11.4.2007
Phạm Xuân Nguyên
Ai tìm thấy Lá Diêu bông
Chuyện này diễn ra vào đầu thập niên 1990. Nhà thơ Thanh Thảo mỗi lần từ Quảng Ngãi ra Hà Nội đều ở lại nhà của người bạn thân là dịch giả Nguyễn Trung Đức. Anh Đức làm việc ở Viện Văn học, là trưởng ban văn học thế giới, một người cần mẫn dịch các tác phẩm văn học Mỹ Latin, chủ yếu là của nhà văn Columbia giải thưởng Nobel 1982 Gabriel García Márquez. Anh tính hiền lành, lặng lẽ, không bia rượu, nhưng rất chịu được Thanh Thảo, nhà thơ thích nói thích uống và luôn có đông bạn bè ăn to nói lớn, cụng ly ồn ã. Và Thanh Thảo cũng rất “kết” Nguyễn Trung Đức về sự đồng điệu tâm hồn qua những trang sách dịch. Thế nên mỗi lần Thanh Thảo ra Hà Nội, căn hộ không lấy gì làm rộng rãi của Nguyễn Trung Đức trong cái ngõ số 8 phố Tràng Tiền lại trở thành trung tâm tụ hội của bạn bè văn nghệ thủ đô. Kéo đến nhà Nguyễn Trung Đức dịp như vậy thường xuyên có Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Trung Trung Đỉnh, Ngô Thế Oanh... Vậy là vào một chiều của một ngày năm 1991, theo như tôi nhớ, anh em bạn hữu lại quây quần ở nhà Nguyễn Trung Đức uống bia uống rượu đón Thanh Thảo. Thường thì nhà thơ từ Quảng Ngãi ra hay chuyện trò phiếm luận đùa vui hơn là đọc thơ. Nhưng bữa đó anh hứng lên đọc nhiều thơ. Trong sổ tay của tôi còn lưu được một số bài anh đọc khi đó mà tôi kịp ghi lại.
Có bài “Đôi bạn” anh viết tặng Nguyễn Duy:
Chí Phèo kết bạn AQ
Nốc bia Vạn Lực tì tì lên cơn
Nào ai khoe khéo khoe khôn
Môi sứt răng rụng mình còn hôn nhau
Bắt binh đao phải binh đao
Cho bia bọt cứ say nhào, kể chi
Chí Phèo ca ngợi AQ
“Năm châu bốn bể giờ thì nhất anh”
Bài này tôi không ghi được đầy đủ.
Xin chú giải ở đây vì sao Thanh Thảo viết tặng Nguyễn Duy bài thơ này về Chí Phèo và AQ. Chẳng là Nguyễn Duy có bài thơ “Lạng Sơn 1989” nhân lên biên giới Việt-Trung mười năm sau cuộc chiến tranh biên giới phía bắc (17/2/1979). Trong bài thơ đó có một khổ viết:
Trớ trêu nỗi Hữu Nghị quan
Giá như máu chẳng lênh loang mặt đèo
AQ túm tóc Chí Phèo
Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua
Lại xin chú giải thêm về khổ thơ này: khi đăng báo, hai câu cuối bị nhắc nhở chi đó, nên Nguyễn Duy đành sửa lại cho thành ra bông phèng:
AQ cùng với Chí Phèo
Rượu ngon hai bác nhà nghèo đong đưa
Còn trong đoạn thơ tôi chép dở trên đây của Thanh Thảo có nhắc đến bia Vạn Lực, ấy là thứ bia đầu tiên của Trung Quốc vào Việt Nam khi mới bắt đầu đổi mới. Hồi đó bia Vạn Lực bán tràn lan, uống tràn lan, mãi đến khi có tin đồn uống lắm bia ấy sẽ bị yếu “nam lực” thì sự nhập và sự uống bia ấy mới giảm.
Có bài “Thích nghi” anh viết tặng Nguyễn Văn Hạnh:
Em thích nghi và anh thích nghỉ
Em xoay thật nhanh khi gió đổi chiều
Anh đi chậm lại thêm gió ngược
Em vút lên như một cánh diều
Em vút lên nhưng quên một điều
Cái đầu dây diều của em người khác giữ
Ông Nguyễn Văn Hạnh là giáo sư, là nhà nghiên cứu văn học có tên tuổi. Ông Trần Độ khi giữ chức Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương đã mời ông Hạnh lúc đó đang là Thứ trưởng Bộ Giáo dục về làm phó ban cho mình. Ông Hạnh đã có đóng góp phần mình cùng ông Độ soạn thảo ra bản đề cương cho bản nghị quyết lịch sử 05 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá VI) về văn hoá văn nghệ. Khi ông Độ bị thất sủng, tại đại hội IV Hội Nhà văn Việt Nam (1989) ông Hạnh đã có một hành động dũng cảm là tuyên đọc bức thư Trần Độ gửi đại hội. Vì hành động đó ông bị thôi các chức vụ chính trị, nhưng ông đã được đền đáp bằng sự tin tưởng yêu mến của anh em văn nghệ sĩ.
Có bài “Chí Phèo du Iraq” anh viết nhân cuộc chiến vùng Vịnh nổ ra:
Nghe nói bác Chí Phèo
Anh hùng làng Vũ Đại
Du Iraq bác vãi
Giống mình được khá nhiều
Khi làng Vũ tiêu điều
Bá Kiến đông như kiến
Bác tính qua vùng Vịnh
Làm nghèo tụi nó chơi
Có ngờ đâu bom rơi
Có ngờ đâu đạn nổ
Tụi nó khùng quá cỡ
Đâm chém nhau tùm lum
Bài này tôi cũng không ghi được đầy đủ.
Trong không khí đó Thanh Thảo đã đọc bài thơ về chiếc Lá Diêu bông. Tôi không còn nhớ là hôm đó ở nhà Nguyễn Trung Đức vui cùng Thanh Thảo có Bùi Minh Quốc hay không. Phần nhiều chắc là không. Trong tâm trí tôi thì là Thanh Thảo kể rằng vừa rồi Bùi Minh Quốc có viết bài thơ về chiếc Lá Diêu bông gửi cho anh, anh đọc xong thì có bài hoạ lại. Mọi người phấn khích, giục Thanh Thảo đọc cho nghe cả hai bài. Và Thanh Thảo đọc:
Bài của Bùi Minh Quốc:
Thôi ta chẳng thèm
Thôi ta chẳng thèm tìm Lá Diêu bông
Cái lá vu vơ cái lá phiêu bồng
Một thời ngu ngơ một thời trả giá
Cái lá phiêu bồng cái lá không không
Ta hái ven đường nụ hoa cứt lợn
Làm thuốc phong trần chữa bệnh nhân gian
Vĩnh biệt nhé Lá Diêu bông huyễn tưởng
Em cầm che khuôn mặt bẽ bàng
(9/7/1991)
Bài của Thanh Thảo:
Đã tìm thấy Lá Diêu bông
(hoạ thơ Bùi Minh Quốc)
Chết mẹ đây rồi cái Lá Diêu bông
Cái lá mu mơ cái lá mòng mòng
Một thuở hào hùng anh đâm lút cán
Cái lá phập phù lành rách như không
Ơ hờ Diêu bông nhặt ở hội trường
Làm thuốc cường dương chữa bệnh ẩm ương
Welcome! Lá Diêu bông mát quá
Mỏng hơn lá lúa rắn hơn đồng
(10/1991)
Những con số ngày tháng ghi cuối hai bài thơ giúp tôi nhớ lại thêm là hình như Thanh Thảo đã mở sổ tay để đọc hai bài này, và tôi đã chép lại chúng từ sổ tay của anh. Có lẽ vậy.
Thoắt đã hơn mười lăm năm trôi qua từ cuộc vui thơ ấy. Dịch giả Nguyễn Trung Đức đã giã biệt thế gian năm đầu thế kỷ mới. Nhà thơ Hoàng Cầm già bát thập niên vừa được Giải thưởng Nhà nước. Nhưng chiếc Lá Diêu bông mãi vẫn là huyền ảo và bí ẩn. Ai tìm thấy Lá Diêu bông? Nhân đọc bài của Ngô Minh (talawas, 9/4/2007) tôi lục sổ tay ghi lại câu chuyện và vần thơ này để thêm chứng cứ cho sự bất tử của thơ ca. Hai nhà thơ Bùi Minh Quốc và Thanh Thảo có thể bổ chính giúp tôi về mặt tư liệu, tôi xin cám ơn.
Hà Nội 9/4/2007
© 2007 talawas
No comments:
Post a Comment