Phạm Lưu Vũ
Ván cờ lạ
(Tạp văn)
Ngồi buồn giở Sử kí ra bói. Gặp ngay câu: “... ngươi tưởng ta học nhiều mà biết có phải không? Không đâu. Ta lấy một điều để quán triệt tất cả...” Lại cụ Khổng nói đây. Tiếc rằng ý tứ này không biết bao nhiêu người cũng từng nói đến rồi. Huống chi theo tự dạng của chữ “cổ”, thì cái gì cứ 10 miệng nói đến đều được coi là đã cũ. Vậy thì cái câu: “thập niên chi kế...” với “bách niên chi kế...” gì đó của cụ Quản xem chừng còn cũ hơn. Tóm lại, các cụ ngày xưa chỉ được cái... “cũ” rích! Chẳng trách đi học chả để làm gì, thà cứ túm thắt lưng quần lại rồi... ở vậy cho xong. Nhưng có câu này thì chưa cũ thật. Ai như cụ Lão bảo: “Học, tri kì thiên, tri kì địa, tri kì nhân, bất tri... kì cục” (học, để biết trời lạ, đất lạ, người lạ, song không thể biết... ván cờ lạ). Không thể biết hay không cần biết? Cụ Lão vốn nổi tiếng mông lung lắm, chữ của cụ phải tuỳ “thời” mà dịch mới được. Các vị túc nho ngày trước chỉ giảng chữ “cục” ở cuối câu nói ấy nghĩa là ván cờ, là thời thế, cuộc đời, v.v... (Bác Tú Xương có câu: “nhập thế cục bất khả vô văn tự...”). Hay nhỉ, chữ “cục” té ra chẳng phải tầm thường. Vậy mà xưa nay quen mồm nói “cục cứt”, lại cứ tưởng đó chỉ là một danh từ chung (không cần viết hoa), thầy cô giảng có thể dùng làm chủ ngữ, tính ngữ, vị ngữ, thậm chí rất... “bổ” ngữ nữa, v.v... Hoá ra chỉ hai từ ấy thôi, cũng đã đủ làm nên một câu (thành ngữ) rất ư hoàn chỉnh. Khi ấy dịch đầy đủ sẽ (phải) là:“cục cứt” = ván cờ / thời thế... như cứt. Rõ ràng là một thành ngữ dùng (phép so sánh) để chỉ... thế sự rất chi đáo để. Giờ mới hiểu tại sao Nguyễn Huy Thiệp lại để cho huyền thoại dân tộc kiêm ông tổ của nghề ca hát Trương Chi cả 5 lần ngôn, mỗi lần chỉ ngôn độc chữ “cứt”, mà giấu biệt đi chữ “cục” ở đằng trước. Chắc do sợ “phạm huý”, hay sợ bị kiểm duyệt đây? (Biết đâu đã bị nhà xuất bản cắt mất thật?) Cắt cũng chả sao, bác Thiệp nhẩy? Bởi một gã hay bị xì - trét như Trương Chi một khi đã ngôn ra chữ “cứt”, thì người nghe tất sẽ hiểu có chữ “cục” lấp ló đâu đấy. Trương Chi quả nhiên là con người đại diện cho nỗi bất hạnh lớn của dân tộc, có chữ “cục” mà cũng bị cấm không được quyền phát ngôn. ☺☺☺ - rõ ba khỉ! (xin đọc là “bố khỉ!”, bởi “ba” = “bố”), v.v... Thế còn ván cờ lạ? Nó là cái ván cờ nào vậy? Bí hiểm quá cụ Lão ơi.
Chợt nhớ ra có lần bác Hà Văn Thuỳ bảo đại ý Lão hay Khổng... chậc! thì cũng là người Việt ta cả. Bấy giờ gọi là “Giao Chỉ” (vừa “giao” vừa “chỉ”) hay “Cửu chân” (chín... ngón chân, cụt mất một ngón?) hay “Nhật Nam” (phía nam... nước Nhật)... gì gì đó. Đại khái là cái xứ vốn đã khuyết nhiều chỗ, lại cứ thích cắt tóc vẽ mình. Thế thì hai tiếng “kì cục” kia trong câu (bịa) của Lão hẳn phải là tiếng Việt, là chữ Nôm quê ta. “Kì cục” nghĩa là... cục lạ. Thế thôi. Dễ hiểu hơn “ván cờ lạ” rất nhiều. Ôi tự hào quá, hãnh diện quá đòm bào ơi. Chuyển sang Nôm tuy có làm mất toi câu thành ngữ 2 từ trứ danh trên kia (hoài của), song điều đó có tác dụng làm cho câu của cụ Lão đỡ bí hiểm hơn. Khi đó chỉ cần dịch là: “... học (mấy), cũng không thể (hay không cần?) hiểu những... cục lạ” (ở trên đời). Thế mới bảo “nôm na là cha mách qué” mà lị... Lại: ☺☺☺!
Không thể (hay không cần) hiểu những cục lạ? Đời thiếu gì cục lạ phải không? Vậy Lão Tử (nôm) muốn ám chỉ cái “cục lạ” nào đây? Nếu vừa là “cục lạ”, vừa là “ván cờ lạ” thì trường hợp này đích thị là “nôm” lai với “chữ” rồi. Nghĩa là Lão Tử nếu không phải người Việt (chăm phần chăm), thì cũng là con lai giữa giống “cắt tóc vẽ mình” Giao Chỉ ta với giống người “đội mũ mang đai” phương Bắc. Cái này bác Hà Văn Thuỳ sẽ gọi là “hoà huyết” đây. Ta hãy hình dung một cách hết sức tư duy trừu tượng rằng, trong đoàn người Giao Chỉ sang nhà Chu cống nạp sản vật ngà voi, đồi mồi, sừng tê giác... năm xửa năm xưa có 1 người phụ nữ duy nhất (tại sao lại là 1 mà không phải 2, 3...? đơn giản bởi chỉ cần 1 là quá đủ). Người phụ nữ đó thấy phong cảnh lạ bèn giao phối với ít nhất 3 người đàn ông nước sở tại. Trong đó 1 người có “chất lượng” vào loại “xịn” nhất đã làm bà thọ thai và sinh ra Lão Tử. Lý luận này tỏ ra rất có cơ sở khoa học và đang được trực quan sinh động chứng minh một cách hùng hồn. Bằng chứng là đàn bà con gái xứ Giao Chỉ cho đến tận bây giờ, sau khi đã đóng góp rất nhiều mồ hôi xương máu (cả trinh tiết nữa) để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ vĩ đại nhất trong lịch sử rồi, vậy mà vẫn còn giữ nguyên cái “truyền thống” thích ra nước ngoài thụ tinh từ hồi đó (đang xếp hàng nườm nượp kia kìa, ai không tin thì đã có đường link sau đây:
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=82229&ChannelID=12). Ngược lại, một thuyết khác lại cho rằng trong đoàn người mang đồ sang cống nạp hồi ấy không có người đàn bà nào cả. Mà chính là 3 người đàn ông Giao Chỉ đã cùng lúc giao phối với duy nhất 1 người đàn bà phương Bắc mới sinh ra nổi 1 Lão Tử trứ danh. Thuyết này tuy có hơi coi thường đàn ông Giao Chỉ là giống thấp bé nhẹ cân rụt rè chim ngắn một tí. Song cũng tỏ ra rất có cơ sở huyết thống, phù hợp với môn (tra) khảo cổ và (treo) cổ sử học. Bởi rõ ràng Lão Tử mang họ Lý (Lý Nhĩ), vốn là một cái họ rất phổ biến ở Giao Chỉ lúc bấy giờ (ví dụ Lý Thông, Lý Toét...) Những họ Lý ấy cho đến tận bây giờ vẫn còn nhan nhản đấy thôi. Ai không tin thì đã có công nghệ gien hoặc bài thơ: “Trong quán Lý Thông” của thi/nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo làm chứng. Lý Nhĩ là tổ tiên của đại thi hào Lý Bạch thời nhà Đường sau này. Vậy thì Lý Bạch chẳng qua cũng con cháu cụ... Lý Thông Lý Toét quê ta cả. Sở dĩ đưa ra hai thuyết trên đây không phải là muốn dây tí “máu” (Lão Tử) để ăn chặn “phần” (tiếng tăm) của người phương Bắc văn minh đâu nhé. Ma ai người nấy thờ, cờ ai người nấy phất, suất ai người nấy xơi. Can gì phải “thấy người khôn tung tin đồn là cùng họ”. Song cái gì một nửa của Xê ra cũng phải trả cho Xê ra... ít nhất một nửa. Tóm lại là cả hai thuyết đều khẳng định Lão Tử là con lai (hèn nào có sách còn gọi đích danh là Lão Lai Tử). Mà lai sớm như thế ắt không F1, thì cũng F2; F3 hoặc cùng lắm là Fi, trong đó i<= (khoảng) 10.000 (bây giờ thì i → n rồi). ☺☺☺!
Không phải người viết đang cố tình lan man lạc đề để bêu riếu kiến thức đâu nhé. Bởi đang nói đến “nội hàm” của cái từ “ván cờ lạ” (hay “cục lạ”). Mà ở xứ Giao Chỉ này xưa nay vốn có nhiều “cục lạ” lắm. Ví dụ chỉ cần cóp nhặt táp nham chi nhôm Đông, Tây kim cổ lẫn lộn. Vậy mà thời nào cũng sinh ra khối “tư tưởng da” mang các họ: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê... đủ cả. Ấy là chưa nói đến những luận văn đã được Bộ Giáo&Đào trao bằng tiến sĩ, thạc sư... Ví dụ đã chứng minh một cách vô cùng thuyết phục, rằng Xuân Tóc Đỏ không những là ông tổ của nền thể thao xã hội chủ nghĩa hết sức ưu việt ngày nay, mà còn trực tiếp giáng sinh thành Xuân Diệu để đóng góp cho nền văn hiến nước nhà những vần thơ tình tuyệt hủ, đồng thời giúp cho các thế hệ học trò có cái để mà ghi lưu niệm hoặc tán tỉnh nhau. Một luận văn khác đã chứng minh rằng nhà triết học Kant, mà thế giới cứ tưởng lầm là người Đức, té ra là Việt kiều yêu nước chính hiệu Con nai đen. Bởi ông còn một người em ruột tên Kiết vẫn ở lại Việt Nam. Thì dân gian đâu có lạ gì hai ông ấy, thường vẫn gọi là “cha Căng chú Kiết” mà lị. Nghĩa là hai vĩ nhân ấy lúc nào cũng được coi là bậc cha chú của dân Giao Chỉ ta. Riêng cha Căng này hồi còn bé chắc học sách của cụ Mạnh nên cũng bị ảnh hưởng cụ ít nhiều. Trên đời này cái gì cũng có thể qua loa, sơ sài được cả. Song những lý luận chặt chẽ, khoa học về nguồn gốc các vĩ nhân như trên thì cần phải quán triệt thật kĩ, quán triệt cho tất cả nam phụ lão ấu, quán triệt liên tục từ bậc tiểu học đến đại học, cao học, thôi học... cho kì đến lúc chết mới tha. Cụ Lão và cụ Căng thì rõ là người Việt ta rồi. Cả cụ Khổng nếu không phải Việt thì cũng là Bách Việt, không Bách Việt cũng Thiên Việt, Vạn Việt, v.v... Tóm lại thể nào cũng dính tí “Việt”. Bởi cụ vốn nổi tiếng là người đàng hoàng (thì “Việt” mà lị). Tuy được thiên hạ tôn là Vạn Thế Sư (thầy của muôn đời), song cụ vẫn không bị nhiễm cái tính kiêu ngạo, nhận vơ nhận váo hoặc lưu manh chợ búa như những kẻ cậy có quyền thế quen thói cả vú lấp miệng, lấy thịt đè người... Cụ chỉ làm cái việc nhặt nhạnh đây đó để chế ra kinh Thi, kinh Dịch, kinh Xuân thu... mà thôi. Thậm chí cụ còn trịnh trọng bảo các học trò: “Thiên hạ thời nào cũng như một cái thùng phiếu (tư tưởng) khổng lồ. Ta chỉ đóng vai trò là người kiểm phiếu mà thôi.” Xét ra thì không chỉ mình cụ. Tuyệt đại đa số các triết gia cổ kim Đông Tây đều đóng vai trò là những người kiểm phiếu cả. Dĩ nhiên mỗi người khi “kiểm” đều có những tiêu chí riêng của mình (ví dụ tiêu chí của cụ Khổng là chữ “nhân”, của cụ Mặc là chữ “ái”...) Lại kiểm được nhiều, ít khác nhau nên trình độ, mức tổng quát... của họ cũng khác nhau (trừ ăn gian). Học trò hỏi thế có ai không cần kiểm phiếu mà vẫn thành hay không? Có! Cụ Khổng bảo có 1 người như thế. Người đó là Lão Tử. Lão Tử chỉ làm người bỏ phiếu mà thôi, song đó là người bỏ lá phiếu quyết định. Thực ra thế gian lúc ấy không chỉ có mình cụ Lão. Phật Thích Ca cũng là một người như thế. Sau các cụ hơn hai ngàn năm, phương Tây có ông Đề - Các mà lai lịch cũng đã từng được nhắc đến trong văn học sử của xứ Giao Chỉ. Đại khái bảo ông này là con cháu... cụ Đề Thám quê ta. Khi Đề - Các chứng minh một cách rất có lý rằng cái mũi (của chính ta...) đã lừa bịp ta nhiều, cho nên không chắc gì hoa hồng đã có mùi thơm như mũi ta hằng ngửi thấy. Tương tự như vậy, biết đâu mùi thối của cứt chẳng qua cũng chỉ là một sự bịp bợm?... Nhất là khi ông ta nói câu: “Tôi tin chắc rằng những hạt giống đầu tiên của chân lý đã được Tạo Hoá đặt vào trong tâm trí ta. Nhưng chúng ta đã bóp chết những hạt giống đó vì hàng ngày đã nghe và đọc biết bao điều sai lầm...” thì ông ta đã gần với Phật và Lão lắm rồi đấy. Giả sử Đề - Các sinh ra trên đất Phật, chắc chắn ông ta đã chứng quả ít ra cũng tới bực Bồ Tát. Song nếu vô phúc sinh vào thời này mà nói câu ấy thì đích thị là phản động, suốt đời đừng hòng ngóc đầu lên nổi. Thời dân chủ triệu lần này không được phép nghi ngờ sự đúng đắn sáng suốt của những điều đang (được) nghe và đọc. Ngoài Đề - Các ra, còn có các ông Anh - xtanh, ông Mác - Plan, ông Lôbaxepxki... cũng là những người bỏ phiếu. Tuy còn xa mới đạt đến tư tưởng của Phật, Lão. Song đó cũng là những lá phiếu (có tính chất) quyết định một thời. Có điều, các “cục” tư duy ấy dù cao siêu, bí hiểm đến mấy, xét ra đều không phải “cục lạ” (kì cục). Chỉ có ăn gian mới tạo nên “cục lạ” mà thôi... ☺☺☺!
............................................................................................................
(người viết ☹ bắt chước văn tự thời Pháp thuộc, tự “kiểm duyệt” một đoạn)
Tóm lại khi cụ Khổng nói về kinh Thi mà chỉ dùng 3 chữ: “tư vô tà” (cái suy nghĩ, tư duy (của nó) không tà) thì cụ biết thiên hạ đã “tà” lắm rồi. Từ những câu kinh Thi đầu tiên truyền đến đời cụ ước chừng hai ngàn rưởi năm. Hai ngàn rưởi năm thì từ “thanh” biến thành “tà”. Từ cụ đến nay cũng tương đương khoảng thời gian ấy nữa. Lịch sử có cái trò lặp lại theo kiểu xoáy trôn ốc. Thế thì cái “tà” tiếp tục biến, đến thời nay dẫu có thành ra “cục lạ” xem chừng cũng... hợp với quy luật khách quan. Ấy là ván cờ “Tư”. Thế còn ván cờ “Văn” thì sao? “Văn” Giao Chỉ nay liệu có là “cục lạ”?
Cái “tít” rất to trên 1 tờ báo vào loại bàn thờ (của văn chương): “Giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai” của một anh bạn gợi bóng gợi gió cho ☹ “tư duy trừu tượng” về cái “cục lạ” vô tiền khoắng hậu này. Khỏi cần bàn đến nội dung rất chi là “thuộc lòng”, “trơn tuột” và xưa hơn... cụ Diễm của bài viết ấy. Chỉ riêng một câu: “Sự đổi mới như một lựa chọn hiển nhiên nhưng không thay đổi cái cốt lõi.” cũng đáng được coi là một “cục lạ” rất “nặng mùi” rồi. Ai chả hiểu “cái cốt lõi” ở đây là gì. Nếu cần, cứ việc “nhân danh” “truyền thống” cái rụp... là xong. “Nhân danh” vốn là một con bài tủ của bất kì phép nguỵ biện tối tân hiện đại nào. Gì chứ việc “kế thừa truyền thống” thì quanh đây không thiếu gì phương pháp, từ thô thiển đến tinh vi, từ li ti đếng tổng thể... đủ cả. Ví như cái việc “ban quốc tính” (ban họ vua) ngày trước mà từ thời Lê Thánh Tông đã phải bãi bỏ vì sợ loạn mất huyết thống, cũng từng được “kế thừa” lại ở cả một xã nào đấy mà báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để ca ngợi. Nói về những “dòng chảy truyền thống” ấy thì đến tết Công Gô cũng chưa hết, bởi nó đã len lỏi vào mọi chốn, mọi nơi, từ cái ghế ngồi đến nồi cơm, từ chỗ đơm đến chỗ chặn, từ ăn mặn đến ăn chay... Song đọc đến câu: “Các nhà... lần lượt bước lên sân khấu...” thì ☹ nghe cứ rờn rợn, ghê ghê thế nào ấy. Té ra các nhà... kia... diễn kịch hay sao? Vở kịch thứ bao nhiêu đây? Hay là vở diễn cuối đời? Bởi cái tít ôm trọn cả 3 thì (quá khứ, hiện tại và tương lai), cho nên ☹ chợt liên tưởng đến một công trình nghiên cứu dày ba nghìn trang nhan đề: “Về sự vang dội của nền văn thơ hiện đại xứ Giao Chỉ”. Đại khái văn thơ hiện đại Giao Chỉ chẳng những đã làm cho lớp lớp thế hệ trẻ đời nào cũng thuộc nằm lòng, mà còn vang vọng ngược cả về quá khứ. Đến nỗi Phạm Ngũ Lão mỗi khi đi đánh giặc đều lẩm nhẩm câu thơ: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm...” Lý Thường Kiệt thì đặc biệt khoái câu: “Đã xung trận cả trăm người như một...” (tăng thêm 95 người). Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào năm một nghìn không trăm... câu thơ tuyệt hủ này được viết trên những tấm băng rôn treo la liệt khắp kinh thành. Kì diệu thật. Thơ hay thì phải thế thôi. Dẫu có biến thành kinh nhật tụng cũng còn được nữa, huống chi chỉ dùng làm khẩu hiệu. Đã hay với hiện tại, tương lai... ai dám bảo rằng nó không thể hay với cả quá khứ? Thậm chí phải hay với thế giới nữa chứ. Sách còn dẫn chứng việc nhà văn Nô Ben người Pháp có cái tên dài thoòng là Anbecamuc gì đó khi nghiên cứu văn thơ hiện đại Giao Chỉ, cứ tiếc mãi cho vua Louis XVI trước khi lên máy chém đã không đọc Sống như Anh của... Nguyễn Trãi (chắc camuc nhầm với từ “Trỗi”?). Mà cũng chẳng cứ gì thơ văn. Rất nhiều ca khúc hiện đại (ví dụ bài “Hành quân xa” chẳng hạn...) chẳng đã từng vang lên theo bước những đoàn quân đi tiêu diệt 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh đó sao? Vừa rồi, nhân kỉ niệm 50 năm hành nghề bồi bút, có nhà thơ, nhà văn kiêm nhạc sĩ, kiêm nhà nghiên cứu, kiêm vân vân... còn cao hứng viết hẳn một công trình dày 800 trang, trong đó mô tả chi tiết những thông tin cực kì thú vị, rằng Trần Quốc Toản cũng đã bắt đầu biết đến nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, rằng những hoạn quan thời Lê mạt rất ngưỡng mộ Thời xa vắng của Lê Lựu, thậm chí còn tiếc rằng không có máy cát-xét để nghe băng Lê Lựu kể chuyện về chuyến đi Mĩ hồi những năm 80 thế kỉ trước, v.v... Sở dĩ đưa ra những luận điểm căn bản trên đây để chứng minh rằng ván cờ “Văn” của xứ Giao Chỉ không những là một “cục lạ” cực kì, mà cái “cục” U50 ấy còn tỏ ra: “thân này đâu đã chịu già tom”. Với nguồn “sữa” vô tận là tiền đóng thuế của hơn 80 triệu dân, nó không những “vẫn còn thơ trẻ”, mà còn đang trong thời kì ăn khoẻ ngủ khoẻ, đang hết sức phát triển, có tương lai hết sức to lớn, với nhiều xứ, mạng hết sức vẻ vang... Để nói lên ước vọng trẻ mãi không già này của cái “cục lạ” ấy, một thi sĩ trẻ quá cố đã từng viết: “Vẹt trắng / vẹt trắng / vẹt thắt caravát / vẹt hát karaôkê / vẹt máu dê máu cá... / Những con đã sinh ra thì chán chết / Những con chưa chán chết thì chưa sinh ra.” Tinh thần phát truyển đặc biệt còn được thể hiện rất (cụ) mượt trong bài diễn văn ễnh ương (photocoppy hoặc thuộc lòng) mới đây do ông chủ tịch thâm niên (nhiều khả năng sẽ chủ tịch chung thân) đọc nhân dịp kỉ niệm “cục lạ” tròn trĩnh 50 năm + 1,35 tháng tuổi. Hơi tiếc là ☹ không có bản điện tử trong túi. ☺☺☺!
.......................................................................................................................
(☹ lại bắt chước tự “kiểm duyệt” một đoạn)
Chợt nhớ cơn ác mộng cách đây ít lâu. Sáng mồng hai tết, ☹ đã cãi nhau một trận kịch liệt với hai thằng con giai, một thằng lớp 3, thằng lớp 1. Số là giục chúng nó đi chúc tết thầy cô giáo. Ai dè chúng trợn mắt bảo: “Bố lạc hậu quá. Thời buổi này thầy cô phải đến chúc tết học trò mới phải phép chứ?” Láo! Láo quá. Có đời thuở nhà ai như thế hay không? Sau một hồi thuyết giảng đạo đức không ăn thua, đang định lấy gậy phết cho mỗi thằng 1 trận thì quả nhiên có mấy thầy cô giáo hỏi thăm đến nhà thật. Các thầy cô ăn mặc tươm tất, ai nấy đều ôm 1 bọc quà, tranh nhau khúm núm trước mặt hai thằng học trò: “Nhân dịp tết cổ truyền, phát huy truyền thống “tôn sinh trọng... gạo” của ông cha ta ngày trước, các thầy, cô thay mặt nhà trường đến chúc tết các em để tỏ lòng biết ơn đối với học trò của mình...” Ôi! Cảm động quá mà vẫn không dám tin. Chẳng lẽ cả cái sự “Giáo” nay cũng biến thành “cục lạ” hay sao? Bèn kể lại giấc mơ với vợ, vợ bảo: “Được như thế có mà tử tế quá. Tiếc thay đó chỉ là giấc mơ. Cả một ‘cỗ máy’ Giáo&Đào khổng lồ đang hì hục làm tiền hết công suất trên lưng các thế hệ học trò, thì đáng nhẽ phải biết ơn học trò như thế mới phải. Làm thầy bây giờ lẽ ra phải nhớ câu: ‘Không trò đố mò ra... cơm’. Đằng này lại cứ khoác áo đạo đức giả...” Chưa hết. “Người ta không chỉ làm tiền, mà còn... làm tình (gạ tình lấy điểm), làm xiếc (thành tích), làm C.A. (tra khảo), làm quỷ dữ (đầu độc), làm... vân vân... nữa đấy. May mà con mình con giai, sau này đỡ phải lo cái khoản ‘đóng góp’ bằng tình ấy...” Nghe vợ tuôn ra một tràng mà muốn ngất. Tính cãi lại mấy nhời để giữ thể diện, chợt nhớ Luận ngữ Tân thư đã từng dẫn ý tứ (cũ xì) của cụ Khổng, rằng: “Hạng người ấy mà làm tướng thì mất toi thành. Làm quan phủ, quan huyện nào thì dân trong phủ, huyện ấy điêu đứng. Làm vua thì cả nước khốn nạn, thậm chí còn mất nước vào tay ngoại bang. Làm thầy thì ngu đến cả trăm đời sau... Thế gọi là gây hoạ cho thiên hạ.” Quả thực những “thầy” như thế không chỉ gây hoạ cho cái nền Giáo&Đào này, mà còn gây hoạ cho cả thiên hạ nữa. Nghĩ đến đây, bên tai chợt văng vẳng câu thơ: “Kiếp học trò học như học giả / kiếp phụ huynh tơi tả hầu bao...” bèn tỉnh ngộ, không dám cãi lại vợ một câu nào nữa.
Ôi! “Ván cờ” Giáo&Đào hay cái cục “Giáo” này “kì” đến mức không bút nào tả xiết. Chẳng trách khôn ngoan cỡ cụ Lão xưa đã phải thốt lên, rằng nó “… rất chi kì cục”. Nhìn thằng bé lớp 3 còng lưng khoác chiếc ba lô chứa 7kg sách + vở +... mà nghĩ thương cho... bố nó. Con người ngày nay học nhiều có khác. Thật là những “trí tuệ”... ghê rợn. Biết bao nhiêu mánh khoé làm tiền chứa trong cái ba lô nặng trĩu âm mưu, song lại nhẹ tênh kiến thức ấy? Nào là các loại giáo khoa mỗi năm “cập nhật” một lần, nào là các kiểu “vở bài tập, vở ghi, vở... nháp...” (vở cũng phải qua made in nhà xuất bản), nào là sách tham khảo, sách hướng dẫn, luyện thi, v.v... chưa kể học phí, học cụ, học thêm rồi đồng chờ, đồng phục... lại còn đóng góp hết khoản nọ đến khoản kia theo những “sáng kiến” liên tu bất tận của nhà trường, của các thầy cô... (có cô mẫu giáo còn “kiêm” thêm nghề bán xôi, bán... báo Nhi đồng ở ngay cửa lớp - ví dụ chỉ có tính chất minh hoạ ☺☺☺!) Thật là trăm... rơm đổ một đầu... bò. Ai thấu cho những nỗi niềm ấy đây? “Cục” “Văn” thì đã thế rồi, còn các bậc “trí thức”? Nghĩ đến những cánh rừng trơ trụi, đến nỗi: “con chim rừng tuyệt không chốn về...” Nghĩ đến những tấm lưng áo bạc của hàng triệu, hàng triệu nông dân tiền mỏng phận hèn, không đủ sức chạy đua đành bất lực nhìn con mình thất học. Lũ trẻ lớn lên lông nhông chờ cơ hội chạy chọt, vay tiền lo chi phí ra nước ngoài nạo cống, vá đường, làm con ở, con... râu, v.v... hy vọng may ra sẽ đổi đời. Chẳng trách khi nói về cái “cục (Giáo) lạ” này, khối người đã phải ôm mặt... khóc rưng rức. Khóc rằng: Than ôi! “Chốn châu huyện, khôn đường con học / Nơi trường làng, tiền mất tật mang”. Thế mà: “Nước Đông Hải đã tát cạn rồi, lấy gì để rửa? / Trúc Nam Sơn cũng vừa chặt hết, lấy cái gì ghi?...” Trong khi đó thì ôi thôi: “Thần, Người đều... im bặt / Trời, Đất chẳng... tăm hơi”... ☹...
Đầu hè năm Đinh Hợi (2007)
No comments:
Post a Comment