, thì chúng con cần phải để tâm hành trì những giới nào để cho thân tâm mình được thanh tịnh?”
Đức Thế Tôn im lặng như đang suy nghĩ thật sâu về câu hỏi của thầy A Nan. Cuối cùng, ngài nói: “Chúng ta chỉ nên giữ lại những giới điều thật căn bản thôi A Nan. Các thầy phải nhớ trên hai trăm giới là nhiều quá.”
Câu nói của đức Thế Tôn làm cho thầy A Nan giật mình. Thầy có cảm tưởng như thầy vừa nghe lầm. Thầy hỏi lại: “Bạch đức Thiện Thệ, bạch đức Thiên Nhân Sư, có phải ngài vừa dạy chúng con phải thiết lập thêm giới để cho thân tâm thường thanh tịnh?”
Đức Thế Tôn hiểu ý thầy A Nan, nên lắc đầu nói: “Không, ta bảo các thầy phải bỏ bớt cho thân tâm được thanh tịnh.” Thầy A Nan hoang mang: “Làm sao bỏ bớt được những giới điều mình đã thiết lập? Tất cả những giới mà đức Thế Tôn dạy con hành trì đều chứa những chân lý thật mầu nhiệm. Con không thấy mình có thể bỏ bớt đi một giới nào cả. Xin đức Thiện Thệ hãy nói lại cho con hiểu rõ là chúng ta phải thiết lập thêm những giới nào? Chúng con còn có nhiều khiếm khuyết lắm. Chúng con cần hành trì giới thật là miên mật.”
Đức Thế Tôn cười. Ngài cười thật tươi như vừa khám phá một điều gì thật vui ở trong lòng. Ngài nói: “Ta có bảo là thầy không cần hành trì giới luật cho thật miên mật đâu. Thầy tu sao mà có hạnh phúc là được. Bởi vì lạc đế là một sự thật mầu nhiệm.”
Thầy A Nan lẩm bẩm: “Lạc đế? Rõ ràng sự thật thứ nhất là khổ đế. Đức Thế Tôn lớn tuổi rồi. Trí nhớ đã bắt đầu bỏ rơi ngài. Ta phải tận tâm dùng tuổi trẻ, trí nhớ của mình mà giúp đức Thế Tôn.” Nghĩ vậy, thầy lễ phép thưa: “Bạch đức Thế Tôn, bạch đức Thiện Thệ, sự thật thứ nhất là khổ đế.”
Đức Thế Tôn nghe vậy thì chán nản, lắc đầu nói: “Làm gì có sự thật, A Nan. Không có sự thật đâu. Sự thật nó nằm ở đâu thầy biết không? Sự thật chỉ có mặt ở trong sự sống mà thôi. Cái sự thật đó, nó mới hoài.”
IV.
Ngày hôm đó, trong bài giảng, đức Thế Tôn cố tình không nhắc tới dấu ấn khổ đau. Các thầy nghe bài giảng mà cảm thấy như thiếu thốn một cái gì. Rồi bài thuyết pháp kế tiếp cũng vậy. Và cuối cùng, vào một ngày đẹp trời, đức Thế Tôn giảng về giáo lý tam pháp ấn, ngài nói: “Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và niết bàn…” Đến đây thì các thầy không còn kiên nhẫn nữa, nhiều người nói lớn: “Không, tam pháp ấn, ba dấu ấn mầu nhiệm của giáo lý do đức Thế Tôn tuyên thuyết là khổ, vô thường và vô ngã. Xin đức Thế Tôn giảng cho chúng con nghe về khổ đau.”
Đức Thế Tôn từ tốn nói: “Ta giảng về khổ đau là để cho các thầy tiếp xúc được với sự vắng mặt của khổ đau. Sự thật thứ ba mà ta thường giảng là diệt đế, tức là khổ diệt đế, sự vắng mặt của khổ đau. Dấu ấn khổ đau là để cho ta tiếp xúc, trân quí sự sống mầu nhiệm đang có mặt. Sự thật mầu nhiệm đó là lạc đế. Nếu cho ta bắt đầu lại sự nghiệp của mình, ta sẽ giảng sự thật thứ nhất là lạc đế. Nhưng ta biết là tất cả đã trở nên muộn màng. Vâng, ngày hôm nay ta sẽ giảng cho quí thầy nghe về khổ đau ...”
Đó là một buổi giảng thật tuyệt vời. Đức Thế Tôn giảng về khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Người ta kể lại là trong những hơi thở cuối cùng, đức Thế Tôn cũng giảng về tứ diệu đế là khổ, tập, diệt và đạo. Vậy mà đọc lại những kinh điển được giảng trong thời gian trước khi ngài nhập niết bàn chừng mười năm, người ta vẫn còn thấy rõ nỗ lực làm cuộc cách mạng giáo lý của ngài. Nhất là trong kinh An Ban Thủ Ý, ta còn thấy rõ sự cố tình làm lơ, không nói đến dấu ấn khổ đau, mà còn nhiều lần nhắc đến sự có mặt của hạnh phúc ở ngay trong thân, tâm và trong sự sống chung quanh ta.
Pháp, 11-11-2008
No comments:
Post a Comment