Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê
Đinh Cường - Virginia, 16.04.2001
"May thay trong đời vừa có tình yêu vừa có tình bạn. Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có, nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa." (Trịnh Công Sơn).
Tôi và Sơn cùng tuổi Kỷ Mão. Sơn sinh ngày 28 tháng 2 (bốn năm mới có ngày 29). Theo mấy con giáp Tây Phương thì Sơn con Cá, tôi con Cua. Trở thành bạn với nhau năm 20 tuổi. Lúc tôi ra Huế học Mỹ Thuật, năm 1959. Huế là quê ngoại, và nhà thờ Nội tôi cũng ở đây (làng Nam Trung - những người trong Nam ra Huế làm việc dưới triều Nguyễn). Thời gian này, Sơn cũng vừa từ giã Sài Gòn, từ giã mái trường trung học Chasseloup Laubat (*) mà Sơn đang học năm cuối, classe philo. Để về Huế sống với gia đình.
Những năm sống tự lập, Sơn kể đã trọ tại nhà bác Kỉnh tại Sài Gòn, là gia đình người bạn thân của ba Sơn. Sau khi ba Sơn mất năm 1954 trong một tai nạn xe, khi đang đi vespa. Sơn kể là hồi nhỏ đã từng vào ở trong tù với ba Sơn ở lao Thừa Phủ thời kháng chiến chống Pháp.
Những tối đi chơi khuya về, Sơn thường rủ tôi ở lại nhà, lúc đó là tiệm Thanh Tâm, bán xe đạp ở Ngã Giữa (đường Gia Long, rồi Phan Bội Châu, nay là Phan Đăng Lưu). Tôi còn nhớ rõ, ở chân cầu thang lên lầu, bên vách, Sơn treo bức hình James Dean thật lớn, hình như Lê Vinh vẽ. Lúc đó, Lê Vinh là họa sĩ vẽ phông xi-nê rất giỏi, không ai vẽ đẹp và nhanh bằng - cả Sài Gòn và Huế.
Má Sơn thường nhường cho chúng tôi ngủ trên chiếc giường Hồng Kông rộng, có bốn cột trụ treo mùng bằng sắt đen, chạm trổ... đêm, cứ nằm nói chuyện bâng quơ, không dứt. Chuyện gì cũng tâm sự. Ngay cả chữ ký cũng hỏi nhau. Tôi còn nhớ, Sơn ký nhiều chữ ký, rồi quyết định chọn chữ có gạch ngang chạy dài trên đầu, hỏi tôi chịu không. Tôi nói, gạch ngang phía trên là cao thượng, chịu chứ. Sao ông không vẽ thêm con cá vào cho vui. Thế là Sơn vẽ con cá dưới góc mặt chữ ký, như cái triện của mình. Sơn chỉ vẽ một nét với cái vòng tròn con cá trước mặt tôi, tôi nói ông phải thành họa sĩ mới đúng... Những năm sau này, Sơn thường nói với bạn bè, Sơn vẽ là vì sự kích thích và gần gũi với những nơi chốn mà tôi đặt atelier. "Tôi là khách vãng lai thường trực của atelier Đinh Cường. Đêm cũng như ngày. Thế giới tranh của Cường đối với tôi không có gì xa lạ, bởi vì chúng tôi đã cùng sống trong thế giới ấy từ những ngày lòng chưa hề vướng bận về một tiếng thở dài..." (Trịnh Công Sơn - Thanh Niên số 47, 21.11.1988).
Chữ ký có gạch ngang kéo dài trên đầu và con cá, biểu trưng cho tuổi Sơn, đã theo Sơn suốt từ những sáng tác nhạc, tranh và trên thư từ gởi cho bạn bè. Cho đến gần mười năm sau cùng, Sơn mới đổi chữ ký, bỏ gạch ngang. Ký ba chữ với ba chữ hoa ở đầu, lên xuống tùy theo tâm trạng... "Trong từng giọng nói có màu tàn phai", nghe Sơn hát đến câu này khi nào tôi cũng thấy rưng rưng, và tôi hay nói với Sơn "có nghe đời nghiêng".
Đời mới nghiêng thôi mà Sơn đã rơi xuống vực... "Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo". Vực thẳm là tôi, đang âm thầm khóc bạn. Tôi cứ ngồi nhìn qua cửa sổ, khu rừng đàng sau nhà mà nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm... "Giữa cuộc đời điên đảo này đây, tôi chỉ còn sống trong vùng kỷ niệm. Lạ lùng thay cho phần số tôi : quân bình giữa cuộc đời này và một cõi đời khác, giữa ranh giới những gì đã qua và những cái nhãn tiền." (Paul Klee).
Kỷ niệm đã ghi dấu trên từng năm tháng, từng chặng đường. Còn để lại gì .
THỜI XUÂN XANH
Khi tôi ra Huế, thì đã nghe "ba Sơn, ba Hải, ba Hà", các bạn hay gọi nhau như vậy. Đó là Trịnh Công Sơn, Thanh Hải và Hà Thanh (không phải Thanh Hải hát nhạc Sơn sau này, hiện sống ở Đức). Ba người bạn đã đàn ca với nhau rất sớm, bằng tất cả tấm lòng say mê âm nhạc thuở xuân xanh. Năm 1957, Hà Thanh đã hát trên đài Phát Thanh Huế. Sơn sáng tác những bản nhạc đầu tay và Thanh Hải thì đàn guitare rất bay bướm, hay biểu diễn cho bạn bè xem, đàn ở nhiều vị thế ... Thời đó còn có Đặng Nho thổi clarinette. Hà Thanh là ca sĩ đầu tiên bạn của Sơn và hát nhạc Sơn. Hà có nhiều em gái, Ph. Th. là đẹp nhất. Sơn ngỡ đó là mối tình đầu của mình. Đã ghi trong "Nhật Ký tuổi 30" - "Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời gian được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi, là một thất vọng không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhau nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi) đối với thành phố này ..." (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 8.4.2001).
Đúng là các gia đình Huế thường chọn môn đăng hộ đối, để ý đến bằng cấp khi cưới hỏi cho con. Dạo ấy, Sơn thường rủ tôi đến nhà Hà Thanh ở đường Huyền Trân Công Chúa. Trước mặt nhà là dòng sông bến Ngự, khúc sông gần nhà ga và trường dòng Pellerin. Nhớ là tôi có đem đến tặng Hà Thanh bức tranh vẽ cô gái ngồi trước biển với con dã tràng đỏ, mà Hà Thanh cứ cười : "cổ con gái chi mà dài ngoằn rứa" - cái thời mê Modigliani mà .
Tháng 4 vừa qua, sau hai tuần Sơn mất, bạn bè ở Washington D.C. làm lễ cầu siêu cho Sơn tại chùa Hoa Nghiêm. Cách một tuần sau, Hà Thanh từ Boston lên hát cho ngày lễ Phật đản. Tôi và Hà cùng nhắc lại những ngày xa xưa ấy..., mà Nắng Thủy Tinh, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Gọi Tên Bốn Mùa là cảm hứng từ một vẻ đẹp thánh thiện "em đứng lên gọi mưa vào hạ...", để rồi sau đó Ph. Th. đi lấy chồng, là một viện trưởng viện đại Học Huế, rồi Bộ Trưởng Giáo Dục... Sau năm 1975, ở trại cải tạo về, một thời gian thì mất. Ph. Th. ở vậy cho đến nay tại Boston. Là một phụ nữ Huế đoan trang, đức hạnh.
MỐI ĐỒNG CẢM NGHỆ THUẬT
Năm 1958, Trịnh Cung từ Nha Trang ra Huế học Mỹ Thuật. Làm thơ với bút hiệu Thương Nguyệt, trong nhóm bạn thơ Nha Trang, với Thanh Nhung, Cao Hoành Nhân. Những bài thơ tình đầy sương khói Huế.
Sơn đã phổ nhạc bài thơ 4 chữ Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu của Trịnh Cung, và sửa câu cuối. "Lời ca anh nhỏ, nỗi buồn hôm nay" thành "nỗi lòng anh đây". Sơn nói, "nỗi buồn hôm nay" có vẽ thời thượng quá. Thật vậy, câu Sơn sửa trong nhạc nghe thật hơn, hay hơn. Sau đó in trong tập nhạc Sơn tự chép tay 1968.
Nguyễn văn Liễu (tên thật) và Thương Nguyệt đã thành Trịnh Cung từ đó.
Tôi về Huế sau Trịnh Cung một năm. Và đã thuê chung với Trịnh Cung nhà ở đường Nguyễn thị Giang, chợ Cống. Căn nhà giữa đồng lúa hoang vắng. Chúng tôi đã vẽ với tất cả "cuồng nộ sáng tạo". Những bức tranh cực kỳ lãng mạn của thời xanh lam. Năm 1962, Trịnh Cung ra trường, về lại Nha Trang rồi vào Sài Gòn làm việc. Sau đó nhập ngũ...
Tôi, Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường càng ngày càng thân nhau hơn. Tường đã viết những bài ký kể về một Tuyệt Tình Cốc (Ngọn Núi ảo ảnh - Thanh Niên 1999). Đó là một căn nhà lá thấp, xưa cổ của ba mẹ Tường trong xóm. Nơi tôi và Tường ở trong sự tịch lặng, thỉnh thoảng bạn bè thân thiết đến chơi, cũng là nơi để tiếp những bạn ở xa về . Như lần tiếp Thế Uyên từ Sài Gòn ra (Thế Uyên lúc đó là nhà văn đang ở trong quân đội, bạn Tường). Sơn đã hát, đã trao đổi những suy nghĩ về một cuộc chiến... Tường đã viết về những ngày Đà Lạt trong mùa lễ Giáng Sinh đáng nhớ nhất của chúng tôi, lần tôi và Sơn đang ở cùng nhau trên cao nguyên một thời gian dài. Thời Sơn dạy học ở Blao. Xe đò thoăn thoắt đi về giữa Blao, Đà Lạt, Đơn Dương... quá thơ mộng và giang hồ. "Những chuyến xe đò thoăn thoắt đi về, nối liền tiếng chim cao nguyên với loài hải âu vùng biển. Rồi lời sóng chưa kịp tan đã vội vàng nghe ra điệu suối. Kỳ thú như một con gió lăng loàn..." (TCS, Thanh Niên, 21.11.1998).
Đà Lạt, Noël 1965 và Đinh Cường (Thanh Niên, xuân 1993), và Căn Nhà của Những Gã Lang Thang (Thanh Niên, xuân Tân Tỵ 2001), nói về căn nhà nơi Sơn đã ở, có những hàng cây long não mà Sơn đã gửi hồn mình trên những phiến lá ánh bạc mỗi lần ra đứng ngoài bao lơn, nhìn xuống chờ D. đi ngang qua.
Tôi kể lại cũng không bằng Tường. Tường là người bạn một thời tôi gần gũi, tôi hiểu, một người chỉ thích :
Mùa xuân lên đồi cỏ thơm
Mùa hạ nhìn trời mây khói
(Dù Năm Dù Tháng, Người Hái
Hoa Phù Dung, thơ, nxb HNV 1992).
Một người yêu sự mong manh của hoa phù dung, nhớ hoài một màu hoa violette. Luôn giữ tình cảm lãng mạn thuần khiết với đời, với bạn . Mà cứ mãi gặp những oan khiên, hiểu lầm, gán ghép... Mọi biến cố ở Huế, đều có tôi và Sơn. Từ mùa xuân Mậu Thân 1968. Lúc đó gia đình tôi tản cư về Hồ Mưng, còn gia đình Sơn vào trú trong thư viện Viện đại Học. Sau cái Tết thảm khốc đó, Sơn làm nhiều ca khúc gây những xúc động mạnh (Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người). Bãi Dâu, cái tên nghe đã rờn rợn của những hố hầm chôn người... của bao nhiêu vành khăn tang trắng. Rồi mùa hè đỏ lửa 1972, những ngày trước tháng 4.1975... Huế di tản...
Lần nào Sơn cũng cùng chung lo cho gia đình bạn bè có phương tiện di tản. Nhờ anh Hồ Đăng Lễ đang làm trưởng khu công chánh, giúp cho xe chuyên chở. Việc dựng tượng cụ Phan Bội Châu, Sơn cũng nhờ anh Lễ, khi Lê Thành Nhơn đưa ra ý kiến làm và đúc tượng đồng. Vì Huế còn có Phường đúc, nơi đúc đồng nổi tiếng còn lại. Nhơn ra Huế dạy điêu khắc, có nhiều tâm huyết. Anh Lễ đã xoay xở vật liệu, tài chánh ban đầu để có thể khởi công. Ròng rã nhiều tháng, bao nhiêu công sức. Có lúc phải dở dang vì thiếu phương tiện. Sau cùng cũng hoàn thành. Tượng đúc đồng để mãi tại Phường đúc, đến sau tháng 4.1975, nhiều tiếng nói đóng góp vào, tượng được đem về dựng tại nhà thờ cụ Phan Bội Châu tại Bến Ngự.
Nhắc đến Lê Thành Nhơn, cũng là nhắc đến căn nhà 101 Nguyễn Du, nơi Nhơn ở. Những ngày trước tháng 4.75, Sơn đã đem nhiều thùng sách nhạc mới in xong đến gởi đó. Sơn và Nguyễn Trung có những ngày ở luôn tại đó. Những ngày đầu giải phóng, Sơn đến tìm lấy lại những thùng sách nhạc, thì thấy la liệt trước sân, bị lấy làm vật lấp những vũng bùn. Ứa lệ thay, những ngày đầu của thanh lọc văn hóa. Tranh của chúng tôi còn lại, tại Dolce Vita, gallery nhỏ thuộc khách sạn Continental, cũng bị xe ba gác chở đi vất.
HUẾ, NHÓM BẠN MỘT THỜI, MÃI MÃI
Ban đầu là Sơn, Tường và tôi. Sau có thêm Ngô Kha và Bửu Ý. Tường sau khi làm luận án cao học Triết, đại học Văn Khoa Sài Gòn (giáo sư Nguyễn Văn Trung bảo trợ), về dạy triết trường Đồng Khánh. Ngô Kha sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm khóa đầu tiên của đại học Huế (1959), dạy tại Quốc Học. Kha lấy thêm cử nhân Luật (1962). Bửu Ý thì làm trưởng khoa Pháp văn, đại học sư phạm Huế. Chúng tôi thường nói với nhau : có nhạc, có triết, có họa, nay có thơ và dịch thuật nữa thì còn gì hơn. Thật vậy, với tình bạn, với say mê văn chương nghệ thuật, bổ sung cho nhau những kiến thức, chúng tôi đã một thời làm việc đầy hưng phấn. Ngô Kha cho in Hoa Cô độc, do Rừng vẽ bìa 1962, gây luồng gió mới cho thơ. Bửu Ý dịch Vườn đá Tảng của Nikos Kazantzakis, Con Lừa Và Tôi của Ramon Rimenez rất thơ mộng. Tường say sưa với siêu hình học. Còn Sơn và tôi với những quả chín đầu mùa ấy: Diễm Xưa của Sơn, và Miền Lệ Xanh của tôi, được chọn dự triển lãm lưỡng niên họa sĩ trẻ tại Paris, 1962.
Ngô Kha bị công an Huế bắt và bị chết ngay sau khi hiệp định Paris vừa được ký kết 1973 (đến nay vẫn chưa biết đích xác bị chết như thế nào, chưa tìm ra dấu tích).
Thời gian này có thêm Bửu Chỉ. "...Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hoà bình, thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hoà bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt với mực đen..." (TCS, Bửu Chỉ - Một Cuộc Truy Hoan Vô Tận Về Cõi Vô Thường).
Không khí bạn bè lúc ấy, phải kể anh chị Đỗ Long Vân, từ Pháp về. Anh Đỗ Long Vân từ đại học Sorbonne về dạy đại học Văn Khoa Huế. Đêm nào chúng tôi cũng cùng anh chị Vân, Quỳ đạp xe đạp vào cà phê Dung trong thành nội, ngồi nói chuyện với nhau cho đến khuya. Hai người bạn ngoại quốc nữa là Christian Cauro, dạy đại học Văn Khoa, và bác sĩ Eric Wulff, dạy đại học Y Khoa... Cauro và Wulff hiện ở Paris và ở Đức, vẫn liên lạc với chúng tôi, tình nghĩa như xưa...
VÀI NGƯỜI BẠN GÁI CỦA SƠN MÀ TÔI BIẾT...
Trở thành bạn thân thiết chung của chúng tôi sau đó. Cho đến nay, Tôn Nữ Bích Kh. trong Biển Nhớ còn ở Nha Trang, tôi có lần ghé thăm. Hai chị em Bích D., và Dao A., ở California, trong Diễm Xưa và Xin Trả Nợ Người. Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà. Chúng tôi thường đùa với Sơn : "D. xưa, A. nay". Dạo đó, nhà Sơn dọn về ở khu nhà mới xây của Dòng Chúa Cứu Thế, 11/3 Nguyễn Trường Tộ. Địa chỉ của Sơn cho đến sau 75. Hiện nay gia đình Hoàng Phủ Ngọc Tường đang ở : "...Hình như trong mỗi góc đầy bóng tối của căn nhà này, trên chiếc bàn viết gỗ mục của Sơn để lại, và trong chiếc ghế bằng sợi mây hèo to của Cường thường ngày vẫn ngồi vẽ, đều dậy lên mùi hương lặng lẽ của tuổi trẻ chúng tôi." (HPNT- Căn Nhà của Những Gã Lang Thang - Thanh Niên, xuân 2001).
Căn nhà mang nhiều kỷ niệm của Sơn, nhất là tháng ngày sau giải phóng. Khi cả gia đình Sơn đã ở tại căn nhà mới xây không lâu trước 75, 47C Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn. Sơn trở lại Huế một mình với bạn bè, sống những ngày đầu sau giải phóng, còn biết bao khó khăn, nghi kị. Sơn vào sinh hoạt tại hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, thường đi lao động chung cùng Bửu Chỉ, khi tại Huế, khi tại Quảng Trị (không hề đi cải tạo hay kinh tế mới ở Khe Sanh như nhiều tin đã viết).
Mỗi đêm, chúng tôi vẫn đến nhà cùng Sơn uống rượu, Lữ Quỳnh và tôi ở trong Thành Nội, đạp xe qua Sơn, Quỳnh thường lấy chai đi mua rượu đế (chai mua hôm trước, hôm sau đến đổi lấy chai mới về). Phần lớn là rượu dổm, vì khan hiếm gạo nếp... còn nghe nói bỏ cả thuốc rầy vào cho trong. Ôi, một thời của những buổi rượu độc hại như thế, mà quây quần và nói cười, vẽ chân dung bạn bè treo đầy tường, nhất là Bửu Chỉ. Phải kể đến người bạn mới quen sau 75 mà chúng tôi rất quý mến : Thái Bá Vân, người viết phê bình nghệ thuật được các họa sĩ nể trọng. Vân mất trước Sơn hai năm, cũng vào tháng 4. Vân đã viết : "...Riêng tôi, mãi sau khi miền Nam giải phóng, nhờ những chuyện dạy học ở Huế, 1978-1981, tôi mới được gần Trịnh Công Sơn, trên căn nhà nhỏ đường Nguyễn Trường Tộ, đầy kỷ niệm với bạn bè trong đó. Niềm an ủi ấy là của hàng triệu người đã khuất, dành cho chúng tôi, và mỗi lần nhớ lại, chúng tôi đều thầm rơi nước mắt." (Thái Bá Vân - Tiếp Xúc Với Nghệ Thuật , Viện MTVN 1997).
Chính tại căn nhà này Sơn đã viết bài Diễm Xưa, ghi một dấu mốc cho ca từ đầy chất huyền thoại của Sơn "...Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Có lần Sơn bắt gặp một nhánh hoa sầu đông tím cắm trước cửa sổ nhà. Mà còn ai, ngoài cô gái mỗi ngày vẫn đi học ngang qua đó. Tất nhiên là Sơn kể cho tôi ngay với nhiều xúc động. Và, Sơn đã bạo dạn một lần, nhờ tôi đi cùng , qua thăm D., nhà bên kia sông, qua cầu Phú Cam, rẽ mặt, đi một đoạn đường Phan Chu Trinh... Lúc này, tôi cũng đã thuê phòng trọ trong con hẻm đá gần nhà D. và nhà Tuý Hồng (chị dạy Việt văn trường trung học Hàm Nghi, đã viết truyện ngắn đăng ở Bách Khoa, gây chú ý nhiều độc giả). Tường về đó ở chung cùng tôi để đi dạy gần hơn. Tôi còn nhớ nét mặt nghiêm của ông cụ D., giáo sư Pháp văn trường Đồng Khánh. Ông cụ đã nhìn chúng tôi bằng đôi mắt nghi kị, nhất là Sơn, tóc dài, có râu lưa thưa dưới cằm. Nhưng đã liều thì phải chịu trận. Lúc D. đưa chúng tôi ra cổng, cổng sân là hai liếp cửa gỗ thấp. Còn nhớ rõ là lúc đó, em gái D., còn nhỏ lắm, chạy theo ra nhìn Sơn. Ai ngờ sau này Sơn đã da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của A., để rồi, thất vọng, để rồi... hai mươi năm sau mới được : "...Hai mươi năm em trả lại rồi. Trả nợ một đời xa vắng vòng tay ...".
Biển Nhớ, hay bóng dáng của Bích K.. Là một giai đoạn ngắn, vì hoàn cảnh và thời cuộc lúc đó. Sơn vào Qui Nhơn nấp dưới bóng trường Sư Phạm. Hè 1962, tôi vào thăm Sơn vì Sơn ở lại, không về Huế. Đêm nào Sơn cũng rủ Bích K. cùng tôi ra biển ngồi đến khuya. Bích K. từ Nha Trang ra Qui Nhơn học, cùng lớp, hay săn sóc cho Sơn, lúc ấy chỉ thấy khi nào Sơn cũng mặt chiếc áo chemise kaki vàng. K. thường đem cà phê đến tặng Sơn. Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển Nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya khoắt ấy, mà Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình, rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn "trời cao níu bước Sơn Khê ...". Thời Qui Nhơn này của Sơn phải kể đến Trường Ca Tiếng Hát Dã Tràng, mà hè 1964, trong lễ ra trường, Sơn đã dàn dựng cùng bạn bè hát rất thành công. Sơn đã chép tặng tôi mấy trang bản trường ca này. Tôi đem về, dán đầy các ô cửa kính. Tiếc là bây giờ thất lạc, không tìm lại được.
Nhắc đến Sơn - Khê, Sơn hay ghép tên bạn gái vào lời nhạc của mình một cách hồn nhiên như vậy. Như sau này, một cô gái bình thường, có sắc đẹp quyến rũ, ở cạnh nhà Tôn Thất Văn, làng Báo Chí, Thủ Đức. Tôn Thất Văn là họa sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng, bạn thân của chúng tôi. Tuần nào chúng tôi cũng về nhà Văn uống rượu. Sơn đi chiếc xe PC màu vàng cam ... "Cây sẽ cho Lộc và cây sẽ cho hoa". Lộc là cô láng giềng của Văn mà Sơn đã si tình.
Cũng như Bống bồng ơi sau này của Sơn. Bống là tên gọi ở nhà của Hồng Nhung :
Ngày Bống Mẹ bồng
Nhẹ quá tơ tằm
Lay nhẹ bống bồng bông
Lay nhẹ đóa Hồng Nhung.
Và còn nữa, Quỳnh H. của "nụ cười khúc khích trên lưng", Chu Nguyệt Ng., mà chúng tôi đã sửa soạn đi ăn cưới, Michiko, cô gái Nhật rất thương Sơn, chơi bóng rổ giỏi, đã làm luận án về nhạc Sơn tại đại học Sorbonne, Paris...
ĐÀ LẠT MÙ SƯƠNG 1965
Là những tháng ngày sương khói, lãng đãng nhất. Hình ảnh phải ghi lại kẻo quên, là chiếc khoen tai lớn với mái tóc dài, đang băng qua đồi Cù. Phùng thị L. , hình ảnh của Như Cánh Vạc Bay :
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi...
mà tôi đã gặp lại bên này, khi đến Canada, về thăm Ottawa. "Tóc gió thôi bay" như một âm hưởng của nhạc Sơn khởi đi từ Đà Lạt. Như "Đàn Bò Vào Thành Phố" khởi đi từ B"lao.
Sau triển lãm tranh một mình đầu tiên ở Huế, rồi Đà Nẵng, Noël 1965 triễn lãm tại Alliance Francaise, Đà Lạt. Nơi nào Sơn cũng ở bên tôi . Thời gian này Sơn gặp Khánh Ly, mới hát ở Night Club Đà Lạt. Sau đó về hát với Sơn ở sân trường Văn Khoa, Quán Văn, Sài Gòn, được sinh viên nồng nhiệt tán thưởng.
Đà Lạt, căn phòng tôi thuê ở đường Hoa Hồng. Những chiều chúng tôi thường ra Kiosque cô Ba, gần hồ Xuân Hương, uống bia. Sơn giới thiệu tôi với cô Ba, tôi làm nghề sửa xe, vì tay chân lem luốc sơn màu. Cô Ba thấy chúng tôi còn trẻ, mà chiều nào cũng ra quán ngồi, thắc mắc lắm. Sau đó, khi bày tranh, Sơn nói tôi mời cô Ba đến dự. Lúc đó cô mới ưu đãi chúng tôi hơn nữa. Uống bia nửa giá...
Những đêm khuya Đà Lạt, lúc đó Nguyễn Xuân Thiệp, trung uý, mới nhận chức trưởng đài phát thanh quân đội Đà Lạt, có chiếc jeep, cứ tối xuống là cùng nhau uống rượu, khuya về, lái xe cứ lòng vòng vì say...
Bên cạnh Sơn, còn có em Sơn, Trịnh Xuân Tịnh. Thời ở Đà Lạt, Tịnh là người gần gũi, chăm sóc cho Sơn, lo in và phát hành nhạc, từ những bản nhạc rời cho đến in thành tập. Thời gian đầu tiên đó, tôi luôn vẽ bìa cho Sơn và được " nổi tiếng lây ", khi tờ Le Monde, tờ báo lớn và uy tín của Pháp, có bài của Pomonti viết về Sơn, in kèm cái dessin tôi vẽ Sơn rất kỹ bằng bút sắt, trong tập ca khúc đầu tiên của Sơn được in ra, rất đẹp, nhà xuất bản An Tiêm. Tô Thùy Yên viết bài giới thiệu. Chắc Tịnh không quên được cái đêm Sơn và Tịnh vơ hết tiền của anh em khi Sơn và Tịnh đánh xì tẩy thắng, lận tiền dày cộm trong áo, đi giữa khuya Đà Lạt. Sơn chơi binh xập xám và xì tẩy chì lắm.
TRỞ LẠI SÀI GÒN, THỜI "CẬU"
Còn non choẹt lúc đó, mà đêm nào chúng tôi cũng vào dancing Tự Do, được tài-pán Cường lúc nào cũng ngả người "chào cậu" và luôn dành cho cái bàn nhỏ trên lầu. Sơn nhảy bebop bay bướm và thích nhất điệu này. Những đêm đi phòng trà thường có cả Trịnh Cung, lúc đó, đang thuê căn phòng trong khu phố sau chợ Trương Minh Giảng, cạnh phòng Huy Cường, tài tử xi-nê đang ăn khách. Có những đêm tôi và Sơn lên Trịnh Cung chơi, vì hết tiền. Đang ngồi lơ mơ với nhau, đã khuya, mà có người gõ cửa mua tranh. Cung bán được tấm tranh, chúng tôi lại xuống phố...
Sơn có những cuộc si tình kỳ lạ. Kỷ niệm si tình đáng nhớ nhất, là không biết Sơn mua chiếc nhẫn bằng platine bạc lúc nào, đeo ở ngón tay. Đêm đó, sau khi nhảy xong - thường là với Dung và Thanh Thuý Tàu (vì cô lai Tàu, và để phân biệt với ca sĩ Thanh Thuý), Sơn nói là có món quà tặng Thuý, chốc nữa về sẽ trao. Khi ra khỏi cửa phòng trà, giữa khuya, đi một đoạn đường Tự Do, thì Sơn nói Thanh Thuý nhắm mắt lại, Sơn lấy chiếc nhẫn đeo vào ngón tay đeo nhẫn cưới của Thanh Thuý, làm Thanh Thuý cảm động, bỏ chạy tới trước, chiếc robe trắng tung bay trong phố khuya...
Đêm trên phố khuya ấy là một kỷ niệm đẹp. Trong chúng ta, ai mà không có những góc phố kỷ niệm :
Níu vai phố rộng xin về
Với cây gió trút với hè nắng rưng
(Bùi Giáng)
Với Sơn thì :
Về trên phố cao nguyên ngồi
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi
như còn nghe rõ "ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì" của chúng tôi trên phố Blao, Đơn Dương, Đà Lạt ...
Năm 1965, có lẽ là năm tháng đáng ghi nhớ nhất của tôi và Sơn. Sơn được các bạn ở Sài Gòn tổ chức buổi ra mắt đầu tiên trước quần chúng tại khu đất trống sau lưng trường Văn Khoa Sài Gòn cũ (nay là Thư Viện Quốc Gia). "...Với tôi, đây là buổi thể nghiệm xem mình có thể tồn tại trong lòng quần chúng được không. Trước mặt đám đông đến mấy nghìn người gần đủ thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, tôi cảm thấy mình quá trơ trọi và đầy lo âu trên bục gỗ với cây đàn guitare dưới ánh sáng đèn... Buổi hát đã để lại một ấn tượng khá tốt đẹp cho người trình bày lẫn người nghe..." (TCS) Còn tôi có cuộc bày tranh Noël ở Đà Lạt với đông bạn bè lên dự, có cả Phạm Duy, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Long Vân, Tôn Nữ Kim Phượng, Christian Cauro... Tôi, Sơn và Tường không còn gì hạnh phúc hơn tình bạn... Phòng tranh này tôi đề tặng Tuyết Nhung...
THỜI GIAN XA BẠN
Tôi có 15 năm sau giải phóng, còn ở lại cùng Sơn. SàiGòn - Huế - Hà Nội. Cùng gặp những người bạn vong niên rất quý : Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Phùng Quán, Thái Bá Vân... Các anh Tuân và Văn Cao thân thiết với Sơn nhất. Đến chơi với Sơn cũng là đến với bạn bè Sơn, vì lần nào Sơn cũng gọi chúng tôi đến cùng uống rượu. Sơn và Văn Cao có dáng dấp giống nhau. Người gầy, hai bàn tay ngón dài tài hoa. Thơ, nhạc, vẽ đều tài hoa. Hoàng Ngọc Hiến đã tiến cử một bài thơ tình hay nhất của thế kỷ, nhân một nhóm những người yêu thơ yêu cầu, đó là lời của bài nhạc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ. Tôi cũng đồng ý như vậy. Mấy năm ở Sài Gòn, tôi có vẽ bức sơn dầu Bỏ Tôi Đứng Bên Đời Kia, cảm xúc từ mấy câu của Sơn :
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Sau đó bán cho người khách đem về Nhật. Tháng trước khi Sơn mất, tôi còn gọi điện thoại về đùa với Sơn : Hoàng Ngọc Hiến bình chọn ông có bài thơ tình hay nhất thế kỷ, bây giờ mình sẽ bình chọn ông là người vẽ hay nhất của thế kỷ. Sơn cười khoái chí, nói, đừng nói vậy mà người ta ghét. Sơn sợ người ta ghét lắm. Vì Sơn chẳng ghét ai bao giờ. Thây kệ (không phải thôi kệ) là chữ Sơn hay nói khi có ai xấu với mình...
Tôi cùng gia đình qua Mỹ cuối năm 1989. Những ngày đầu năm 1990, Sơn đã viết thư chia xẻ với tôi những lo toan lúc ban đầu khi đến Salt Lake city, tiểu bang Utah : "Mình nghĩ ban đầu có khó khăn, nhưng dần dà rồi đâu cũng vào đấy cả. Lẽ ra cái tuổi bọn mình, phải bắt đầu nhàn thì bây giờ chỉ mới khởi công. Cũng gay go thật. Chúc tất cả hãy can đảm và thiền trước mọi cảnh đời đa đoan phức tạp" (trích thư Sơn, 5.3.1990).
Hai năm sau, đang nhớ bạn, thì Sơn nhắn, sẽ qua Montreal, Canada thăm gia đình các em. Lúc đó là tháng 3.1992, Canada còn tuyết nhiều. Tôi qua thăm Sơn ngay, có gặp cả Khánh Ly. Lại suốt ngày lang thang ở phố thị, St. Laurent, Duluth, ... Sơn cứ chỉ bảng số xe của Canada có hàng chữ Je Me Souviens mà nói : thành phố này có tình. Có đêm vào quán nhạc Jazz nổi tiếng vừa uống rượu vừa nghe đàn. Tôi vẫn mê tiếng đàn trầm contrebasse. Sơn thì saxophone. Sau đó về nhà ngồi uống rượu tiếp đến 2, 3 giờ sáng và vẽ. Sơn thích vẽ trong những lúc thấm rượu và khuya khoắt như thế. Lần đó Sơn hát cho tôi nghe Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng. Tôi thật sự xúc động, khi nghe câu : "Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo". Tôi cứ thầm hát cùng Sơn câu này. Nét phóng bút của lời nhạc Sơn chép tặng tôi, vẫn treo trên cánh cửa từ ngày Montreal về cho đến nay, mới đó mà đã gần 10 năm.
HỘI HOẠ, GIẤC MỘNG KHÔNG BỜ BẾN CỦA SƠN
Đến với nhạc Sơn là đến bằng linh cảm, bởi vì tâm hồn Sơn là một tâm hồn nhạy bén không cùng, với hội họa cũng vậy. Sơn cũng vẽ dễ như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nói : "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra".
Không gian tranh của Sơn bao giờ cũng dở dang, nhưng lại đầy tinh khiết, sáng tạo : "Nghệ thuật dạy cho tôi biết biên giới của hữu hạn và sự vô cùng. Riêng trong hội họa tôi còn bắt gặp thêm cái không bờ bến của một giấc mộng tự do tinh thần". Sơn phát biểu như một tuyên ngôn nghệ thuật. Tranh Sơn thanh thoát đến hư tưởng. Người xem thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, khác với những "lời ca thơ" đầy nước mắt của Sơn "tôi không thể phân biệt được nước mắt với âm nhạc" (Nietzsche).
Những hình thể mảng màu trong tranh xếp đặt ngộ nghĩnh và đầy suy tính, lại rất đúng với nguyên lý của nghệ thuật mới. Những họa sĩ chuyên nghiệp đôi lúc cũng ngợ tay, khó bóp méo hình thể và sắp xếp không gian được như vậy.
Sơn rất giỏi về nắm bắt những nét đặc trưng khi vẽ chân dung, nhất là chân dung những người bạn thân thiết. Sơn vẽ nhiều chân dung Văn Cao rất đẹp. Lột tả được nét tinh tế trên từng khuôn mặt. Chân dung thiếu nữ như chân dung Linh Đan, chân dung M., là những bức tranh đẹp nhất của Sơn.
Nguyễn Trung đã viết "hôm nay chúng ta nói về Trịnh Công Sơn họa sĩ. Michel Ragon, nhà lý thuyết người binh vực nghệ thuật mới, nghệ thuật trừu tượng, có viết rằng trong thời đại chúng ta, không còn những họa sĩ vẽ chơi (peintre du dimanche) nữa. Rất đúng với Trịnh Công Sơn. Anh mới vẽ một vài năm nay và đã trở thành họa sĩ thực thụ" (phòng tranh ĐC, ĐQE, TCS, Sự Phối Hợp Thú Vị Của Ba Tính Chất Khác Nhau, Tuổi Trẻ CN, 5.1.1989).
Đó là lần bày tranh tại nhà hữu nghị Tiệp Khắc 1989. Tôi, Đỗ Quang Em và Sơn. Trước đó, năm 1988, một phòng tranh tại nhà Sơn của Tôn Thất Văn, Sơn và tôi, cũng rất thành công.
HÃY TRỞ LẠI, SƠN ƠI
Lần cuối cùng tôi và Sơn còn bên nhau là tháng 8, năm 2000. Mùa hè tôi từ Virginia về ở tại nhà Sơn một tháng, trưa chiều đều ngồi với nhau ở căn phòng đầy hơi hướm bạn bè tứ xứ của Sơn. Cái mặt bàn tròn là thân cây đại thụ chở từ Campuchia về, bốn chiếc ghế mây, và một dãy ghế để cạnh. Cái thùng ván thông lớn, trang trí đầy màu sắc, đựng những chai rượu chát. Chiếc đàn piano đen ám bụi, đống màu dầu và acrylic để trong góc. Tranh dựng, treo ngổn ngang. Sơn đã vẽ tại đây, hát tại đây. Xấp bản thảo nhạc là những tờ giấy rời luộm thuộm. Cuốn sổ ghi địa chỉ và số phone úa vàng, Sơn đã ghi chú chi chít trên đó. Mấy năm sau này, Sơn đã bỏ hẳn thuốc lá, chỉ còn uống ít rượu. Đang uống Black Label nhãn đen.
Cuộc bày tranh chung giữa ba người bạn : Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ và tôi tại gallery Tự Do (từ 20.8 - 3.9.2000) mà Sơn đã tự mình phát biểu : "Nghệ thuật đích thực là một thứ thông điệp còn lại sau cùng , khi mọi hình thức tồn tại khác đã mất đi."
Là cuộc chơi cuối cùng sao Sơn ?
Tôi trở lại Mỹ, chỉ mới bảy tháng sau mà Sơn đã bỏ tôi ở lại bên đời.
Tôi thấy lòng đau và buồn bã. Lúc gần ba giờ sáng bên này, có tiếng điện thoại reo. Tôi biết là tin dữ.
Tháng 4. Mùa xuân bắt đầu, hoa rực nở , mà lòng tôi chùng xuống lạnh tăm. Như trở lại với màu xám chì của mùa đông dài tuyết phủ vừa qua.
Suốt hơn cả tháng nay, tôi còn như thảng thốt. Tình bạn có hồi sinh được cơn hôn mê không Sơn. Hãy trở lại và ra dấu, như Bửu Chỉ đã nhắn, để chúng ta lại nhận ra nhau, lại ôm choàng lấy nhau mà khóc.
Đinh Cường
Virginia, 16.04.2001
No comments:
Post a Comment