Wednesday, July 11, 2007

VĂN HỌC :Thử tìm một lối tiếp cận văn sử học về Hai mươi nhăm năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2000

Thụy Khuê



Thử tìm một lối tiếp cận văn sử học về

Hai mươi nhăm năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2000


Hai mươi nhăm năm. Một phần tư thế kỷ. Khi nhìn lại chặng đường vừa qua của văn học Việt Nam, người ta nhận thấy do một tình cờ, một định mệnh hay một thần giao cách cảm nào đó, dòng văn học của người Việt sống ở nước ngoài có những lưu lượng ghềnh thác, chung nhịp với dòng văn học đổi mới ở trong nước.
Cùng chung thời kỳ phôi thai những năm 78-79, khi ở ngoài nước, những tờ Đất Mới của Thanh Nam, Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Đoan, và Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, Lê Tất Điều bắt đầu khởi sắc những năm 77-78, thì ở trong nước, tháng 11/1978 trên báo Văn Nghệ Quân Đội có bài viết tựa đề Viết Về Chiến Tranh của Nguyễn Minh Châu, ngụ ý phê bình nền văn học miền Bắc trước 75 và Việt Nam sau 75, chưa có tiểu thuyết thực sự về chiến tranh. Rồi ngày 9/6/1979, trên tờ Văn Nghệ số 23, Hoàng Ngọc Hiến có bài triết luận tựa đề Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, chứng minh tính cách phải đạo của nền văn học trong nước. Hai tiểu luận này được coi là những bài viết khai quang cho nền văn học đổi mới trong nước.

Cả hai dòng văn học hải ngoại và đổi mới cùng phát triển mạnh mẽ những năm 86-88, với số tác giả và tác phẩm cao nhất về phẩm cũng như về lượng. Rồi cùng trầm lắng xuống, từ năm 90 trở đi, với những lý do hoàn toàn khác nhau, nhưng ít nhiều, cả hai đã tìm cách giao lưu âm thầm với nhau, để hợp chung thành một dòng văn học Việt có trong, có ngoài, trong sự cảm thông giữa những người cầm bút.
Tính chất giao lưu này đã khiến cho một số tác giả gặp khó khăn in ấn trong nước, có thể thấy tác phẩm của mình ra đời ở nước ngoài. Rồi những tác phẩm hải ngoại, cũng được chuyền "chui" về nước, theo một hệ thống đường ngầm mà chính quyền Việt Nam không thể kiểm soát hết được. Người trong nước đã có thể lỗ mỗ tiếp nhận văn học hải ngoại như lời Nguyễn Huệ Chi. Từ sự tiếp nhận lỗ mỗ ấy, thoát thai những bài viết "nhận diện" văn học Việt Nam hải ngoại, khá nghiêm chỉnh, như bài của Lê Hoài Nguyên, tựa đề Một cái nhìn mười tám năm văn học Việt Nam ngoài nước, mô tả và đưa ra những nhận định khá sát với thực tế văn học Việt ngoài nước. Sáu tháng sau, Nguyễn Huệ Chi viết bài Vài cảm nhận văn học Việt Nam hải ngoại trong chiều hướng hòa hợp dân tộc, giới thiệu một số tác phẩm ngoài nước dưới nhãn quan đứng đắn của người nghiên cứu phê bình, không phân biệt lằn ranh địa lý, chính trị.
Ở Phạm Xuân Nguyên, sự giao lưu trở thành một đòi hỏi có tính quyết liệt để Hình dung một bức tranh hoàn chỉnh về văn học dân tộc. Phạm Xuân Nguyên chỉ trích quan niệm lỗi thời, đơn nhất về nền văn học cách mạng, văn học miền Bắc, và biện minh cho một cái nhìn toàn diện và đa hợp về văn học Việt Nam trong thế kỷ này.
Đó là thời điểm 93, 94, 95 một số nhà biên khảo đứng đắn đã có thể bầy tỏ công khai những nhận định của mình về văn học ngoài nước, về sự kết hợp một nền văn học Việt Nam hoàn chỉnh, có nhiều nhánh, không phân biệt ranh giới Bắc Nam, trong ngoài.
Những năm gần đây, nếu căn cứ vào một số bài viết trên các báo chính thức ở trong nước, tình hình có vẻ xấu đi. Bài viết Nhận diện văn học hải ngoại của Hoàng Huân, được giải thưởng phê bình văn học năm 98 của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, chứng minh cái nhìn phiến diện và hằn học đối với văn học hải ngoại của lăng kính chính thức ngày nay. Tất nhiên, những bài báo kém phẩm chất, tự nó sẽ bị đào thải, nhưng nó chứng tỏ một đường lối chính quy không tốt đối với văn nghệ mà ký ức văn học ít khi bỏ qua. Tất nhiên người ta có thể ghi nhận những tiến triển qua việc cho in một vài tác phẩm hiền lành của người viết ở hải ngoại như Ký sự đi Tây của Đỗ Khiêm, Tuyển tập những nhà văn nữ..., và mới đây, Sông Côn mùa lũ, bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử về anh em Tây Sơn của Nguyễn Mộng Giác. Nhưng điều đó không khỏa lấp câu hỏi: Tại sao, một phần tư thế kỷ sau ngày hợp nhất đất nước, những tờ báo có tính cách thuần túy văn học như Văn,VănHọc, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, Việt, v.v... vẫn chưa được công khai có mặt trong nước? Tại sao những tác phẩm tiêu biểu của văn học hải ngoại vẫn chưa được lưu hành trong nước? Ví dụ trường hợp nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tác phẩm chủ yếu của ông là bộ Mùa Biển Động. Bộ trường thiên này đã phản ảnh được xã hội và tâm trạng người miền Nam, ít nhất trong thành phần trung lưu, trí thức thành thị. Đây là một trong những tác phẩm có thể giúp người đọc trong nước, nhất là người đọc miền Bắc, hiểu được phần nào nếp sống tinh thần và vật chất của người miền Nam trong chiến tranh. Và có lẽ chỉ có sự tìm hiểu về nhau giữa đôi bên sau khi cuộc chiến chấm dứt, xuyên qua tác phẩm văn học, mới có thể đưa đến một sự hòa hợp sâu xa. Văn học đích thực trong chiều hướng phục vụ sự thật, có khả năng hòa giải hữu hiệu hơn bất cứ bài thuyết luận nào.



*




Danh xưng



Có nhiều ý kiến khác nhau về danh xưng, nên gọi là văn học hải ngoại, ngoài nước hay lưu vong? Bùi Vĩnh Phúc đưa ra một phân tích đặc sắc, ông cho rằng: Hai chữ Hán Việt hải ngoại không sát nghĩa bằng hai chữ thuần Việt ngoài nước. Vì hải ngoại chỉ có nghĩa là ngoài biển, trong khi ngoài nước có nghĩa là ngoài nước Việt Nam.
Theo ông, chữ nước ở đây không phải là hải (là thủy) mà là quốc. Vậy muốn diễn tả đúng ý ngoài nước Việt Nam thì tiếng Hán Việt phải dùng là quốc ngoại chứ không phải là hải ngoại. Nhưng vẫn theo ông, âm vang của từ ngoài nước làm ta cảm thấy gần gũi với đất nước và người Việt hơn là khi dùng từ quốc ngoại..
Sự phân tích của Bùi Vĩnh Phúc khá cặn kẽ và sâu sắc, nhưng chúng tôi xin nêu thêm một ý khác: Chữ nước trong danh từ đất nước của chúng ta, có hàm nghĩa nước là thủy, như nước sông, nước biển, mà chữ quốc của người Trung Hoa không có. Và có lẽ ít ngôn ngữ nào trên thế giới diễn tả được hình ảnh đất nước với hai yếu tố xương thịt cơ bản tác thành nên nó: đất và nước như tiếng Việt. Nếu không có đất và không có nước thì không có sự sống, không có vật và người. Hai yếu tố cơ bản này, đất-nước gắn bó với xác thịt và linh hồn dân tộc, đã được Bình Nguyên Lộc trải, bầy, đúc, tả trong toàn bộ tác phẩm của ông. Ngoài ra nước biển còn có liên hệ tử sinh với người vượt biển, thành phần chủ chốt của văn học Việt Nam hải ngoại.
Vậy nước trong chữ hải (biển) cũng là thành tố của đất nước. Và hải ngoại chỉ là một cách nói khác, để chỉ những gì ngoài đất nước. Do đó hải ngoại và ngoài nước là những từ tương đương.

Lưu vong vừa là một tình trạng (người bị xa nước), vừa là một tâm trạng (nhớ nước). Có người không xa nước nhưng vẫn nhớ nước như Bà Huyện Thanh Quan. Từ tâm trạng nhớ nước xẩy ra hành động hướng về đất nước dưới nhiều hình thức, trong đó có sinh hoạt văn chương: Viết bằng tiếng Việt. Như vậy, lưu vong là động cơ thúc đẩy con người hướng về nước, nhưng trong văn học tính chất lưu vong chỉ là một biệt cách của mỗi tác giả:
- Lưu vong, theo nghĩa đối kháng chính quyền xuất hiện trong những hồi ký chính trị, cải tạo. (Ở đây chúng tôi không bàn đến những tác phẩm ca tụng chính quyền vì đó không phải là văn học đích thực trong chiều hướng phục vụ tự do và sự thật).
- Lưu vong, theo nghĩa nhớ nước: Sâu sắc trong thơ Phạm Tăng, trong văn Võ Đình, khơi động ở thời kỳ đầu, qua những tác phẩm như Đất Khách của Thanh Nam, Thơ Cao Tần, v.v... Càng về sau càng dịu đi, nhường chỗ cho tính chất hội nhập và hòa hợp.
Truyền thống văn học lưu vong, khởi sinh từ những năm đầu thế kỷ, khi Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, từ hải ngoại gửi những tâm văn, huyết thư về nước. Tiếp nối truyền thống ái quốc lưu vong là dòng nghệ thuật thuần túy những năm 30, khi các họa sĩ đầu tiên của Việt Nam như Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu... xuất dương và định cư tại Pháp.
Sau họ là lớp thứ nhì, với những tên tuổi như Lê Bá Đảng, Võ Đình, Phạm Tăng, v.v... cùng thời với những nhà biên khảo như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Trọng Hiệp, Trương Đình Hòe v.v...
Tất cả những lớp người đi trước này là tiền thân của văn học nghệ thuật Việt Nam hải ngoại hôm nay. Cho nên khi gói trọn văn học Việt Nam hải ngoại trong phạm vi những tác phẩm của người Việt di tản, chúng ta dễ bị sa vào những lấn cấn, ngộ nghĩnh buồn cười: Ví dụ như việc cãi vã về Phạm Thị Hoài, có nên "cho" Phạm Thị Hoài vào văn học Việt Nam hải ngoại hay không?
Thật ra vấn đề rất đơn giản: Phạm Thị Hoài là nhà văn Việt Nam, với những tác phẩm viết và in trong nước và những tác phẩm viết và in ngoài nước, cũng như Võ Phiến, Mai Thảo, Nhật Tiến, v.v... Khi muốn phân chia theo địa lý văn học thì phần viết và in ở nước ngoài của họ thuộc về văn học hải ngoại.


Picasso, dù xây dựng toàn bộ sự nghiệp hội họa ở Paris, nhưng đối với quốc tế, ông vẫn là họa sĩ Tây Ban Nha. Xem như thế, nguồn gốc quan trọng nhường nào.
Nabokov đi lưu vong, mang theo linh hồn và văn hóa Nga trên đất Mỹ, Pháp, rồi Thụy Sĩ... nhưng ông không được ghi nhận như nhà văn Nga mà là nhà văn Mỹ, gốc Nga, bởi vì tác phẩm của ông, phần lớn viết bằng tiếng Mỹ. Do đó, ngôn ngữ thiết yếu đến đâu.
Nguồn gốc và ngôn ngữ là hai yếu tố xác định "quốc tịch" nghệ thuật, dù biết rằng nghệ thuật không có và không cần quốc tịch. Riêng đối với văn chương, thì ngôn ngữ là yếu tố xác định. Những phần tử như địa lý, chính trị,... chỉ là những tiết tố có thể có ảnh hưởng đến bản chất nghệ thuật và tư tưởng của tác giả.




Văn học Việt Nam hải ngoại được hình thành ở thời điểm nào?



Báo chí là khởi điểm cho sự đọc, sự viết, cho một đời sống tinh thần. Ngay từ khi còn ở đảo Guam hoặc mới bước chân lên những trại tỵ nạn đầu tiên trên đất Mỹ, người Việt đã có báo. Minh Đức Hoài Trinh, trên báo Hồn Việt Nam, số 1, phát hành tại Paris ngày 15/10/1975, nhắc đến chuyện đã "đọc báo Chân Trời Mới ở các trại như Pendleton, Guam, Asan vào giai đoạn đầu của cuộc ly hành mùa xuân Ất Mão", và bà còn cho biết "theo báo Đất Mới: Một nhóm các người làm báo ở Hoa Thịnh Đốn đang thành lập một ủy ban để giúp các người làm báo Việt Nam tìm người bảo trợ và công việc làm ăn tại Hoa Kỳ."
Võ Phiến, trong bài Xuất Trại nhắc nhở đến tờ "Đất Lành cuối tháng 8-75, liên tiếp mấy số liền, có những bài đăng ở trang nhất, cố gắng giải thích, khuyên nhủ, dỗ dành, mỉa mai, rồi... hăm dọa, nhằm thúc đẩy dân tỵ nạn mạnh dạn ra đi lập lại cuộc đời mới."
Từ những Chân Trời Mới, những Đất Lành, ... người Việt đã thành lập những tờ báo có tính chất văn học nghệ thuật. Nhìn lại giai đoạn tiên khởi này, những tờ báo có khuynh hướng văn học nghệ thuật xuất hiện sớm nhất ở hải ngoại có thể là:
- Nguyệt san Hồn Việt Nam của Minh Đức Hoài Trinh, số 1 ra ngày 15/10/1975 ở Paris, số chót Xuân Mậu Ngọ 1978.
- Báo Quê Mẹ của Võ Văn Ái ở Paris, số 1 đầu năm 76, chuyên về văn học nghệ thuật. Sau đó ngừng. Tiếp theo là tạp chí Quê Mẹ, chuyên về thời sự, chính trị, đấu tranh, có thêm trang văn học.
- Báo Quê Hương của Du Tử Lê, Đinh Thạch Bích, Võ Văn Hà, Phạm Cao Dương ở Costa Mesa, đầu năm 76, ra được ba số thì đình bản. Sau đó Du Tử Lê chủ thương tờ Nhân Chứng. Nhân Chứng tồn tại được hai năm, ra khoảng 20 số.
- Báo Đất Mới với Huy Quang Vũ Đức Vinh, Nguyễn Văn Giang là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ từ tháng 7/75. Đến tháng 4/76, Thanh Nam được mời cộng tác. Rồi từ 79 đến 81 có thêm Mai Thảo.
- Báo Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Đoan ở San Diego, ra đời đầu năm 76 mà số Xuân Đinh Tỵ (1977) đã có đầy đủ tư thế của một tờ văn học nghệ thuật với sự đóng góp bài vở của Lê Tất Điều, Võ Phiến, Thanh Nam, Tạ Ký, Nhất Tuấn, Cung Tiến, Nguyên Sa, Túy Hồng...
- Võ Phiến ở Santa Monica và Lê Tất Điều ở San Diego cho xuất bản nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật từ tháng 4 năm 1978, ra được 13 số thì đóng cửa vào tháng 9/1979. Tái bản bộ mới số 1, tháng 5/85 đến tháng 12/86 đình bản, trao lại cho Nguyễn Mộng Giác đổi thành Văn Học.
- Tờ Việt Chiến do Giang Hữu Tuyên, Hoàng Xuân Sơn và Ngô Vương Toại chủ trương ở Hoa Thịnh Đốn.
- Cùng thời điểm này, Đỗ Ngọc Yến sáng lập tờ Người Việt, số báo đầu tiên phát hành tháng 12/78 ở quận Cam, California. Người Việt là tờ thông tin nghị luận, mới đầu là báo hàng tuần, sau trở thành báo hàng ngày, có nhiều độc giả nhất trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và là cơ sở nuôi sống nhiều nhà văn, nhà báo.

Đó là sơ lược một số báo đã hiện diện trong những ngày đầu, cho phép người viết trụ lại để tạo thành bộ mặt văn học hải ngoại.



*




Những hướng đi đầu tiên: Báo Hồn Việt Nam và những biến chuyển từ 30/4/75 đến cuối năm 76

Trong con số ước lượng 130000 người Việt rời nước ở thời điểm 30/4, những văn nghệ sĩ ra đi sớm nhất có thể là nhóm Võ Phiến, Lê Tất Điều, Thanh Nam, Túy Hồng, Viên Linh, Vũ Huyến,... nhân viên của đài phát thanh Mẹ Việt Nam, được đưa ra Phú Quốc ngay từ 21/4/75 để chờ tầu Mỹ tới "bốc". Minh Đức Hoài Trinh cũng đi trước 30/4 để tham dự hội thảo ở Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân về đề tài gia tài văn hóa của Đông Nam Á. Ngoài ra, những tên tuổi như Phạm Duy, Hoài Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa, Cao Văn Luận, Thái Văn Kiểm, Chu Tử, Du Tử Lê, Cao Tiêu, Duy Thanh, Đỗ Quý Toàn, Hà Huyền Chi, Trùng Dương, Phan Lạc Tiếp, Nhất Tuấn... cũng đều rời nước ở thời điểm 30/4.

Hồn Việt Nam, với tiêu đề chính "văn hóa và dân tộc" và với mục đích "cơ quan thông tin giữa người trong và ngoài nước", in ngay dưới tên tờ báo, nói rõ hướng đi của người chủ trương: Minh Đức Hoài Trinh. Tuy chỉ là tờ báo in ronéo, 3 số đầu có 17 trang, sau tăng lên 30 trang, và có lẽ ngày nay không mấy người biết đến; nhưng nội dung, tinh thần và những biến chuyển của Hồn Việt Nam, lại gần gụi với tâm trạng của người Việt hải ngoại lúc bấy giờ.
Sau ngày 30/4, tinh thần chống Cộng chưa xuất hiện mà ngược lại, tinh thần hòa giải Bắc Nam có phần ưu thế. Mọi người tiếp nhận biến cố 30/4 như một biến chuyển lớn lao, còn ngơ ngác, không biết nên vui hay nên buồn: Vui vì đất nước hết chiến tranh. Buồn vì phải chia lìa, ly tán. Minh Đức Hoài Trinh đã thể hiện khá chính xác, hiện tình ấy trong bài viết mở đầu:
"Trước những biến chuyển của đất nước, trước những vui buồn, những ngơ ngác, hân hoan của mỗi người, trước những đau khổ, nhục nhã của cuộc ly hành, chúng tôi có bổn phận phải làm gì để chia sẻ." Và Hồn Việt Nam muốn "trở thành mối liên lạc giữa kẻ ở với người đi".
Trong "bức thư" gửi độc giả Bách Khoa, hàng tháng, Minh Đức Hoài Trinh bày tỏ ước muốn tiếp tục công việc của "anh chị Châu", làm một thứ Bách Khoa thu nhỏ, với tất cả những khó khăn, giới hạn, nghèo nàn về người viết cũng như tìm tiền để in báo.
Nội dung, ngoài sáng tác, có bốn mục chính: Mỗi tháng đều có bài viết nhắn nhủ người Việt đừng để cho con em quên tiếng Việt. Một bài biên khảo đứng đắn về văn hóa của Hoằng Đạo. Một bài viết khá kỹ, giới thiệu các danh nhân Việt Nam do Giao Trinh phụ trách. và Mục thông tin, liên lạc tin tức giữa người Việt trong và ngoài nước. Tuy tờ báo do gia đình Minh Đức Hoài Trinh đảm nhiệm (với Triều Dương và Giao Trinh) nhưng dù dưới hình thức thô sơ, nghèo nàn, nội dung của nó vượt khỏi phạm vi gia đình, rộng hơn tính cách cộng đồng, để đến với "văn hóa và dân tộc".
Ở chính chỗ không ngờ nhất, mục Tin tức và Nhắn tin trên báo Hồn Việt Nam vừa phản ánh vừa tạo dựng những chuyển biến trong tâm cảm người Việt ở nước ngoài, ít ra là ở Pháp.
Sau ngày 30/4, những thông tin trong nước gửi ra rất hiếm. Và Paris là phần đất ưu tiên tiếp nhận những nguồn tin hiếm hoi từ Việt Nam. Rồi từ Paris, tin tức được chuyển đi Hoa Kỳ và khắp nơi.
Độc giả đọc được ngay trên số đầu của Hồn Việt Nam, tháng 10/75, những tin tức như:
"Thái Thanh, Mai Thảo, Hoài Bắc không đi, chỉ có Hoài Trung và gia đình Phạm Duy ở Hoa Kỳ."
"Nhà văn Lê Tất Điều gửi xin anh em có ai còn giữ được mấy quyển sách của Điều, xin gửi cho mượn để chép tay."
Trong số báo thứ nhì, có thư của một độc giả trả lời, giữ trọn bộ sách của Lê Tất Điều. Và trong Hồn Việt Nam, số 3, ngày 15/11/75, bài Thư bạn của Lê tất Điều gửi Minh Đức Hoài Trinh, có những câu:
"Ôi! Chữ Việt Nam ta bây giờ quý lắm, kể cả chữ nghĩa viết thư, không thể để chúng lưu lạc được. Bạn có tin gì về N.T. (Nhật Tiến) không? [..] Điều mình ước mong được biết là tin tức mọi người. Bây giờ thì không thể viết gì được nữa ngoài việc lâu lâu thảo vài hàng thư thăm bạn bè [...]
Đời sống hiện tại khá đầy đủ. Cái mà mình thiếu bây giờ là những khuôn mặt của bạn bè, những con đường cũ của mấy chục năm cũ. Lắm lúc nhớ nhà, nhớ Sàigòn, nhớ Đà Lạt muốn phát điên [...]
Rất mừng thấy bạn còn viết được, còn làm báo được. Đọc mục Nhắn tin của Hồn Việt Nam khi nào cũng cảm động [...]
Về phương diện văn nghệ, bạn hãy coi tôi như người bỏ đi. Bây giờ chỉ thèm được đọc."
Đó là tâm sự của Lê Tất Điều vào cuối tháng 10/75. Những "tin tức" ngắn ngủi ấy, chứa đựng những "nội dung" mà ít bài văn, bài thơ nào chuyên tải được.
Rồi tiếp nối tin: Ba trại Pennsylvania, Florida và California đóng cửa trong tháng 10/75. Tháng 12/75 có gần 3000 người tỵ nạn xin hồi hương. Trại tỵ nạn cuối cùng, Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, đóng cửa trước Giáng Sinh năm 75. Cuối năm 75, đường phố Sàigòn phải đổi tên. Đầu năm 76 "báo chí Việt Nam tại hải ngoại ra đời như bươm bướm". Giữa tháng 2/76: "Nghĩa trang quân đội có bảng ghi ở bên ngoài: Đây là nơi an nghỉ của những đứa con phản quốc." Tháng 3/76, xuất hiện những tin đầu tiên về người vượt biển: Tới cuối tháng 11/75 còn nhiều gia đình trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền nhỏ. Sau Tết Nguyên Đán 76: những công chức, quân nhân chế độ cũ đều chưa được thả về từ các trại cải huấn. Mặc dù họ được báo trước dự trù cải tạo một tuần hay một tháng.
Ngày 15/5/76, Hồn Việt Nam ra số kỷ niệm ngày đệ nhất chu niên ngày "Ly Hành". Đây là "số đặc biệt", "số kỷ niệm để đánh dấu một ngày, không biết nên gọi là gì? Buồn? Vui?" Nhưng dường như khát vọng hòa bình vẫn muốn quạt trôi những tin tức bi quan táp đến. Minh Đức Hoài Trinh cho in bài thơ "Chiến tranh hết rồi" làm tại Paris năm 74, với những tín hiệu khép kín vết thương chiến tranh, mở ra một trang hòa bình:



Và xác chết xác chết khỏi trừng trừng mở mắt
Nuối cuộc đời, tiếc kỷ niệm đau thương
Ngậm căm hờn nghe máu hòa trong đất
Thân vẹn toàn không từng mảnh thịt xương
......
Sông núi ơi! Vùng lên mà ca hát
Khúc thanh bình gào đến tận muôn phương
Hiền cỏ cây nghiêng đầu ru gió mát
Dưới mặt trời, gỗ đá cũng yêu đương.



Tháng7/76: Trong Hồn Việt Nam số 10, có bài viết về cái chết tự tuẫn của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Có tin Vũ Hoàng Chương phải đi học tập. Giọng văn của tờ báo, lần đầu tiên, có vẻ châm biếm nhà nước. Tháng 8 và 9/76 trở đi, tình hình trầm trọng hơn: Ủy Ban Vận Động Cứu Trợ Những Người Việt Nam Trên Đường Tỵ Nạn ra đời tại Hoa Thịnh Đốn, thông báo: Số người vượt biển ra đi chỉ sống sót khoảng 35%, vì tầu ngoại quốc không chịu vớt và láng giềng xua đuổi không cho lên bờ.


Những người vượt biển đầu tiên tới Pháp, cho biết hiện tình trong nước: "Họ có thể đột nhập vào bất cứ nhà ai, bất cứ nơi nào và lúc nào."
Theo tin BBC, mỗi tháng ước lượng có khoảng 200 người trốn khỏi Việt Nam. Tháng 10 năm 76: Doãn Quốc Sỹ bị bắt. Vũ Hoàng Chương từ trần. Tháng 11/76: Nhà xuất bản Lá Bối tái hiện ở Paris với bức tâm thư "Tiếng Chim Gọi Đàn" gửi các văn nghệ sĩ và học giả, yêu cầu gửi bản thảo, Lá Bối sẽ xuất bản. Đây là nhà xuất bản đầu tiên hoạt động tại hải ngoại theo đúng quy ước in sách mới, không sao chụp sách cũ như Đại Nam, Xuân Thu, Sóng Mới, v.v...


Tháng 11/76, trong Hồn Việt Nam số 14, Minh Đức Hoài Trinh "viết cho một người nằm xuống " là Vũ Hoàng Chương và mặc niệm cho tình hình trong nước: "Chưa thấy một ánh sáng nào mà chỉ thấy bóng tối càng ngày càng phủ dầy. Trên lãnh vực văn nghệ sĩ thật đáng thương [...] chỉ có văn bộc mới sống nổi, những kẻ chân chính đều bị tiêu diệt hoặc tự tiêu diệt."


Giữa năm 77, Hoà Thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo loan báo: Chính quyền bắt giam 6 vị thượng tọa, đại đức trong ban quản trị Viện Hóa Đạo. Việc đốt sách, đốt bản thảo... gia tăng. Tháng 10/77, Hồn Việt Nam ra bộ mới, chuyển hướng sang đấu tranh chính trị, với một ban biên tập mới, ngoài Minh Đức Hoài Trinh có Trần Tam Tiệp, Phạm Hữu, Vũ Phong. Trên báo xuất hiện những từ "phục quốc, nội công, ngoại kích, mất nước". Và lá thư tòa soạn có những câu:


"Quê hương Việt Nam đang sống trong đau khổ, uất hẹn, tủi nhục, người Việt tha hương không thể thụ động khoanh tay, cúi đầu."


Tờ báo chính trị cũng chỉ sống được 4 tháng rồi đình bản. Có thể nó đã không phù hợp với tinh thần văn hóa và dân tộc của người sáng lập. Nhưng cuộc đời ngắn ngủi của nó (từ tháng 10/75 đến tháng 10/77) trong 2 năm, đã báo động và phản ảnh những biến đổi tâm thức của người Việt hải ngoại: Từ ý hướng hòa hợp dân tộc, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, chuyển sang thái độ trực diện, đối đầu.



*




Tâm thức hòa hợp dân tộc và xây dựng đời sống mới.

Không chỉ ở Minh Đức Hoài Trinh mà có lẽ đó là tâm thức chung của người Việt sau 30/4: Tin tưởng ở người Việt. Miền Nam chấp nhận thua trận và có ý hướng cộng tác. Hồi ký Cùm Đỏ của Phạm Quốc Bảo mô tả giai đoạn đầu tiên, sau ngày tiếp quản Sàigòn, chương trình "học tập cải tạo" được tiếp nhận một cách lạc quan và nhanh chóng như sự tiếp thu những từ mới: Mỹ Ngụy, cách mạng, giải phóng, hồ hỡi phấn khởi, đạt yêu cầu, đăng ký, thu hoạch, v.v... Người Việt miền Nam tự xưng mình là "ngụy" và nói về "cách mạng", về "giải phóng" như thật. Một người vừa vượt biển, trả lời phỏng vấn báo Hồn Việt Nam, dù đã tới Paris, vẫn còn lập đi lập lại: Ngày xưa ngụy nó... thế này, thế kia, v.v...
Sự thay đổi ngôn từ chứng tỏ tính chất mềm dẻo, lau sậy của người dân nhưng không phải là không ẩn dấu một hình thức chấp nhận và hội nhập, dù chỉ một chiều. Trong Đáy Địa Ngục, Tạ Tỵ kể chuyện một thương phế binh cụt chân, nhất quyết ghi tên đi học tập. Cán bộ trả lời:
"Thôi, cho anh về, chờ khóa sau. Anh tàn tật vậy, chúng tôi sẽ cấp giấy chứng nhận được hoãn.
- Dạ, xin cho tôi được đăng ký học khóa này. Trước, sau cũng phải học. Một lần cho xong, để yên tâm làm ăn."
Và Tạ Tỵ đưa ra lập luận của ông, và có lẽ cũng là lập luận chung của những người đi học tập lúc đầu: "Một khi đã phục tùng, chắc họ sẽ sẵn sàng theo đúng chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng lại đất nước sau mấy chục năm dài chinh chiến." (trang 55)
Báo chí xuất hiện trong giai đoạn đầu, mang hai loại tên: Khuynh hướng tại ngoại tin tưởng với Chân Trời Mới, Đất Lành, Đất Mới... khuynh hướng vọng về đất nước như Hồn Việt Nam, Hồn Việt, Quê Hương, Quê Mẹ, Người Việt... Cả hai khuynh hướng đều có ít nhiều lạc quan: Báo Quê Mẹ ở Paris, số đầu, bài vở chuyên về văn học nghệ thuật trong chiều hướng chào mừng hòa bình và thống nhất đất nước. Võ Phiến nói đến tâm trạng "kẻ vui gượng ở ngoài nước chẳng nên dài lời mà chi đối với cái vui gượng của người ở trong nước" trong bài Vui Gượng, đăng trên Hồn Việt, Xuân Đinh Tỵ 1977.
Thanh Nam, để kỷ niệm một năm ngày 30/4 có những câu thơ:


Về đây chung phận chung đời
Chung tay tiếp lửa đẩy lùi bóng đêm
Thôi, chào quá khứ ngủ yên
Những đau thương cũ vùi quên cuối trời.
(Buổi Đầu, Seatle 30/4/76, trong tập Đất Khách)


Nhưng tâm thức hòa hợp hay niềm lạc quan xây dựng đời sống mới không được lâu bền. Lưu đầy Đất Khách và thực tại Quê Hương đã khiến Thanh Nam, 1982 -ba năm trước khi mất- đau đớn "xót thân vô dụng, một đời nín câm."
Rồi những biến cố không hay dồn dập đến: Chưa được một năm sau ngày thống nhất đất nước, sách vở miền Nam bị thiêu hủy, các văn nghệ sĩ hàng loạt đi tù. Vũ Hoàng Chương bị bắt ngày 13/4/76. Người đi cải tạo không về. Người vượt biển vong thân. Vũ Hoàng Chương mất ngày 17/9/76, năm ngày sau khi được thả. Cái tang cải tạo. Cái tang vượt biển: Tang chung. Cái tang văn học: Tang riêng. Nặng trên tâm thức người cầm bút.






Cái chết của Vũ Hoàng Chương



Vũ Hoàng Chương vẫn được coi là một trong những khuôn mặt đại diện cho nền văn học Việt Nam trải hai thời kỳ: tiền chiến và chia đôi đất nước. Cùng với Đinh Hùng, là hai thiên tài tiền chiến không tắt lửa sáng tạo sau 45. Vũ Hoàng Chương: một nhà thơ và một kẻ sĩ, không khuất phục trước thế quyền trong Lửa Từ Bi.


Có thể vì đã cảm nhận được vị trí độc đáo của Vũ Hoàng Chương trong văn học sử và trong lòng người, cho nên trong thời gian đầu, chính quyền cộng sản không bắt Vũ Hoàng Chương.


Nhưng cũng có thể vì đã cảm nhận vị trí ấy, nên họ bắt ông sau đó. Thời điểm ấy Vũ Hoàng Chương đã yếu lắm, không biết sống chết lúc nào. Bốn tháng tù. Được thả. Năm ngày sau, ông mất. Dập tắt một nhà thơ lớn bằng lao tù. Đó là sự vụng về thê thảm nhất. Bởi khi thân thể nhà thơ nằm xuống là lúc tác phẩm của họ đứng lên. Nhập vào lòng người. Chỉ cần đọc những dòng Mai Thảo viết về Vũ Hoàng Chương cũng đủ thấy sức công phá của ngọn lửa Từ Bi hồi sinh, đưa Mai Thảo đến bờ xung kích.


Và chính Mai Thảo, trong niềm đau xót đứt lìa, tái sinh động lực chuyển tải chúc thư văn học, trở nên linh hồn của một thời kỳ văn học sau đó.
Cái chết của Vũ Hoàng Chương, ở trong nước, bị dấu diếm. Gia đình không được quyền đăng cáo phó. Hàng xóm không được quyền đến thăm. Bạn hữu như Mai Thảo còn đang bị truy lùng. Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng đã đi cải tạo lớp đầu. Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu... đã bị bắt. Vũ Hoàng Chương ra đi "trong giới nghiêm tăm tối, trong trống không vô cùng tận. Trên một mặt sàn gác xép hiu quạnh". Theo lời Mai Thảo.


Người trong nước không được biết tin.
Nhưng Paris biết ngay. Trong Hồn Việt Nam số tháng 9, Minh Đức Hoài Trinh khấp báo. Paris tổ chức lễ truy niệm nhà thơ.
Có thể ngọn Lửa Từ Bi đã là một trong những nguyên nhân sâu xa thúc đẩy người cầm bút di tản hình thành mau chóng một nền văn học. Vừa có tính cách bảo tồn tiếng Việt, vừa khơi đống tro tàn, in lại những tác phẩm văn học miền Nam đã bị hóa vàng, vừa có tính chất sử quan gắn liền với thân phận "lưu vong", với những khó khăn hội nhập đất khách.
Văn học Việt Nam hải ngoại, vì thế rất cách ly với những dòng văn học lưu vong khác trên thế giới. Sâu xa nhất là:
Người Việt viết tiếng Việt.



*




Người Việt viết tiếng Việt



Cung Trầm Tường, thời kỳ Tình Ca Paris những năm 55-60, dù người yêu là Pháp nhưng đã cảm thấy tôi cần phải làm thơ bằng tiếng Việt, bằng tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi có làm thơ tiếng Pháp nhưng xé hết. Đối với Minh Đức Hoài Trinh "văn hóa, ngôn ngữ quy định cả một kiếp người."


Võ Phiến viết: "Tiếng nói của một dân tộc nó sống như một cơ thể [...] Chúng ta yêu ngôn ngữ của cha ông, chúng ta đem nó theo trên từng bước ly hương; nhưng chúng ta sẽ không thể bồi bổ nuôi dưỡng nó, chúng ta sẽ làm cho nó héo hắt trên quê người [...] Chúng ta đưa nó đi, cố giữ nó, nhưng sẽ giữ nó như thể giữ gìn một cái xác ướp.


Trong chúng ta, những kẻ viết lách phải lấy làm lo hãi trước nhất. Vì văn chương là bộ môn nghệ thuật xây dựng trên ngôn ngữ. Cho nên từ ngày bỏ nước ra đi, tôi đâu còn nghĩ tới chuyện nghệ thuật văn chương nữa."


Từ cái lo hãi của Võ Phiến về một "xác ướp tiếng Việt", ông đã trở thành người khai quật "xác ướp", tiếp máu hồi sinh.
Ý hướng "viết bằng tiếng Việt", giữ gìn tiếng Việt, che khuất ước muốn "để cho thế giới biết mặt biết tên", làm mờ nhạt tâm trạng "phô bầy với thế giới bộ mặt thực của chế độ cộng sản", giải thích sự kiện tại sao sau "một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây", tiếng Việt vẫn tồn tại. Và sau cùng làm sáng tỏ nhận thức về vị trí "nhược tiểu" của dân tộc Việt Nam.


Nhận thức này đã được thể nghiệm qua những người đi trước như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng... Nguyên Sa đã sớm nhận thấy: "sẽ không bao giờ một trí thức Tây phương, dù cởi mở như Sartre, có ý học tiếng Việt để đọc truyện Kiều trong nguyên bản." Bởi, theo ông, vị trí văn học một nước, tùy thuộc vị trí chính trị, kinh tế của nước đó. Nhưng Nguyên Sa không nhắc đến một khác biệt nữa: Đó là khác biệt Đông-Tây. Tây phương chưa bao giờ thực sự muốn tìm hiểu Đông phương. Do đó, văn hóa Đông phương, dù cao như văn hóa Tầu, cường như văn hóa Nhật... vẫn không có chỗ đứng đích thực trong xã hội phương Tây.


Cho nên sẽ không thể có một trường hợp Soljenitsyne Tàu, Việt, Miên... nếu như có một người Trung quốc, Việt Nam hay Cambodge quyết định "lột trần và quật ngã chế độ cộng sản" như một người Nga Soljenitsyne.


Sống ở Hoa Kỳ, Võ Phiến và Mai Thảo đã nhận thấy điều đó, rõ ràng và sâu sắc. Mai Thảo viết:


"Trên phương diện nghệ thuật. Trên phương diện văn chương. Đối với lưu vong Đông phương. Đối với Á Châu tị nạn. Ta với ta thôi, với họ, vô phương, mọi con đường đều chặn lấp, mọi cánh cửa đóng chặt, Võ Phiến nói. Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Hoa tới đây đã mấy đời, còn đứng bên ngoài lề, làm gì có tiếp nhận và chỗ đứng nào cho Việt Nam mới tới. Chúng, Bình Định kêu Mỹ bằng chúng, giữ đất thật kỹ. Họa hoằn chỉ một vài thiên tài lỗi lạc lưu vong của Âu Châu lọt được vào và tạo được danh vọng được tên tuổi. Da vàng tuyệt đối không, dù bậc thầy, dù thiên tài. Như vậy cho hết thẩy mọi ngành, từ văn chương tới hội họa, từ sân khấu tới âm nhạc.
Nhận thức sáng suốt mà ở ngoài mọi ảo tưởng này, Võ Phiến đã có được và thật sớm. Trước chúng ta. [...]
Hoa Kỳ rộng rãi tiếp nhận tị nạn thế giới vào xứ sở mình. Đồng ý. Nhưng "nó" có tiếp nhận, mở đường, trải chiếu hoa, dâng đất đứng cho văn học nghệ thuật tị nạn hay không, đó lại là chuyện khác. Võ Phiến hiểu được rất rõ điều đó. Câu trả lời của ông là không. Cho những người làm văn học nghệ thuật ta tới đây, chưa tạo dựng nổi một tầm vóc với thiểu số mình đã vọng động vọng tưởng cho mình một tầm vóc quốc tế hư ảo lố bịch. [...] Là yếu tính của văn minh văn hóa Hoa Kỳ đã đặt định, bành trướng, tất cả được thi hành như một quốc sách Mỹ trước toàn cầu và trước mọi giòng văn hóa khác, in tuồng một sách lược chính trị, một kế hoạch kinh tế, vắn tắt một thế lực chinh phục. Chính sách ấy đã được tỏ hiện và khẳng định không che dấu, ngay từ lập quốc Mỹ. Bằng tinh thần nội dung bản hiến pháp Mỹ. Bằng tuyên cáo Jefferson. Bằng lập thuyết Roosevelt, bằng chủ thuyết Monroe. Bằng "lối sống" Mỹ, giá trị Mỹ trước sau được rao giảng truyền bá như mẫu mực cứu cánh của loài người, đang tiến chiếm thế giới như một ngọn triều ào ạt.
Tờ Văn Học Nghệ Thuật cho tới ngày đình bản cũng đã được Võ Phiến thực hiện từ nhận thức vừa nói."


Những dòng trên đây của Mai Thảo ghi nhận công lao của Võ Phiến đối với văn học Viện Nam hải ngoại có thể xem như một tuyên ngôn văn học chung của Võ Phiến và Mai Thảo.


Chỉ mình với mình thôi là một nhắn nhủ, tự nhủ âm thầm mà quyết liệt, không phải ai cũng nhận thức, ai cũng tiếp sóng, nhưng nó tiềm ẩn trong sáng tác như nét đặc thù của văn chương Việt ngoài nước: Niềm đau của họ không hoành tráng, khốc liệt như niềm đau phơi bầy của nhiều dân tộc khác, mặc dù cuộc đổi đời của họ không kém bi thiết, thương tang.


Về câu hỏi: Tại sao người Việt di tản không có "tác phẩm lớn" về cuộc vượt biển? Về tù cải tạo? Về việc thành lập cộng đồng lưu vong...? - Là có, nhưng cái "lớn lao" của người Việt không theo nghĩa thông thường: Họ đã xé nhỏ đau thương trong toàn bộ "cái viết": Từ cải tạo, đến vượt biên, vượt biển... nỗi đau của họ không bồng lên mưng mủ, nó tản mạn lưu vong khắp huyết quản, huyết cầu... Họ đã không bỏ qua một khía cạnh nhỏ nhoi nào, dưới nhiều hình thức viết: Từ nhật ký, thư riêng, đến hồi ký, tùy bút, thơ, phiếm luận, truyện ngắn, truyện dài... nếu ai có "can đảm" đọc lược qua toàn bộ tác phẩm của người Việt ở hải ngoại trong 25 năm nay, thì sẽ ghép được mảnh puzzle lớn lao về lịch sử, xã hội, chính trị Việt Nam trong cuộc dâu bể nửa thế kỷ này.


Cái lớn của họ là tích tiểu thành đại.


Tích tiểu mới là khó. Vì xưa nay, những "đại nạn" it khi trở thành một tác phẩm lớn.
Mỗi dân tộc có những niềm đau lớn khác nhau, do những nguyên do khác nhau. Không thể so sánh niềm đau diệt chủng của người Do Thái với niềm đau diệt chủng của người Khmer. Cũng không thể ví ngục tù Goulag Liên Xô với ngục tù cải tạo Việt Nam. Và cũng không thể đo thảm cảnh vượt biển của người Việt tỵ nạn với Exode khỏi Ai cập của người Do Thái cổ. Nhưng dường như ở mọi cực điểm của niềm đau, con người không có chữ để diễn tả: Niềm đau diệt chủng Do Thái và Khmer không có tác phẩm lớn. Exode Do Thái xưa và thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam nay: không có tác phẩm lớn, bởi đó là giới hạn của văn chương, thất bại của ngôn ngữ trước những tột độ trong cái sống và cái chết của con người.



*




Nói như vậy không có nghĩa là ở văn học hải ngoại, tất cả đều được. Tự bản chất nhược tiểu, nẩy sinh nhược điểm: làng xã. Dù thoát ra nước ngoài, người Việt vẫn không tẩy được bẩm sinh làng xã: Đọc nhau và viết cho hợp ý nhau. Từ đó thoát thai những tình trạng suy tôn cá nhân văn học không kém tai hại như sùng bái cá nhân chính trị. Bởi nó giới hạn tầm đọc tầm nhìn của độc giả trong một vài tên tuổi được tôn sùng trong quy tắc chính trị địa phương, khu vực. Ở khía cạnh này, văn học hải ngoại có những nét bảo thủ giống văn học chính thống trong nước: Ta đọc ta thôi. Người Việt hải ngoại không đọc hay không thích đọc những tác phẩm trong nước, nhất là những tác phẩm mà trong đó, người viết, sử dụng những cấm kỵ như Mỹ, Ngụy... hoặc có ý chê bai, miệt thị quân đội miền Nam... hoặc xưng tụng Bác, Đảng...
Đây là một bệnh trưng (syndrome) của chiến tranh, của lịch sử, khó có thể vượt qua.


Mai Thảo, Túy Hồng tuyên bố: Không đọc "họ". Thế thì làm sao "họ" có thể đọc "ta"? Và họ và ta đều là người Việt. Chỉ khi nào người Việt vượt lên trên lịch sử, chịu khó đọc "nhau". Nếu người ngoài nước có thể đọc Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Tô Hoài,... kể cả ở những chỗ Xít-ta-Lin, Bác, Đảng, đánh, giết,... hùng hổ nhất, thì người trong nước, miền Bắc, cũng có thể đọc Mai Thảo, Võ Phiến, Hà Thúc Sinh, Tạ Tỵ,... ở những chỗ miệt thị cộng sản gay gắt nhất. Đọc trong tinh thần đứng trên hệ lụy lịch sử, với tâm thức bình thản, gạn đục, khơi trong, tìm hiểu những hận thù, mê chấp của một thế hệ chiến tranh, giam cầm, tù hãm trong những cắt đứt giữa đất, đoạn giao giữa người.
Đòi hỏi một nền văn học Việt toàn diện của thế kỷ XX, thông qua tất cả các giai đoạn chiến tranh, trước tiên là thực hiện việc "đọc nhau". Chấp nhận những thái quá của nhau như một tất yếu lịch sử và từ đó tìm ra chân giá trị văn học và tư tưởng -nếu có- của mỗi tác giả trong một thế kỷ mà lịch sử hung hãn đã dày xéo tác phẩm, ngộ độc văn chương.


Nhược điểm thứ hai của văn học hải ngoại là chưa có thành tựu khai phá những chân trời nghệ thuật mới. Sự tiếp xúc với văn hóa Âu Mỹ dường như chỉ mới rất hình thức. Một số bài viết nhắc đến tác giả này, trích dẫn tác giả kia... phần lớn trong chiều hướng phô bầy kiến thức hơn là thể hiện những suy tư sáng tạo độc đáo, đặc sắc của một thời. Lớp nhà văn, nhà thơ muốn thoát ra cái "cũ" vẫn còn trên đường tìm kiếm, một vài truyện ngắn, tùy bút đó đây, chưa xác định được vị trí, bản sắc.


Không có một phong trào như Tự Lực, như Sáng Tạo. Giá trị đổi mới văn thơ trong khoảng hai mươi năm gần đây đến từ những tác giả trong nước: cựu Nhân Văn như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, ... hoặc trẻ hơn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài...



*




Chất lượng văn học hải ngoại trong hai mươi nhăm năm qua, phần lớn, vẫn nằm trong những tác phẩm được gọi là "cổ điển" của những Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Nguyên Sa, Võ Phiến, Nhật Tiến, Duyên Anh, Nguyễn Mộng Giác... và những nhà văn thuộc dòng văn học tiếp nối truyền thống văn học miền Nam. Thế Giang, Trần Vũ, Đỗ Khiêm là những ngoại lệ. Phạm Thị Hoài biệt cách. Điểm đáng nói là văn học chiến tranh xuất sắc với những cây bút "lính" đã đưa sự thật vào văn học ở những bậc thang cao: Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Ý Thuần, Khánh Trường... đã viết về chiến tranh trong cái phanh phui cuối cùng đến lõa thể. Thực chất văn học Việt Nam hải ngoại vẫn là một nền văn học "hiện thực" "bám" sát thực tại lịch sử. Mỗi tác phẩm là một mảnh vỡ lắp ghép lại thành một đại cảnh của miền Nam trải dài từ những năm 60, những năm chính quyền Ngô Đình Diệm đổ (qua tiểu thuyết Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác). Triệt thoái 75 với hồi ký Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong. Tuyệt lộ chiến tranh: Khánh Trường. Đứng riêng một cõi: Vũ Khắc Khoan. Sử: Nguyễn Khắc Ngữ. Miền Nam "giải phóng" và di tản: Nhật Tiến, Mai Thảo, Duyên Anh, Nguyễn Đức Lập... Cải tạo với hồi ký Phạm Quốc Bảo, Tạ Tỵ, Hà Thúc Sinh, Hoàng Liên... Thơ tù với Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng... Hồi ký văn học có Phạm Duy, Nhã Ca, Nguyễn Tường Bách... Những ngày đầu đến đất Mỹ với Võ Phiến, Thanh Nam, Cao Tần, Du Tử Lê, Viên Linh, Trần Diệu Hằng... Hội nhập đất khách với Võ Đình, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Bá Trạc, Ngu Yên, Hồ Trường An, Thế Uyên, Kiệt Tấn, Mai Kim Ngọc, Hồ Đình Nghiêm, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Bùi Bích Hà... Hồi ký ly khai với Bùi Tín, Vũ Thư Hiên... Thế hệ Đông Âu với Lê Minh Hà... Tìm con đường mới với Tạp Chí Thơ...


Tất nhiên còn nhiều tên tuổi nữa. Nói nhanh, nói qua như vậy để thấy rằng ở sự tác thành những tên tuổi ấy, văn học hải ngoại có những nét lớn lao trong cái nhỏ li ti của nó: Đâu đó chợt bắt được một hình ảnh: "Du Tử Lê đi làm cu li, tom góp được đồng nào là dốc vào in báo. Biết ra rồi chết nhưng vẫn gồng mình ra.... Đa số đi làm cu li ban đêm, ban ngày quay đầu vào viết. Một vài đồng, một vài chục cũng gửi cho Du Tử Lê góp vào ra nguyệt san và giai phẩm Quê Hương". Đó là Đạo Cù Trần Tam Tiệp viết về Du Tử Lê. Hoặc một hình ảnh khác: "Cái thế giới làm báo tước lược, chay tịnh đến cùng cực của Võ Phiến. Cái thế giới hý hoáy, cặm cụi, nhũn nhặn một mình của chữ nghĩa khổ hạnh, không tiếng, của ngồi xổm đọc bản thảo, của cởi trần ngồi gõ máy, của mẩu bánh mì, ly nước lạnh." Đó là Mai thảo viết về Võ Phiến. Viết là để kính trọng nhau, là để nói lên một thực tại: Tất cả đều cần cù. Đều làm "cu li" cho chữ nghĩa từ 25 năm nay. Minh Đức Hoài Trinh, Du Tử Lê, Võ Phiến, Lê Tất Điều, chán, bỏ, có ngay Viên Linh, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Trịnh Y Thư, Khánh Trường... xông vào. Mai Thảo buông tay có ngay Nguyễn Xuân Hoàng gánh vác... Tất cả đều "cởi trần, gõ máy, với mẩu bánh mì, ly nước lạnh... phản ánh tận cùng cho những năm tháng khởi đầu nơi quê người" và giữ lửa đến hôm nay. Bởi "nhà văn", vẫn tiếp lời Mai Thảo, "văn chương y và diễn đàn y dựng nên chính là hiện thân của đọa đầy bi thảm phơi bầy dưới hết thảy mọi khía cạnh, không thể là gì hơn, không thể là gì khác." Chính thế. Mai Thảo ra đi nhưng diễn đàn ông dựng nên. Còn ở lại. Mãi mãi ở lại.







Phân định các giai đoạn văn học



Sau 11 năm tù, được trả về đoàn tụ với gia đình ngày 11/2/1991, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đến Mỹ cuối tháng 2 năm 1995 theo diện ODP. Tháng 6 năm 1997, trên báo Hợp Lưu số 35, Nguyễn Mạnh Trinh hỏi: "Trong văn chương, anh có nghĩ có biên giới giữa những người cầm bút Việt Nam ở trong nước và ở hải ngoại? Hoặc giữa những người ở miền Nam và ở miền Bắc?" Doãn Quốc Sỹ trả lời: "Văn chương Việt Nam là văn chương Việt Nam! Đơn thuần chỉ có vậy! Những người Việt miền Bắc, người Việt miền Nam, người Việt quốc nội, người Việt hải ngoại phản ánh những gì xẩy ra qua lăng kính cá tính văn chương của từng người. Cả nền văn chương Việt Nam nói chung do đó mà có được sắc thái lung linh phong phú. Tôi hiểu biên giới trong câu trên là như vậy."


Câu trả lời của Doãn Quốc Sỹ thầm ngụ ý nghĩa: Không một biên giới nào có thể ngăn chặn sự hợp sóng, giao trào giữa những luồng tư tưởng khác nhau, xuất phát từ những môi trường đào tạo khác nhau, nơi con người.
Cũng mong rằng sau này, dù rất lâu về sau, khi người đọc trong nước có điều kiện tiếp nhận những thông tin khách quan về động lực thúc đẩy và điều kiện hình thành của nền văn học Việt ngoài nước, sẽ hiểu được những hoài bão, mất mát, ngay cả những cực đoan, thái quá, trong lòng người di tản. Cảm thông những trắng tang, biến đổi trong nhau hơn là hôm nay: mọi sự dường như đang còn dựa trên những hố sâu ngăn cách, mà những cá nhân, những thế lực, thế quyền nổi chìm của đôi bên, vẫn còn gây ô nhiễm tâm trường tình cảm của con người, trong một cuộc chiến tranh lạnh vô hồn, dị dạng, không ai có thể hình dung được chân dung đích thực.


Sau biến cố 75, người Việt rời nước ra đi, có một nhu cầu cần được thỏa mãn: Phần lớn chưa đọc được ngoại ngữ, vậy phải có cái gì để "đọc". Đó là một nhu cầu có tính "vật chất" tin tức, thông báo hơn là văn chương. Nhưng vì "tin tức, thông báo" trở thành quý hiếm, xa nhòa , giữa cộng đồng trong nước và cộng đồng di tản, cho nên nó đã trở thành một ảo ảnh, biến thành một thực tại văn học. Với những người vượt biên, vượt biển, trong giai đoạn thứ hai, nhu cầu thông tin về kinh nghiệm và thực tại khốc liệt mà mình đã trải qua, nhen nhúm như một đốm lửa thiêu đốt các trang trắng trong lòng người: Nơi các nhà văn, nhu cầu ấy trở nên cấp thiết. Các bản thảo của Nhật Tiến, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Hà Thúc Sinh, Tạ Tỵ... đều xuất phát từ các trại tỵ nạn. Nơi họ, ảnh ảo và ảnh thật giao nhau để tạo thành các tác phẩm thời sự văn học. Do đó mà văn học Việt Nam hải ngoại mang hai tính chất cơ bản: Ảo ảnh xa nhớ quê hương và thực tại kinh hoàng của những tử, sinh, tuyệt, đoạn. Nền văn học ấy gắn liền, thoát thai từ nhiều bi kịch mà thuyền nhân là rường mối hàng đầu.


Theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn, trong khoảng 30/4/75 có khoảng 130 000 người bỏ nước ra đi. Có thể nói những người này "phụ trách" mảng văn học hải ngoại thời kỳ phôi thai. Thời kỳ phát triển, phần lớn do những người đi sau, tức là những thuyền nhân đảm trách. Thảm cảnh thuyền nhân dàn trải trong nhiều năm. Năm 75, sau ngày 30/4 có 377 người vượt biển. Năm 76 có 5619 người. Và 77: 15 675 người. Cao nhất là năm 79 với 205 489 người.


Những người vượt biển tràn lên bờ các quốc gia láng giềng, gây khủng hoảng trong nội tình Đông Nam Á. Nhiều nước áp dụng những biện pháp gay gắt đối với người tỵ nạn: Ngăn chặn và xua đuổi. Không cho thuyền nhân dạt vào bờ. Chơi vơi ngoài khơi, thuyền hỏng máy, thiếu lương thực, tầu bè quốc tế lờ đi không cứu vớt. Số người tỵ nạn vong thân không biết là bao nhiêu. Nhiều ước lượng khác nhau, thay đổi từ 30% đến 50%.
Trong tình cảnh bi thảm ấy, một hội nghị quốc tế được thành lập tại Genève mùa hè năm 1979. Liên Hiệp Quốc triệu tập 72 nước, trong đó có Việt Nam, để bàn về vấn đề thuyền nhân. Chính quyền Việt Nam hứa sẽ ngăn chặn các vụ vượt biển. Các quốc gia Đông Nam Á chịu cho người tỵ nạn tạm trú trong khi chờ đợi một nước thứ ba tiếp nhận vĩnh viễn. Các nước Tây phương chia nhau tiếp đón người Việt di tản, do đó mọi việc tạm thời được giải quyết.


Nhưng cũng trong năm 79 này, một thảm cảnh khác được phơi bầy với dư luận thế giới: Sự hoành hành của cướp biển trên vịnh Thái Lan. Một số nhà văn, nhà báo như Nhật Tiến, Dương Phục, Vũ Thanh Thủy đã trải qua những ngày kinh hoàng trên đảo Kra, bị cướp biển hành hung, cầm tù. Thoát được, Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã báo động thảm kịch thuyền nhân với dư luận thế giới.
Theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, năm 1981 có 455 thuyền Việt Nam tới Thái Lan thì 352 thuyền bị cướp, tỷ lệ 77%. Số người bị cưỡng hiếp là 599 người. Số người bị bắt cóc là 243 người.


Từ 1980, chương trình ra đi có trật tự theo tinh thần thỏa ước Genève hè 79, được áp dụng. Nhiều gia đình được đoàn tụ theo ngả chính thức. Vì thế số thuyền nhân giảm dần nhưng vẫn còn kéo dài trong nhiều năm. Đến những năm 94-95, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới không chịu tiếp nhận người Việt nữa, vấn đề thuyền nhân mới thật sự chấm dứt.
Tính đến giữa năm 82, số người Việt rời nước theo các ngả thủy bộ, tổng cộng khoảng 900 000 người. Chính cộng đồng mới này đã tăng cường và phát triển văn học hải ngoại với những ký ức chiến tranh, cải tạo, vượt biên... và đã thúc đẩy một lớp nhà văn mới bước vào sáng tác.


Để phân chia từng thời kỳ văn học, chúng ta có thể dựa trên nhiều yếu tố then chốt: như mốc các đợt di dân, như thời điểm các nhà văn miền Nam xuất ngoại, như sự khai sinh các tờ báo văn học, các nhà xuất bản ra đời, hay sự phát triển kỹ nghệ điện toán với bộ chữ Việt... Kết hợp những yếu tố này, chúng ta có thể phân đoạn 25 năm qua thành ba thời kỳ:



Thời kỳ phôi thai từ 1975 đến 1981,
Thời kỳ phát triển từ 1982 đến 1990,
Thời kỳ hòa hợp từ 1991 đến 2000.





*




Thời kỳ phôi thai từ 1975 đến 1981. Những tờ báo chủ yếu chuyên chở sinh hoạt văn học trong thời kỳ đầu là các tờ Đất Mới, Hồn Việt và Văn Học Nghệ Thuật. Về mặt xuất bản, cơ sở Người Việt (ra đời trước báo Người Việt) hoạt động từ năm 1976 ở Mỹ. Ở Paris, nhà Lá Bối xuất hiện tháng 11/76. Đó là những nhà xuất bản chủ trương in sách mới. Đồng thời, cơ sở Đại Nam, cũng thuộc những nhà xuất bản ra đời sớm nhất, hoạt động từ tháng 7/76 và sau đó, Sống Mới, Xuân Thu là những nhà chủ trương in lại sách cũ miền Nam và văn học tiền chiến. Trong thời kỳ này, sách báo còn bán ở các tiệm chạp phô.


Về mặt sáng tác: Minh Đức Hoài Trinh có thơ trên Hồn Việt Nam. Võ Phiến có những tạp bút, tạp ghi, tùy bút, in thành tập Thư Gửi Bạn (Người Việt xuất bản năm 76), Ly Hương, in chung với Lê Tất Điều (Người Việt, 77), tiểu thuyết Nguyên Vẹn (Người Việt, 78) và Lại Thư Gửi Bạn, (Người Việt, 79). Lê Tất Điều có hồi ký Ngưng Bắn Ngày Thứ 492 (in năm ...), Đóng Cửa Trần Gian (...) và Thơ Cao Tần (1978).


Tập san Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến và Lê Tất Điều ra được 13 số (từ tháng 4/78 đến tháng 9/79) thì đình bản vì thiếu phương tiện.
Cuốn bút ký chiến tranh xuất hiện sớm nhất có thể là Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng của Hoàng Khởi Phong, viết chung với Hoàng Chính Nghĩa (Lê Bi), do Bố Cái in năm 1977.


Năm 1979, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa ở Montréal xuất bản cuốn Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn Khắc Ngữ.
Năm 1980, Võ Đình cho Lá Bối in tập truyện ngắn Xứ Sấm Sét.
Năm 1981 Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển in tập tài liệu Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan của Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy và nhà xuất bản Nghiên Cứu Sử Địa ở Montréal in cuốn hồi ức Việt Nam Những Ngày Lịch Sử của Nguyễn Tường Bách.


Đó là đại cương những tác phẩm tiêu biểu xuất hiện trong thời kỳ đầu.



*




Thời kỳ phát triển từ 1981 đến 1990. Đây là một thời kỳ vô cùng phong phú về mặt báo chí cũng như tác phẩm văn học, sẽ được khảo sát chi tiết ở các chương sau.


Sinh hoạt báo chí khởi sắc với sự hiện diện của Mai Thảo và tạp chí Văn, số ra mắt tháng 7 năm 1982. Mai Thảo nhập cuộc với một thôi thúc: "Hợp nhập trường kỳ vào đại thể quê hương. Vào vận nạn đất nước", ông xem đó là con đường đi của văn học hải ngoại. Nói cách khác, Mai Thảo chủ trương văn học phải đi sát với hoàn cảnh lịch sử và gắn bó với khổ đau của con người.


Đến tháng 5/85, Võ Phiến và Lê Tất Điều cho tục bản tờ Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, cũng chỉ ra được 8 số thì đình bản, vì Võ Phiến phải mổ tim. Tờ báo được trao lại cho Nguyễn Mộng Giác, đổi tên là Văn Học từ tháng 2 năm 86. Văn Học đã giữ vai trò chủ chốt trong giai đoạn phát triển, khám phá những tài năng mới.


Ở Canada, tháng 9 năm 1984, nhóm Nguyên Hương - Nguyễn Hữu Nghĩa chủ trương tờ Làng Văn. Làng Văn cũng đã đắc lực trong việc phát triển văn học hải ngoại những năm 85-88.


Thời điểm báo chí thịnh hành nhất là những năm 84-85, có tới khoảng 600 tờ khác nhau. Rồi tụt xuống khoảng 300 tờ vào năm 87 và còn lại khoảng 90 tờ những năm 90.


Tháng 5/89, cơ sở Người Việt phát hành tạp chí Thế Kỷ 21, nguyệt san chính trị, thời sự, văn học. Rồi tháng 4 năm 1990, Viên Linh cho tục bản tờ Thời Tập, đã ra đời ở Sàigòn trước 75. Thời Tập cầm cự được 11 số, đến tháng 4 năm 91 thì đình bản.


Về mặt xuất bản, nhà Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết với bức thư tâm huyết gửi độc giả, xuất hiện tháng 10 năm 1985, in tác phẩm đầu: Đời Viết Văn Của Tôi của Nguyễn Hiến Lê. Văn Nghệ đã có những đóng góp lớn lao cho văn học hải ngoại. Dường như tất cả mọi yếu tố đều quy tụ trong giai đoạn hai thứ này để tiến tới sự phát triển: Lớp người vượt biển với những nhà văn, nhà thơ mang nặng tâm tư và ký ức, kinh nghiệm sống trong nước sau 75; sự phát triển kỹ nghệ tin học; khát vọng xây dựng một nền văn học tự do... Đó là những lý do và đồng thời cũng là những động cơ thúc đẩy sáng tác. Và chính trong giai đoạn này, người viết ở ngoài nước đã có cơ hội vẽ nên những thăng trầm của lịch sử nội chiến, của cuộc sống tù đầy, cải tạo, cùng thảm cảnh thuyền nhân và những ngày sống trên đất mới.


Nhưng giai đoạn thứ hai này không chỉ có những đóng góp tích cực. Bộ mặt tiêu cực của nó là vạch nên một thực tại đen tối về đất nước, thúc đẩy những phong trào chống cộng quá khích. Nhiều phần tử, chưa từng sống dưới kinh nghiệm cộng sản, lợi dụng để "hư cấu" ra một xã hội mà hận thù là chủ thể của môi trường.



*




Thời kỳ hòa hợp từ năm 1991 đến 2000. Hòa hợp trong nhiều khía cạnh: Hòa hợp dân tộc lẫn hòa hợp và mở rộng địa lý văn học: Từ tâm điểm ở Mỹ, chu vi văn học mở rộng sang thế giới Đông Âu và Việt Nam...


1989 - bức tường Bá Linh sụp đổ kéo theo sự sụp đổ gần như toàn diện của thế giới cộng sản Đông Âu. Tâm cảm người di tản cũng bước sang một giai đoạn mới: Chờ đợi và hy vọng một sự thay đổi chính trị ở Việt Nam. Tính chất "đoạn tuyệt" với quê hương không còn nữa mà mở ra một cầu nối, một niềm tin về sự trở về. Một số những tờ báo mới xuất hiện, với những người viết muốn tìm một hướng đi khác: Họ muốn xóa bỏ hận thù, tìm con đường hòa hợp dân tộc.


Về nguyên thủy, nhà văn Nhật Tiến là người đầu tiên cổ động và phát huy chủ trương hòa hợp dân tộc ngay từ 1985. Nhân dịp ra mắt tập truyện ngắn Một Thời Đang Qua của Nhật Tiến và tập nhạc Thấm Thoát Mười Năm của Phạm Duy tại Washington ngày 11/10/85; trong bài phát biểu, Nhật Tiến đặt vấn đề:


"Trong một lá thư gửi từ quốc nội, một văn hữu có hỏi tôi một câu ngụ ý rằng "Ở hải ngoại các anh đã thực sự có tự do cầm bút hay không?" và Nhật Tiến đã trả lời: "Tôi thấy rõ người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút." Để minh chứng cho điều mình nói, Nhật Tiến đã mô tả những giới hạn của cộng đồng hải ngoại, bị chi phối bởi những thành kiến, những quan điểm chống Cộng hẹp hòi mà không nhìn đến thực tại của quê hương. Ông viết: "Sự giao thông đi lại giữa hai miền Nam Bắc đã soi sáng một vấn đề mà trước đó ít ai nhận ra: Đó là tuyệt đại đa số nhân dân miền Bắc, dù đã bị nhào nặn trong lò của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, thì con người đích thực của họ vẫn còn tồn tại." Từ chủ điểm nhìn nhận lại mình và nhìn nhận lại nhau, Nhật Tiến nhấn mạnh: "Người cầm bút lưu vong phải tự giải phóng mình để tìm lại chân trời tự do sáng tạo", can đảm nói lên thực tại quê hương mà không ngại sự chụp mũ, hoặc sa vào vòng "bè phái tâng bốc thù tạc".


Đường lối "hòa hợp dân tộc" còn được xướng lên từ một tờ báo chính trị tại Pháp, tờ Thông Luận do Nguyễn Gia Kiểng chủ trương, ra mắt vào tháng 1/1988. Thông Luận chủ trương "phá rào", muốn trở thành "diễn đàn của nhiều lập trường khác nhau", muốn phá bỏ những "cấm kỵ" của một cộng đồng mang nặng tâm sự quá khứ, thắt chặt mình trong biên giới chính trị một chiều. Chủ trương của Thông Luận được nhiều người hưởng ứng nhưng cũng gây nhiều chống đối gay gắt về phía những cá nhân, tổ chức chống cộng cực đoan.


Khi biến cố Đông Âu bùng nổ, khuynh hướng "hòa hợp dân tộc" dường như chiếm ưu thế, văn học hải ngoại chuyển mình, muốn đoạn tang với quá khứ để bước vào một giai đoạn mới. Những người đi tiên phong trong lãnh vực này là nhóm Hợp Lưu, do Khánh Trường chủ trương, với Phan Tấn Hải, Lê Bi, Nhật Tiến, Phạm Việt Cường, Hoàng Khởi Phong, Đỗ Mạnh Trinh, Đỗ Khiêm... Rất đông nhà văn, nhà thơ hưởng ứng phong trào. Chủ trương của tờ báo được Khánh Trường xác định trong lá thư tòa soạn, số đầu, ra ngày 1/10/1991: "Hợp Lưu sẽ là diễn đàn phổ biến tất cả các tác phẩm của anh em văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, những tác phẩm nói lên được khát vọng chung của dân tộc, tấn công mạnh mẽ vào thành trì lạc hậu, tha hóa, chia rẽ, lầm than, đói nghèo, vong thân cũng như phô diễn được cái đẹp, cái hay của ngôn ngữ Việt."


Trước khi Hợp Lưu ra đời, nhóm Thân Trọng Mẫn đã cho in Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, một tuyển tập khá đồ sộ, dầy 797 trang, gồm những bài viết và sáng tác ở trong nước trong thời kỳ cao điểm "phản kháng" 1986-1989. Đây là một cố gắng lớn để thực hiện sự giao lưu "trong - ngoài" giữa những người cầm bút tranh đấu cho tự do và sự thật.


Cùng thời điểm 1/10/91, ban biên tập nguyệt san Đoàn Kết ở Paris với Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường, Trần Hải Hạc, tuyên bố trả lại Đoàn Kết cho Hội Việt Kiều và thành lập tờ Diễn Đàn, chủ trương ly khai với chính quyền Hà Nội.


Khuynh hướng của Hợp Lưu tuy bị đả kích khá gay gắt, nhưng đã có ảnh hưởng sâu xa đến số đông thầm lặng và đã gây được một phong trào hòa hợp dân tộc thực sự. Cùng hướng với Hợp Lưu, một số các tờ báo khác ra đời: Tháng 6/1992, nhóm Trân Sa, Tư Đồ Tuệ, Hà Trọng Vũ ở Toronto, Canada, xuất bản tạp chí Trăm Con. Nhưng Trăm Con cũng chỉ sống được 14 số rồi phải đình bản vào tháng 9/1993. Tháng giêng năm 94 có tờ Đối Thoại do nhóm Nguyễn Hương, Lê Bi, Thân Trọng Mẫn, Trương Vũ, Nhật Tiến, Lê Thứ, Đỗ Hữu Tài... chủ trương. Tờ báo tuyên bố "chúng tôi muốn đối thoại" và "công nhận sự tồn tại của người khác", tìm một hành trình dân chủ, không "phủ nhận bất cứ một khuynh hướng chính trị nào". Nhưng Đối Thoại cũng chỉ sống được vài số; sau số 5, tháng 4/95 thì ngừng hẳn. Dù chỉ hoạt động được hơn một năm, Đối Thoại đã có ảnh hưởng khá lớn trong giới trí thức trong và ngoài nước, cùng một chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng ngòi bút.


Mùa thu năm 94, Tạp Chí Thơ số 1 ra đời, 4 tháng một lần với nhóm Khế Iêm, Đỗ Khiêm, Phan Tấn Hải, Chân Phương, Nguyễn Hoàng Nam, Trầm Phục Khắc... mong mỏi tìm một hướng đi mới cho thơ. Tháng 11/96, Viên Linh cho tục bản nguyệt san Khởi Hành, đã xuất hiện trong nước trước 75. Khởi Hành là tờ báo văn học của những người ra đi theo diện HO, như lời tuyên bố của Viên Linh. Khởi Hành quy tụ những nhà văn đã thành danh trong nước trước 75, phần lớn đã trải qua nhiều năm cải tạo. Những bài viết của họ đậm nét hồi ức sinh hoạt văn học miền Nam, hoặc phản ánh đời sống lao tù của văn nghệ sĩ sau 75. Đầu năm 1998, tạp chí Việt, một năm hai kỳ, do Nguyễn Hưng Quốc chủ trương, phát hành tại Úc. Nhiều tờ báo khác xuất hiện tại Đông Âu.


Những biến đổi chính trị trên thế giới góp phần mở rộng môi trường báo chí hải ngoại, tạo ra một diện mạo văn học, thời kỳ thứ ba, khác hẳn hai thời kỳ trước: Những nhà văn xuất thân từ những quá khứ chính trị khác nhau, cùng có mặt trên diễn đàn văn học hải ngoại.





Thời kỳ phôi thai 1975-1981



Để mở đầu cho giai đoạn phôi thai của văn học hải ngoại, xin gợi lại Vũ Khắc Khoan như một giá trị tinh thần, đã tiền sử hóa những đớn đau ly cách:



....
Đá tảng u mê mơ tiền sử
Chồn già ngơ ngẩn nghếch trăng lu
Cành phong chợt tỉnh cơn thiền định
Nghiêng cả thân gầy xuống gốc du.
...
Viễn ly điên đảo mộng tưởng
Lâng lâng
Không cả vô thường.
(Vọng Cố Nhân)


Bài thơ, không biết đã làm từ chặng nào trên quãng ly hương, đăng trên báo Văn, số 5, tháng 11/82; tuy tên là Vọng Cố Nhân nhưng lời thơ như thoát ra từ miệng cố nhân. Nơi Vũ Khắc Khoan, người đi và người ở, dường như chỉ là một: Mình vọng về mình trong ly trình vào mộng. Rất lâu sau ông, chưa thấy ai viết như thế về cuộc đổi đời. Vũ Khắc Khoan chắc không phải là người làm thơ đầu tiên tại hải ngoại sau 30/4. Mà rất có thể là Minh Đức Hoài Trinh. Bài Lời Ca Của Đất có lẽ viết từ trước 30/4, cất lên như một thương ca, tạ từ vũ khí:



Lời ca của đất
Những bài thơ bị cấm, trích Trường Hận Ca
Em đây mà
Anh, anh ơi sao không quay đầu lại
Sao không nhìn nhau
Không gượng nhẹ bàn tay
Em của anh
Bao nhiêu lần sợ hãi
Từng đợt mìn bom
Từng hố trẻ vùi thây

Hãy nhìn em đi anh
Xin nhau cái nhìn đằm thắm
Xin nhau nụ cười thiết tha
Quê hương mình
Đường Bắc Nam thăm thẳm
Từng đoàn quân chen chúc tới tha ma.

Đêm mờ hơi sương
Đi đâu anh, đi đâu
Xin đừng đi nữa
Đỗ lại hôm nay, cởi súng buông gươm
Tội nghiệp em
Ba mươi năm khói lửa
Mải hận thù quên nói chuyện yêu đương.

Em sợ lắm
Mùi hôi tanh của màu đen, máu chết
Từ mình anh rịn thấm xuống thân em
Trời ôi, này
Sao xác anh bê bết
Lấy đất bùn thay nệm ấm chăn êm

Hình hài em bé nhỏ
Sẹo hằn lên thịt da
Ruột gan ai nỡ xé
Gỗ đá nào không nức nở thương ta.
(Hồn Việt Nam, số 5, ngày 15/2/76)


Lời trao đổi giữa hai xác thân đã tan trong lòng đất -dưới ngòi bút Minh Đức Hoài Trinh- vọng lên những ngày đầu hòa bình, vừa như một thệ nguyền cho yêu thương, vừa như một mặc niệm cho những hình hài đã nằm xuống. Minh Đức Hoài Trinh tụng ca hòa bình bằng một giọng hoài cổ, đầy bi kịch và tha thiết:


...
Kinh hoàng rồi chấm dứt
Người đi sẽ trở về
Mẹ già ngừng thao thức
Đêm đêm dài thôi vọng bước trên đê.

Em nhỏ ơi, em sẽ được vào đời yên tĩnh
Không ngại mìn, bom, không sợ lệnh xuất quân
Hai buổi đến trường không phập phồng lo bắt lính
Mười tám tuổi hồng không bị cướp mùa xuân.
...
Vườn nghĩa trang xin đừng e thiếu chỗ
Mỗi ngày không vào từng chục cỗ xe tang
Chôn vội vã, lấp chưa thành nấm mộ
Đây ngẹn ngào, kia vật vã khóc than.
...
Bé thơ ơi, một kiếp người mang nặng
Mà sẽ còn muôn kiếp nữa theo sau
Nếu trót sinh làm Việt Nam - Xin hãy làm khoai sắn
Đừng làm người để khỏi oán hờn nhau.
(Chiến Tranh Hết Rồi, Hồn Việt Nam, số 8, tháng 5/76)
Tráng sĩ của hòa bình, Minh Đức Hoài Trinh đã có những lời hùng ca ngất ngưởng:
Dương cung lên ta bắn vào bóng tối
Cho bóng tối kêu gào, cho bóng tối xin van
(Bài Thơ Không Tên, Hồn Việt Nam, số 10, tháng 7/76)



Sau những lời thơ bi hùng của Minh Đức Hoài Trinh chôn vùi cuộc chiến, Cao Tần tức Lê Tất Điều, bước vào thơ năm 77.
Thơ Cao Tần là những khúc chuyện kể tự nhiên, tào lao, đấu hót, học trò, lính tráng, mày tao chí tớ của mấy thằng bạn, lính, đời.
Đó là tiếng nói trực tiếp, phi thơ, phản thơ, phẫn thơ, hài thơ, ngậm cười:



Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li.



Gọi là "tí toáy" làm thơ nhưng đôi khi nhịp buồn của Cao Tần cũng vụt nhanh suýt bắt kịp gia tốc Nguyễn Khuyến:
Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo


Cao Tần làm thơ tài tử, ngồi chơi, phác họa một mẫu di tản cù lần ngông, nhỏ nhoi như thân phận nhược tiểu, cùng cực như số phận bại trận, và lau sậy kiến cỏ như thân xác con người, nhưng cũng lại ngạo nghễ, ngoan cố, thượng đẳng yêu thương và gắn bó dai dẳng với đất nước như một hồn đi chưa thoát kiếp. Bài thơ Kho Tàng của Cao Tần là một bi kịch nhiều "hồi". Mỗi hồi mở vào một đoạn trường hài lộng đớn đau:



Chàng Cù Lần có cái túi nhỏ
Suốt bốn mùa giấu diếm như điên
Anh em sùng nghi thằng này chơi khó
Thủ cẳng tí tiền len lén tiêu riêng.
...
Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
Những tên người tên tỉnh đã xa xưa
Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
Những đường quen không trở lại bao giờ

Trả túi thằng em, cả bầy bỗng xệ
Cù Lần xấu hổ chửi như ca
Cái túi nhỏ tưởng đầy lòng ti tiện
Hóa đem theo muôn vạn mảnh quê nhà.

Cù Lần dọa đêm nay đâm chết hết
Ôi ví dầu chú mở được tim anh
Chú cũng thấy một kho tàng thắm thiết
Với khăn tang nhầu nát chữ thêu xanh.
...



Ở Cao Tần, người lính bại trận tìm chiến thắng trong chiến dịch tình thương và xây dựng tình người.



*




Võ Phiến mở đầu thời kỳ hải ngoại của ông bằng những bài tạp ghi, tùy bút trong Thư Gửi Bạn, Ly Hương và tiểu thuyết Nguyên Vẹn.
Nguyên Vẹn không phải là một thành công đáng kể so với phần trước tác của Võ Phiến ở trong nước; tác phẩm viết về một giai đoạn cuộc đời một cô gái tên Dung, từ những ngày bình yên trong cuộc sống miền Nam, trải qua những đổi đời, di tản, thất lạc người yêu và đến Mỹ. Nhưng thái độ nhẩn nha của Võ Phiến dường như không hợp với những nổi trôi cuồn cuộn của cuộc đổi đời. Ở đây, ông lại cũng ít dịp vận dụng sở trường: Rọi kính hiển vi lên những sinh hoạt bình thường của con người để lục lọi, tìm kiếm, đào sâu. Có thể vì hoàn cảnh "sôi bỏng" không cho phép, hoặc vì Võ Phiến ra đi trước ngày 30/4, chưa thật sự "sống" những phút "dầu sôi lửa bỏng" nên ông không bắt kịp vận tốc chuyển tải. Đọc Nguyên Vẹn, độc giả có cảm tưởng "tụt hậu" về một thời xa, rất bình an bên Xóm Cầu Mới, có cô Mùi tiền chiến Nhất Linh táo bạo hơn cô Dung bẩy lăm Võ Phiến. Những "xen" chủ chốt của Nguyên Vẹn như cảnh nằm võng - nằm phản -ngoắt tay chỉ gợi chút luyến tiếc Võ Phiến Đêm Trăng, Võ Phiến Giã Từ ngày xưa, sâu sắc, nhậy cảm và ngắn gọn hơn Võ Phiến Nguyên Vẹn bây giờ..


Nếu tiểu thuyết Nguyên Vẹn chưa phải là một thành công, thì ngược lại, những bài viết ngắn trong Ly Hương đã cho người đọc tìm lại được Võ Phiến chậm rãi, sâu sắc và ý nhị của tùy bút, Võ Phiến của những mất mát, lạc lõng khi tiếp xúc với vùng đất mới.


Những mảnh dĩ vãng rơi rớt tứ tán trên đường, khi vội vã rời nước, nay lũ lượt trở về, móc nối với ngoại cảnh đất Mỹ. Nhưng cũng chỉ là móc hờ, treo tạm trên đất "tạm dung". Chúng không "thấm" được vào cảnh -dù cảnh rừng phong mùa thu vô cùng quyến rũ- nhưng nó không phải "ở ta", không phải của ta, bởi vì nó chưa thấm kỷ niệm, nó chưa "sống" thật lâu trong ta: Nó chưa có tình. Và như vậy, Võ Phiến lại phải "lẩn thẩn" tìm về ngọn "cỏ bồng phất phơ", tìm về Ức Trai, như một miền đất hứa vĩnh viễn của tâm hồn, qua "những ngày thỏn mỏn cuối cùng của năm tàn rơi rụng dần và từng chữ từng chữ, bài thơ của cụ (Ức Trai) thấm vào lòng kẻ tha hương. Tiếng mưa lúc canh tàn, tiếng trùng dưới chân vách, ở xứ lạnh không hề có."
Võ Phiến trên đất khách, đã tìm mối liên lạc, gắn bó giữa cảnh và tình nơi người và thiên nhiên. Cảm xúc chỉ nẩy sinh nếu có sự "quen biết nhau" từ trước: Quen nhau qua văn hóa, biết nhau bằng kỷ niệm. Vắng bóng những xúc tác ấy, con người dửng dưng với thiên nhiên như những kẻ ngoạn cảnh qua đường. Người di tản sống trên đất khách, mãi mãi là "kẻ qua đường" trên "đất tạm dung". Vì chưa bao giờ hết mình nhúng vào văn hóa đất khách. Chưa bao giờ thật có "kỷ niệm" với người của đất khách. Đó là bi kịch trọn đời của ly khách, mà Vũ Khắc Khoan cô đọng lại trong hai câu thơ:


Đá tảng u mê mơ tiền sử
Chồn già ngơ ngẩn nghếch trăng lu





*





Tập truyện ngắn Xứ Sấm Sét của Võ Đình là cuộc thử nghiệm hội nhập đất khách. Có lẽ chỉ có Võ Đình và Đỗ Khiêm là hai nhà văn đã thật sự sống với văn hóa và con người của đất khách. Võ Đình có khả năng tiếp cận hai thế giới Đông-Tây bằng cái nhìn hội họa, rồi hòa hợp chúng trong mầu sắc văn hóa của hai cõi để tạo thành một phong cách Võ Đình.


Hãy chú ý đến cách viết của Võ Đình: "Tôi thấy, tôi nghĩ rằng tôi thấy được một ánh lửa lòe sáng; có lẽ một tia nắng nào đó, lưu lạc trên núi kia, bỗng tìm được lối về, hấp tấp phóng lui để hòa mình vào bóng tà huy." (G., Xứ Sấm Sét, trang 32)


. Đó không phải là viết mà cũng chẳng phải là vẽ: cả hai. Mở đầu: Tôi thấy, tôi nghĩ rằng tôi thấy, là một câu rất Tây, rất "hiện sinh", và kết thúc bằng ... bóng tà huy rất Ôn Như Hầu. Đầu Ngô mình Sở, nhưng không chướng, mà lại rất... hợp, rất hay. Đọc kỹ hơn, thì những: tôi thấy, tôi nghĩ rằng tôi thấy, có lẽ..., trên núi kia... đều chỉ là những dự tưởng, ảo giác; bởi: đã chắc gì? Nhưng những dự tưởng ấy hợp lại, thành một cảnh thật trong tâm linh, bởi tất cả những yếu tố: ánh lửa lòe sáng, tia nắng lưu lạc, bóng tà huy... có thể khởi đi từ một bức tranh trừu tượng.
Những nhân vật trong truyện Võ Đình thường có chất mầu nhiệm, siêu hình và siêu linh; phần nhiều là người Mỹ, nhưng là một thứ Mỹ bị nghệ thuật hóa, bị Việt hóa, trong chất Võ Đình, họ trở thành những biểu tượng giao lưu. Con chim G. hiển linh như một kỳ điểu văn hóa, một thứ Gabrielle thánh linh hiện hữu, một ảo giác của nghệ thuật mà con người muôn đời tìm kiếm.



*




Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn Khắc Ngữ in năm 79, là cuốn sử đầu tiên ở hải ngoại, và cho đến nay cũng chưa có một cuốn nào khác đạt được giá trị tương đương. Cuốn sách được "khởi soạn" ngay từ khi Nguyễn Khắc Ngữ bước chân lên tàu, rời nước ngày 30/4; soạn giả đã tìm hiểu và phỏng vấn những người liên hệ, tham khảo tài liệu từ ba phía: Bắc, Nam và Hoa Kỳ.
Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa không giới hạn ở giai đoạn cuối của chiến tranh. Bẩy chương đầu khái quát cả một thời kỳ lịch sử hình thành và diễn tiến của xã hội miền Nam, từ 1954 đến 1975 và sự can thiệp của người Mỹ qua các giai đoạn chiến tranh. Từ chương 8 đến chương 27 đi vào phần cốt lõi của cuộc chiến 75. Tức là từ nghị quyết 21 của đảng Lao Động Việt Nam lựa chọn đường bạo lực cách mạng mở chiến dịch Tây Nguyên, qua trận chiến Ban Mê Thuột, cuộc triệt thoái Cao Nguyên, chiến trường Trị Thiên, Quảng Đà, mặt trận Nam Trung phần... và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuốn Đại Thắng Mùa Xuân của Văn Tiến Dũng, xuất bản tại Hà Nội năm 76, đã vẽ được toàn bộ các chiến dịch từ Tây Nguyên đến Hồ Chí Minh, nhìn từ bộ chỉ huy hành quân miền Bắc. Cuốn Kết Thúc Chiến Tranh 30 Năm của Trần Văn Trà (nxb Văn Nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 1982) tổng kết những khó khăn của chiến trường B, bao gồm một nửa miền Nam từ Tuyên Đức đến Cà Mâu. Cuốn Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn Khắc Ngữ tổng hợp các tư liệu của miền Bắc, miền Nam và Hoa Kỳ, để có một cái nhìn khái quát về cuộc chiến 75.


Điều đáng tiếc là Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa được viết trong thời kỳ vừa kết thúc chiến tranh, Nguyễn Khắc Ngữ chưa có đủ khoảng cách để giữ tầm nhìn trung dung với lịch sử, cho nên đã có những lời miệt thị, lên án gắt gao chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, một thái độ mà dù sao, cũng không nên có ở một sử gia trong bất cứ hoàn cảnh nào.



*




Hồi ức Việt Nam Những Ngày Lịch Sử của Nguyễn Tường Bách bao gồm cả giá trị văn chương lẫn lịch sử. Nguyễn Tường Bách viết về những năm kháng chiến chống Pháp, về cuộc tranh chấp Việt Minh với Việt Quốc và Việt Cách, về những nổi trôi của phong trào Việt Nam Quốc Dân Đảng sau khi quân Tưởng rút về Tàu, về đại gia đình Nguyễn Tường và Tự Lực Văn Đoàn...
Hồi ký Nguyễn Tường Bách có một giá trị tình cảm sâu đậm trong lòng người Việt, nó đã thuật lại những giây phút tranh đấu cuối cùng cho đất nước với những hoang mang, tuyệt vọng của những văn nghệ sĩ thân yêu nhất trong thế kỷ này: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí... họ tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước, đã đi vào cuộc chiến với những ngây thơ, lãng mạn, trữ tình của người nghệ sĩ muôn thuở.



*




Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan của Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, in năm 1981 là một tập tài liệu vô cùng quý giá về số phận các thuyền nhân bị nạn hải tặc. Đây là một xấp tài liệu sống, được các nhà văn, nhà báo ghi lại, với những nhân chứng chính xác, kể lại những trường hợp bạo hành.
Đặc biệt là bài ký Hành Trình Đi Tìm Tự Do Bằng Tầu Thuyền Qua Ngả Thái Lan do chính Nhật Tiến viết, mô tả lại chuyến đi của mình cùng với 81 người, đã bị cướp bóc, hành hung, phụ nữ bị hãm hiếp, ... trong một bối cảnh kinh hoàng kéo dài ba tuần lễ. Bên cạnh đó là bài tự thuật của ông Vũ Duy Thái, người đã mất vợ và 6 con trong những hoàn cảnh cực kỳ bi thảm.
Mỗi chữ trong tập tư liệu ngắn này, vọng lên những tiếng kêu thất thanh cuối cùng của người mắc nạn.
Một trăm năm sau, một ngàn năm sau... cho dù gỗ đá đọc tập tài liệu này, chắc cũng không khỏi ngậm ngùi, muốn tìm về đảo Kra, thắp nén hương lòng, nguyện cầu cho những hồn còn chưa khuất, và may ra hiểu được cái giá của Tự Do.


Thụy Khuê
Paris, tháng 12/99



Chú thích
1 Thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn, Rồng Vàng Vượt Biển của Vũ Thụy Hoàng, Viêt Nam Books, 1982, trang 223.
2 theo Nguyễn Hữu Nghĩa, Sơ Kết 15 Năm Văn Học Lưu Vong, Văn Xã, số 3, tháng 7/1990.
3 in lại trong Văn Học Nghệ Thuật, bộ mới, số 7, tháng 11/85
4 Cỏ Bồng Phất Phơ, trong tập Ly Hương, in lại trong Tùy Bút I, nxb Văn Nghệ, 1986.
5 http://perso.club-internet.fr/souh15

compiled & posted by Tran Ho Dung

No comments: