Hồn quê trong thơ Bùi Giáng
Bùi Giáng xuất hiện trong nền thơ ca VN như một hiện tượng kỳ lạ và độc đáo. Từ thuở sinh tiền cho đến khi ông nằm xuống, người ta đã nói, đã viết về ông quá nhiều.
Và ắt hẳn người ta vẫn còn viết và nói mãi về ông một khi mà "chân diện mục" của ông vẫn còn bị che khuất đằng sau biết bao giai thoại, sau biết bao sáng tác chứa đầy những lộng ngôn hí ngữ, thậm chí sau rất nhiều bài nghiên cứu nghiêm túc.
Hầu hết những người tìm hiểu về Bùi Giáng và viết về Bùi Giáng, dầu nhiều thiện chí đến mấy, cũng thường bị mê hoặc bởi các sáng tác, bởi các dịch phẩm, bởi những bài thơ ông viết ở giai đoạn phiêu bồng bỡn cợt, đem ngôn ngữ vào cuộc hí lộng, rỡn đùa, khi mà cuộc đối thoại mà ông tha thiết muốn mở ra lại bị dập tắt trước khi khởi đầu!
Chính trong nỗi cô đơn khôn cùng, ông đã cuồng điên đem hết thiên tài mình tung hê ngôn ngữ, làm trò phù thủy với thơ ca và triết học. Ông nói về F. Nietzsche mà cũng chính là nói về mình: "Cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Nhưng lập tức lời nguyền rủa bốn phía vang lên. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác đã điên. Để ngày nay... Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây xôn xao nêu câu hỏi: Cớ sao mà điên? Nêu một cách rất ngây thơ tròn trĩnh (Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại - Lời tựa).
Một điều oái oăm là rất nhiều người nghiên cứu về Bùi Giáng đều đem các tác phẩm đó ra để làm cơ sở cho các bài biên khảo của mình, xem như đó là những tác phẩm chính thống đại diện cho tiếng nói của Bùi Giáng! Có lẽ chúng ta đã bị choáng ngợp bởi kiến thức của ông về thi ca và triết học Đông Tây và bởi cái lối hí lộng ngôn từ không mấy ai hiểu rõ. Chúng ta đã làm những hoàng đế cởi truồng và vô tình đã để những Con đường ngã ba, Lời cố quận, Đường đi trong rừng, Sa mạc phát tiết, Sa mạc trường ca... với những loại ngôn ngữ đại cà sa lấn át những lời thơ đạm nhiên bình dị mà mênh mông của Mưa nguồn, của Cõi người ta, của Hoàng tử bé...
Mưa nguồn ra đời đã hơn một phần tư thế kỷ. Thời gian trôi qua, bão giông đời lắng dịu, chúng ta giờ đây có điều kiện thử thong thả đem một chút tâm tình người nông dân quê hương xứ Quảng của ông để lắng nghe tiếng nói thiết tha của lời thơ đạm nhiên trong Mưa nguồn. Và tôi dám nói rằng, đó chính là nơi mà tinh hoa ông phát tiết ở độ sung mãn. Toàn bộ tác phẩm Mưa nguồn là một khối toàn bích, rất khó lòng trích ra dăm ba câu để phẩm bình theo thể lệ biên khảo. Đó là tiếng nói thiết tha với cỏ hoa hồn du mục của người sống trong cảnh giới mù sương nội cỏ:
Én đầu xuân, tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa
Quê hương ông thuộc miền trung du xứ Quảng - một trong những xứ nghèo của miền Trung - nơi mà những cơn lũ trên non hằng năm vẫn chảy về xuôi, cuốn trôi phăng đồng. Những dòng nước đục cuộn qua, vườn tược tiêu điều và lòng người thê thiết lắm:
Một bờ dương xếp bến sau
Nước vần vũ đục nghe đau lá vườn
(Thiếu phụ trở về)
hay
Em về ở lại đây thôi
Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Một trăm cây lá bên rừng
Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây
Mười con xóm nhỏ bên này
Nhắc nhau nhớ lại cái ngày bên kia
(Tiếng vọng)
Nhớ lại cái ngày bên kia? Cái ngày lênh đênh, trôi dạt qua làng bên tránh lũ cùng cô thôn nữ xinh xinh? Cô mang về rất nhiều hương vị mênh mông của rừng suối, huyền bí của khói mây? Và để hồn thơ ai cứ mãi mơ màng:
Người xuống theo dòng trôi nước lũ
Màu sim màu móc núi sương mây
Suối đá gập ghềnh hôm sớm tụ
Khói mù mịt thổi xuống đồi cây
(Người xuống)
Người dân quê Việt Nam, nhất là người dân quê xứ Quảng Nam nghèo nàn của miền Trung sỏi đá, vốn luôn chịu khó chịu thương hai sương một nắng, sống trọn cùng thiên nhiên và vui buồn cùng trời đất. Mồ hôi đổ xuống luống cày và kết tinh thành những lời ca dao tha thiết. Tâm hồn Bùi Giáng vẫn là tâm hồn của người nông dân chân chất, nên lời thơ ông vẫn mênh mang như ca dao trên bãi lúa nương dâu. Và thiên nhiên đó đã mang trọn tâm tình con người mà hòa tan vào viễn tượng mênh mông:
Viết thơ lạc dấu sai dòng
Viết trong tức tưởi sợ đồng lúa mong
Nước xanh lên đọt đòng đòng
Ngày mai sẽ mất hạt lòng thơ ngây
(Ca dao)
Một tiếng nói một nụ cười chợt tắt
Hết mấy phen buồn trở lại bên đời
Đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt
Dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi
(Người đi đâu)
Nhà thơ mở đôi mắt hoang mang nhìn đất trời với tất cả nỗi ngạc ngạc hồn hồn của con người Sơ Thủy. Và tình yêu, từ đó, cũng hòa tan trong viễn tượng mênh mang kia để biến thành man mác tuyết sương.
Những nhịp bước bên đường còn dội mãi
Vang về đâu không vọng lại hồi âm
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
Gió phương trời ủ mộng giữa hoa tâm
(Chiều)
Mù sa thấp rừng mai xưa lỡ hẹn
Xuống thôn làng ngó lá rụng ven khe
Mùa tháng chạp chim trời xa lỡ hẹn
Với sông Thu từ một buổi bay về
(Hang rừng)
Tâm hồn nhà thơ mở rộng ra đón nhận mọi viễn tượng kỳ diệu của thiên nhiên để nó trở thành lẽ sống và lẽ chết của chính mình. Cái cùng cực phức tạp cũng ở nơi thơ ông, cái cực kỳ đơn giản cũng ở nơi ông.
Mây đứng lại chân trời phủ khói
Dòng sông đi đò bến đợi ngu ngơ
Chiều trời đẹp tâm tình em không nói
Đất với trời chung một nghĩa bơ vơ
(Không đủ gọi một lần)
Bờ mây trắng dựng cuối trời bóng dáng
Của ban sơ hoài vọng giữa nhân gian
Lòng vạn vật mơ màng chiều qua sáng
Em về nhanh cho mây trắng buông màn
...
Còn hay mất? Ngày sau ta sẽ lại
Em sẽ về giữa mùa nước trăng phơi
(Bờ mây)
Thiên nhiên ở miền trung du xứ Quảng trong Mưa nguồn là thiên nhiên nằm trong viễn tượng mênh mông của Phusis Hy Lạp Nguyên Sơ. Ông Heidegger đã dành những trang tuyệt vời để diễn giải về Phusis, báo rằng: "Người Hy Lạp đã không khởi đầu bằng cách y cứ vào các hiện tượng tự nhiên để thể hội Phusis (Thiên nhiên) mà trái lại chính nhờ y cứ vào nền tảng của một thể nghiệm căn cơ trầm tư thơ mộng về Hằng Thể mà họ thấy khai mở trước mắt họ cái mà họ gọi là Phusis" (Introduction à la Métaphysique).
Cái gọi là "một thể nghiệm căn cơ trầm tư thơ mộng về Hằng Thể" - une expérience fondamentale poétique et pensante de l’être - chính là hồn thơ mênh mông nằm trong Mưa nguồn của Bùi Giáng. Ông cũng từng nói: “Nếu ta không thực hiện nổi cội nguồn trường mộng ở nội tâm thì triết học không thể nào tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó, dù ta có líu lo trong học hiệu phù hoa với bao nhiêu giọng điệu" (M.Heidegger và Tư tưởng hiện đại, tập 1).
Từng hòn đá bờ khe, từng chân mây mái rạ, từng con kiến, con chuồn chuồn châu chấu, từng bóng nắng chiều, từng bờ sông bóng mạ... tất cả những hình ảnh thân thương và thân quen của hồn quê xứ Việt đều mang trọn tâm tình con người mà hóa thân vào thơ ông rất mực phiêu nhiên:
Nhìn, em nhé, bên bờ kia gió thổi
Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga
Tơ vi vút một đời thương nhớ tuổi
Của trăng rằm xuống dọ dẫm bên hoa
(Bờ nước cũ)
Đó chẳng phải là thiên nhiên hiển lộ hay linh hồn Phusis mở phơi sao?
Em về bủa rộng chiêm bao
Buồn sông bóng mạ chìm sâu bên dòng
(Sầu ca sĩ)
Trong lời tựa cho tác phẩm Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại - một tác phẩm biên khảo chính yếu của mình, Bùi Giáng có nói: “Phần tâm hội phải được chiêm niệm theo điệu tâm hội. Và dòng lơ lửng của Mưa nguồn đã bóng bẩy làm việc đó theo nhịp võ-vàng-cổ-độ-Á-Đông".
Để rồi sau này, khi rời bỏ quê hương vào Nam, hình ảnh quê hương cứ như một nỗi ám ảnh ray rứt trong ông:
Chiều hôm đếm lá cây rơi
Bên đèn phố thị thương đồi núi xa
(Chiều hôm phố thị)
Bây giờ tôi đã quên xưa
Sài Gòn cám dỗ tôi chưa chịu về
(Ca dao)
Tôi nghe kể rằng, thuở sinh tiền, nhân dịp coi trực tiếp truyền hình World Cup, ông có ngẫu hứng làm một bài thơ:
Kể từ ngẫu nhĩ tồn sinh
Ngồi xem trực tiếp truyền hình đá banh
Bắc thang lên hỏi Trời xanh
Sao không trực tiếp phát thanh Mưa nguồn?
Mưa nguồn dẫu không được "Ông Trời xanh "phát thanh” như ông hằng mong ước, nhưng những lời thơ ông rồi sẽ kết tập vô số dư vang mà ngày sau hậu duệ của ông sẽ âm thầm thể hội.
(Nguồn: Kiến thức ngày nay)
No comments:
Post a Comment