Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
Henry Miller
Tại sao bạn không thử viết đi?
Mười một điều răn, chương trình làm việc hàng ngày
Giới thiệu
Trong bài tiểu luận nổi tiếng nhan đề “Thi sĩ”, Emerson viết rằng tất cả mọi người đều sống bằng chân lý và đều cần sự tỏ bầy. Trong tình yêu, trong nghệ thuật, trong sự ích kỷ, trong chính trị, trong cần lao, trong bạc bài đen đỏ, chúng ta nghiên cứu để tìm cách thốt lên niềm bí ẩn đau thương của chúng ta. “Con người chỉ là mình một nửa, nửa kia chính là sự diễn tả tỏ bầy của hắn vậy.” (The man is only half himself, the other half is his expression.)
Sự tỏ bầy đó có thể là hành động hay lời nói. Nhưng viết mới là cách diễn tả trọn vẹn nhất.
Viết là một phương tiện giải thoát. Bằng cách viết, chúng ta thoát khỏi những bóng ma quá khứ. Kỷ niệm, dù là kỷ niệm hạnh phúc hay đớn đau, đẹp hay xấu đều ray rứt, ám ảnh, nhắc nhở, đòi tái hiện hay hồi sinh vào hiện tại. Chúng ta hoặc muốn trìu mến vuốt ve hay xua đuổi tàn nhẫn quá khứ. Hồi tưởng hay quên lãng. Cách nào thì chúng ta cũng cần đến sự tỏ bầy. Viết chính là cuộc hành hương về dĩ vãng. Một lần viết là một lần đi tảo mộ thanh xuân. Một lần mãi mãi. Bởi vì từ đây kỷ niệm đã được phục sinh, đã nhận được một đời sống riêng của nó. Và chúng ta có thể thanh thản ra đi; chúng ta đã thanh toán xong với quá khứ.
Bằng cách viết, chúng ta cũng thoát khỏi những ước vọng bất khả. Có lẽ không ai bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Nếu chúng ta không khao khát một cuộc sống khác, thì ít ra, chúng ta cũng mong muốn một cuộc sống phong phú hơn, rực rỡ hơn, mãnh liệt hơn và nồng nàn hơn. Nhưng xã hội trì chiết chúng ta, luân lý ràng buộc chúng ta và những kẻ khác giới hạn chúng ta. Chỉ bằng cách viết chúng ta mới có thể sống cuộc sống chúng ta đến độ tràn đầy mơ ước. Tác phẩm nghệ thuật là cái hơn nữa thêm vào cho cuộc đời.
Viết là một cách cầu kinh. Sự sung sướng có khuynh hướng tự mãn và trông tìm nghỉ ngơi. Chính nỗi đau khổ khôn nguôi khiến người ta hướng tới tôn giáo và nghệ thuật. Như một niềm an ủi cuối cùng.
Viết còn là một cách sám hối. Đứa trẻ không cần viết vì nó ngây thơ. “Một người viết là để liệng đi độc tố mà hắn đã tích lũy bởi cách sống lầm lạc của hắn. Hắn cố gắng khôi phục lại sự hồn nhiên của hắn (Henry Miller, Sexus, Grove Press, p. 24). Sẽ không còn một ai cầm bút viết một chữ nào trên giấy nếu hắn có cơ hội, nếu hắn có can đảm sống đến tận cùng, đến hết điều hắn tin tưởng.
Nhưng điều này cũng thực không kém: Tất cả mọi người đều có thể trở thành nhà văn, nhà văn quyến rũ nữa, nếu hắn thành thật và can đảm nói lên tất cả những điều hắn tin tưởng và cảm nghiệm theo cách riêng của hắn. Tiêu chuẩn về chân thiện mỹ của hắn, những điều hắn yêu thương và ghét bỏ, hối tiếc và thù hận, trở nên lôi cuốn, nếu được sống một cách chân thành, được phát lộ một cách đơn giản, không che đậy.
“Tại sao bạn không thử viết đi?” Câu hỏi đó hắn sẽ ray rứt chúng ta nhiều. Nhất là khi chúng ta đã từng sống, từng yêu thương, từng khắc khoải. Nhất là khi chúng ta ý thức được rằng chúng ta có tất cả trong ta. Rằng chúng ta là một khối cốt mìn. Rằng chúng ta chỉ cần một tia lửa nhỏ.
Tia lửa ấy chính là lòng tự tin.
“Tại sao bạn không thử viết đi?” Henry Miller tự hỏi mình và hỏi mọi người câu hỏi đó. Riêng cá nhân ông, ông thích thú chứng tỏ rằng “tôi cũng có thể viết, như bất cứ một người nào” (I proved to my satisfaction that, like any other mortal, I too could write. – Art and Outrage). “Vì thiếu thốn, tôi diệt bài ca. Giống hệt như một chiến sĩ, thách đấu một trận sinh tử mà không có một tấc khí giới trong tay, trước hết phải tự tôi luyện lấy khí giới của mình” (Sđd). Trong tiến trình đó, hắn phải mang vào tất cả cuộc đời hắn. Mục đích của công việc chẳng bao lâu sẽ bị bỏ quên hay bị gạt ra ngoài: nhà văn viết để viết. Và vì nhà văn thường viết vì một nhu cầu cá nhân, họ thường có khuynh hướng coi cuộc đời và tác phẩm họ như một cái gì riêng tư, chẳng liên quan tới ai. Nhưng tác phẩm của họ, “tựa những trái táo được hái lúc còn xanh, tự ủ chín lấy mình, mỗi ngày một trở nên dịu ngọt và chan chứa ý nghĩa” (Pasternak, Bác sĩ Zhivago). Như trái táo được hái xuống không còn thuộc về cây táo nữa, tác phẩm nghệ thuật được viết xong không còn là của riêng nhà văn. Nó thuộc về tất cả mọi người. Nó tham sự vào đời sống, trở thành chính đời sống, độc lập với nhà văn, do đó giải thoát nhà văn khỏi cuộc sống riêng tư, khỏi cuộc sống nói chung và khỏi thân phận của một kẻ thụ tạo. Tác phẩm nghệ thuật giúp nhà văn đi sâu vào lòng mình và lòng đời, đồng thời cho phép hắn rời xa chính mình và rời xa đồng loại đồng thời với mình; nó củng cố niềm tin của nhà văn vào chính mình như một kẻ sáng tạo. Đầy quyền năng và siêu thoát.
Vậy tại sao bạn không thử viết đi?
*
Tại sao bạn không thử viết đi?
Buổi chiều hôm đó, thay vì lao ra khỏi nhà ngay sau bữa ăn tối, như thường lệ, tôi lại nằm trên sập, trong bóng tối và chìm đắm vào mộng mơ.“Tại sao bạn không thử viết đi?” Đó là câu hỏi không ngừng ám ảnh tôi suốt ngày, thôi thúc liên miên, ngay cả lúc tôi cám ơn bạn tôi MacGregor vì tờ giấy bạc mười dollar tôi đã giật lửa được của hắn sau khi đã nịnh hót tán tỉnh hắn bằng đủ điều nhục nhã.
Nằm trong bóng tối, tôi bắt đầu lần trở về nguồn. Tôi bắt đầu hồi tưởng lại những ngày thơ ấu diễm phúc, những ngày hè dài lê thê khi mẹ tôi nắm tay tôi, dắt tôi băng qua cánh đồng đến thăm Joey và Tony, những người bạn nhỏ của tôi. Là một đứa trẻ, tôi không thể cảm thấu niềm bí ẩn của nguồn vui do cảm thức tự tôn mạng lại. Cảm giác khác thường đó, cho người gia nhập và đồng thời quan sát sự gia nhập của mình, đối với tôi dường như là khả năng thiên phú của tất cả mọi người. Tôi hân hưởng tất cả mọi sự nhiều hơn những đứa trẻ khác đồng tuổi tôi mà không hay. Sự chia cách giữa tôi và những kẻ khác đó chỉ ló ra dần dần với thời gian.
Viết, tôi nghĩ, phải là một hành động vô cầu. Chữ nghĩa, như con nước lớn dưới đáy sâu, phải trào vọt lên mặt bởi xung lực của chính nó. Đứa trẻ không cần viết: nó ngây thơ. Một người viết là để liệng bỏ đi độc tố mà hắn đã tích lũy vì lối sống lầm lạc của hắn. Hắn gắng khôi phục lại sự hồn nhiên của hắn, tuy nhiên tất cả thành quả hắn đạt được trong khi hành động (bằng cách viết) là tiêm chích vào thế giới mầm độc của sự tỉnh mộng của hắn. Không một người nào viết một dòng nào trên giấy nếu hắn có can đảm sống hết tất cả những gì hắn tin tưởng. Cảm hứng của hắn bị lái sang hướng khác ở khởi nguồn. Nếu hắn muốn sáng tạo một thế giới chân, mỹ và thần thông tại sao hắn lại đặt hàng triệu chữ giữa hắn và thực tại của thế giới đó? Tại sao hắn triển hạn hành động - trừ phi, như những người khác, điều hắn thực sự ao ước là sức mạnh, danh vọng, thành công. Balzac nói rằng: “Sách vở là hành động chết của con người”. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy sự thật, hắn giao nhất quyết thiên thần cho ác quỉ ám ảnh hắn.
Một nhà văn cũng mị độc giả của mình một các bẩn thỉu y hệt một chính trị gia hay bất cứ một ông lang băm nào: hắn muốn bắt mạch lớn, cho đơn như một y sĩ, dành cho chính mình một chỗ, được công nhận như một sức mạnh, nhận được một ly đầy nịnh bợ, dầu cho phải chờ đợi ngàn năm. Hắn không muốn một thế giới mới có thể được thiết lập ngay tức khắc bởi vì hắn biết thế giới đó không bao giờ thích hợp với hắn. Hắn muốn một thế giới bất khả, bị chế ngự bởi những sức mạnh hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của hắn trong đó hắn là một đấng quân vương không thụ phong. Hắn bằng lòng cai trị một cách xảo quyệt trong thế giới tượng trưng tưởng tượng - bởi nguyên ý tưởng giao tiếp với những thực tại phũ phàng cũng đủ khiến hắn sợ hãi rồi. Đúng là hắn có khả năng thâu tóm chụp bắt thực tại lớn hơn người khác, nhưng hắn từ chối không chịu bắt thế giới phải chấp nhận thực tại cao cả đó bằng sức mạnh của gương mẫu. Hắn chỉ bằng lòng thuyết pháp, lết đi trong dấu vết của những thảm họa và tai ương, một kẻ tiên tri gở lạ luôn luôn bị ném đá, luôn bị xa lánh bởi những kẻ thiếu khả năng sẵn sàng đứng ra nhận trọng trách gánh vác việc đời. Nhà văn lớn thực thụ không hề thèm viết: hắn muốn thế giới là một cõi hắn có thể sống an bình với những giấc mộng lớn mộng con của hắn. Chữ rung động thứ nhất mà hắn đặt lên giấy là chữ của thiên thần bị thương: đau khổ. Viết tương đương với việc uống thuốc mê. Nhận thấy cuốn sách dưới tay mỗi ngày một dầy lên, tác giả cuốn sách lòng đầy ảo tưởng về sự vĩ đại của mình. “Ta cũng là một kẻ chinh phục – có lẽ là kẻ chinh phục vĩ đại nhất thế giới! Ngày vinh quang của ta đã tới. Ta sẽ cai trị trần gian - bởi sức mạnh phù thủy của ngôn ngữ…” Et cetera ad nauseam.
Câu hỏi gọn ghẽ: "Tại sao bạn không thử viết đi?” luôn luôn dìm tôi vào đầm lầy tuyệt vọng của rối loạn như lúc ban đầu. Tôi muốn mê hoặc chứ không muốn cai trị; tôi muốn một cuộc sống rộng lớn, phong phú nhưng không bám vào kẻ khác; tôi muốn giải phóng óc tưởng tượng của tất cả mọi người ngay tức thì bởi vì nếu không có sự trợ giúp của toàn thế giới, nếu không có một thế giới đồng thời tưởng tượng, thì tưởng tượng phóng túng sẽ trở thành một tật xấu. Tôi không trọng việc sáng tác per se một chút nào hơn Thượng Đế per se. Không một ai, không một nguyên tắc nào, không một ý tưởng nào tự nó hữu hiệu hết. Chỉ hữu hiệu phần thực tại, kể cả Thượng Đế, được tất cả cộng đồng nhân loại công nhận. Người ta lo lắng về số phận của thiên tài. Tôi không bao giờ lo lắng về thiên tài: thiên tài tự lo liệu lấy thiên tài trong con người. Tôi luôn luôn dành mối quan tâm của tôi cho con người tầm thường, con người mất mình trong sự chà đạp, con người quá đỗi trung bình, quá đỗi tầm thường đến nỗi sự hiện diện của hắn cũng không được ai thèm để ý tới. Những thiên tài không hứng khởi lẫn cho nhau. Có thể nói tất cả mọi thên tài đều là những con đỉa đói. Họ cùng nuôi dưỡng từ cùng một suối nguồn – dòng máu đời. Điều quan trọng nhất đối với thiên tài là tự khiến mình trở thành vô dụng, là trầm mình trong dòng suối chung, lại trở thành một con cá trong nước chứ không phải một con quái vật. Tôi nghĩ rằng điều lợi ích duy nhất mà sự sáng tác có thể cung hiến cho tôi là dời chuyển những sự khác biệt đã chia cách tôi với đồng loại. Tôi hoàn toàn không muốn trở thành một nghệ sĩ theo nghĩa trở thành một cái gì khác lạ, một cái gì tách biệt và ở ngoài dòng đời.
Cái hay nhất của việc trứ tác không phải là việc viết chữ nọ kế chữ kia, đặt hòn gạch nọ lên hòn gạch kia hiện tại mà là những sự trù liệu, công việc mở đường khai lối, được thực hiện trong im lặng, trong mọi hoàn cảnh, trong mộng mị cũng như trong trạng thái thức tỉnh. Nói tóm lại, thời kỳ thai nghén vậy. Chưa bao giờ có một người nào viết lên giấy điều hắn có ý định viết: sự sáng tạo nguyên thủy, miên man bất tận dù khi người ta viết hay không viết, thuộc về sự tuôn trào ban sơ; nó không chiều hướng, không hình thức, không cả yếu tố thời gian. Trong trạng thái trù tính là sáng tạo chứ không phải sinh đẻ này, cái gì biến mất không hề bị tiêu diệt; có một cái gì vẫn hiện hữu đó, một cái gì bất khả hủy diệt, như ký ức, hay vật chất, hoặc Thượng Đế, được mời gọi tới trong đó người ta lắt lay như một cành củi nhỏ trong dòng cuồng lưu. Chữ, câu, ý tưởng, bất kể vi tế hay chất phác thế nào, sự chạy trốn điên cuồng nhất của thi ca, những giấc mộng sâu thẳm nhất, những viễn tưởng ám ảnh nhất chỉ là những chữ tượng hình thô sơ được trạm trổ bằng đau đớn và ưu sầu để truy niệm một biến cố bất khả di dịch. Trong một thế giới được xếp đặt thông minh không cần gì phải vận dụng một cố gắng phi lý để thiết định những tình cờ mầu nhiệm đó. Quả thật, việc đó vô nghĩa, bởi vì nếu con người dựng lại để nhận định, ai là kẻ bằng lòng với sự giả tạo trong khi cái chân thật ở ngay trong tầm tay mình? Ai còn muốn vặn nút máy truyền thanh và lắng nghe, Beethoven chẳng hạn vậy, khi chính hắn có thể cảm nghiệm những hòa âm mà Beethoven đã cố gắng ghi lại một cách tuyệt vọng? Một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, nếu đạt tới một cái gì, phục vụ chúng ta hồi tưởng, hay có thể nói khiến chúng ta mộng tưởng về cái không thể đụng chạm tới được. Nghĩa là vũ trụ vậy. Nó không thể được hiểu: nó chỉ có thể được chấp nhận hay bị khước từ. Nếu được chấp nhận, chúng ta sẽ được bồi tiếp sinh lực, nếu bị khước từ, chúng ta bị giảm thiểu. Dầu đối tượng nó nhắm đến là gì đi chăng nữa, nó cũng chẳng bao giờ đạt tới, nó luôn luôn là một cái gì thêm nữa mà chữ cuối cùng sẽ không bao giờ được nói ra. Cái gì thêm nữa ấy là tất cả những gì chúng ta đặt vào bởi lòng khao khát điều chúng ta phủ nhận mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta tự chấp nhận chúng ta một cách toàn diện, thì tác phẩm nghệ thuật, đúng ra toàn thể thế giới nghệ thuật sẽ chết vì thiếu ăn. Bất cứ một tên Ất Giáp nào trong chúng ta cũng di động mà không dùng đến chân tay ít ra vài giờ mỗi ngày, khi mắt hắn nhắm và thân thể hắn nghỉ ngơi. Một ngày kia người ta sẽ đi tới chỗ có thể thủ đắc được nghệ thuật mơ mộng trong khi hoàn toàn tỉnh thức. Rất lâu trước đó sách vở sẽ không còn nữa, bởi khi người ta có thể vừa hoàn toàn tỉnh táo vừa mơ mộng thì những khả năng giao cảm (với nhau cũng như với tinh thần điều động nhân loại) sẽ được gia tăng mạnh mẽ đến nỗi khiến cho tác phẩm nghệ thuật chẳng khác nào những tiếng càu nhàu gắt gỏng và rời rạc của một tên ngốc.
Nằm trong bóng tối hoài niệm về một ngày mùa hạ, tôi suy nghĩ và biết tất cả điều đó mà không luyện hay ngay cả cố gắng ít nhiều chân thành, luyện nghệ thuật đọc chữ tượng hình sơ đẳng. Ngay cả trước khi bắt đầu, tôi ghê tởm sự cố gắng của những bậc thầy được công nhận. Không có đủ khả năng cũng như sự hiểu biết để làm dù là một cái cửa chính ở mặt tiền của một lâu đài lớn, tôi phê bình và ta thán chính ngành kiến trúc. Nếu tôi chỉ là viên gạch tí hon trong ngôi nhà thờ lớn kiểu cổ này có lẽ tôi sẽ sung sướng hơn bội phần: tôi sẽ có đời sống, đời sống của toàn thể cơ cấu, dù như một thành phần cực tiểu của nó. Nhưng tôi ở bên ngoài, mọi tên mọi rợ không vẽ nổi vài nét phác nguệch ngoạc, hướng hồ cả một đồ hình của tòa lâu đài hắn mơ ước ngụ cư. Tôi mơ ước một thế giới mới huy hoàng rực rỡ nhưng sụp đổ ngay khi ánh sáng dọi lên. Một thế giới biến mất nhưng không chết bởi tôi chỉ cần trở nên tĩnh lặng trở lại và mở to mắt nhìn vào bóng tối là nó lại hiện ra… Vậy thì trong tôi có một thế giới hoàn toàn không giống bất cứ thế giới nào tôi biết. Tôi không nghĩ rằng đó là của đặc hữu của tôi - chỉ có khía cạnh nhìn của tôi là đặc biệt thôi bởi nó độc nhất vô nhị. Nếu tôi nói ngôn ngữ của viễn quan độc nhất này, thì không ai hiểu tôi cả: tôi tha hồ xây một tòa lâu đài dù đồ sộ đến đâu thì nó vẫn vô hình. Tôi bị tư tưởng này ám ảnh. Ích lợi gì khi xây dựng một miếu đường vô hình vô ảnh? (…)
Chính trong phòng làm việc của Ulric cách đây mấy tháng không lâu tôi hoàn tất cuốn sách đầu tiên của tôi - cuốn sách viết về mười hai người đưa điện tín. Tôi thường làm việc trong phòng của anh hắn, nơi trước đây ít lâu một tên chủ bút tạp chí, sau khi đọc mấy trang của một truyện ngắn chưa in, lạnh lùng báo cho tôi biết rằng tôi chẳng có một chút xíu tài năng nào, rằng tôi chẳng biết ngay cả điều sơ đẳng về nghệ thuật viết – tóm lại hoàn toàn thất bại và tốt hơn cả, con ơi, là quên văn nghệ đi, ráng kiếm ăn một cách lương thiện. Một tên ngớ ngẩn khác đã biết một cuốn sách rất thành công về Jesus – người thợ-mộc đã nói với tôi tương tự như vậy. Nếu những lá thư từ chối có chút giá trị nào thì đó chỉ là sự trợ gúp để hỗ trợ cho sự phê bình của những đầu óc báo động này “Những thằng chó chết này là những tên nào vậy?” Tôi thường hỏi Ulric. “Chúng nó căn cứ vào đâu để nói với tôi những điều đó? Chúng nó đã làm được cái quái gì, trừ việc chứng tỏ rằng chúng biết cách kiếm tiền?
Vậy là tôi đã nói về Joey và Tony. Tôi nằm trong bóng tối, như cành củi nhỏ trôi bồng bềnh trong dòng Kourochivo. Tôi trở lại câu thần chú đơn giản, rơm rạ làm ra gạch ngói, nét phác thô sơ, miếu đường phải dựng trên thịt da xương máu, và tự khiến mình biểu lộ trước mắt toàn thể thế giới. Tôi trở dậy và vặn ngọn đèn êm dịu. Tôi cảm thấy trầm tĩnh và sáng suốt tựa một bông sen mãn khai. Không một bước đi tới đi lui tàn bạo, không bứt tóc nhổ râu tận gốc rễ. Tôi chậm rãi ngồi xuống một chiếc ghế cạnh bàn và với một cây bút chì, tôi viết. Tôi mô tả bằng những chữ đơn giản cảm giác nắm tay mẹ và băng qua cánh đồng hoe nắng như thế nào, cảm giác nhìn thấy Joey và Tony chạy về phía tôi cánh tay mở rộng, mặt hân hoan rạng rỡ như thế nào. Tôi đặt viên gạch nọ lên viên gạch kia như một người thợ hồ lương thiện. Một cái gì có tính chất vươn lên đã xẩy ra – không một ngọn cỏ chồi lên nhưng là một cái gì có tính cách cơ cấu, một cái gì bằng phẳng. Tôi không gắng sức để kết thúc nó; tôi ngừng lại khi tôi đã nói tất cả những gì tôi có thể nói. Tôi đọc lại điều tôi viết, một cách bình thản. Tôi xúc động đến nỗi nước mắt tôi trào ra. Đó không phải là cái để đưa cho một ông chủ bút: đó là một cái gì để cất vào ngăn kéo, để giữ như một nhắc nhở cho những quá trình tự nhiên như một hứa hẹn viên thành.
Mỗi ngày chúng ta tàn sát những xung lực tinh túy nhất của chúng ta. Đó là lý do tại sao ta đau nhói trong tim khi đọc những dòng viết bởi bàn tay một bậc thầy và nhận thấy chúng chính là của chúng ta, là những chồi non mềm mại mà chúng ta đã làm thui chột đi bởi chúng ta thiếu lòng tin để tin tưởng vào những khả năng của chúng ta, tiêu chuẩn chân thiện mỹ của riêng chúng ta. Bất cứ người nào, khi hắn tĩnh lặng, khi hắn trở nên lương thiện với chính mình một cách tuyệt vọng, đều có thể nói lên những sự thực sâu xa. Tất cả chúng ta đều phát nguyên từ một nguồn. Chẳng có chi huyền bí về nguồn gốc của sự vật. Tất cả chúng ta đều tham dự vào sự sáng tạo. Tất cả chúng ta đều là vua chúa, tất cả chúng ta đều là thi sĩ, tất cả chúng ta đều là nhạc sĩ: chúng ta chỉ cần mở tung, để khám phá xem cái gì đã sẵn có ở đó.
Điều xẩy ra cho tôi trong khi viết về Joey và Tony tương đương với sự phát lộ. Tôi được khải ngộ rằng tôi có thể nói điều tôi muốn nói - nếu tôi không nghĩ đến một điều gì khác, nếu tôi đặc biệt chú tâm đến điều đó mà thôi – và nếu tôi sẵn sàng cam chịu những hậu quả mà một hành động thuần túy luôn luôn bao hàm.
*
Commandments
Work on one thing at a time until finished.
Start on more new books, add no more new material to Black Spring.
Don’t be nervous. Work calmly, joyously, recklessly on whatever is in hand.
Work according to Program and not according to mood. Stop at the appointed time!
When you can’t create you can work.
Cement a little every day, rather than add new fertilizers.
Keep human! See people, go places, drink if you like it.
Don’t be a draught-horse! Work with pleasure only.
Discard the program when you feel like it but go back to it next day. Concentrate. Narrow down. Exclude.
Forget the books you want to write. Think only of the book you are writing.
Write first and always. Painting, musics, friends, cinema: all these come afterwards.
Mười một điều răn
Hãy làm một việc trong một thời hạn cho đến khi hoàn tất.
Không khởi sự một cuốn sách nào mới nữa, không thêm chất liệu mới nào nữa vào cuốn Mùa xuân đen”.
Đừng nóng nẩy. Hãy làm việc một cách bình thản, vui vẻ, khoái hoạt với bất cứ cái gì có trong tay.
Làm việc theo chương trình chứ không theo tâm tính. Dừng lại ở thời gian ước định.
Khi bạn không thể sáng tạo bạn vẫn có thể làm việc.
Củng cố một ngày một chút hơn là thêm phân bón.
Giữ nhân tính! Thăm người, viếng cảnh, uống rượu nếu thích.
Đừng là một con ngựa kéo xe! Chỉ làm việc với thích thú thôi.
Dẹp chương trình sang một bên nếu cảm thấy thích nhưng trở lại với nó ngày hôm sau. Tập trung tinh thần. Thu hẹp lại. Loại trừ.
Hãy quên những cuốn sách bạn muốn viết, chỉ nghĩ tới cuốn sách bạn đang viết thôi.
Viết trước hết và luôn luôn. Hội họa, âm nhạc, bạn hữu, cinema, tất cả những thứ đều đến sau.
Trên đây là những điều răn Henry Miller đặt ra cho mình vào những năm 1932-1933, thời kỳ sáng tạo nhất của ông, khi ông đang viết cuốn Mùa xuân đen. Nhưng những điều răn này còn có thể áp dụng cho ông mọi lúc và cho mọi nhà văn. Đó là những lời răn vô cùng thiết thực: kỷ luật mà bất cứ nhà văn nào cũng phải tuân theo khi sáng tác.
Dưới đây là chương trình làm việc hàng ngày của ông. Những điều răn và Chương trình này được thu thập trong Henry Miller Miscellanea.
Mornings:
If groggy, type note and allocate, as stimulus.
If in fine fettle, write.
Afternoons:
Work on section in hand, following plan of section scrupulously. No intrusions, no diversions. Write to finish one section at a time, for good and all.
Evenings:
See friends. Read in cafés.
Explore unfamiliar sections - on foot if wet, on bicycle, if dry.
Write, if in mood, but only on Minor Program.
Paint if empty or tired.
Make notes. Make Chart, Plans. Make corrections of MS.
Note: Allow sufficent time during daylight to make an occasional visit to museums or an occasional sketch or occasional bike ride. Sketch in cafés and trains anh streets. Cut the movies! Library for references once a week.
Buổi sáng:
Nếu váng vất, đánh máy ghi chú và phân phối để gợi hứng.
Nếu khoẻ khoắn, viết.
Buổi chiều:
Làm việc theo phân đoạn trong tay, theo sát sơ đồ của phân đoạn một cách chi li. Đừng bức bách, đừng xao lãng. Luôn luôn viết cho xong một phân đoạn trong một thời hạn.
Buổi tối:
Thăm bạn hữu. Đọc trong quán café.
Thám hiểm những đoạn xa lạ - bằng mọi cách.
Viết, nếu hứng, nhưng chỉ viết theo Chương Trình Phụ thôi.
Vẽ nếu trống rỗng hay mệt mỏi.
Ghi chú. Lập Đồ Biểu, Dàn Ý. Sửa BT.
Chú thích: Trong lúc ban ngày dành thì giờ đủ cho phép thỉnh thoảng thăm viếng viện bảo tàng hay phác họa hoặc đạp xe máy đi chơi. Phác họa trong quán café, trên xe hỏa và ở ngoài phố. Nghỉ coi chiếu bóng! Tới thư viện tham khảo mỗi tuần một lần.
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn.
No comments:
Post a Comment